Hormone tuyến giáp và những thông tin cần biết

Có rất nhiều hormone tham gia điều chỉnh nhiều chức năng của cơ thể trong đó, hormone tuyến giáp được biết đến là có tác động rõ rệt trên hầu hết hệ cơ quan. Những rối loạn do thiếu hoặc thừa hormone tuyến giáp là một trong những rối loạn nội tiết thường gặp nhất. Để phát hiện sớm bệnh, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu một số xét nghiệm hormone tuyến giáp, cũng như tác dụng của hormone tuyến giáp đối với cơ thể để có thể nhận biết được các dấu hiệu khi có sự thay đổi hormone tuyến giáp nhé.

Tổng quan về hormone tuyến giáp và sản xuất

Hormone tuyến giáp gọi tắt là hormone giáp được tổng hợp từ các tế bào biểu mô tuyến giáp và được dự trữ trong các nang giáp.

hormone-tuyen-giap
Tuyến giáp nằm ở phía trước khí quản

Hai hormone giáp hoạt động là triiodothyronine (T3) và tetraiodothyronine hay còn gọi là thyroxine (T4).

Mặc dù T3 hoạt động hơn T4, nhưng hầu hết hormone rời khỏi tuyến giáp lại là T4 (chiếm đến 90%). T3 và T4 lưu hành trong máu vừa ở dạng kết hợp với protein huyết tương vừa ở dạng tự do. Khi đến mô đích, T4 được chuyển thành T3.

Thai kỳ, ăn kiêng, căng thẳng, suy gan và suy thận đều làm giảm việc chuyển T4 thành T3, còn béo phì làm tăng chuyển T4 thành T3, tức là tăng lượng hormone dạng hoạt động.

Việc sản xuất hormone của tuyến giáp được kiểm soát bởi tuyến yên trong não. Tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (Thyroid stimulating hormone viết tắt là TSH). Lượng TSH mà tuyến yên tiết vào máu phụ thuộc vào lượng hormone giáp trong cơ thể.

Nếu tuyến yên cảm nhận được lượng hormone giáp thấp, thì nó sẽ sản xuất nhiều TSH hơn để yêu cầu tuyến giáp sản xuất nhiều hơn. Đến khi T4 trong máu vượt quá một mức nhất định, quá trình sản xuất TSH của tuyến yên sẽ ngừng lại. Bằng cách này, tuyến yên kiểm soát được việc sản xuất hormone của tuyến giáp.

Tác dụng của hormone tuyến giáp

Vì hormone giáp tác động lên hầu hết tế bào có nhân trong cơ thể nên tác dụng của chúng rất đa dạng. Các tác dụng của hormone tuyến giáp được trình bày như sau:

  • Tăng tỉ lệ trao đổi chất cơ bản: làm tăng tỉ lệ trao đổi chất làm tăng tiêu thụ oxy và năng lượng, tăng tốc độ chuyển hóa, tăng sinh nhiệt nên thân nhiệt tăng. Đây là tác động rõ ràng và hiệu quả nhất của hormone giáp.
  • Chuyển hóa: thúc đẩy quá trình tổng hợp các enzyme chuyển hóa, gây ra các tác động:
    • Đối với glucid: hormone giáp góp phần kích thích tụy tăng bài tiết insulin. Ngoài ra, nó có thể gây tăng hấp thu glucose từ ống tiêu hóa, tăng tân tạo đường.
    • Đối với lipid: hormone giáp làm giảm nồng độ cholesterol, phospholipid và triglycerid trong huyết tương. Cho nên trong suy giáp, nồng độ các chất này tăng làm phát triển bệnh xơ vữa động mạch.
    • Đối với protein: hormone giáp làm tăng tổng hợp protein giúp cơ thể phát triển. Nhưng nếu hormone giáp nhiều quá mức thì sẽ giảm nguồn protein dự trữ trong cơ làm giảm khối lượng cơ.

Với những tác dụng đến chuyển hóa như trên, việc tăng hay giảm hormone giáp đều ảnh hưởng đến cân nặng và thân nhiệt. Cụ thể:

Tăng hormone giáp ( Cường giáp ) thường giảm cân nặng, sợ nóng.

Giảm hormone giáp ( Suy giáp ) thì tăng cân, sợ lạnh.

