Bỏng dù trên diện tích da nhỏ cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Một số trường hợp còn có nguy cơ tử vong nếu không kịp thời chữa trị. Việc xử lý vết bỏng sau khi gặp tai nạn ở trẻ là điều thực sự cần thiết giúp giảm nhẹ diễn tiến bệnh, giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế di chứng về sau cho trẻ. Vậy nên xử lý khi trẻ bị bỏng ra sao? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết này.
Tóm tắt nội dung
- 1 Thế nào là bỏng ở trẻ?
- 2 Nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng
- 3 Trẻ bị bỏng nguy hiểm như thế nào?
- 4 Các bước cơ bản khi xử lý trẻ bị bỏng
- 5 Sơ cứu trẻ bị bỏng ở từng trường hợp
- 6 Những lưu ý khi xử lý trẻ bị bỏng
- 7 Điều trị bằng thuốc cho trẻ bị bỏng
- 8 Cách phòng ngừa bỏng cho trẻ
- 9 Điều trị cho trẻ bị bỏng ở đâu?
- 10 Câu hỏi thường gặp
Thế nào là bỏng ở trẻ?
Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng thường dễ gặp phải nhiều tai nạn khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày như té ngã, dị vật vào mắt hoặc mũi, cổ họng, thậm chí là bị bỏng gây ra những vết thương nghiêm trọng trên cơ thể.
Bỏng trong y khoa được xem là một loại chấn thương hay vết thương do các yếu tố vật lý (nhiệt nóng, lạnh), chất hóa học (acid, bazơ), tia bức xạ,… gây hủy hoại mô da và các tổ chức dưới da, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, di chứng nặng nề về sau, đặc biệt là ở trẻ em.
Nhận biết khi trẻ bị bỏng
Lớp da của trẻ có đặc điểm giải phẫu và sinh lý khác với người lớn. Thông thường, da của trẻ sẽ mỏng hơn và lớp tế bào sừng hóa bảo vệ da không vững chắc, lượng nước trong mô da của trẻ cũng nhiều hơn người trưởng thành. Do đó, các mức độ bỏng ở trẻ có thể gặp theo tính nghiêm trọng tăng dần như sau:
- Viêm da cấp tính do bỏng với biểu hiện là da trẻ khô, nổi ban đỏ, gây phù nề, đau rát, ê nhức xuất hiện, thường tự hết sau 2 – 3 ngày, dễ thấy lớp sừng hóa khô và bong ra.
- Bỏng biểu bì trên nền da viêm cấp tính của trẻ em sẽ xuất hiện với các nốt bỏng chứa dịch vàng nhạt, đáy nốt bỏng màu vàng ánh, ướt, có dịch xuất tiết, thường da sẽ tự tái tạo trong trường hợp này trong khoảng 8 – 12 ngày, điều trị tốt sẽ khỏi và hình thành da non.
- Bỏng trung bì biểu hiện trên da của trẻ có thể xuất hiện nốt bỏng vòm đầy, dịch nốt bỏng đục, màu hồng, đáy nốt bỏng đỏ, tím sẫm hoặc xám.Bỏng trung bì sẽ diễn tiến theo kiểu rụng hoại tử, tạo mô hạt có nhiều biểu mô rải rác và phủ lên lớp mô hạt nên hình thành sẹo bỏng.
Thông thường, trường hợp này sẽ hết và hình thành sẹo từ 18 – 45 ngày tùy thuộc vào cách điều trị và số lượng biểu mô còn nguyên vẹn. Nếu trẻ bị bỏng bị nhiễm trùng sẽ dễ chuyển thành bỏng sâu với các phần biểu mô bị tiêu hủy thứ phát. Phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay phòng khám gần nhất để được sơ cứu kịp thời:
Tình trạng trẻ em bị bỏng
Theo số liệu thống kê tai nạn tại nhà ở trẻ của Viện Bỏng Quốc gia Việt Nam thấy rằng trong 100 trường hợp bị bỏng phải nhập viện thì có khoảng ⅔ là trẻ em hoặc số trẻ bị bỏng chiếm tới 38,6 – 65,8% số người bị bỏng đến điều trị tại các bệnh viện.
