Tiểu đường có uống được nước yến không? Cách chưng và sử dụng an toàn

Đái tháo đường (hay tiểu đường) là một trong những bệnh lý mạn tính thường gặp nhất. Bệnh có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống, dinh dưỡng của người bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu tiểu đường có uống được nước yến không trong bài viết dưới đây nhé!

Tiểu đường là gì?

Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) được định nghĩa là tình trạng bệnh lý xảy ra do mức đường huyết (glucose) trong máu cao, do cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin hoặc đủ insulin nhưng sử dụng không hiệu quả. Insulin là một hormone sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò giúp glucose từ máu đi vào trong tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hiện nay, đái tháo đường được chia thành các nhóm chính như sau:

  • Tiểu đường Type 1: Hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào sản xuất insulin. Dấu hiệu gợi ý mắc đái tháo đường type 1: khát nước, đi tiểu nhiều, sụt cân, mệt mỏi, thường xuất hiện đột ngột, gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Tiền đái tháo đường: Giai đoạn đường huyết cao hơn ngưỡng bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán đái tháo đường, thường không xuất hiện triệu chứng trong thể bệnh này, người bệnh đa phần phát hiện khi khám sức khỏe hoặc được lấy máu xét nghiệm vì bệnh lý khác.
  • Tiểu đường Type 2: Cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin (hiện tượng đề kháng insulin), thể bệnh này có liên quan chặt chẽ đến lối sống và di truyền. Các triệu chứng gợi ý type 2 có thể gặp là mệt mỏi, dễ bị nhiễm trùng, nhiễm trùng lâu lành, đi tiểu nhiều, nước tiểu có kiến bu, sụt cân nhanh mờ mắt, thường xuất ở người trưởng thành
  • Tiểu đường thai kỳ: Xảy ra trong thai kỳ do thay đổi nội tiết tố. Thường không có triệu chứng rõ rệt, phát hiện qua xét nghiệm tầm soát trong thai kỳ.

Ngoài ra còn một số thể đái tháo đường khác có thể gặp nhưng với tần suất ít hơn như:

  • Type 3c: Do tổn thương tụy (do viêm tụy, ung thư, xơ nang), dẫn đến thiếu insulin. Phẫu thuật cắt tụy cũng có thể gây ra rối loạn đường huyết.
  • LADA: Tương tự đái tháo đường type 1 nhưng xuất hiện muộn, thường gặp ở người trên 30 tuổi.
  • MODY: Tiểu đường do đột biến di truyền đơn gen, ảnh hưởng đến việc sản xuất và sử dụng insulin.
  • Neonatal diabetes: Đái tháo đường thể bẩm sinh, thường xuất hiện trong 6 tháng đầu đời, có thể kéo dài suốt đời hoặc biến mất tạm thời.
  • Brittle diabetes: Đái tháo đường type 1 không ổn định với đường huyết dao động mạnh, có thể cần ghép tụy, thay thế tụy.
Bệnh tiểu đường có nhiều thể khác nhau
Bệnh tiểu đường có nhiều thể khác nhau

Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của nước yến

Theo một số tài liệu, nước yến có những giá trị dinh dưỡng và lợi ích như sau:

  • Theo y học cổ truyền: Tổ yến được xem là phương thuốc có thể hỗ trợ điều trị lao, hen suyễn, rối loạn tiêu hóa… Người ta còn cho rằng tổ yến có thể cải thiện sinh lý, tăng cường hệ miễn dịch, chuyển hóa và lưu thông máu tốt hơn.
  • Phòng bệnh: Một số hợp chất trong tổ yến có thể giúp cơ thể ngừa các bệnh lý viêm nhiễm, một số nghiên cứu cho rằng nước yến có thể cải thiện tiên lượng ở bệnh nhân ung thư nhưng bằng chứng chưa rõ ràng.
  • Tốt cho xương khớp: Tổ yến có thể hỗ trợ điều trị viêm xương khớp và tăng cường độ cứng chắc cho xương.
  • Bổ não: Theo một số nghiên cứu trên động vật, tổ yến giúp bảo vệ não, cải thiện khả năng nhận thức, giảm viêm, giảm stress, chống oxy hóa.
  • Hỗ trợ trong bệnh lý tiểu đường: Ở người bị tiểu đường, tổ yến có thể bảo vệ mạch máu khỏi stress, oxy hóa do đường huyết cao.
  • Sức khỏe da: Tổ yến có thể được sử dụng trong làm đẹp, có khả năng cung cấp dưỡng ẩm, làm trắng và bảo vệ da khỏi quá trình lão.
Nước yến đem lại một số lợi ích về mặt dinh dưỡng
Nước yến đem lại một số lợi ích về mặt dinh dưỡng

Tiểu đường có uống được nước yến không?