  • Hệ tim mạch: hormone giáp hiệp đồng với catecholamine ở tế bào cơ tim làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim và kết quả là tăng cung lượng tim.
  • Hệ hô hấp: hormone giáp làm tăng cung lượng tim và tăng thông khí giúp tăng vận chuyển oxy đến mô phù hợp với sự tăng tiêu thụ oxy của tế bào.
  • Hệ tiêu hóa: tăng tiết các dịch tiêu hóa và nhu động ruột. Vì thế, cường giáp thường tiêu chảy, suy giáp thường táo bón.
  • Hệ thần kinh trung ương: hormone giáp có nhiều tác động lên hệ thần kinh trung ương và thay đổi theo tuổi.
    • Trong giai đoạn bào thai, hormone giáp cần thiết cho sự trưởng thành của hệ thần kinh trung ương. Suy giáp trong giai đoạn này làm chậm phát triển tâm thần. Như vậy, việc tầm soát suy giáp ở trẻ sơ sinh là bắt buộc. Nếu phát hiện sớm thì điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone cho thấy hiệu quả tốt.
    • người lớn, hormone giáp có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Suy giáp gây ra tình trạng thờ ơ, cử động chậm chạp, buồn rầu, giảm trí nhớ, chậm nói và buồn ngủ. Cường giáp dễ bị kích thích, cáu gắt và run cơ nhanh nhẹ.
  • Tăng trưởng: các hormone giáp cùng với hormone tăng trưởng kích thích tạo xương và trưởng thành xương. Ở người bị suy giáp, xương sẽ nhỏ hơn so với những người cùng tuổi.
  • Sinh dục: hormone giáp điều hòa chức năng sinh sản ở nữ và nam bằng cách điều hòa chu kỳ phóng noãn và sinh tinh. Thiếu hay thừa hormone tuyến giáp đều có thể làm giảm khả năng sinh dục. Đối với nữ, bất thường hormone giáp gây rối loạn kinh nguyệt.

Xét nghiệm hormone tuyến giáp

Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm hormone tuyến giáp khi có nghi ngờ tuyến giáp của bạn hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc kém hoạt động (suy giáp); theo dõi điều trị; khảo sát hoạt động trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp; quản lý ung thư biểu mô tuyến giáp,…

Xét nghiệm máu để đo hormone giáp sẵn có và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải xét nghiệm nào cũng hữu ích, tùy vào tình trạng của bạn mà bác sĩ sẽ có chọn lựa phù hợp và phối hợp các kết quả để biện luận vấn đề sức khỏe của bạn.

hormone-tuyen-giap
Xét nghiệm hormone tuyến giáp
  • Thyroxine (T4) toàn phần: gồm T4 tự do và T4 gắn với protein. Xét nghiệm dùng để tìm suy giáp và cường giáp, và để theo dõi điều trị các rối loạn tuyến giáp. T4 thấp được xem là suy giáp, trong khi mức T4 cao có thể cho thấy cường giáp. Phạm vi bình thường cho một người lớn: 5,0 – 12,0 μg/dL.
  • Free T4 (FT4): dạng T4 tự do trong máu dễ dàng đi vào tế bào nên có thể cho biết tuyến giáp đang hoạt động thế nào và được ưa dùng trong xét nghiệm chức năng tuyến giáp hơn T4 toàn phần ( do kết quả T4 toàn phần dễ bị ảnh hưởng bởi thuốc, mang thai, hormone sinh dục, bệnh gan,…). Giá trị FT4 bình thường ở người lớn trong khoảng 0,7 – 1,9 ng/dL.
  • Triiodothyronine (T3) toàn phần: tương tự như T4 toàn phần. Phạm vi bình thường: 80 – 220 ng/dL. Bệnh nhân cường giáp thường có T3 toàn phần tăng cao hơn T4. Xét nghiệm T3 có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán cường giáp và xác định mức độ nặng. Mặt khác, mức độ T3 giảm muộn trong suy giáp nên không được sử dụng thường quy để đánh giá tuyến giáp kém hoạt động.
  • Free T3 (FT3): tương tự FT4, nhưng thường không đáng tin cậy (vì T3 lưu hành trong máu rất ít).
  • Thyroid stimulating hormone (TSH):
    • Những thay đổi của TSH có thể coi như một “hệ thống cảnh báo sớm” – xảy ra trước khi hormone tuyến giáp trở nên quá cao hoặc quá thấp. Các xét nghiệm ban đầu được lựa chọn để tầm soát bất kỳ bất thường nào về tuyến giáp là TSH và FT4, nhằm giúp xác định liệu bất thường phát sinh từ tuyến giáp, tuyến yên, hoặc vùng dưới đồi.
    • Ở hầu hết những người khỏe mạnh, giá trị TSH bình thường 0,5 – 5,0 mIU/L, có nghĩa là tuyến giáp đang hoạt động bình thường.

Nếu bạn đang chuẩn bị cho xét nghiệm hormone tuyến giáp, hãy nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang dùng, bạn có đang mang thai không và bất kỳ bất thường nào về tuyến giáp đã biết trước đó. Điều này sẽ đảm bảo giải thích chính xác nhất các kết quả xét nghiệm.

Xét nghiệm hormone tuyến giáp ở đâu?

  • Hệ thống Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm y khoa Diag – 16 chi nhánh TPHCM
  • Bệnh viện Quốc tế City – Quận Bình Tân

Kết luận

Điều quan trọng bạn phải nhớ khi có kết quả bất thường không nhất thiết là có rối loạn tuyến giáp, vì mỗi xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, hãy đến với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và tận tình của Docosan để được tư vấn và giải thích chi tiết về xét nghiệm hormone tuyến giáp. Chúng tôi vinh dự được đón tiếp bạn!


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.