Trong số các trường hợp trẻ em bị bỏng, bé trai chiếm 60,3% trong khi bé gái bị bỏng chiếm 39,7%. Trẻ bị bỏng nhiều nhất là từ 1 – 10 tuổi. Bởi ở độ tuổi này trẻ hay hiếu động, tò mò, khám phá nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm.
Nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng
Thường sẽ có nhiều nguyên nhân dễ gây nên trẻ bị bỏng. Trẻ bị bỏng có thể do tác dụng bởi nhiệt độ cao, tia lửa điện, hóa chất hay các bức xạ sẽ được mô tả chi tiết dưới đây như sau:
Bỏng do nhiệt
Trong trường hợp bỏng do nhiệt chiếm tỷ lệ 84 – 94%, riêng nguyên nhân trẻ bị bỏng do nước sôi, thức ăn nóng đã chiếm đến 67%, bỏng do lửa chiếm 24,6%. Sẽ có hai nguồn nhiệt gây bỏng cho trẻ, bao gồm:
- Nhiệt khô: Lửa, kim loại nóng đỏ, các chất khí nóng, nham thạch,…
- Nhiệt ướt: Hơi nước nóng, chất lỏng đang sôi, dầu đang sôi, nhựa đường nóng sôi, vôi tôi vừa gây bỏng ướt vừa gây bỏng kiềm,…
Bỏng do hóa chất
Trẻ bị bỏng do hóa chất do tiếp xúc với các chất hóa học ở nhà hoặc hóa chất công nghiệp bên ngoài như:
- Bỏng acid: Acid sulfuric (H2SO4), acid nitric (HNO3), acid chlohydride (HCl),…
- Bỏng kiềm: Các loại kiềm đặc mạnh như KOH, NaOH, amoniac, vôi tôi còn nóng,…
Trong đó, trẻ bị bỏng do vôi tôi nóng chiếm 6% và do các hóa chất khác là 0,4% trong tổng số các ca bỏng ở trẻ em.
Bỏng do điện
Trẻ bị bỏng do tiếp xúc gần với các tia lửa điện, nguồn điện – dòng điện (hạ thế hoặc cao thế), sét đánh,… sẽ chiếm từ 2 – 24,6% các ca bỏng.
Bỏng do bức xạ
Các bức xạ ánh sáng từ mặt trời như tia cực tím hay các tia X, tia gamma, tia laser, tia alpha, tia beta,… từ các thiết bị y khoa, thiết bị công nghiệp cũng có khả năng gây bỏng trên da cho trẻ.
Mỗi trường hợp bị bỏng sẽ có những cách xử lý khác nhau, hãy đưa trẻ đến cơ sở gần nhất để được hỗ trợ:
Trẻ bị bỏng nguy hiểm như thế nào?
Khi trẻ bị bỏng mặc dù vết thương rất nhỏ cũng có thể gây mất nước, muối, huyết tương dễ dẫn tới sốc, nhiễm trùng, nhiễm độc tế bào, suy kiệt sức khỏe có thể gây tử vong. Bỏng cũng sẽ gây đau đớn cho trẻ nhỏ, làm cho trẻ hoảng sợ, bị sốc tâm lý, sợ hãi.
Một số diễn tiến biến chứng nguy hiểm khi gặp ở trẻ bị bỏng nặng:
- Sốc: Biểu hiện tương tự ở người lớn gồm hạ huyết áp, giảm máu lưu thông do mất huyết tương qua thành mạch, thiểu niệu – vô niệu. Trẻ bị sốc thường nằm li bì, thờ ơ, mồ hôi lạnh, cơn tím tái, run tay và có thể sốt cao từ 38 – 41 độ C. Ngoài ra khi bị sốc nặng thường thấy biến chứng chảy máu cấp đường tiêu hóa như trướng bụng, phân có máu, nôn ra máu.
- Nhiễm trùng vết bỏng và nhiễm trùng máu: Tại vết bỏng thấy ướt, có mủ và dịch tiết, xuất hiện các đám xuất huyết. Tùy vào từng loại vi khuẩn gây bệnh mà nốt xuất huyết có thể nhỏ li ti hoặc mụn ban đỏ (nhiễm tụ cầu vàng) hoặc vết ban da hồng nhạt hoặc đỏ tía hợp thành đám xung huyết đỏ, có khi thấy nốt bỏng trên nền hồng ban, đáy nốt bỏng bị hoại tử loét (nhiễm trực khuẩn mủ xanh).