Dựa trên một số kết quả nghiên cứu, người mắc bệnh tiểu đường có thể uống nước yến và thậm chí có thể cải thiện sức khỏe nhờ việc dùng nước yến. Nước yến nguyên chất giúp giảm stress và oxy hóa do đường huyết cao, tăng sản xuất nitric oxide (NO) và cải thiện chức năng của tế bào nội mô mạch máu. Các tác động này giúp bảo vệ mạch máu và hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng mạch máu do bệnh tiểu đường, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và rối loạn tuần hoàn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, nước yến không phải là thuốc điều trị tiểu đường, việc sử dụng nước yến cần có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, đặc biệt nên sử dụng yến nguyên chất, nước yến không đường ở bệnh nhân tiểu đường.

Tiểu đường thai kỳ có uống được nước yến không?

Mẹ bầu tiểu đường thai ký có thể ăn bổ sung thêm yến để có thêm dinh dưỡng, tuy nhiên trong quá trình hấp, chế biến không nên thêm đường, mật ong hay chất làm ngọt nào khác để tránh làm nặng thêm tình trạng đái tháo đường thai kỳ. Đặc biệt, mẹ bầu không nên uống nhiều nước yến đã chế biến sẵn (đóng lon, đóng hộp,…) vì các loại nước yến trên thị trường hiện nay đều có pha thêm đường để tạo độ ngọt. Nếu sử dụng nước yến mẹ bầu có thể lựa chọn các loại nước yến không đường và lưu ý cần có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Người bệnh tiểu đường thai kỳ có thể sử dụng được nước yến không đường hoặc chưng cách thủy với sự theo dõi của bác sĩ
Người bệnh tiểu đường thai kỳ có thể sử dụng được nước yến không đường hoặc chưng cách thủy với sự theo dõi của bác sĩ

Lợi ích của nước yến đối với người bị tiểu đường

Dựa trên kết quả một số nghiên cứu, nước yến có thể hỗ trợ điều trị đái tháo đường thông qua các cơ chế: giảm stress, giảm oxy hoá, giảm thiểu tổn thương mạch máu. Nghiên cứu ở chuột đã cho thấy một số lợi ích từ việc sử dụng nước yến.

  • Tăng cường nồng độ nitric oxide (NO): Ở bệnh nhân bị tăng đường huyết, nồng độ NO trong máu giảm, nước yến nguyên chất có thể làm tăng chỉ số NO trong máu, vai trò này thường được biết đến ở thuốc Glibenclamid, một loại thuốc điều trị đái tháo đường.
  • Giảm sản sinh ROS và superoxide anion: Nghiên cứu chỉ ra rằng khi sử dụng nước yến, mức độ superoxide anion và ROS trong tế bào nội mô và mô động mạch chuột giảm đáng kể.
  • Tăng cường hoạt động của enzyme SOD-1: nước yến cũng làm tăng mức protein của enzyme SOD-1 ở chuột, giúp giảm thiểu tác hại của stress gây oxy hóa do tăng đường huyết. Việc tăng cường hoạt động của SOD-1 góp phần bảo vệ và duy trì chức năng tế bào nội mô​ trong cơ thể.
Một số nghiên cứu phân tích vai trò của nước yến với bệnh lý đái tháo đường
Một số nghiên cứu phân tích vai trò của nước yến với bệnh lý đái tháo đường

Hướng dẫn cách chưng yến cho người bệnh tiểu đường

Để sử dụng yến thô đúng cách, bạn có thể tham khảo cách chưng yến như sau:

  • Ngâm yến: Ngâm yến trong nước sạch (nước đun sôi để nguội) khoảng 30 phút đến 1 giờ (tùy độ dày của tổ yến) để yến nở đều và mềm. Sau đó vớt yến ra và để ráo. Có thể vệ sinh phần lông yến còn sót lại trong quá trình ngâm.
  • Chưng cách thủy: Cho yến vào bát chưng cùng với 300ml nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Đặt bát vào một nồi lớn có nước sôi sẵn, lượng nước chỉ nên ngập khoảng 1/3 chiều cao của bát.
  • Thời gian chưng: Đậy nắp bát chưng và chưng yến khoảng 25 – 30 phút với lửa nhỏ, lưu ý không nên chưng quá lâu để tránh làm mất chất dinh dưỡng có trong yến.
  • Hạn chế thêm đường: Với người bệnh tiểu đường, hạn chế bổ sung đường kể cả đường ăn kiêng vào trong quá trình chế biến để hạn chế nguy cơ tăng đường. Nên dùng yến khi còn ấm để có hiệu quả tốt nhất.
Người bệnh cần chưng yến đúng cách để đạt được lợi ích dinh dưỡng tối đa
Người bệnh cần chưng yến đúng cách để đạt được lợi ích dinh dưỡng tối đa

