Tổng quan về viêm thanh khí phế quản cấp

Viêm thanh khí phế quản cấp là một bệnh phổ biến ở trẻ em. Những thông tin dưới đây được Doctor có sẵn cung cấp liên quan đến bệnh này bao gồm: định nghĩa, phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí.

Viêm thanh khí phế quản cấp là gì?

viêm thanh khí phế quản cấp
Viêm thanh khí phế quản cấp: những thông tin hữu ích

Viêm thanh khí phế quản cấp hoặc Croup là một tình trạng gây ra phù nề thanh quản và khí quản, dẫn đến đường dẫn khí dưới dây thanh âm (vùng hạ thanh môn) bị hẹp lại và khiến người bệnh có tiếng thở ồn ào khi hít vào (thở rít) và khó thở hơn.

Viêm thanh khí phế quản cấp thường gặp vì đây là một bệnh lây nhiễm nhưng hầu hết các đợt viêm thanh khí phế quản đều ở mức độ nhẹ, lành tính với tỷ lệ tử vong thấp, chỉ có khoảng dưới 10% trẻ mắc bệnh cần phải nhập viện để điều trị.  

Độ tuổi dễ mắc bệnh: trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Ở những trẻ lớn tuổi hơn thì ít mắc bệnh này vì khí quản lớn hơn và sự phù nề cũng ít gây hẹp đường thở.

Bệnh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm, nhưng thường gặp vào những tháng mùa thu và đông.

Bệnh có thể nhanh chóng chuyển nặng và thường hay bị tái phát nhiều lần.

Phân loại viêm thanh khí phế quản cấp

Viêm thanh khí phế quản cấp do virus: là dạng thường gặp nhất, sẽ được bàn luận cụ thể qua bài viết này.

Viêm thanh khí phế quản co thắt: Nguyên nhân của nhóm bệnh này có thể bị gây ra bởi dị ứng hoặc trào ngược từ dạ dày. Triệu chứng xảy ra đột ngột và thường vào giữa đêm. Con bạn có thể đi ngủ bình thường và thức dậy một vài giờ sau đó với triệu chứng thở hổn hển. Bé có thể bị khàn giọng và thở rít thì hít vào. Bé cũng có thể có triệu chứng ho khàn tiếng. Hầu hết trẻ em viêm thanh khí phế quản co thắt không có biểu hiện sốt. Đây là bệnh có khả năng tái phát. Bệnh này tương tự như hen và thường đáp ứng với thuốc điều trị dị ứng hay trào ngược.

Nguyên nhân của viêm thanh khí phế quản cấp

Viêm thanh khí phế quản thường được gây ra bởi virus.

Tác nhân thường gặp nhất là virus Parainfluenza (nhóm 1 đến 3, đặc biệt là type 1) chiếm tỉ lệ khoảng 70%, sau đó là RSV, Adenovirus, vi khuẩn Haemophilus influenza ít gặp. Các loại virus khác gây ra bệnh viêm thanh khí phế quản bao gồm enterovirus, virus cúm nhóm A và B, virus hợp bào hô hấp. Croup do cúm gây ra đặc biệt nghiêm trọng và có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ lớn hơn.

Nguyên nhân do vi khuẩn cũng rất hiếm, có thể là bạch hầu và Mycoplasma pneumoniae .

Các yếu tố dị ứng là yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh tái phát. Ngoài ra, trào ngược dạ dày thực quản cũng là vấn đề cần kiểm soát để giảm những đợt viêm thanh khí phế quản sau này. 

