Tiêm phòng Hib và những điều cần biết

Tiêm phòng Hib là một việc làm cần thiết để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm do Hib gây ra. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về tiêm phòng Hib.

Hib là gì?

Hib là tên viết tắt của Haemophilus influenzae loại b, là một loại vi khuẩn gây ra các bệnh cảnh nhiễm khuẩn từ nhẹ đến nặng ở người, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều nhất là trẻ em dưới 2 tuổi. Các bệnh thường gặp là:

  • Viêm màng não
  • Viêm phổi
  • Viêm thanh thiệt cấp
  • Nhiễm trùng huyết
  • Viêm khớp, viêm tủy xương
  • Viêm mô tế bào,..

Vi khuẩn lây lan qua giọt nước bọt bởi ho, hắt hơi, hay các hoạt động tiếp xúc gần với người hay vật dụng có chứa nước bọt của người bị bệnh như hôn, dùng chung dụng cụ ăn uống, trẻ em dùng chung núm vú cao su, đồ chơi trong nhà trẻ.

tiêm phòng Hib
Hib có thể lây qua giọt nước bọt

Có nên tiêm phòng Hib không?

Trước đây khi chưa có tiêm phòng Hib, Hib là tác nhân hàng đầu gây viêm màng não và viêm phổi ở trẻ em. Viêm màng não ngay cả khi được điều trị thì cứ 20 đứa trẻ mắc sẽ có 1 đứa trẻ tử vong. Ngoài ra, viêm màng não có thể gây ra di chứng điếc và thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và khả năng học tập của trẻ sau này.

tiêm phòng Hib
Hib gây ra viêm màng não ở trẻ em

Bên cạnh đó, Hib còn gây ra viêm thanh thiệt cấp ở trẻ em, có thể gây ra khó thở thanh quản nặng và dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp can thiệp.

Khi có các chương trình tiêm vaccine phòng Hib, các bệnh cảnh trên do Hib gây ra đã giảm đáng kể. Vì vậy, việc tiêm phòng Hib là một việc làm vô cùng cần thiết, nó sẽ  giúp con bạn tránh khỏi các bệnh nguy hiểm, giảm chi phí điều trị, bảo vệ chính con bạn cũng như những người khác. Vì như ta đã biết, Hib rất dễ lây lan, đặc biệt là các trẻ dưới 2 tuổi.

Chính vì tầm quan trọng của nó, việc tiêm phòng Hib đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng của Quốc Gia Việt Nam.

Các đối tượng nên và không nên tiêm phòng Hib

Hib dễ lây lan ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi. Vì vậy, tất cả trẻ em từ 2 tháng đến 5 tuổi đều phải được tiêm phòng Hib. Vaccine này thường được kết hợp với nhiều loại vaccine khác như bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt.

tiêm phòng Hib
Trẻ em từ 2 tháng tuổi cần được tiêm phòng Hib

Bên cạnh đó, một số đối tượng trên 5 tuổi nhưng có các yếu tố nguy cơ cao cũng được khuyến cáo nên tiêm phòng Hib như:

  • Người có chức năng lách bị suy giảm hoặc có kế hoạch cắt lách.
  • Người bị suy giảm miễn dịch do bệnh tật hoặc do điều trị y khoa ( điều trị ung thư, HIV,..)
  • Người đã từng ghép tạng hoặc đang chờ cấy ghép.
  • Người bị bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Người đã được ghép tế bào gốc tạo máu.

Bên cạnh đó, các đối tượng sau đây nên trì hoãn hoặc không nên tiêm phòng Hib:

  • Người đang có các bệnh lý cấp tính, nặng cần phải điều trị ưu tiên
  • Người đã từng có các phản ứng phản vệ khi tiêm mũi tiêm trước
  • Người dị ứng với bất kì thành phần nào trong thuốc tiêm
  • Những người có tổn thương não trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vaccine có chứa thành phần ho gà trước đó.

Các loại vaccine Hib hiện có tại Việt Nam

Hiện nay, vaccine Hib có thể là đơn giá hoặc phối hợp với các loại vaccine khác. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Quốc Gia Việt Nam, tiêm phòng Hib được tiêm phối hợp với các vaccine khác ( vaccine 5 trong 1, 6 trong 1). Một số loại vaccine hiện nay tiêm phòng Hib là:

  • Vaccine 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib): vaccine Pentaxim (Pháp), vaccine Infanrix IPV+ Hib (Bỉ)
  • Vaccine 6 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib): vaccine Infanrix Hexa (Bỉ)
  • Vaccine phòng Hib: vaccine Quimi-Hib

Các vaccine loại phối hợp sẽ giúp giảm số mũi tiêm cho trẻ và tiết kiệm thời gian cho gia đình trẻ.

tiêm phòng Hib
Vaccine Infanrix IPV Hib

Thời điểm cần tiêm phòng Hib

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Quốc gia Việt Nam, tiêm phòng Hib được thực hiện thường quy đối với trẻ từ 2 tháng tuổi, với 3 mũi tiêm vào các mốc tiêm là tháng tuổi thứ 2, thứ 3, thứ 4. Khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 1 tháng.  Loại vaccine được dùng là vaccine 5 trong 1.

Mũi nhắc lại được thực hiện khi trẻ 16-18 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn tùy theo loại thuốc tiêm. Mũi nhắc lại có thể được tiêm bằng vaccine phối hợp hoặc vaccine đơn giá (Quimi-Hib)

tiêm phòng Hib
vaccine Quimi-Hib

Địa chỉ tiêm phòng Hib uy tín, an toàn:

Các rủi ro có thể xảy ra khi tiêm phòng Hib

Vaccine tiêm phòng Hib đã được chứng minh an toàn đối với người được chích, một vài triệu chứng nghiêm trọng sau tiêm vẫn có thể xảy ra với xác suất cực kì thấp.

Một số tác dụng không mong muốn thường gặp là sốt, đau nhức, sưng tại chỗ tiêm. Các khó chịu này sẽ mau chóng khỏi với các thuốc  giảm đau thông thường. Không nên cho trẻ dùng Asprin để khắc phục các triệu chứng trên.

Giống như các loại vaccine khác, vaccine tiêm phòng Hib cũng có một khả năng rất nhỏ gây ra các phản ứng phản vệ hay nặng hơn là sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, cần nên ở lại cơ sở y tế ít nhất 15-30 phút sau tiêm để được theo dõi và xử trí kịp thời. Hãy liên hệ với cơ sở y tế ngay nếu bạn có các triệu chứng này sau khi tiêm:

  • Khó thở, thở rít, tím tái
  • Đánh trống ngực, đau tức ngực
  • Các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy, đau quặn bụng,..
  • Chóng mặt
  • Nổi các mề đay, ban đỏ trên da, ngứa
tiêm phòng Hib
tiêm phòng Hib có thể gây phản ứng phản vệ

Lời kết

Hib hay vi khuẩn  Haemophilus influenzae loại b là tác nhân gây ra các bệnh cảnh nhiễm trùng từ nhẹ đến nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi và các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao. Hib gây ra viêm màng não, viêm phổi và viêm thanh thiệt cấp có thể dẫn đến các di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Vì vậy, tiêm phòng Hib là vô cùng cần thiết, vì nó là cách tốt nhất giúp phòng tránh được bệnh do Hib gây ra.