Viêm phế quản co thắt ở trẻ em là bệnh lý khiến cha mẹ lo lắng khi con mình mắc phải, bởi nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm, ảnh hướng đến đường hô hấp của bé. Hãy cùng Docosan tìm hiểu kỹ hơn về bệnh này qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em là gì?
Phế quản là một ống dẫn khí nằm trong đường hô hấp dưới của con người. Đây là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó sẽ phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong phổi tạo nên cây phế quản. Nhiệm vụ chính của phế quản là dẫn khí vào phổi.
Viêm phế quản co thắt là tình trạng lòng phế quản bị thu hẹp tạm thời, do các cơ trơn phế quản bị viêm co thắt lại. Kết hợp với niêm mạc ống phế quản bị viêm, kích thích phồng lên, tăng tiết dịch nhầy làm tình trạng phế quản bị bít tắc nặng nề hơn cả, gây cản trở lưu thông khí trong phổi. Hậu quả là gây ho khạc đờm, khó thở, thở rít, thở khò khè…
Bệnh viêm phế quản co thắt thường xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 2 – 6 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm phế quản co thắt ở trẻ em là do sự xâm nhập của virus đường hô hấp như: HSV, Coronavirus, Enterovirus, … sau đó thường có bội nhiễm vi khuẩn.
- Do nhiễm các vi khuẩn thường gây viêm đường hô hấp bao gồm: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, …
- Hoặc do các tác nhân vật lý như: do nhiệt, xạ trị, chấn thương lồng ngực, không khí quá khô, quá ẩm, quá nóng, …
- Và các tác nhân hóa học như: chất kích ứng ở dạng khí, bụi, hoá chất, khói thuốc lá, khói xe,…
- Ngoài ra các nguyên nhân bên trong cơ thể gây ra sự hoại tử các mô hô hấp như: tắc nghẽn, xuất huyết mạch máu phổi, viêm tắc động mạch phổi, …
Triệu chứng của viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Viêm phế quản co thắt ở trẻ em có triệu chứng khá giống với bệnh hen phế quản, nên rất hay bị nhầm lẫn bởi các dấu hiệu, triệu chứng của viêm phế quản co thắt ở trẻ nhỏ thường không rõ ràng, dẫn đến điều trị sai hướng.
Các biểu hiện lâm sàng chủ yếu của trẻ bị viêm phế quản co thắt mà các bậc phụ huynh cần lưu ý để đưa con đi khám sớm và có hướng điều trị phù hợp, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra:
- Biểu hiện đầu tiên là Hội chứng nhiễm siêu vi: sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, … (rất giống với cảm cúm thông thường)
- Sau đó có thể xuất hiện sốt cao kèm Hội chứng tắc nghẽn hô hấp dưới: khó thở, thở khò khè, tiếng thở rít, thở nhanh nông
- Các triệu chứng liên quan đến phế quản cũng có thể xuất hiện như: Co rút lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ
- Trẻ có thể bị nôn, nôn sau khi bú hoặc sau một kích thích như ho hoặc khóc
Điều trị viêm phế quản co thắt ở trẻ em
Viêm phế quản có thắt ở trẻ em để lại nhiều biến chứng xấu như viêm tai giữa, viêm phổi, suy hô hấp. Vì thế mà phải điều trị sớm, và điều trị đủ liều, đúng cách.
Tùy theo mức độ biểu hiện bệnh mà bác sĩ sẽ có các biện pháp chữa trị cho bé khác nhau. Đối với trường hợp nhẹ có thể chỉ cần dùng thuốc điều trị ngoại trú. Trường hợp nặng, nhất là có suy hô hấp thì phải nhập viện để điều trị.
Để chữa dứt điểm bệnh, cha mẹ cần chăm sóc trẻ ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng đầu tiên, cách điều trị cơ bản là điều trị triệu chứng:
- Sốt: Phổ biến là acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (từ 38,5 độ trở lên) và có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là bệnh nhi, bố mẹ không nên tự cho con dùng thuốc hạ sốt khi chưa được bác sĩ cho phép.
