Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh thường gặp nhất là dưới 2 tuổi là quanh độ tuổi mọc răng và tập ăn dặm của bé. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thì tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vì vậy các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về nguyên nhân cũng như cách điều trị và dự phòng tiêu chảy ở trẻ để bảo vệ sức khỏe cho con em mình. Hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay sau đây.
Tóm tắt nội dung
Thế nào là tiêu chảy ở trẻ sơ sinh?
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong 1 ngày. Ở đây cha mẹ của bé cần chú ý quan trọng là tính chất lỏng lẻo của phân ỉa ra, vì nếu chỉ là ỉa ra ngoài nhiều lần mà phân bình thường thì không phải là tiêu chảy. Ví dụ: bé được bú mẹ hoàn toàn thì đi ngoài phân sệt là bình thường.
Tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh là đợt tiêu chảy khởi đầu cấp tính kéo dài không quá 14 ngày và phân lỏng tóe nước.
Trên thực tế, tiêu chảy ở trẻ sơ sinh rất đa dạng về các tính chất khác nhau của phân và tình trạng biểu hiện của trẻ. Vậy bé có thể bị tiêu chảy thuộc vào một trong số các loại sau:
- Tiêu chảy cấp phân nước (bao gồm cả bệnh tả)
- Tiêu chảy cấp phân máu (Hội chứng lỵ)
- Tiêu chảy kéo dài
- Tiêu chảy kèm suy dinh dưỡng nặng (Bệnh Marasmus hoặc Kwashiorkor)
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Bệnh lây truyền qua đường phân – miệng là do thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn do phân của người hoặc con vật mang mầm bệnh.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh thường xảy ra do trẻ mới tập ăn dặm, giảm kháng thể thụ động, trong khi kháng thể chủ động chưa hoàn thiện. Đặc biệt trẻ có nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh tăng lên khi biết bò và tăng hoạt động cá nhân.
Điều kiện bú, ăn uống rất quan trọng trong bệnh tiêu chảy. Trẻ bú bình không không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ tiêu chảy cao gấp 10 lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
Cần phải chú ý rằng cha mẹ cũng có thể là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Ví dụ, nếu cha mẹ không có thói quen rửa tay sạch sau khi đại tiện, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, xử lý chất thải của trẻ không đúng cách… là làm tăng nguy cơ bị bệnh của bé lên rất nhiều lần.
Về tác nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh thì rất đa dạng, có thể là vi rút, vi khuẩn hay ký sinh trùng. Trong đó Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và Trực khuẩn lỵ (Shigella) gây Hội chứng lỵ phân máu, đều có thể đe dọa tính mạng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Các nguyên nhân khác ít gặp: sai lầm chế độ ăn của trẻ, dị ứng thức ăn, sử dụng kháng sinh có tác dụng phụ,…
Dấu hiệu tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Bệnh thường được các cha mẹ nhận biết khi thấy trẻ đi phân lỏng tóe nước vào tả nhiều lần trong ngày, các ngày sau trẻ biểu hiện mệt mỏi, giảm chơi đùa, ăn bú kém…
Kèm theo ỉa chảy thì trẻ có thể bị sốt, phân có nhầy máu, quấy khóc nhiều do đau bụng hay mót rặn khi đi tiêu. Đó có thể là báo hiệu của Hội chứng lỵ gây nguy hiểm cho trẻ nên cần phải đến gặp bác sĩ ngay.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh phải được phân loại mức độ mất nước. Có 3 mức độ mất nước là:
- Mất nước nặng: Trẻ ngủ li bì khó đánh thức, không uống được hay bú kém lại, cha mẹ có thể thấy trẻ bị khô môi hay da nhăn nheo.
- Có mất nước: Trẻ sẽ vật vã, kích thích với đồ chơi; khi thấy nước trẻ sẽ biểu hiện khát và uống háo hức.
- Không mất nước: Là tình trạng nhẹ nhất, nếu trẻ chỉ đi tiêu phân lỏng nhiều lần mà không có các dấu hiệu trên.
Nhưng tốt nhất là trẻ nên được bác sĩ thăm khám để đánh giá chính xác mức độ mất nước tránh trường hợp diễn tiến bệnh nặng ảnh hưởng đến tính mạng.
Cách chữa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Bộ y tế nước ta đã đưa ra phác đồ điều trị tiêu chảy ở trẻ sơ sinh như sau:
- Phác đồ A – Điều trị tiêu chảy tại nhà
- Phác đồ B – Điều trị mất nước bằng Oresol (ORS), bù dịch bằng đường uống tại cơ sở y tế
- Phác đồ C – Điều trị kịp thời tiêu chảy mất nước nặng.
Cả 3 phác đồ đều sử dụng để phục hồi lại lượng nước và điện giải bị mất khi trẻ bị tiêu chảy cấp. Nhưng chỉ có phác đồ A là được áp dụng tại nhà cho các bậc cha mẹ, còn đối với phác đồ B và C cần đến cơ sở y tế để các y bác sĩ đánh giá mức độ mất nước đúng để tính toán lượng nước và điện giải phù hợp cho trẻ.
Việc điều trị tại nhà cũng sẽ rất quan trọng đối với bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Bà mẹ cần được biết cách dự phòng mất nước tại nhà bằng cách cho trẻ uống thêm dịch nhiều hơn bình thường, tiếp tục cho ăn đủ để dự phòng suy dinh dưỡng và cần cho trẻ uống kẽm càng sớm càng tốt sẽ làm rút ngắn thời gian và mức độ trầm trọng của tiêu chảy.
Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có một trong những biểu hiện sau:
- Đi phân lỏng còn liên tục rất nhiều lần
- Có nôn ói hay thấy biểu hiện khát nước dữ dội
- Ăn uống kém hoặc bỏ bú
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị tại nhà
- Có máu trong phân hay sốt cao hơn
Các cách dự phòng tiêu chảy ở trẻ
- Nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt là trẻ sơ sinh
- Cải thiện nuôi dưỡng bằng thức ăn bổ sung nhiều loại vitamin
- Sử dụng nước sạch, tốt nhất là nước sôi để nguội
- Rửa tay thường quy đối với người giữ và cho trẻ ăn
- Thực phẩm và chế biến an toàn
- Xử lý chất thải và phân của gia đình cần phải kỹ càng, an toàn
- Phòng bệnh bằng vắc xin, phổ biến là vắc xin phòng Rotavirus.
Bác sĩ chữa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
- Bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa – Q. Tân Phú
- Bác sĩ Nguyễn Đắc Minh Châu – Q.7
Kết luận
Điều trị tiêu chảy đúng sẽ làm giảm nguy cơ tử vong nhưng không làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh viện, phòng khám là nơi tốt nhất để điều trị và hướng dẫn các thành viên của gia đình trẻ, sẽ giúp họ thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tiêu chảy hiệu quả. Khi điều trị và dự phòng tiêu chảy thì bà mẹ nên là người tiếp nhận những thông tin này từ sự tư vấn của bác sĩ.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Diarrhea in children – Healthline
- Diarrhea in infants – Mayoclinic