Vì sao người bệnh tiểu đường dễ bị thiếu vitamin B?

BSCKI Trần Vũ Lan Hương
Tư vấn bệnh lý đái tháo đường
BSCKI Trần Vũ Lan Hương
DiaB - Giải Pháp Toàn Diện Cho Người Đái Tháo Đường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bệnh tiểu đường dễ bị thiếu vitamin B – một loại vitamin nắm nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và làm thế nào để bệnh nhân có thể phòng ngừa? Hãy cùng Docosan giải đáp những thắc mắc này qua bài viết dưới đây.

Vitamin B là gì?

Vitamin B là một nhóm gồm 8 vitamin thiết yếu, tan trong nước, đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Chúng tham gia vào quá trình trao đổi chất và chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, tạo tế bào máu mới, duy trì hoạt động bình thường của nhiều hệ cơ quan như như não và da.

Mỗi loại vitamin B có vai trò riêng biệt, cụ thể như sau:

  • Vitamin B1 (Thiamin): Giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng và có vai trò trong chức năng thần kinh.
  • Vitamin B2 (Riboflavin): Cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng và bảo vệ sức khỏe da, mắt.
  • Vitamin B3 (Niacin): Tham gia vào quá trình trao đổi chất và hỗ trợ chức năng hệ thần kinh.
  • Vitamin B5 (Pantothenic Acid): Quan trọng trong việc tổng hợp coenzyme A, giúp cơ thể sản xuất năng lượng.
  • Vitamin B6 (Pyridoxine): Giúp cơ thể chuyển hóa protein và duy trì chức năng hệ miễn dịch.
  • Vitamin B7 (Biotin): Hỗ trợ sức khỏe tóc, da và móng, cũng như tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng.
  • Vitamin B9 (Folate hoặc Acid Folic): Quan trọng cho sự hình thành tế bào mới và phát triển thai nhi.
  • Vitamin B12 (Cobalamin): Cần thiết cho sự hình thành hồng cầu và chức năng hệ thần kinh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người bệnh đái tháo đường dễ bị thiếu vitamin B. Mặt khác, thiếu hụt Vitamin B làm tăng nguy cơ đái tháo đường và các biến chứng của bệnh. Vì vậy, có thể thấy nhóm vitamin này có vai trò vô cùng quan trọng và cần được lưu ý để bổ sung đầy đủ hằng ngày.

Có nhiều loại vitamin B khác nhau đảm nhận những chức năng khác nhau trong cơ thể
Có nhiều loại vitamin B khác nhau đảm nhận những chức năng khác nhau trong cơ thể

Nguyên nhân người bệnh tiểu đường dễ bị thiếu vitamin B

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bời lượng đường (glucose) trong máu cao. Người bệnh đái tháo đường thường phải chú ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Song song với đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng bệnh nhân nên lưu ý về vấn đề thiếu hụt vitamin B – một tình trạng xảy ra phổ biến ở bệnh đái tháo đường.

Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh đái tháo đường dễ bị thiếu vitamin B bao gồm:

  • Chế độ ăn uống kém cân bằng: Nhiều bệnh nhân thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm cân và kiểm soát đường huyết, tuy nhiên điều này lại là nguyên nhân làm hạn chế một số loại thực phẩm giàu vitamin B như thịt hay các sản phẩm từ sữa. Do đó, cần cân đối khẩu phần ăn hằng ngày để đảm bảo cung cấp lượng khoáng chất cần thiết.
  • Thuốc điều trị đái tháo đường: Một loại thuốc điều trị đái tháo đường phổ biến nhất là metformin có thể gây cản trở hấp thụ vitamin B12 của cơ thể. Nhiều khuyến cáo đã được đưa ra đối với bệnh nhân đái tháo đường về nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 sau thời gian dài điều trị bằng metformin.
  • Tổn thương các cơ quan: Bệnh đái tháo đường có thể gây ra các tổn thương tại hệ tiêu hóa như dạ dày và ruột non, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các dưỡng chất, đặc biệt  là acid folic và vitamin B12.
  • Biến chứng thần kinh: Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh, từ đó có thể làm tăng nhu cầu và giảm khả năng sử dụng các vitamin nhóm B của cơ thể.
Thuốc điều trị đái tháo đường metformin cản trở hấp thu vitamin B12
Thuốc điều trị đái tháo đường metformin làm cản trở hấp thu vitamin B12