- Sốt cao toàn thân, đường nhiệt độ dao động, huyết áp giảm thấp.
- Ở trẻ suy dinh dưỡng do sức đề kháng yếu, thường bị nhiễm nấm Candida albicans tại vết bỏng, họng, ống tiêu hóa, đường hô hấp và máu.
- Phù dưới da, tư thế co quắp sai lệch, sai khớp, thiếu máu nặng, protein huyết tương hạ thấp, không có mô hạt hoặc mô hạt dưới da mỏng, nhợt nhạt dễ xuất huyết.
- Nếu vết bỏng sâu tự liền sẹo thường gặp các di chứng như sẹo cơ kéo và gây biến dạng chi thể khi cơ thể phát triển sau này.
Ngoài ra, bỏng sâu sẽ để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của các bộ phận cơ thể sau này. Phụ huynh cần quan tâm chú ý khi trẻ bị bỏng:
Các bước cơ bản khi xử lý trẻ bị bỏng
Theo hướng dẫn sơ cứu trẻ bị bỏng của bệnh viện Nhi Trung ương, các bước cơ bản xử lý trẻ bị bỏng như sau:
Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt
- Nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng.
- Đặt trẻ bị bỏng ở nơi an toàn, khô ráo, để sơ cứu.
- Nhanh chóng cắt quần áo, vòng, nhẫn trước trước chỗ bỏng sưng nề.
Bước 2: Đánh giá ban đầu, đảm bảo chức năng sống
- Tình trạng ý thức (tỉnh hay không)
- Đường thở (thoáng hay tắc nghẽn)
- Tuần hoàn: Mạch ngoại vi còn hay không
- Phát hiện chấn thương: Gãy xương, chấn thương sọ não, chảy máu,…
- Tiến hành xử trí cấp cứu phù hợp các tổn thương của trẻ.
Bước 3: Nhanh chóng ngâm vùng bỏng vào nước sạch
- Ngâm chỗ bòng càng sớm càng tốt (trong vòng 1 giờ đầu). Vừa ngâm rửa vừa dùng gạc lau nhẹ cho trôi dị vật, bùn đất tránh làm tổn thương da bị bỏng. Có thể đắp khăn ẩm lên vùng bỏng.
- Không dùng đá lạnh, nước đá để ngâm rửa hay chườm vết bỏng.
- Ngâm rửa từ 15 – 45 phút tới khi hết đau rát với nước sạch từ 16 – 20 độ C.
Bước 4: Che phủ tạm thời vết bỏng
- Che phủ vết bỏng bằng gạc hoặc vải sạch.
- Băng ép vết bỏng vừa phải bằng băng cuộn, băng vải, băng thun.
Bước 5: Ủ ấm, bù nước điện giải sau bỏng
- Bù nước điện giải bằng đường uống (oresol, nước cháo loãng, nước khoáng,…).
- Ủ ấm cho trẻ.
- Giảm đau cho trẻ.
- Vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Mỗi tình trạng bị bỏng sẽ được xử lý khác nhau, tìm phòng khám gần nhất để được xử lý vết thương phù hợp:
Sơ cứu trẻ bị bỏng ở từng trường hợp
Cách sơ cứu một số trường hợp trẻ bị bỏng có thể tham khảo dưới đây:
Trẻ bị bỏng bô xe máy
- Lập tức làm mát vùng da bỏng dưới vòi nước hoặc dội nhiều lần trong vài phút.
- Nếu có thuốc mỡ có thể bôi để làm dịu vết thương và giúp mau lành.
- Băng lại bằng gạc sạch.
- Đưa trẻ bị bỏng đến cơ sở y tế để thăm khám nếu nghi ngờ nhiễm trùng, da đỏ lên, sưng nhiều, trẻ bị sốt hoặc ớn lạnh,…
Trẻ bị bỏng nước sôi, lửa
- Làm mát vết bỏng dưới vòi nước chảy chậm từ 15 – 20 phút.