Triệu chứng của viêm thanh khí phế quản cấp

Suy hô hấp và tiếng thở rít thì hít vào, bệnh có vẻ được cải thiện vào buổi sáng nhưng lại trở nên tệ hơn vào ban đêm là những dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh viêm thanh khí phế quản cấp:

  • Croup thường bắt đầu bằng những triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên trước đó giống như bị cúm thông thường (sốt, ho, sổ mũi, …)
  • Sau đó xuất hiện ho khan ông ổng, gắt tiếng, có thể nghe như tiếng hải cẩu kêu, thường do co thắt, và khàn tiếng, xảy ra nhiều vào ban đêm.
  • Có thể có tiếng thở rít (tiếng kêu bổng, gắt, ồn ào) thì hít vào.
  • Giọng khàn khàn
  • Viêm thanh khí phế quản cấp ở trẻ em thường bắt đầu thình lình, vào giữa đêm, thường nặng hơn vào đêm thứ 2, 3, khiến trẻ thức giấc vào ban đêm với tình trạng suy hô hấp, thở nhanh, và co rút lồng ngực. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tím và thở nông có thể xảy ra do đứa trẻ mệt nhiều.
  • Sốt xuất hiện ở khoảng một nửa số trường hợp.
  • Các đợt tái phát thường được gọi là các đợt viêm thanh khí phế quản co thắt. Dị ứng hoặc phản ứng đường thở có thể đóng vai trò trong viêm thanh khí phế quản co thắt, tuy nhiên những biểu hiện lâm sàng không thể phân biệt được với viêm thanh khí phế quản do virut. Ngoài ra, viêm thanh khí phế quản có thắt thường khởi đầu bởi nhiễm virus; tuy nhiên điển hình sẽ không có sốt

Điều trị viêm thanh khí phế quản cấp

viêm thanh khí phế quản cấp
Viêm thanh khí phế quản cấp: những thông tin hữu ích

Điều trị tại nhà

Bệnh thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày và tự khỏi. Nên áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà sau:

  • Các thiết bị làm ẩm (ví dụ máy làm mát hoặc máy làm ẩm) có thể cải thiện tình trạng đường thở trên bị khô và thường được các gia đình sử dụng ở nhà.
  • Uống nhiều nước ấm để làm lỏng chất nhầy
viêm thanh khí phế quản cấp
Viêm thanh khí phế quản cấp: những thông tin hữu ích
  • Ăn thức ăn mềm lỏng dễ nuốt, chia nhỏ bữa ăn.
  • Tránh khói thuốc, có thể kích thích ho nhiều hơn. Đặt nằm đầu cao.
  • Cha mẹ ngủ cùng với trẻ trong giai đoạn bệnh để phát hiện sớm các triệu chứng bắt đầu khó thở hơn.
  • Giữ không khí ẩm, thoáng.
  • Dỗ dành trẻ, tránh kích thích quấy khóc nhiều. Giữ cho trẻ cảm thấy thoải mái là điều quan trọng bởi vì trẻ mệt và khóc có thể làm trầm trọng thêm.
  • Bố mẹ theo dõi các dấu hiệu bênh diễn tiến nặng lên để tái khám kịp thời.
  • Nếu con bạn bị sốt (trên 38°C), bạn có thể cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen.
  • Hạn chế lây lan: Nếu trẻ bị mắc bệnh, nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, tránh xa trường học và những nơi đông người. Thường xuyên rửa tay kỹ có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Xem thêm: Chữa viêm phế quản bằng bài thuốc dân gian

Những dấu hiệu nào cần khám lại ngay?

  • Thở rít ngày càng tăng.
  • Thở rít lúc nghỉ nặng.
  • Suy hô hấp, thiếu khí.
  • Giảm tri giác.
  • Ăn uống kém.
  • Sốt cao
  • Không thể nói hoặc nói không thành lời vì khó thở
  • Có môi hoặc móng tay xanh tím
  • Chảy nước dãi và thật sự khó khăn khi nuốt nước bọt

Viêm thanh khí phế quản cấp là một tình trạng gây ra phù nề thanh quản và khí quản, dẫn đến đường dẫn khí dưới dây thanh âm (vùng hạ thanh môn) bị hẹp lại và khiến người bệnh có tiếng thở ồn ào khi hít vào (thở rít) và khó thở hơn. Nguyên nhân thường gặp nhất là virus Parainfluenza. Suy hô hấp và tiếng thở rít thì hít vào, bệnh có vẻ được cải thiện vào buổi sáng nhưng lại trở nên tệ hơn vào ban đêm là những dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh viêm thanh khí phế quản cấp. Bệnh thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày và tự khỏi.

Nguồn: rch.org.au

Contact Me on Zalo