Viêm tiểu phế quản cấp: Nguyên nhân và 19 cách để điều trị bệnh tại nhà

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Nguyễn Phan Hồng Sương, chuyên Nhi khoa, hiện đang công tác tại Phòng khám Nhi khoa Mianca.

Viêm tiểu phế quản cấp là bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh sẽ mau khỏi và tự hồi phục nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà. Tuy nhiên nếu không điều trị tốt, bệnh có thể trở nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về viêm tiểu phế quản cấp qua bài viết dưới đây nhé!

Viêm tiểu phế quản cấp là gì?

Tiểu phế quản là tập hợp các cuống phổi nhỏ có đường kính < 2mm, mềm mại do không có sụn nâng đỡ nên khi bị viêm sẽ dễ bị xẹp lại, dễ bị chít hẹp làm đường thở bị tắc nghẽn gây ra tình trạng khó thở, khò khè và nặng hơn nữa là suy hô hấp.

viêm tiểu phế quản cấp
Viêm tiểu phế quản cấp: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Viêm tiểu phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các tiểu phế quản. Nguyên nhân chủ yếu do siêu vi, thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi – gặp nhiều nhất ở trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi. Bệnh khởi đầu với triệu chứng hô hấp trên sau đó là nhiễm trùng hô hấp dưới gây ra tình trạng ho, thở nhanh, khò khè và nghe ran ở phổi.

Trong một vài trường hợp, bệnh viêm phế quản có thể biểu hiện thành những cơn co thắt, gây khó thở. Lúc này sẽ được gọi là viêm tiểu phế quản co thắt. So với viêm tiểu phế quản thông thường thì khi có những cơn co thắt xuất hiện sẽ được đánh giá là nghiêm trọng hơn.

Bệnh viêm tiểu phế quản cấp là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra. Nguồn gây bệnh có thể là do người mắc bệnh ho, hắt xì, nói chuyện khiến cho nước bọt chứa virus phát tán ra không khí, môi trường xung quanh. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh này sẽ bị virus xâm nhập, lây lan gây ra bệnh.

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản cấp

Tác nhân thường gặp nhất gây bệnh viêm tiểu phế quản cấp là các virus hô hấp, mà hàng đầu là loại virus có tên viết tắt là RSV (Respiratory syncytial virus) – chiếm khoảng 50 – 80% trường hợp mắc bệnh.

Virút RSV có 2 điểm đặc biệt:

  • Có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch, đặc biệt tăng cao vào mùa lạnh hoặc mùa mưa
  • Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virus nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ < 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản cấp. Trẻ càng nhỏ thì càng dễ bị nặng.

Ngoài ra còn có một số tác nhân khác gây ra căn bệnh viêm tiểu phế quản cấp như adenovirus, virus cúm và á cúm, Parainfluenza virus, Influenza virus, Rhinovirus, Human Metapneumovirus, Enterovirus…

Viêm tiểu phế quản cấp thường xảy ra vào mùa đông khi thời tiết lạnh, ẩm ướt. Bệnh có thể nhẹ thoáng qua nhưng cũng có thể nặng gây nguy hiểm đến sức khỏe. Viêm tiểu phế quản cấp nặng thường xảy ra ở nhóm trẻ: sinh non, trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ có các bệnh lý bẩm sinh (tim, phổi…), trẻ bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng nặng…Nếu trẻ nằm trong nhóm đối tượng trên, khi trẻ có dấu hiệu bệnh, bố mẹ phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.

Viêm tiểu phế quản có tự khỏi được không?

Phần lớn người bị viêm tiểu phế quản nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà, bệnh có thể tự khỏi và hồi phục tốt sau 1-2 tuần. Cụ thể, trong khoảng 7 ngày đầu người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho, mệt mỏi, thân nhiệt cao hơn bình thường. Sau đó, các triệu chứng này sẽ thuyên giảm dần chỉ trong vòng 14 ngày.

Viêm tiểu phế quản cấp có nguy hiểm không?

Ngược lại, nếu chăm sóc điều trị viêm tiểu phế quản cấp cho người bệnh sai cách có thể khiến bệnh kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc tái phát thường xuyên nếu gặp điều kiện thuận lợi.

Không những thế, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn gây tình trạng co giật, mất nước, suy hô hấp, xẹp phổi, thậm chí gây tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, nhiễm trùng thứ phát và các cơn ngưng thở rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và trẻ non tháng.