Lưu ý khi sử dụng nước yến cho người bệnh tiểu đường

Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng nước yến cho người bệnh tiểu đường:

  • Chọn loại không đường: trong trường hợp người bệnh dinh dưỡng kém, cần bổ sung thêm nước yến thì nên lựa chọn loại không đường hoặc loại hấp cách thủy để giảm nguy cơ tăng đường huyết.
  • Uống với lượng vừa phải: Chỉ nên dùng nước yến 1 bữa trong ngày như một bữa ăn phụ, không nên lạm dụng, mỗi lần dùng một lượng vừa đủ, dùng xa bữa ăn để tránh gây no.
  • Kiểm tra lượng đường huyết: Người bệnh cần theo dõi đường huyết thường xuyên, nếu khi dùng yến lượng đường tăng cao người bệnh cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
  • Kết hợp với sản phẩm hỗ trợ kiểm soát đường huyết: Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng thêm Diavit để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn và giảm bớt lo lắng khi sử dụng nước yến. Sản phẩm này chứa 7 loại vitamin và 3 khoáng chất thiết yếu, giúp hỗ trợ chuyển hóa đường huyết và duy trì chỉ số đường huyết ổn định.
Không nên sử dụng nước yến có đường ở người bệnh tiểu đường
Không nên sử dụng nước yến có đường ở người bệnh tiểu đường

Một số câu hỏi liên quan

Người bị tiểu đường có thể uống được bao nhiêu nước yến?

Người bị tiểu đường có thể uống nước yến nhưng cần kiểm soát liều lượng nhất định và tần suất vừa phải để tránh ảnh hưởng đến đường huyết. Lượng nước yến thích hợp cho người bệnh tiểu đường thường là khoảng 70-100ml mỗi lần sử dụng và chỉ nên uống 2 đến 3 lần mỗi tuần.

Nên lựa chọn nước yến có đường hay không đường?

Đối với người bị tiểu đường, nên lựa chọn nước yến không đường. Tuy nhiên, các loại nước yến không đường vẫn chứa một lượng đường nhất định từ tổ yến, do đó vẫn cần sử dụng một cách vừa phải, không nên lạm dụng.

Bệnh tiểu đường nên uống nước gì?

Người bệnh tiểu đường nên ưu tiên uống các loại nước giúp kiểm soát lượng đường huyết và không gây ảnh hưởng đáng kể tới chỉ số đường huyết:

  • Nước lọc: Đây là lựa chọn tốt nhất, giúp bổ sung nước cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể và không chứa đường. Nên uống nước đun sôi để nguội.
  • Trà thảo mộc: Trà xanh, trà hoa cúc, trà gừng… không pha thêm đường sẽ có tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết và tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật.
  • Nước sinh tố rau xanh: Rau bina, rau cải xoăn… chứa nhiều chất xơ và vitamin, giúp kiểm soát đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa.
Người bệnh tiểu đường không nên lạm dụng nước yến
Người bệnh tiểu đường không nên lạm dụng nước yến

Xem thêm:

Bài viết đã cung cấp về vấn đề bệnh tiểu đường uống nước yến được không. Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng được nước yến tuy nhiên cần lựa chọn yến không đường hoặc chưng cách thủy, sử dụng với tần suất vừa phải để tránh làm tăng đường. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!

Nguồn tham khảo:

1. What Are Edible Bird’s Nests? All You Need to Know – Healthline

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/nutrition/bird-nest-benefits-and-downsides
  • Ngày tham khảo: 28/10/2024

2. Effect of Hydrolyzed Bird’s Nest on β-Cell Function and Insulin Signaling in Type 2 Diabetic Mice – NCBI 

  • Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC8112233/
  • Ngày tham khảo: 28/10/2024

3. Diabetes – Cleveland Clinic 

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/7104-diabetes
  • Ngày tham khảo: 28/10/2024

Contact Me on Zalo