Đái tháo đường type 1 là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta của tuyến tụy, nơi sản xuất insulin. Do đó, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường type 1. Vậy tình trạng hệ miễn dịch tấn công cơ thể có phải là một trong những tác nhân đó? Hãy cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này qua bài viết dưới đây cùng Docosan nhé!
Đái tháo đường có mấy tuýp?

Hiện nay, tùy theo từng nghiên cứu mà đái tháo đường được chia thành nhiều loại khác nhau. Song, hiện tại, đái tháo đường chủ đạo có 3 tuýp chính bao gồm đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 và đái tháo đường thai kỳ.
- Đái tháo đường type 1: Cơ thể bị thiếu hụt insulin hoàn toàn.
- Đái tháo đường type 2: Các tế bào bị đề kháng insulin, tế bào beta đảo tụy bị suy giảm chức năng.
- Đái tháo đường thai kỳ: Được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và trước đó người mẹ chưa từng mắc đái tháo đường.
Hệ miễn dịch tấn công cơ thể là nguyên nhân gây đái tháo đường type 1?
Hệ miễn dịch tự tấn công cơ thể chính là một nguyên nhân gây nên đái tháo đường type 1. Hiện các chuyên gia vẫn chưa lý giải được vì sao lại xuất hiện tình trạng tự miễn dịch này.
Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1
Bệnh đái tháo đường tuýp 1 xuất hiện khi cơ thể thay vì sản xuất kháng thể chống lại các tác nhân lạ bên ngoài thì lại sinh kháng thể kháng tế bào beta tuyến tụy. Lúc này. tế bào bị phá hủy sẽ khiến tuyến tụy không sản xuất được insulin. Hiện tượng tự miễn dịch này thường diễn ra trong nhiều tháng cho đến nhiều năm, cho đến khi chúng ta bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh.
Các tác nhân môi trường như virus hay di truyền từ gia đình có thể là nguyên nhân gây đái tháo đường type 1. Tuy nhiên, khác với đái tháo đường type 2, chế độ ăn uống sinh hoạt hằng ngày không gây nên loại đái tháo đường này.
Cơ chế gây bệnh tiểu đường

Các loại virus như quai bị, sởi, coxsakie B4 và B5, retro loại C,… sẽ tấn công lên tế bào beta tuyến tụy ở những người mang gen di truyền bẩm sinh đối với đái tháo đường type 1. Tế bào beta bị tổn thương tạo ra kháng nguyên, kích thích cơ thể sinh miễn dịch (kháng thể) gây viêm.
Sau đó, đại thực bào lympho sẽ được hoạt hóa đến các vị trí viêm tại đảo tụy. Tế bào lympho T bắt đầu tiết các chất trung gian như interleukin-1, chất này sẽ xúc tác hình thành các gốc tự do gây độc với tế bào beta. Từ đó, tế bào beta tuyến tụy sẽ bị phá hủy và không còn khả năng tiết insulin.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1

Một số triệu chứng nổi bật của đái tháo đường type 1:
- Tiểu nhiều, tiểu đêm.
- Thường xuyên khát nước.
- Sụt cân.
- Mờ mắt.
- Thường xuyên cảm thấy đói bụng.
- Tê bì tay chân.
- Da khô.
- Vết loét lâu lành.
- Dễ nhiễm trùng.
Ngoài ra, người mắc đái tháo đường type 1 có thể cảm thấy buồn nôn, nôn và đau dạ dày.
Xem thêm: Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1
Trên thực tế, khó để nhận biết yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường type 1. Hiện có 2 yếu tố nguy cơ đã được chứng minh:
- Tiền sử gia đình: Gia đình có người từng mắc đái tháo đường type 1.
- Độ tuổi: Đái tháo đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn cả ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên.
Biến chứng của bệnh tiểu đường loại 1

Đái tháo đường type 1 có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe khác nhau nếu bệnh nhân không kiểm soát đường huyết tốt. Các biến chứng phổ biến của đái tháo đường gồm:
- Bệnh tim, đột quỵ: Đường huyết cao có thể phá hủy các mạch máu, gây nên bệnh tim hoặc đột quỵ.
- Bàn chân đái tháo đường: Đái tháo đường không kiểm soát tốt lâu dần sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại biên, làm giảm cung cấp máu đến bàn chân. Các vết thương ở chân sẽ khó lành hơn, dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc loét.
- Vấn đề thị lực: Người mắc đái tháo đường có thể bị mờ mắt, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc đái tháo đường.
- Tổn thương dây thần kinh: Tay chân tê bì, đau, ngứa ran, táo bón, tiêu chảy, hay tình dục không hiệu quả chính là các triệu chứng của tổn thương dây thần kinh.
- Suy giảm chức năng thận: Đường huyết cao trong thời gian dài sẽ gây tổn thương thận. Biến chứng này thường xảy ra ở người đái tháo đường lâu năm.
- Bệnh nướu răng: Lượng đường trong máu cao dễ dẫn đến bệnh nướu răng, răng bị nhiễm trùng. Các triệu chứng bao gồm chảy máu nướu răng, đau nhức răng và hôi miệng.
Xem thêm: Biến chứng đái tháo đường: 6 biến chứng thường thấy
Hệ miễn dịch tự tấn công cơ thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường type 1. Việc hiểu rõ cơ chế này không chỉ giúp chúng ta nâng cao nhận thức về căn bệnh, mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, vì thế hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị ngay khi nhận thấy bản thân có triệu chứng của đái tháo đường.
Xem thêm:
- Nhận biết sớm, điều trị kịp thời triệu chứng đái tháo đường
- Tê bì chân tay ở người tiểu đường: Biến chứng, cách điều trị hiệu quả
- Người tiểu đường uống vitamin tổng hợp được không? Lưu ý khi dùng
Tài liệu tham khảo:
1. How many types of diabetes are there?
- Link tham khảo: https://www.wesleymc.com/healthy-living/blog/how-many-types-of-diabetes-are-there
- Ngày tham khảo: 04/01/2025
2. About Type 1 Diabetes
- Link tham khảo: https://www.cdc.gov/diabetes/about/about-type-1-diabetes.html
- Ngày tham khảo: 04/01/2025
3. Type 1 diabetes: pathophysiology and diagnosis
- Link tham khảo: https://pharmaceutical-journal.com/article/ld/type-1-diabetes-pathophysiology-and-diagnosis
- Ngày tham khảo: 04/01/2025
4. Complications of type 1 diabetes
- Link tham khảo: https://www.nhs.uk/conditions/type-1-diabetes/complications/
- Ngày tham khảo: 04/01/2025