3 cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà mà bố mẹ cần biết

Sức khỏe của con trẻ luôn là mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ. Trẻ em thường mắc phải rất nhiều căn bệnh, trong đó, trẻ bị sốt là vấn đề thường gặp nhất. Phần lớn các căn nguyên gây sốt là do nhiễm virus, vì vậy trẻ sẽ tự hết sốt sau vài ngày. Tuy nhiên cha mẹ nên đưa trẻ bị sốt đi khám ngay nếu có các biểu hiện nguy hiểm. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ gửi đến bạn thông tin về “3 cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà mà bố mẹ cần biết”

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Uyên, chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.

Trẻ bị sốt và những triệu chứng thường gặp

Sốt là một triệu chứng phổ biến ở trẻ em. Trẻ em bị sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với nhiều căn bệnh, trong đó phổ biến nhất là các bệnh liên quan đến nhiễm trùng. Nhiệt độ bình thường trong cơ thể trẻ em sẽ dao động khoảng 36.5-37.5 độ C. Khi trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên trên 38 độ C. Khi một đứa trẻ bị sốt, các triệu chứng có thể xuất hiện như:

  • Bé cảm thấy mệt mỏi, không muốn chơi đùa
  • Trông nhợt nhạt, thiếu sức sống
  • Bé trở nên biếng ăn, có thể nôn
  • Cáu kỉnh, dễ khóc, khó chịu
  • Trẻ than nhức đầu hoặc đau nhức toàn thân
  • Có thể xuất hiện co giật khi trẻ bị sốt cao
Trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt và những điều cha mẹ cần biết

Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ, bố mẹ có thể điều trị hạ sốt cho bé. Tuy nhiên, bố mẹ cần theo dõi biểu hiện của bé bởi sốt là triệu chứng ban đầu của một số căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những biến chứng về sau. Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt ở nhà, nếu bé có những biểu hiện sau thì bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ quan y tế để được hỗ trợ lập tức:

  • Sốt cao liên tục 39°C.
  • Bé mê man, ngủ li bì, khó đánh thức, lừ đừ, bỏ bú , bỏ bữa ăn.
  • Bé tiểu ít hoặc không đi tiểu trong 24h.
  • Trẻ bị sốt tay chân lạnh, da xanh xao, tái nhợt
  • Nôn mửa nhiều, có biểu hiện mất nước nghiêm trọng
  • Khóc liên tục, không ngừng nghỉ
  • Trẻ bị sốt cao không giảm sau khi đã uống thuốc hạ sốt
  • Trẻ bị sốt phát ban, sau khi sốt cao giảm dần, trẻ bị nổi mẩn đỏ.
  • Trẻ bị sốt chân tay lạnh, đầu nóng
  • Trẻ bị sốt co giật.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi
  • Trẻ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, bệnh phổi, thần kinh.

Khi trẻ bị sốt thường sẽ đi kèm với triệu chứng ho, sổ mũi. Tuy nhiên trong một vài trường hợp như sốt do mặc quần áo quá nhiều, mọc răng, sau khi tiêm vắc xin, sốt phát ban, sốt rét…trẻ sẽ sốt nhưng không kèm ho và sổ mũi.

Nếu trẻ bị sốt co giật, mẹ hãy bình tĩnh và làm các bước sau rồi mới đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất:

  • Đặt trẻ nằm nghiêng một bên, không để đầu gập xuống để dễ thở, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, sạch sẽ.
  • Nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo, không mặc quần áo kín, không đắp chăn mền cho trẻ.
  • Khi trẻ lên cơn co giật mà cắn chặt hàm, hãy đặt cây đè lưỡi (không dùng những vật cứng) vào miệng, tránh việc trẻ cắn vào lưỡi.
  • Đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ.Tùy vào cân nặng mà dùng thuốc hạ sốt với liều thích hợp (thông thường 10 – 15mg/kg/lần). Khi trẻ lên cơn co giật, không cho trẻ uống nước hay thuốc vì dễ gây sặc.
  • Lau mát: Kết hợp với việc dùng thuốc, mẹ có thể lau người cho trẻ bằng nước ấm, không dùng nước lạnh, nước đá ở nách, trán, bẹn, thay khăn liên tục để nhiệt độ cơ thể giảm xuống.
  • Sau khi triệu chứng co giật và sốt ở trẻ giảm, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt

Bản chất sốt là cơ chế miễn dịch chống lại sự xâm nhập của các tác nhân nhiễm trùng, virus , vi khuẩn. Khi cơ thể bị tấn công bởi các tác nhân này, hệ miễn dịch sẽ đưa tín hiệu lên não và thực hiện những quá trình giúp ngăn chặn, tiêu diệt các tác nhân có hại để bảo vệ cơ thể. Quá trình miễn dịch này có thể làm tăng thân nhiệt gây ra sốt, khiến cho trẻ mệt mỏi, khó chịu.