- Ho: Các thuốc giảm ho chủ yếu là Dextromethorphan, Terpin codein… được sử dụng trong các trường hợp ho nhiều gây mệt mỏi, mất ngủ… Người bệnh không nên lạm dụng thuốc ho vì có thể làm mất phản xạ ho tự nhiên của cơ thể. Đặc biệt, không khuyến khích dùng thuốc ho cho trẻ dưới 18 tuổi vì có thể gây ức chế hô hấp.
- Đờm: Thuốc loãng đờm thường được sử dụng là acetylcystein, bromhexin, carbocystein… giúp dễ đẩy đờm ra khỏi đường dẫn khí hơn.
- Khó thở, co thắt phế quản: Dùng thuốc giãn phế quản như Theophyllin, Salbutamol… dạng khí dung.
Và bố mẹ nên phối hợp chung với một số phương pháp sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước có thể làm loãng đờm, giúp giảm triệu chứng bệnh viêm phế quản. Mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước, có thể đó là nước hoa quả, nước rau. Tốt nhất là nước ấm, không nên uống nước lạnh để tránh khiến tình trạng viêm họng trong viêm phế quản nặng hơn.
- Khi ngủ, mẹ nên nâng cao phần đầu của đệm nằm, kê gối hoặc ôm trẻ trong vị trí đầu cao hơn có thể giúp bé dễ chịu hơn.
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mũi.
- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm toàn thân.
- Bố mẹ nên xây dựng cho trẻ viêm phế quản một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh như sau:
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh và hoa quả
- Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt.
- Ăn thịt gia cầm, cá và các loại đậu để bổ sung protein.
- Sử dụng các loại sữa ít béo hoặc sữa thực vật.
- Giảm hàm lượng muối, đường phụ gia, cholesterol
- Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung thì trong chế độ ăn, trẻ mắc viêm phế quản nên tránh những thực phẩm sau:
- Tránh đồ uống có ga và thức ăn chứa nhiều đường.
- Hạn chế dùng thịt đỏ: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các loại thịt chế biến sẵn và thịt đỏ nếu ăn nhiều sẽ khiến các triệu chứng của người mắc viêm phế quản trở nên nặng hơn. Thay vào đó, người bệnh có thể sử dụng thực phẩm có chứa vitamin D từ các loại cá như: Cá thu, cá mòi, cá hồi,…
- Thực phẩm chứa nhiều sữa, chất béo, phô mai hoặc thực phẩm chiên xào, dầu mỡ, chứa nhiều gia vị,… sẽ dễ gây đầy hơi, chướng bụng khiến người viêm phế quản cảm thấy khó thở hơn.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể làm tăng sản xuất chất nhầy khiến đờm trở nên đặc và gây nhiều kích ứng cho người bệnh.
- Nếu trẻ biếng ăn, bố mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt để trẻ dễ hấp thu và tiêu hóa.
Bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em chủ yếu do virus gây nên, vì vậy, dùng kháng sinh thường không có tác dụng. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, thường sẽ được chỉ định dùng nếu trẻ đang trong tình trạng sau:
- Ho kéo dài trên 7 ngày.
- Ho, khạc đờm mủ rõ.
- Viêm phế quản cấp ở trẻ có bệnh mạn tính nặng như suy tim, hen.
- Chọn kháng sinh tùy thuộc mô hình vi khuẩn và tình hình kháng thuốc tại địa phương.
Viêm phế quản co thắt là tình trạng lòng phế quản bị thu hẹp tạm thời kết hợp với niêm mạc ống phế quản tăng tiết dịch nhầy làm khí trong phế quản bị cản trở lưu thông. Hậu quả là gây ho khạc đờm, khó thở, thở rít, thở khò khè… Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng để giúp trẻ mau khỏi bệnh, tùy trường hợp mới sử dụng kháng sinh vì đa phần viêm phế quản co thắt ở trẻ do nhiễm virus mà xuất hiện.
Nguồn: syt.bacgiang.gov.vn