- Nhẹ nhàng thảo bỏ vật cứng trên vùng bỏng như giày dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
- Dùng gạc vô khuẩn che phủ vết bỏng.
- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt tư thế nằm.
- Nếu vết thương nhẹ tự liền thì có thể điều trị tại nhà theo bác sĩ hướng dẫn. Nặng hơn cần chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Quần áo trẻ bị cháy
- Chặn trẻ lại, không để trẻ hốt hoảng chạy quanh vì gió sẽ thổi bùng ngọn lửa. Đặt trẻ lên sàn, phần bỏng ở phía trên.
- Bọc trẻ trong một cái áo hay tấm mền thô dày bằng len dạ để dập lửa. Không dùng vải nilon.
- Lăn trẻ lên sàn để ngọn lửa tắt hẳn. Dội nước lên người trẻ để dập lửa và làm mát vết bỏng.
Trẻ bị bỏng hóa chất ở mắt
- Giữ đầu trẻ cúi trên một cái chậu, mở vòi nước lạnh dội qua mắt bị đau trong 20 phút. Nếu khó giữ đầu trẻ hãy lấy bình nước xối qua mắt trẻ.
- Khi mắt trẻ đã rửa kỹ, đắp một miếng khăn sạch.
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời bằng nước rửa chuyên biệt, rửa sạch hóa chất trong mắt.
Trẻ bị bỏng do điện giật
- Cắt ngay nguồn điện, dùng cây gỗ gạt dây điện, kéo trẻ xa nguồn điện.
- Làm mát vết bỏng ít nhất 10 phút dưới nước lạnh đang chảy.
- Đắp lên vết thương bằng vải sạch không lông hoặc một túi nilon sạch, rồi dán yên vị nó.
Trẻ bị bỏng nắng
- Đưa trẻ vào chỗ râm mát hoặc phòng lạnh. Cho trẻ uống nước mát.
- Làm dịu da bỏng đỏ bằng thuốc bôi ngoài da sau khi đi nắng.
- Không để trẻ tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp ít nhất 48 giờ.
- Nếu trẻ bị rộp da hoặc có dấu hiệu say nắng hãy gọi bác sĩ.
Mỗi tình trạng bị bỏng sẽ được xử lý khác nhau, tìm phòng khám gần nhất để được xử lý vết thương phù hợp:
Những lưu ý khi xử lý trẻ bị bỏng
- Khi quần áo trẻ bị cháy, tuyệt đối không cởi đồ bé ra vì quần áo dính sát vào da, khi cởi sẽ càng gây tổn thương nhiều hơn.
- Hỏi bác sĩ ngay nếu sau khi trẻ bỏng nắng bị sốt, da khô, trông bối rối thẫn thờ.
- Không nên chọc vỡ vết bóng nước, bôi đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc và công dụng (tăng nguy cơ nhiễm trùng).
- Không lấy đá lạnh hoặc nước đá để chườm vết bỏng.
- Nên mang theo chai lọ hoặc nhãn hóa chất gây bỏng cho trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ dễ dàng nhận biết loại chất gây bỏng và có hướng xử lý phù hợp.
- Ngắt thiết bị điện khi xử lý trẻ bị bỏng do điện.
Điều trị bằng thuốc cho trẻ bị bỏng
Thuốc giảm đau
Trong trường hợp trẻ bị bỏng thấy đau chỗ vết thương nhiều thì có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau paracetamol (biệt dược Hapacol 150mg, 250mg hoặc Efferalgan 150mg, 250mg) với liều từ 10 – 15mg/kg trước khi đưa đi đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Thuốc kháng sinh
Theo hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị trẻ bị bỏng, trường hợp trẻ bị bỏng nhẹ có thể dùng kháng sinh để chủ động ngừa biến chứng nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành. Các loại kháng sinh dạng thuốc mỡ, kem chứa bạc sulfadiazine 1%, bacitracin, neomycine, polymyxin B,… được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ tùy mức độ bỏng và đáp ứng điều trị thuốc.
