Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh và cách xử lý ra sao?

Tưa lưỡi là một tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ hiện nay, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng bệnh cũng làm trẻ đau đớn và ảnh hưởng đến quá trình ăn uống. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Tổng quan

Bệnh tưa lưỡi (hay còn gọi là bệnh nấm lưỡi) là một bệnh phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi sơ sinh, đồng thời bệnh rất dễ tái phát. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sự khó chịu, đau đớn mà bệnh gây ra khiến trẻ bỏ bú, bỏ ăn, quấy khóc, sức khoẻ giảm sút và nếu không điều trị triệt để, có thể dẫn tới một số bệnh về nấm khi trẻ lớn lên. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức, dấu hiệu nhận biết và cách chữa tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh.

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là gì? 

Bệnh tưa lưỡi, hay còn có một số tên gọi khác: bệnh nấm lưỡi, nấm miệng, gây ra bởi nấm men, Candida albicans. Theo một số thống kê nhi khoa, tỉ lệ bệnh tưa lưỡi chiếm hơn 80% các bệnh về miệng lưỡi thường gặp ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, bệnh tưa lưỡi tái phát gặp ở gần 60% các trường hợp.

Khi mắc bệnh, trong khoang miệng của trẻ xuất hiện những màng giả màu trắng ở niêm mạc miệng, đặc biệt là mặt trên của lưỡi, và có thể dễ dàng nhìn thấy. Những màng giả này phát triển nhanh và dần ăn sâu vào niêm mạc lưỡi, vòm họng, khó tróc và khi làm tróc dễ gây chảy máu, đau rát.

Trẻ dưới 10 tuần tuổi là đối tượng thường mắc bệnh tưa lưỡi. Bệnh có thể gặp ở mức độ nhẹ (không triệu chứng) và tự khỏi, cho đến mức độ nặng hơn, trẻ bị đau, bỏ bú, bỏ ăn quấy khóc, lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị phù hợp.

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh
Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là gì? 

Nguyên nhân gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh?

Bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh do nấm Candida albicans gây ra. Bình thường, nấm Candida albicans vẫn tồn tại và cư trú trong cơ thể người, nhưng không gây bệnh. Nấm sẽ phát triển và gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi.

Khi trẻ sinh ra đời, hệ thống miễn dịch vẫn đang giai đoạn phát triển và hoàn thiện, nên rất dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm. Ở trẻ nhỏ, bài tiết nước bọt ít và niêm mạc miệng thường có độ pH thấp, môi trường acid là điều kiện thuận lợi gây bệnh tưa lưỡi. Mặt khác, nấm Candida albicans có đặc tính ưa nơi có nhiệt độ ấm, ẩm, có đường để phát triển – những đặc điểm môi trường này gần như tương tự với môi trường trong khoang miệng của trẻ sau khi bú.

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân gây tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh? – Candida albicans gây ra

Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc bệnh trong quá trình sinh ra đời, do bị lây truyền từ đường sinh dục của mẹ trước đó đã bị nhiễm nấm; hoặc từ các dụng cụ cho trẻ ăn (chén, ly, bình sữa, đầu vú cao su…) không được vệ sinh, làm sạch.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi 

Khi trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi, sẽ có các triệu chứng như sau:

  • Giai đoạn ban đầu, xuất hiện những chấm trắng, nhỏ, trên đầu lưỡi, sau đó các đốm trắng to dần, lan rộng mặt trên của lưỡi và lan qua hai bên niêm mạc má, vòm miệng, tạo thành những đám có màu trắng sữa (nhìn giống sữa đông hoặc phô mai). Những mảng trắng khó lau đi, nếu chạm vào có thể thấy mảng có “chân bám” và dễ gây chảy máu.
  • Trẻ ăn bú kém, bỏ bữa, biếng ăn.
  • Trẻ đau rát, hay quấy khóc.
  • Một số trường hợp nặng hơn, trẻ có thể phát ban, mẩn ngứa, tiêu chảy, ho…
  • Ít ghi nhận sốt cao, nếu có thì có thể trẻ đã bị kèm thêm một nhiễm trùng khác, thường là ở đường hô hấp dưới (phổi, phế quản) hoặc đường tiêu hoá.
Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi 

Phân biệt cặn sữa và tưa lưỡi

So sánhBệnh tưa lưỡiCặn sữa
Nguyên nhânDo nấm Candida albicans ký sinh trong miệng phát triển.Nuôi trẻ bằng sữa công thức. Trẻ ngậm sữa khi ngủ.
Đặc điểmChấm, mảng trắng ở mặt trên của lưỡi, hai niêm mạc má, vòm họng. Khó lau, khó tróc. Dễ chảy máu.Chấm trắng, nhỏ ở mặt trên của lưỡi. Dễ bong và trôi theo nước. Không chảy máu. Không đau.