Tuy nhiên, đôi khi sốt được gây ra bởi các bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn: nhiễm trùng tai, bàng quang hoặc thận, nhiễm trùng máu, viêm phổi, hoặc viêm màng não… Những bệnh lý nguy hiểm này đều có thể làm trẻ bị sốt. Trong trường hợp này, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bé.

Ngoài ra, trẻ em bị sốt còn do quá trình mọc răng. Khi sắp mọc răng, trẻ sẽ khóc nhiều, biếng ăn kèm theo sốt nhẹ trong khoảng thời gian ngắn. Khi răng mới mọc hoàn chỉnh, triệu chứng sốt sẽ giảm dần.

Sốt cũng có thể do chịu tác dụng phụ sau khi tiêm phòng. Phản ứng nhẹ sau khi tiêm phòng vắc xin như sốt nhẹ, đau, sưng tại chỗ tiêm,… là những dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang tạo ra các kháng thể mới. Thông thường, những phản ứng này sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày.

Trẻ em bị sốt còn có thể do bố mẹ mặc cho bé quần áo quá nhiều. Do nhiệt độ cơ thể của trẻ cao hơn so với người lớn, nên khi mặc quần áo ấm, nhiều khiến trẻ khó thoát nhiệt, gây sốt mà không kèm ho, sổ mũi. 

Trẻ bị sốt rét thường có biểu hiện trẻ bị sốt nhưng không ho sổ mũi, sốt kéo dài liên tục, trẻ rét run, chân tay lạnh nhưng cơ thể sốt cao. Khi trẻ bị sốt rét mẹ không nên đắp chăn, mặc kín, ủ ấm cho trẻ dễ khiến tình trạng nặng hơn.

Trẻ bị sốt và đau bụng quanh rốn là dấu hiệu liên quan đến tình trạng rối loạn tiêu hóa như: viêm dạ dày, ruột, viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột non…

Trên đây là một số nguyên nhân khiến trẻ bị sốt. Đây có thể là biểu hiện bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ. Bố mẹ cần theo dõi sát bé để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả. Nếu bé có biểu hiện bất thường, kéo dài cần đưa bé đi gặp bác sĩ để điều trị tránh hậu quả nghiêm trọng về sau.

Trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt và những điều cha mẹ cần biết

Cách nhận biết trẻ bị sốt

Thân nhiệt bình thường ở trẻ dao động trong khoảng từ 36.5 độ C – 37.5 độ C. Tuy nhiên thân nhiệt thay đổi phụ thuộc vào một số yếu tố như: trẻ càng nhỏ thì thân nhiệt càng cao, thân nhiệt thấp nhất vào buổi sáng, cao nhất vào trưa chiều, tăng sau hoạt động thể lực, chạy nhảy, chơi đùa…Nếu trong những trường hợp này thì đây là biểu hiện sinh lý bình thường, không phải là sốt.

Để nhận biết trẻ bị sốt, các mẹ cần hiểu và biết cách đo nhiệt kế đúng.Mẹ có thể đo thân nhiệt cho trẻ bằng nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế hồng ngoại hay thậm chí cả bằng điện thoại thông minh. Khi nhà có trẻ nhỏ, bố mẹ phải chuẩn bị cho mình ít nhất một thiết bị nhiệt kế tại nhà để kiểm tra nhiệt độ cho bé. Bố mẹ không nên chọn nhiệt kế thủy ngân, bởi loại nhiệt kế này dễ bị vỡ trong quá trình sử dụng. Khi vỡ, có thể gây tổn thương cho bé hoặc khiến bé bị nhiễm độc thủy ngân.