Sau khi làm sạch và bỏ mô hoại tử, bôi lớp kem dày từ 1 – 3mm. Sử dụng 1 – 2 lần/ngày. Bôi vào tất cả các kẽ và chỗ nứt nẻ trên vết bỏng. Bôi đến khi vết thương lành.
Thuốc sát khuẩn
Trẻ bị bỏng nên dùng các dung dịch thuốc sát khuẩn như povidone-iodine, cetrimide, chlorhexidine 0,12%,… bôi trực trực tiếp lên vùng da bị bỏng để giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Sau khi vệ sinh vết bỏng bằng nước sạch, lấy một lượng phù hợp bôi lên vùng da đã vệ sinh, massage nhẹ cho thuốc phân bố đều. Bôi 1 – 2 lần/ngày, tùy theo mức độ có thể điều chỉnh theo chỉ định của bác sĩ.
Sản phẩm hỗ trợ làm dịu da và mau lành vết thương
Gel lô hội (Aloe vera gel): Đối với bỏng nhẹ thì gel lô hội là cách tốt nhất để điều trị, làm dịu vùng da bị bỏng. Bôi gel lô hội (loại hàm lượng 100%) lên vết bỏng hàng ngày hoặc lấy lá lô hội cắt từng đoạn rồi xé mỏng, áp vào da để chất gel tiếp xúc, làm dịu chỗ da bỏng.
Dầu mù u: Dầu mù u đã được sử dụng trong y học lâu đời ở châu Á, châu Phi và các đảo Thái Bình Dương với tác dụng làm dịu các tình trạng da như vết bỏng. Ngoài ra, dầu còn có đặc tính tái tạo da và chữa lành vết thương nhờ kích thích tăng sinh tế bào biểu mô.
Sau khi đã ngâm và rửa sạch vết bỏng bằng nước mát và nước muối sinh lý. Tiếp theo, sẽ thoa một lượng vừa đủ dầu mù u lên vùng da bỏng, chú ý thoa nhẹ nhàng, tránh bong vết thương. Một ngày có thể thoa nhiều lần, qua 1 – 2 ngày sẽ thấy vết bỏng đỡ hơn rất nhiều.
Chiết xuất rau má: Rau má là một loại thảo mộc được sử dụng lâu dài trong y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ, dùng để điều trị một số bệnh ngoài da và giảm sưng. Do các hoạt chất pseudo saponin (Madecassoside) trong chiết xuất rau má sẽ kích thích quá trình tăng sinh collagen trên da nên sẽ hữu ích trong điều trị các vết thương do bỏng, liền sẹo và mờ sẹo.
Cách phòng ngừa bỏng cho trẻ
- Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn, gần nguồn điện, ổ cắm điện,…
- Tránh để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ như nồi canh, phích nước, ấm nước, bàn là nóng, ống xả xe máy, hơi nồi áp suất, nồi cơm điện,…
- Khi di chuyển nước sôi, đồ ăn mới nấu,… nên tránh xa trẻ để không va đụng.
- Luôn kiểm tra nhiệt độ thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.
- Cất các chất dễ cháy nổ vào tủ có khóa hoặc xa tầm với của trẻ.
- Không nên để trẻ tự tắm dưới vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm rửa.
- Không cho trẻ tự ý dùng diêm quẹt, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, cồn, xăng, bình gas, hóa chất, bếp đang đun nấu,…
- Luôn trông chừng trẻ đúng cách, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
- Trẻ phải bôi kem chống nắng, đội nón, mặc áo quần kín tay chân khi ra ngoài nắng.
- Thoa kem chống nắng lần nữa khi trẻ dưới nước lên nếu đi bơi hay tắm biển.
- Cho trẻ mặc quần áo chống tia cực tím khi đi nắng.
- Dạy trẻ không nghịch ngợm, sờ mó dây điện, ổ cắm,…
Dù xử lý vết thương bỏng ở trẻ bằng phương pháp này đi chăng nữa, cha mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện:
Điều trị cho trẻ bị bỏng ở đâu?
Dưới đây là một số phòng khám điều trị trẻ bị bỏng uy tín có thể tham khảo:
- Phòng khám Nhi Đồng Diamond Ký Con: 142 đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM.
