Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Việt Nam được xếp là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất Thế giới với tỉ lệ tăng 5,5% mỗi năm. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về căn bệnh này nhé!
Tóm tắt nội dung
Đái tháo đường là bệnh gì?
Đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa, với tình trạng đường (glucose) trong máu không được các tế bào trong cơ thể sử dụng hiệu quả, từ đó làm đường trong máu cao. Sự tăng đường huyết trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa đạm (protide), carbohydrate, mỡ (lipide) và gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, thận, mắt và thần kinh.
Nguyên nhân của đái tháo đường
Lược qua về sinh lý cơ thể, tế bào beta của tụy tiết ra hormone là insulin, và insulin sẽ làm giảm đường huyết qua cơ chế tăng hấp thu đường từ máu vào tế bào và giảm tổng hợp đường trong máu, vì vậy khi thiếu insulin sẽ gây ra tình trạng ngược lại, chính là tăng đường huyết. Đái tháo đường có rất nhiều thể bệnh do nhiều cơ chế khác nhau, các thể thường gặp nhất là:
Đái tháo đường type 1
Bệnh đặc trưng sự phá hủy tế bào beta của đảo tụy (tế bào tiết insulin), gây ra sự thiếu hụt gần như hoàn toàn insulin, và người bệnh phải sử dụng nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào cơ thể để sống còn.
Đái tháo đường type 1 là hậu quả của sự tương tác của các yếu tố di truyền, môi trường và miễn dịch. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa di truyền nhạy cảm với bệnh, phối hợp với các yếu tố nhiễm siêu vi (Coxsakie, rubella, quai bị,..), các yếu tố môi trường (sữa bò, một số thuốc, chấn thương,..) và các yếu tố miễn dịch, thường có đi kèm với một số bệnh tự miễn khác như bệnh Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Addison.
Đái tháo đường type 2
Đây là thể thường gặp nhất.
Nếu ở đái tháo đường type 1 là sự thiếu hụt gần như hoàn toàn insulin do tế bào tuyến tụy bị phá hủy, thì ở type 2 tuyến tụy vẫn tiết ra insulin nhưng insulin lại không chuyển hóa đường được, ta gọi là sự đề kháng insulin.
Nền tảng di truyền trong đái tháo đường type 2 rất mạnh:
- Tỷ lệ anh/chị em sinh đôi cùng trứng bị ĐTĐ từ 70-90%.
- Bệnh nhân thường có liên hệ trực hệ ( bố mẹ, anh chị em ruột) bị ĐTĐ type 2. Nếu cả cha và mẹ đều bị bệnh, nguy cơ bệnh cho con là 40%.
Trên nền tảng nhạy cảm di truyền, các yếu tố môi trường (béo phì, tuổi già, chế độ dinh dưỡng nhiều đường, thiếu vận động thể chất, thai kỳ, bệnh nặng hoặc phẫu thuật, hội chứng Cushing và một số thuốc) có thể ảnh hưởng thúc đẩy tình trạng đề kháng insulin.
Đái tháo đường do bệnh tụy ngoại tiết
Mọi quá trình bệnh lý mắc phải ảnh hưởng đến tụy gây tổn thương và giảm số lượng tế bào beta một phần hoặc hoàn toàn đều có thể gây đái tháo đường, ví dụ như bệnh tụy bẩm sinh, viêm tụy cấp, mạn, ung thư tụy, chấn thương hay phẫu thuật tụy,…
Đái tháo đường thai kỳ
Trong khi mang thai, các chuyển hóa trong cơ thể đều tăng để nuôi dưỡng em bé, vì thế tình trạng sản xuất insulin không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ thể, dẫn đến đái tháo đường trong lúc mang thai, lượng đường trong máu mẹ cao truyền qua con có khiến thai to, bên cạnh đó, biến động không đồng nhất giữa insulin của con và đường huyết của mẹ làm tăng tỉ lệ bệnh suất và tử vong ở em bé.
Ngoài ra còn nhiều thể đái tháo đường khác như đái tháo đường sơ sinh, đái tháo đường do thuốc và các hóa chất,…
Ngoài ra, đối với những đối tượng trong giai đoạn thai kỳ cần được theo dõi đường huyết liên tục, mời bạn tham khảo sản phẩm Combo máy đo đường huyết không lấy máu – Reader và Sensor với công dụng đo đường huyết liên tục không cần lấy máu, thao tác dễ dàng
Triệu chứng của đái tháo đường
Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân đái tháo đường type 1 và type 2 về cơ bản là giống nhau. Sự khác nhau giữa 2 type này chủ yếu là các xét nghiệm miễn dịch để phân biệt, 1 số yếu tố liên quan đến tuổi tác và triệu chứng khởi đầu. Đái tháo đường type 1 có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trước 20 tuổi.