Cách chữa tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Để chữa bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh để đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp. 

Hai nguyên tắc chính trong điều trị bệnh tưa lưỡi là:

  • Đảm bảo vệ sinh: Vệ sinh dụng cụ ăn uống và bú cho trẻ thật cẩn thận, vệ sinh đầu vú mẹ, vệ sinh miệng trẻ trước và sau khi bú.
  • Thuốc chứa hoạt chất chống nấm: Các thuốc hay được sử dụng kê đơn như Miconazole hoặc nystatin dùng đường bôi.

Về cách chăm sóc và đảm bảo vệ sinh, cha mẹ cần lưu ý:

  • Cha mẹ cần rửa tay với xà phòng trước khi chăm sóc trẻ.
  • Đặt trẻ nằm cố định trên giường hoặc bế trẻ.
  • Dùng một miếng gạc mềm, quấn quanh đầu ngón tay trỏ, hoặc đeo miếng gạc tưa lưỡi dạng ống vô trùng bán sẵn, sử dụng một miếng một lượt.
  • Nhúng vào nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý (Natriclorua 0.9%) hoặc sử dụng các dung dịch thuốc được bác sĩ chỉ định.
  • Chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng, rồi từ từ đưa ngón tay trỏ vào mặt trên của lưỡi trẻ, lướt từ từ và lau từ trong kéo ra ngoài. Bỏ miếng gạc đã dùng, lặp lại thêm 2-3 lần nếu trẻ có nhiều mảng tưa. Tránh để mảng tưa rớt vào họng trẻ và tránh đưa ngón tay quá sâu vào họng trẻ sẽ gây nôn trớ.
  • Dùng miếng gạc khác để lau hai bên niêm mạc má, vòm miệng và cuối cùng là phần nước răng của trẻ.
  • Số lần thực hiện mỗi ngày, số ngày điều trị tuỳ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thời điểm thực hiện nên trước bữa ăn 30 phút.
  • Không cố cạy các mảng bám sẽ gây chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Không dùng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
  • Không sử dụng các thuốc chống nấm khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh
Chú ý đến cách vệ sinh lưỡi cho con trẻ

Một số trường hợp bệnh nặng, có thể bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị cả mẹ và trẻ nếu xác định có sự lây nhiễm từ mẹ trong quá trình trẻ bú sữa mẹ.

Phòng bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Để phòng bệnh, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh cho trẻ trước và sau quá trình ăn uống, bú sữa mẹ. 

  • Làm sạch và khử trùng núm vú, bình sữa và các dụng cụ cho ăn như chén, ly, muỗng… và các đồ chơi mà trẻ có thể cho vào miệng.
  • Vệ sinh núm vú mẹ trước khi cho trẻ bú.
  • Dùng gạc cùng với nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý, với hướng dẫn thực hiện như trên để rơ lưỡi cho trẻ như một biện pháp vệ sinh miệng lưỡi (tương tự việc đánh răng ở người lớn).
Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh
Dùng thuốc trị tưa lưỡi cho trẻ khi cần thiết

Phòng khám điều trị bệnh ở trẻ nhỏ

  • Phòng khám chuyên khoa nhi Bác Sĩ CKI Nguyễn Thanh Tuấn – Thủ Đức
  • Phòng khám bác sĩ nhi đồng – Bs. Uyên – Bs. Hạnh – Bình Thạnh
  • Phòng khám nhi đồng Happy Baby – Q.9

Kết luận

Bệnh tưa lưỡi thường không nguy hiểm, nhưng nó gây khó chịu, đau đớn cho trẻ, từ đó khiến trẻ biếng ăn, ăn ít và chậm phát triển. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt để không những phòng ngừa bệnh tưa lưỡi mà còn giúp trẻ tránh mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng tưa lưỡi ở trẻ tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.