Chẩn đoán viêm tiểu phế quản cấp

Bệnh viêm tiểu phế quản cấp có thể khiến bố mẹ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường, bởi các triệu chứng của nó khá giống nhau. Chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản cấp thường qua đánh giá lâm sàng, nếu nặng hơn nên được đo Sp02, chụp X-quang ngực, xét nghiệm máu, CRP, test nhanh RSV…

Thông thường, viêm tiểu phế quản cấp thường khởi đầu 1 – 3 ngày với biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, nghẹt mũi, chảy mũi trong và tiến triển nặng dần đến suy hô hấp với đặc điểm thở nhanh, thở gắng sức, co rút lõm lồng ngực và khò khè hoặc ho nhiều, …

viêm tiểu phế quản cấp
Viêm tiểu phế quản cấp: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Trẻ nhỏ (<3 tháng tuổi) và trẻ nhũ nhi đẻ non có thể biểu hiện mệt mỏi nhiều, xuất hiện các cơn ngưng thở tái diễn, nghẹt mũi nhiều sau khi xuất hiện các triệu chứng điển hình từ 24 đến 48 giờ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán: chẩn đoán viêm tiểu phế quản hoàn toàn dựa vào các triệu chứng bệnh:

  • Tuổi bệnh nhân: dưới 24 tháng.
  • Khởi đầu với triệu chứng viêm hô hấp trên và/hoặc chảy nước mũi trong 1-3 ngày
  • Triệu chứng lâm sàng:
    • Ho: là triệu chứng rất thường gặp của viêm tiểu phế quản cấp, thường là ho khan, sau đó là ho kèm theo khò khè.
    • Khò khè: cũng là dấu hiệu bệnh thường gặp, khò khè xuất hiện do đàm, dịch tiết, … bít tắt đường thở dưới, cản trở luồng khí lưu thông.
    • Sốt: có thể sốt nhẹ đến vừa hoặc không sốt
    • Suy hô hấp: có thể nhẹ nhàng qua cho đến nặng, phải hỗ trợ hô hấp. Các dấu hiệu suy hô hấp có thể gặp: thở nhanh, thở gắng sức (co kéo cơ liên sườn, rút lõm ngực, …), thở không đều, cơn ngưng thở, …
    • Trẻ nôn và ăn uống kém có thể dẫn đến tình trạng mất nước
    • Nhiều trẻ có kèm theo viêm tai giữa
    • Lưu ý: trẻ nhỏ (đặc biệt là dưới 6 tuần tuổi) có thể có con ngưng thở mà không có các triệu chứng lâm sàng khác

Đối với nhóm trẻ: dưới 3 tháng tuổi, sinh non, hệ miễn dịch kém, có các bệnh lý bẩm sinh…khi có dấu hiệu của viêm tiểu phế quản cấp, bố mẹ cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng cũng như có những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Phác đồ điều trị viêm tiểu phế quản cấp

Khi có dấu hiệu của viêm tiểu phế quản cấp, thay vì chủ quan hoặc tự mua thuốc tại nhà, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời. Triệu chứng của bệnh có thể là của một căn bệnh khác, nhưng việc cẩn thận với sức khỏe của bản thân chưa bao giờ là điều thừa. Bệnh có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng cũng có những hợp nặng cần nhập viện.

Các trường hợp viêm tiểu phế quản cấp diễn tiến nặng cần nhập viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi
  • Suy dinh dưỡng nặng
  • Có các bệnh phổi mạn tính trên trẻ sinh non: loạn sản phế quản phổi, …
  • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải
  • Tim bẩm sinh chưa sửa chữa
  • Có dấu hiệu nguy hiểm: Tím tái, bỏ bú hoặc bú kém (trẻ nhỏ hơn 2 tháng), không uống được (trẻ trên 2 tháng), li bì-khó đánh thức, co giật¸suy dinh dưỡng nặng.
  • Thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh (trên 70 lần/phút)
  • Có dấu hiệu mất nước

Các trường hợp viêm tiểu phế quản cấp còn lại nếu không có dấu hiệu nặng nào kể trên thì thường sẽ tự ổn định, hồi phục tốt với điều trị hỗ trợ và theo dõi tại nhà.

viêm tiểu phế quản cấp
Viêm tiểu phế quản cấp: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Phần này chúng tôi sẽ tập trung giới thiệu cách theo dõi và điều trị tại nhà cho người bệnh đối với các trường hợp bệnh nhẹ. Còn phác đồ điều trị bệnh viêm tiểu phế quản cấp mức độ trung bình đến nặng thì khi người bệnh nhập viện sẽ được bác sĩ xử trí cụ thể và đầy đủ nhé!