Các triệu chứng tăng đường huyết kinh điển cho bệnh đái tháo đường:
- Tiểu nhiều, tiểu đêm, có thể tiểu dầm ở trẻ em
- Uống nhiều và khát nước nhiều
- Sụt cân nhiều ở type 1 và ít hơn ở type 2 (trong vài tháng có thể sut 5-10kg)
- Ăn nhiều, thèm ngọt và ăn uống nhiều đồ ngọt hơn trước
Đái tháo đường type 1 khi khởi bệnh thường có biểu hiện rầm rộ của các triệu chứng tăng đường huyết kinh điển, diễn tiến ngắn nên thường lần đầu đã nhập viện cấp cứu vì các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Đái tháo đường type 2 thường diễn tiến mờ nhạt hoặc không triệu chứng trong thời gian dài, nên lưu ý các biểu hiện không điển hình như:
- Mệt mỏi hoặc tình trạng mất sức không giải thích được.
- Rối loạn chức năng tình dục ở nam, rối loạn cương.
- Nhìn mờ.
- Tê, dị cảm đầu chi, da khô.
- Các tình trạng nhiễm trùng thường kéo dài và tái phát như nhiễm trùng da ( nhọt, vết thương da lâu lành,..) nhiễm trùng tiểu, viêm đường hô hấp trên, viêm nhiễm vùng sinh dục.
Điều trị bệnh đái tháo đường
Điều trị không dùng thuốc: Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là biện pháp hữu hiệu nhất để dự phòng và ngăn ngừa tiến triển của đái tháo đường type 2.
Luyện tập thể lực
Tăng hoạt động thể lực giúp làm cải thiện đường huyết, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
- Nên tập thể dục 5 ngày mỗi tuần, tốt nhất là thể dục hết các ngày trong tuần.
- Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất: đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (kéo dây thun, nâng tạ).
- Có thể thay thế bằng cách chia nhỏ thời gian tập thể dục trong ngày. Ví dụ: đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút.
- Những hoạt động tăng tiêu thụ năng lượng hàng ngày có lợi cho kiểm soát đái tháo đường: làm vườn, đi bộ lên cầu thang, lau nhà,…
- Tránh ngồi kéo dài và mỗi 20 tới 30 phút nên đứng dậy đi lại.
Kiểm soát cân nặng
Béo phì thường rất phổ biến ở đái tháo đường type 2, vì vậy cần kiểm soát cân nặng tốt.
- Người thừa cân, béo phì cần giảm cân, mục tiêu giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong vòng 3-6 tháng. Do vậy mức năng lượng khẩu phần ăn cũng giảm dần, 250-500 kcal/ngày (giảm từng giai đoạn, không giảm đột ngột).
- Đạt được và duy trì mức cân nặng hợp lý:
- Cân nặng lý tưởng = Chiều cao (m) X chiều cao (m) X 22
- Vòng eo < 80 cm (Nữ), vòng eo < 90 cm (Nam).
Dinh dưỡng
Điều chỉnh các khẩu phần ăn hằng ngày phù hợp:
Chất bột đường
- Khuyến cáo lựa chọn thực phẩm:
- Bữa ăn nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt/gạo lật, khoai củ, bánh mỳ đen, hoa quả.
- Nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, mứt sấy khô, mật ong, hoa quả ngọt như mít, đu đủ, xoài, …
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như: Khoai lang nướng, bánh mỳ, bột dong, đường kính, mật ong,…
Chất béo
- Lựa chọn thực phẩm:
- Chọn thực phẩm có ít chất béo bão hòa như: cá, thịt nạc, đậu phụ, lạc, vừng.
- Tránh ăn các thức ăn: thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu cọ, dầu dừa, hoặc các thực ăn chiên rán kĩ.
- Chọn các dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật: dầu đậu nành, dầu hướng dương…
- Không nên sử dụng lại dầu đã sử dụng ở nhiệt độ cao: xào, rán…
Chất đạm
- Lựa chọn thực phẩm:
- Tăng cường sử dụng cá và thủy hải sản.
- Ăn các loại thịt bò, thịt lợn ít mỡ.
- Ăn thịt gia cầm bỏ da + Hạn chế các thực phẩm giàu Cholesterol: phủ tạng động vật, chocolate,…
- Có thể sử dụng trứng 2-4 quả/tuần, ăn cả lòng đỏ và lòng trắng.