Các loại vitamin B có thể bị thiếu hụt

Bệnh nhân đái tháo đường có thể bị thiếu hụt một số loại vitamin B, đặc biệt là các vitamin sau:

  • Vitamin B12 (Cobalamin): Đây là một trong những loại vitamin B phổ biến nhất bị thiếu hụt ở người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là những người dùng metformin. Điều này có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe khác như: thiếu máu, tổn thương thần kinh ngoại biên, tê bì, ngứa ran ở tay chân, các vấn đề về thị lực,…
  • Vitamin B1 (Thiamin): Nhiều nghiên cứu chỉ ra bệnh nhân đái tháo đường – đặc biệt là những người đã tiến triển biến chứng trên thần kinh – có xu hướng đào thải vitamin B1 nhiều hơn so với người bình thường. Thiếu vitamin B1 có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ và rối loạn thần kinh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề khác.
  • Vitamin B2 (Riboflavin): Vitamin B2 đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất năng lượng và sản xuất glutathione. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, vitamin B2 cần thiết để bảo vệ các tế bào bình thường trong cơ thể bằng cách ức chế các gốc tự do và hoạt động như một chất chống oxy hóa. Khi thiếu hụt loại vitamin này, người bệnh sẽ có triệu chứng mệt mỏi và thiếu năng lượng, thiếu máu hay các tổn thương trên da và mắt.
Bệnh nhân tiểu đường thường thiếu hụt vitamin B12
Bệnh nhân đái tháo đường thường thiếu hụt vitamin B12

Phải làm gì khi bị thiếu hụt vitamin B

Khi bị thiếu hụt vitamin B, điều quan trọng là phải xác định loại vitamin B cụ thể bị thiếu để có cách bổ sung phù hợp. Do đó, hãy gặp bác sĩ và trao đổi về những vấn đề của bạn, cung cấp thông tin về khẩu phần ăn và thói quen sống hằng ngày,

Từ đó, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm máu để kiểm tra và từ đó giúp bạn điều chỉnh đơn thuốc cũng như chế độ dinh dưỡng cho phù hợp

Bên cạnh đó, hãy chủ động bổ sung vitamin B trong khẩu phần ăn hằng ngày, hạn chế bia rượu và giảm thiểu căng thẳng. Những điều này cũng sẽ góp phần giảm thiều những ảnh hưởng xấu trên sức khỏe do việc thiếu hụt vitamin B gây nên.

Gặp bác sĩ để được đánh giá đúng mức độ thiêu hụt vitamin B trong cơ thể
Gặp bác sĩ để được đánh giá đúng mức độ thiêu hụt vitamin B trong cơ thể

Cách phòng ngừa thiếu hụt vitamin B

Cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin B là áp dụng một chế độ ăn cân bằng, bao gồm đầy đủ protein, ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây. Ngoài ra, nếu được bác sĩ khuyến cáo, bạn có thể sử dụng thực phẩm chức năng chứa vitamin B tổng hợp để đảm bảo cung cấp đủ vitamin B cần thiết.

Đồng thời, bạn nên xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra mức độ vitamin B trong cơ thể, từ đó sớm phát hiện dấu hiệu thiếu hụt và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Xem thêm: 

Trên đây là tổng hợp những thông tin liên quan đến chủ đề “Người bệnh đái tháo đường dễ bị thiếu vitamin B”. Hãy nhớ rằng việc thiếu hụt vitamin B có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho bệnh nhân đái tháo đường. Do đó, hãy kiểm soát và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

Nguồn tham khảo:

1. A complete guide to B vitamins

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/325292
  • Ngày tham khảo: 10/11/2024

2. What You Need to Know About Diabetes and B-12

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/diabetes/b12-what-you-need-to-know
  • Ngày tham khảo: 10/11/2024

3. Symptoms of Vitamin B Deficiencies

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/symptoms-of-vitamin-b-deficiency
  • Ngày tham khảo: 10/11/2024

4. Vitamin B deficiency

  • Link tham khảo: https://www.healthdirect.gov.au/vitamin-b-deficiency
  • Ngày tham khảo: 10/11/2024
Contact Me on Zalo