Bố mẹ có thể đo nhiệt kế cho bé tại các vị trí sau:

  • Hậu môn: cho kết quả chuẩn nhất. Thoa chất bôi trơn vào đầu nhiệt kế. Đặt trẻ nằm sấp, đưa nhẹ nhiệt kế vào sâu trong hậu môn khoảng 1.3 – 2,5cm, giữ nguyên nhiệt kế trong hậu môn 3 phút.
  • Miệng: cho ra nhiệt độ thấp hơn so với nhiệt độ hậu môn khoảng 0.6°C thường sử dụng cho trẻ lớn có thể hợp tác. Trước khi đo, vệ sinh nhiệt kế, sau đó, đặt đầu nhiệt kế dưới lưỡi của trẻ, giữ nhiệt kế bằng môi, giữ yên trong 1 phút đối với nhiệt kế điện tử hoặc 3 phút đối với nhiệt kế thủy ngân.
  • Nách: thường dùng nhất vì dễ thực hiện, nhưng cho ra kết quả thấp hơn so với hậu môn. Mẹ lau khô nách cho bé, sau đó, đưa nhiệt kế vào nách, áp sát khuỷu tay vào ngực, giữ yên trong khoảng 4-5 phút.
  • Trán: sử dụng nhiệt kế hồng ngoại, không cần tiếp xúc trực tiếp vào trán vẫn cho ra kết quả sau 1-3s.

Nhiệt kế hồng ngoại rất thường được sử dụng tại nhà, công sở và bệnh viện. Cơ chế hoạt động của nhiệt kế hồng ngoại là đo lượng nhiệt tỏa ra từ động mạch cho kết quả khá gần với thân nhiệt. Tuy nhiên, phương pháp đo này dễ sai số do cách đo.

Điện thoại thông minh dựa trên cảm biến nhiệt và kết hợp với ứng dụng theo dõi cơn sốt. Tuy nhiên phương pháp này chưa được nghiên cứu rộng rãi về tính chính xác nên chưa được khuyên dùng.

Trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt và những điều cha mẹ cần biết

Cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà

Nếu như bé nhà bạn bị sốt, nhưng không tìm được những nguyên nhân lý giải, mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Khi đã biết rõ nguyên nhân gây ra sốt, cũng như tình trạng của bé có thể điều trị tại nhà thì nhiệm vụ của cha mẹ là kiểm soát nhiệt độ trong thời gian chờ bệnh đáp ứng thuốc. Việc điều trị tại nhà sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn do bố mẹ chưa có kinh nghiệm cũng như chưa biết cách xử lý trong những tình huống bất ngờ. Bố mẹ hãy tham khảo những cách như sau:

Kiểm soát nhiệt độ

Khi chăm sóc trẻ bị sốt, mẹ cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ . Tốt nhất nên trang bị một loại nhiệt kế tại nhà và đo nhiệt độ cho bé mỗi 4 giờ. Khi thân nhiệt của bé tăng quá cao và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay. Sốt có thể là biểu hiện ban đầu của những căn bệnh nguy hiểm cho nên bố mẹ nên theo dõi, quan sát cẩn thận không được lơ là, chủ quan.

Các phương pháp hạ sốt có thể dùng

Các loại thuốc hạ sốt thường dùng cho bé có các hoạt chất như Paracetamol, Ibuprofen bạn có thể dễ dàng mua ở các hiệu thuốc, không sử dụng Aspirin. Tuy nhiên, mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng với tình trạng sức khỏe của bé. Mẹ cần sử dụng đúng liều lượng, đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh tình trạng nôn nóng mà sử dụng sai cách.

Dùng nước ấm phải mát hơn nhiệt độ cơ thể bé, lau mát ở các vùng cổ, nách, bẹn…có tác dụng giảm nhiệt độ trong thời gian ngắn nhưng tăng cảm giác khó chịu cho trẻ, nên không được khuyến cáo sử dụng thường xuyên. Khi sử dụng cách này, mẹ nên chú ý thời gian trong khoảng 10-15 phút, tránh việc để lâu khiến trẻ bị nhiễm lạnh.

Mặc nhiều quần áo hay đắp chăn quá ấm có thể khiến thân nhiệt tăng nhanh. Khi trẻ bị sốt, vùng bẹn háng của trẻ có sự gia tăng nhiệt độ rất lớn nên mẹ không nên đóng bỉm cho bé lúc này. Tuy nhiên, mặc quần áo mỏng lại có thể khiến cơ thể bạn bị nhiễm lạnh. Vì vậy bạn nên lựa chọn quần áo phù hợp với nhiệt độ xung quanh, đảm bảo sự thông thoáng, thoải mái cho trẻ.