- Chọn các thực phẩm có nhiều chất béo chưa bão hòa có lợi cho sức khỏe: đậu đỗ, lạc, vừng, dầu oliu, dầu cá, …
Chất xơ
- Chất xơ có tác dụng giúp thức ăn ở dạ dày lâu hơn, ngăn cản men tiêu hóa tác dụng với thức ăn, từ đó làm chậm tốc độ tiêu hóa, giải phóng đường vào máu từ từ.
- Chất xơ có nhiều trong các phần như vỏ, dây, lá, hạt, … của các loại cây lấy quả, rau xanh và ngũ cốc.
Trái cây
- Là nguồn cung cấp vitamin chính:
- Ăn trái cây nên ăn nguyên múi, nguyên miếng không nên ăn nước ép trái cây vì quá trình chế biến đã bị mất chất xơ nên đường bị hấp thu nhanh hơn.
- Chọn những trái cây gây tăng đường huyết thấp: ổi, lê, táo, cam.
- Ăn vừa phải trái cây gây tăng đường huyết trung bình: chuối, đu đủ.
- Hạn chế trái cây gây đường huyết nhanh: dưa hấu, vải, nhãn, xoài.
Đồ uống
- Người bị bệnh đái tháo đường vẫn được uống rượu nhưng không quá 1-2 đơn vị rượu mỗi ngày. Một đơn vị rượu chứa 10g cồn, tương đương 120 mL rượu vang, 300 mL bia, hoặc 30mL rượu mạnh.
- Các loại nước ngọt, nước giải khát có ga: chỉ sử dụng các loại nước không hoặc ít đường
- Nên sử dụng các sản phẩm dành riêng cho người đái tháo đường như: bánh, sữa, ngũ cốc.
Kiểm soát tốt các bệnh đồng mắc
Cần kiểm soát tốt các bệnh thường đồng hành với đái tháo đường như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,.. vì các bệnh này sẽ làm đái tháo đường trầm trọng hơn và ngược lại. Nên đi thăm khám bác sĩ để được một điều trị tối ưu nhất.
Bổ sung các vitamin và khoáng chất bằng DIAVIT có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể nhờ vào các đặc tính chống oxy hóa, hỗ trợ bảo vệ tế bào và giảm viêm. Hiểu biết về bệnh và quản lý đúng cách sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe tốt và giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến đái tháo đường.
Mời bạn tham khảo sản phẩm Combo Máy đo đường huyết – Nipro Premier α
Điều trị dùng thuốc
Các thuốc làm hạ đường huyết dạng viên uống
Có khá nhiều nhóm thuốc dùng để điều trị đái tháo đường, và việc dùng thuốc sẽ do bác sĩ đưa ra dựa vào bệnh sử cũng như thể trạng của bệnh nhân.
Insulin
- Dùng cho người bị đái tháo đường type 1, đái tháo đường thai kỳ và người bị đái tháo đường type 2 khó kiểm soát đường huyết với dạng thuốc viên uống.
- Tại Việt Nam hiện có insulin dạng tiêm với thời gian tác dụng khác nhau (insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng kéo dài và insulin trộn sẵn – kết hợp các loại insulin theo tỉ lệ nhất định). Việc sử dụng insulin hiện giờ cũng dễ dàng hơn với người bệnh. Hiện nay có bút tiêm insulin, với nhiều ưu điểm như liều lượng tiêm insulin chính xác, dễ sử dụng, dễ mang theo người.
Việc dùng thuốc có hiệu quả tốt trong điều chỉnh đường huyết, tuy nhiên không nên tự ý mua và tự chỉnh liều , có thể dẫn dến những biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết. Vì vậy, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được thăm khám toàn diện và đưa ra các điều trị tối ưu cho mỗi người.
Mời bạn tham khảo thêm các gói xét nghiệm tiểu đường đang có tại Docosan.com
Bị các vấn đề liên quan đến đái tháo đường nên đi khám ở đâu?
- Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare | ThS BS Võ Tuấn Khoa
- Bệnh viện quốc tế City – City International Hospital – Q. Bình Tân
- Vigor Health – Q.3
Lời kết
Tổ chức Y tế Thế Giới WHO gọi bệnh đái tháo đường là ‘Cơn sóng thần tàn phá sức khỏe toàn cầu’. Bệnh đã để lại những hậu quả trực tiếp trên sức khỏe, tàn phế và tử vong. Việc hiểu biết đúng về đái tháo đường cùng với việc tuân thủ điều trị và tự thay đổi lối sống bản thân sẽ làm chậm tiến triển của bệnh và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2020), Bộ Y tế
- Đái tháo đường, Triệu chứng học bệnh học nội khoa tập 2, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
- Biến chứng của bệnh đái tháo đường – Sức khỏe và Đời sống