Bệnh viêm tiểu phế quản cấp lây truyền qua đường hô hấp, cho nên bố mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức để có thể giữ gìn cho trẻ khi sinh hoạt cũng như chơi. Cách điều trị viêm tiểu phế quản cấp tại nhà, bố mẹ có thể áp dụng như sau:

  • Ăn uống đầy đủ, bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin, dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả, sạch sẽ, hợp vệ sinh, chia thành nhiều bữa nhỏ. Không cho trẻ ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ, các đồ đóng hộp, thức ăn nhanh.
  • Giữ cho không gian sống, vui chơi, sinh hoạt của trẻ nhỏ luôn sạch sẽ, thoáng mát, trong lành
  • Cho trẻ uống nhiều nước, sữa hoặc các loại nước ép. Không cho trẻ uống những đồ uống có gas, nhiều đường, cà phê…Với trẻ đang bú, chia sữa thành nhiều bữa nhỏ, giảm lượng sữa mỗi lần bú nhưng tăng số lần để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ
  • Hạn chế cho trẻ vui chơi, sinh hoạt ở những nơi có không khí ô nhiễm, bụi bẩn, có khói thuốc lá dễ gây bệnh.
  • Bệnh có thể lây lan nhanh ở môi trường công cộng như công viên, trường học, siêu thị…Cho nên, khi vùng bạn sinh sống có dịch bệnh, để phòng ngừa, không nên cho bé hoạt động, vui chơi ở nơi đông người nhất là những người có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp. Nếu có việc phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang để bảo vệ cho bé. Cách ly trẻ với những đứa trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp và ngược lại tránh lây lan bệnh.
  • Hãy rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng, dùng dung dịch sát khuẩn nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ra ngoài. Rèn cho bé thói quen khi hắt hơi nên che tay hoặc dùng khăn giấy, tránh virus lây lan ra môi trường xung quanh.
  • Không dùng chung cốc, bát, thìa, đũa…với những người khác nhất là những người có dấu hiệu mắc bệnh viêm tiểu phế quản cấp
  • Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn ấm. Nếu trẻ sốt cao, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Có thể sử dụng máy làm ẩm và làm sạch không khí giúp người bệnh dễ thở hơn.
  • Có thể sử dụng thuốc giảm ho an toàn, không chứa các anti-histamin
  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 9%, giữ thông thoáng đường thở
  • Ngủ đủ giấc, ngủ gối cao đầu.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc hoặc các yếu tố kích thích dị ứng như phấn hóa, lông chó mèo…
  • Hướng dẫn bố mẹ theo dõi tình trạng bệnh tình của bé để phát hiện khi bé có dấu hiệu nặng để có phương pháp điều trị hiệu quả. Bởi bệnh viêm tiểu phế quản cấp nếu không phát hiện và điều trị đúng, kịp thời thì có thể gây nguy hiểm đến trẻ.
  • Sau khi đưa trẻ đi khám, bố mẹ cần theo dõi tình trạng bệnh tình của trẻ tái khám sau 2 ngày hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường.
  • Kháng sinh: chỉ dùng khi bệnh nhân có biểu hiện bội nhiễm hoặc có sự chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ mắc bệnh, mẹ không tự tiện cho trẻ uống thuốc.
  • Bố mẹ cần cho bé tiêm các loại vacxin đầy đủ và đúng lịch. Điều này giúp tăng sức đề kháng và hỗ trợ hệ miễn dịch cho trẻ
  • Giữ ấm cho trẻ nhất là vào mùa đông, không để trẻ bị lạnh, ướt.
  • Bệnh viêm tiểu phế quản cấp có triệu chứng giống với cảm cúm thông thường, cho nên khi có biểu hiện của bệnh, bố mẹ không nên chủ quan mà hãy đưa bé đi khám để kiểm tra.

Viêm tiểu phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các tiểu phế quản, nguyên nhân chủ yếu do siêu vi, thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi – gặp nhiều nhất ở trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi, khởi đầu với triệu chứng hô hấp trên sau đó là nhiễm trùng hô hấp dưới gây ra tình trạng khò khè và các triệu chứng khác. Các trường hợp viêm tiểu phế quản cấp nếu không có dấu hiệu nặng thì thường sẽ tự ổn định và hồi phục tốt với điều trị hỗ trợ và theo dõi tại nhà.

Tuy nhiên, bố mẹ không nên chủ quan, lơ là trước những biểu hiện của con trẻ. Bởi những dấu hiệu tưởng chừng là nhẹ nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. Bên cạnh việc điều trị, bố mẹ nên áp dụng 19 phương pháp ở trên để có thể bảo vệ cho bé tránh khỏi căn bệnh viêm tiểu phế quản cấp, giúp bé luôn mạnh khỏe để vui chơi và phát triển toàn diện.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn: www.msdmanuals.com, hoihohaptphcm.org