Trẻ bị sốt vẫn có thể nằm điều hòa nhiệt độ mát mẻ giúp bé dễ chịu cũng như đẩy lùi cơn sốt nhanh hơn. Tuy nhiên, bố mẹ cần sử dụng đúng cách để đạt hiệu quả, tốt cho sức khỏe của trẻ như: đảm bảo nhiệt độ phù hợp, không bật 24/24h, không để gió điều hòa thổi thẳng vào người bé…

Thân nhiệt tăng cao do sốt dễ khiến trẻ bị mất nước. Do đó, mẹ cần cho bé uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước do sốt, các loại nước bao gồm: nước oresol, nước sôi để nguội, nước dừa, sữa, nước trái cây…Trong thời gian này, mẹ không được cho bé uống nước ngọt, nước có ga, cà phê, trà vì chúng khiến cho tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, mẹ nên cho bé ăn thức ăn loãng như súp, cháo…để bổ sung nước cũng như dưỡng chất cho bé. 

Trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt và những điều cha mẹ cần biết

Dinh dưỡng cho trẻ bị sốt

Khi bị sốt, trẻ thường mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Đây là biểu hiện bình thường nhưng bố mẹ hãy cố gắng động viên bé ăn đủ bữa, ăn đầy đủ để bổ sung dinh dưỡng, tránh tình trạng trẻ mệt hơn do thiếu chất. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng cũng rất quan trọng trong việc đẩy lùi cơn sốt. Thực đơn cho trẻ bị sốt cần đảm bảo giàu dinh dưỡng, đạm cao, ít chất béo.

Hai hoặc ba ngày đầu tiên có thể cho bé ăn uống thức ăn lỏng như súp, nước trái cây hoặc sữa (nếu không có tiêu chảy). Cung cấp cho trẻ các loại thực phẩm mềm, nhạt, dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ như cháo, ngũ cốc, sữa và trái cây.. . Bên cạnh đó, bé cần bổ sung Vitamin A, B, C, Canxi và tránh các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.

Sau khi sốt, có thể trẻ sẽ bị nổi phát ban. Tình trạng này cũng giống như sốt khiến trẻ khó chịu cộng thêm ngứa ngáy. Lúc này, mẹ cần hạn chế cho bé đi ra ngoài nhiều tiếp xúc với gió trời, chỉ nên để bé trong nhà, trong môi trường nhiệt độ bình thường, sạch sẽ, thoáng mát.

Mẹ nên tắm cho bé bằng nước muối hoặc sữa tắm lành tính theo chỉ định của bác sĩ, tránh dùng sữa tắm, hóa chất rửa mạnh khiến da trẻ bị kích ứng hơn. Sau khi tắm thì lau khô người và mặc quần áo thoáng mát, dễ chịu, không mặc quần áo bí, bó sát, quá kín, không đắp chăn mền. Mẹ cần cho bé uống nhiều nước, chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, tránh thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, nước ngọt…

Phòng chống sốt và các căn bệnh gây ra sốt

Việc hạn chế trẻ bị sốt phụ thuộc rất lớn vào môi trường, sự chăm sóc của gia đình cũng như việc vệ sinh cá nhân của từng người. Hãy ngăn ngừa sự lây lan của virus và vi khuẩn bằng cách:

  • Đeo khẩu trang cho bé khi phải tiếp xúc nơi đông người
  • Rửa sạch tay với xà phòng khử khuẩn sau khi chơi đùa, tiếp xúc với mọi người, trước và sau khi ăn…
  • Dùng giấy hoặc tay che miệng và mũi khi hắt hơi và ho
  • Lựa chọn, vệ sinh thực phẩm trước khi chế biến, cho bé ăn chín uống sôi đảm bảo, tránh vi khuẩn, virus
  • Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay ngọt, chứa các chất kích thích như trà, cà phê, nước ngọt, nước có ga… giúp bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh bụi bẩn, ô nhiễm khói thuốc lá…
  • Lựa chọn cho bé những trang phục dễ chịu, thoải mái khi hoạt động , chơi đùa, đủ ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè.
Trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt và những điều cha mẹ cần biết

Tóm lại, trẻ bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mẹ cần biết rõ về tình trạng sức khỏe của con mình để có cách điều trị đúng cách. Bạn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu nguy hiểm của sốt.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo