Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày điều trị như thế nào?

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thường nôn trớ và quấy khóc sau khi bú. Trào ngược dạ dày ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên dẫn đến chứng ợ nóng, khó chịu ở bụng và ngực. Trẻ bị trào ngược dạ dày kéo dài có thể khiến trẻ chậm lớn, nôn ói và gây ra tổn thương thực quản của trẻ. Do đó, khi nhận thấy những triệu chứng này ở con mình, cha mẹ cần tìm hiểu về bệnh này để chăm sóc và điều trị đúng cách. Cùng Docosan tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày là tình trạng những thành phần có trong dạ dày như không khí, thức ăn, dịch dạ dày, muối mật đi ngược lên thực quản và miệng. Trào ngược thường gây trớ ít sữa ra miệng, hoặc kèm theo tiếng ợ.  Tình trạng này thường xảy ra trong khi bú hoặc sớm sau khi bú.

Hầu hết chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em sẽ tự khỏi theo thời gian nhưng một số bé sẽ cần điều trị. Trào ngược dạ dày trong một thời gian dài sẽ gây ra các vấn đề như tăng trưởng kém, nôn ói hoặc tổn thương thực quản được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản – nghiêm trọng hơn và cần được điều trị bằng thuốc.

Ở một số trẻ mắc các bệnh về thần kinh hoặc chậm phát triển, chẳng hạn như bại não thì bệnh trào ngược dạ dày sẽ kéo dài hơn bình thường.

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày
Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là do vị trí nối giữa thực quản với dạ dày (cơ thắt thực quản dưới) đóng lại không kín. Tình trạng này rất thường gặp, đặc biệt ở trẻ sơ sinh do cấu trúc cơ chưa hoàn chỉnh nên vận động cơ chưa tốt. Hầu hết tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi khi bé được 1 hoặc 2 tuổi.

Ngoài ra, một số bệnh lý đi kèm cũng làm trẻ bị trào ngược, chẳng hạn như hẹp môn vị hoặc không dung nạp sữa…

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Triệu chứng trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày có các biểu hiện này trong và sau khi bú:

  • Thường xuyên trớ hoặc nôn ói, đặc biệt là sau bú hoặc ăn.
  • Nghẹt thở hoặc thở khò khè (nếu dịch từ dạ dày đi vào trong đường thở hoặc phổi)
  • Ợ ướt hoặc nấc cụt
  • Trào thức ăn hoặc sữa kéo dài đến qua 1 tuổi
  • Cáu kỉnh hoặc quấy khóc vô cớ sau khi ăn
  • Không chịu ăn hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ
  • Không tăng cân


Một số triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu em bé nằm xuống hoặc được đặt trên ghế ô tô sau bữa ăn.

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày
Triệu chứng trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Biến chứng trào ngược dạ dày ở trẻ

Ở trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày, axit dạ dày trào đến đâu thì nơi đó bị tổn thương, chẳng hạn như:

  • Các vấn đề về hô hấp
  • Viêm thực quản
  • Chảy máu trong thực quản
  • Mô sẹo trong thực quản gây khó nuốt


Vì những biến chứng này có thể làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn, trào ngược dạ dày có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bé. Vì vậy, nếu bé không tăng cân theo sự phát triển bình thường hoặc sụt cân, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ở các bác sĩ.

Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày đi khám?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi có các dấu hiệu sau cần được đưa đi khám ngay:

  • Nôn nhiều lần, nôn ra máu hoặc dịch mật (màu xanh)
  • Tiêu chảy, tiêu máu
  • Có dấu hiệu của tình trạng viêm phổi
  • Chậm tăng cân
  • Trẻ quấy khóc kéo dài hơn hai giờ
  • Bỏ ăn, bỏ uống
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị nôn dữ dội sau mỗi lần bú
  • Trẻ lừ đừ, mệt mỏi
Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày đi khám?