Phòng khám với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhi đồng nhiều kinh nghiệm như BS.CK1. Trần Ngọc Lưu – khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 hơn 10 năm kinh nghiệm, BS Lê Quang Mỹ – BV Nhi đồng 2 tiếp nhận các ca chấn thương như bỏng ở trẻ,…
- Phòng khám Vigor Health: 102A Trương Định, phường 9, quận 3, TPHCM.
Phòng khám hơn 10 năm kinh nghiệm chăm sóc, thăm khám sức khỏe, chữa bệnh với đội ngũ bác sĩ lên đến 30 năm kinh nghiệm và tu nghiệp các cơ sở trong nước và quốc tế với nhiều chuyên môn trong đó có da liễu,…
- Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare: 37 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM.
Phòng khám là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và uy tín ở TP.HCM, tấp hợp các bác sĩ ở BV Nhi đồng 2, An Sinh, Chợ Rẫy,… với đủ các chuyên khoa trong đó có Nhi khoa.
- Phòng khám Da liễu Dr Michaels: 87 Trần Não, Bình Khánh, TP. Thủ Đức, TPHCM.
Là một trong những phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín với phương pháp điều trị Dr. Michaels thử nghiệm trên lâm sàng độc lập bởi các giáo sư da liễu hàng đầu thế giới với việc sử dụng thảo dược thiên nhiên từ Úc cho hiệu quả đến 90%, an toàn cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
- Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Táo Đỏ: 30/1A Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, TPHCM.
Được thành lập năm 2011 với mô hình chuẩn hóa Singapore, chuyên trị các bệnh về da và thẩm mỹ cho da như trị các loại seo do chấn thương như bỏng,…
- Phòng khám chuyên khoa Da liễu Trần Thịnh: 980 Trần Hưng Đạo, phường 7, quận 5, TPHCM.
Phòng khám thành lập năm 2017, là phòng khám uy tín của bác sĩ Thịnh chuyên chẩn đoán, xác định bệnh da liễu, kê đơn thuốc điều trị bệnh như sẹo trên da do chấn thương như bỏng,…
Câu hỏi thường gặp
Trẻ bị bỏng bô xe máy bôi thuốc gì?
Trẻ cần rửa vết bỏng và bôi Biafine hoặc Panthenol. Tuy nhiên, cần theo dõi tình hình của trẻ và liên hệ kịp thời cho bác sĩ nếu có bất kỳ bất thường nào.
Trẻ bị bỏng nước sôi bôi thuốc gì?
Cha mẹ có thể sử dụng kem bôi chứa thành phần bạc sulfadiazine 1%. Tuy nhiên, cần theo dõi tình hình của trẻ và liên hệ kịp thời cho bác sĩ nếu có bất kỳ bất thường nào.
Trẻ bị bỏng nước sôi có để lại sẹo không?
Trẻ bị bỏng nước sôi nếu được sơ cứu đúng cách khả năng cao sẽ không để lại sẹo.
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Chỉ nên bôi mỡ trăn cho vết bỏng nhẹ ngoài da. Tuyệt đối không bôi mỡ trăn lên vết thương hở.
Bé bị bỏng kiêng ăn gì?
Trẻ bị bỏng nên kiêng ăn một số loại thức ăn: trứng, rau muống, thịt bò, gạo nếp, thịt gà, hải sản và các loại thực phẩm đã qua chế biến chứa nhiều muối natri, chất béo, đường,…
Hi vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có nhiều thông tin quan trọng về hướng dẫn sơ cứu cũng như hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến trẻ bị bỏng như thế nào mà có biện pháp phòng ngừa phù hợp cho những trẻ nhỏ trong gia đình.
- https://benhviennhitrunguong.gov.vn/so-cuu-khi-tre-bi-bong.html
- https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/cac-mo-hinh-an-toan/huong-dan-so-cuu-khi-tre-bi-bong-va-cham-soc-vet-bong-dung-cach
- http:/bvquany7a.vn/bong
- http:/benhvien108.vn/xac-dinh-muc-do-va-xu-tri-dieu-tri-bong.htm
- https://syt.bacgiang.gov.vn/khuyen-cao-phong-chong-bi-bong-o-tre-em/