Chẩn đoán trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, sau khi đã hỏi về triệu chứng và thăm khám cho bé, bác sĩ có thể tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán:

  • Siêu âm : Phương pháp này giúp phát hiện một số bệnh lý đi kèm gây trào ngược dạ dày, chẳng hạn như hẹp môn vị.
  • Đo pH thực quản : Khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản sẽ làm pH ở thực quản giảm xuống. Do đó, phương pháp này gián tiếp giúp bác sĩ xác định liệu trẻ có bị trào ngược dạ dày lên thực quản hay không. Để đo mức độ acid ở thực quản trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ vào thực quản trẻ qua đường miệng hoặc mũi. Ống này được nối với thiết bị đo nồng độ acid.
  • Chụp x-quang tiêu hóa có thuốc cản quang: Đây là một kỹ thuật chụp X-quang đặc biệt có thể cho thấy sự trào ngược của chất lỏng vào thực quản, bất kỳ kích ứng nào trong thực quản và các bất thường ở đường tiêu hóa trên. Đối với thử nghiệm, con bạn phải nuốt một lượng nhỏ chất phản quang màu phấn. Chất lỏng này xuất hiện trên phim X-quang và cho thấy quá trình nuốt.
  • Nội soi dạ dày: Bác sĩ trực tiếp xem xét thực quản, dạ dày và một phần ruột non bằng một camera sợi quang cực nhỏ. Trong quá trình soi, các bác sĩ cũng có thể sinh thiết (lấy một mẫu nhỏ) niêm mạc của thực quản để xét nghiệm nếu có tổn thương ở vùng thực quản do axit dạ dày trào ngược lên.
Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày
Chẩn đoán trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ

Điều trị trào ngược dạ dày phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của trẻ.

Ở trẻ sơ sinh, bác sĩ khuyên các bà mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn với số lượng ít hơn để giảm trào ngược và dặn dò cha mẹ đảm bảo em bé ở tư thế ngồi hoặc bế thẳng đứng sau khi ăn hoặc bú ít nhất 20 – 30 phút.

Khi bé ngủ, bác sĩ cũng sẽ dặn cha mẹ kê cao gối đầu lên khoảng 10 cm. Cha mẹ cũng có thể cân nhắc đổi loại sữa công thức bé đang sử dụng hoặc núm vú bình sữa của bé sang một loại khác, điều này có thể làm giảm triệu chứng của tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ.

Nếu những biện pháp này không giúp làm giảm các triệu chứng và có nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc ngăn cản dạ dày tiết axit, thuốc điều hòa co thắt dạ dày.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, khi điều trị y tế đơn thuần không giúp ích được gì và trẻ có nguy cơ gặp các biến chứng khác, thì bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình về phẫu thuật tạo van chống trào ngược dạ dày.

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày
Dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày

Chăm sóc trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

  • Cho bú lượng sữa nhỏ mỗi lần: Cho bé bú nhiều lần một ngày, mỗi lần chỉ bú một ít để bé tiêu hóa hết sữa.

Lưu ý: Không cần chia nhỏ cữ bú đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi.

  • Tránh đè ép lên vùng bụng của trẻ, nhất là sau khi bú.
  • Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc bế thẳng đứng sau khi bú khoảng 20 – 30 phút.
  • Cho trẻ ợ để làm giảm tình trạng trào ngược. Nên cho trẻ ợ sau khi kết thúc bữa bú, không dừng giữa chừng để cho trẻ ợ.
  • Tư thế đúng lúc ngủ: Tất cả các trẻ có vấn đề về trào ngược nên ngủ ở tư thế nằm nghiêng trái, chiều dày của gối khoảng 10cm.

Lưu ý: Nếu bé có vấn đề về hô hấp (thở nhanh, khó thở,…), cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ.

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày
Hãy massege nhẹ nhàng vùng bụng của con trẻ

Phòng ngừa trào ngược dạ dày ở trẻ

Để phòng ngừa tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Chuẩn bị quần áo rộng rãi, thoải mái cho trẻ
  • Cho trẻ ăn trước khi đi ngủ khoảng 3 tiếng
  • Sau khi ăn, bế trẻ ở tư thế thẳng đứng khoảng 30 phút, tránh để trẻ nằm xuống ngay
  • Hạn chế các thực phẩm có tính axit hoặc nhiều chất béo có hại vì những thực phẩm này rất có hại cho sức khỏe dạ dày.
  • Cho trẻ bú ở tư thế đầu cao 30 độ và để bé nằm duy trì ở tư thế này cả lúc ngủ, hoặc có thể nằm nghiêng bên trái giúp làm giảm triệu chứng ợ hơi, ợ nóng.

Trường hợp các triệu chứng trào ngược trở nặng, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc trị đau dạ dày.

Các bác sĩ Nhi có kinh nghiệm điều trị trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày

Tham khảo các bác sĩ nhi khoa giỏi ở TP.HCM:

  • Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê – 40 năm kinh nghiệm – Quận Tân Bình
  • Bác sĩ Trần Văn Công – Chữa bệnh không dùng thuốc – Quận Bình Thạnh
  • BS Lê Hồng Thiện – Quận Thủ Đức

Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com.