Lao hạch – 4 triệu chứng cảnh báo cần khám ngay

Lao hạch bạch huyết ngoại vi (gọi tắt là lao hạch) là một bệnh viêm mãn tính ở hạch bạch huyết do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh ảnh hưởng đến cả người lớn lẫn trẻ em. Cách điều trị thông thường sẽ dùng thuốc và mổ nếu cần thiết. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về bệnh lao hạch ngay trong bài viết dưới đây.

Lao hạch là gì?

Lao hạch là một bệnh viêm mạn tính ở hệ thống hạch bạch huyết ngoại vi (hạch cổ, hạch bẹn, hạch nách,…) do vi khuẩn lao gây nên.

Hạch bạch huyết là các cấu trúc nhỏ, phân bố khắp cơ thể, thuộc hệ thống mạch bạch huyết. Bình thường, hạch có kích thước nhỏ khoảng bằng một hạt gạo, hạt đậu, hoà lẫn vào các mô xung quanh và không sờ thấy. Các hạch là vị trí mà vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công, tồn tại và phát triển.

Hạch thường đứng thành cụm giữ chức năng tạo kháng thể có vai trò quan trọng trong hoạt động miễn dịch của cơ thể để chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài.

Tìm phòng khám gần đây để khám nếu nghi ngờ bị lao hạch:

lao hạch
Lao hạch là gì?

Nguyên nhân dẫn đến lao hạch

Nguyên nhân chính gây bệnh lao hạch là do sự xâm nhập của trực khuẩn lao gây nên, phổ biến nhất là Mycobacterium Tuberculosis. Vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào hạch qua các con đường:

  • Trực tiếp vào đường bạch huyết thông qua các tổn thương có ở niêm mạc miệng, tổn thương do sang chấn, nhiễm trùng hay trên cơ địa suy giảm miễn dịch
  • Người bệnh có thể đang nhiễm lao toàn thân, lao phổi và di chuyển đến ở các cơ quan khác, trong đó có các hạch bạch huyết gây ra lao hạch.
lao hạch
Vi khuẩn lao là nguyên nhân gây bệnh lao hạch

Triệu chứng của lao hạch

Người bệnh mắc lao hạch sẽ thường có 2 nhóm triệu chứng:

Triệu chứng nhiễm lao chung

Các triệu chứng nhiễm lao nhìn chung thường rất mơ hồ:

  • Gầy sút, kém ăn.
  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Sốt nhẹ về chiều.
  • Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
lao hạch
Sốt nhẹ là triệu chứng thường gặp của bệnh lao hạch

Triệu chứng đặc hiệu

Khi bị lao hạch, triệu chứng chính là cơ thể xuất hiện một hoặc nhiều hạch. Kích thước hạch có thể tăng dần theo thời gian, người bệnh hoàn toàn không xác định được hạch xuất hiện từ lúc nào, không có cảm giác đau nhức, khó chịu. Vị trí thường gặp nhất là nhóm hạch vùng cổ, điển hình là dọc cơ ức đòn chũm, nhưng cũng có thể ở các vị trí khác, trong đó hạch bẹn rất ít gặp.

Hạch lao thường phát triển qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Hạch xuất hiện có biểu hiện sưng nhẹ, kích thước to, nhỏ không đều, di động tốt vì chưa dính vào nhau hoặc dính vào da.
  • Giai đoạn sau: Viêm hạch và viêm vùng mô xung quanh hạch. Ở giai đoạn này, các hạch xuất hiện với kích thước lớn. Hạch có thể dính thành từng chùm hoặc dính vào da khiến di động hạn chế.
  • Giai đoạn nhuyễn hoá: Hạch lao mềm dần, hạch sưng, da vùng hạch tấy đỏ nhưng không nóng và không đau. Khi hạch đã hóa mủ thì dễ vỡ, nếu tự vỡ sẽ gây những lỗ rò trên da, lâu lành, tạo thành sẹo lồi, nhăn nhúm, sùi trắng hoặc thành những dây chằng xơ.

Trong quá trình mắc lao hạch, tình trạng tổng thể của bệnh nhân thường không quá thay đổi, sức khỏe, sinh hoạt bình thường. Nhiều trường hợp, bệnh nhân tình cờ phát hiện hoặc sờ thấy hạch trên cơ thể rồi đi khám. Tuy nhiên, những trường hợp bội nhiễm hoặc có lao phổi hoặc lao ngoài phổi khác kèm theo thì triệu chứng cơ thể mới nghiêm trọng, nặng nề hơn. Lúc này, người bệnh không được chủ quan mà phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa:

Một số bác sĩ/phòng khám khám và điều trị lao hạch

  • Trung tâm Điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt – Quận 10, TPHCM: Là một trong những trung tâm lớn chuyên khám và điều trị chuyên sâu về các bệnh hô hấp ở người lớn và trẻ em. Đang công tác và làm việc tại đây là đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, được tu nghiệp và đào tạo ở nước ngoài. Một số tên tuổi nổi bật như: Tiến sĩ Lê Khắc Bỏ, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Đức, CKI Danh Xuân Nhiên,… Bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng trước khi đưa ra phương pháp điều trị bệnh phù hợp.

Phòng khám Lao và Bệnh Phổi do Bác sĩ CKII Lê Tấn Phong quản lý là địa chỉ uy tín trong việc khám và điều trị bệnh lao hạch. Với sứ mệnh hàng đầu là sức khỏe và sự hài lòng của bệnh nhân, phòng khám đã xây dựng danh tiếng vững chắc trong việc chăm sóc toàn diện về Nội Hô hấp, bao gồm cả các trường hợp bệnh lao hạch.

Với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dặn, Bác sĩ CKII Lê Tấn Phong đã trở thành một trong những bác sĩ tài năng, chuyên môn cao để hỗ trợ bệnh nhân trong việc đối phó với bệnh lý này. Sự tân tâm và chu đáo của bác sĩ đã giúp bệnh nhân có được tâm lý thoải mái hơn khi khám chữa bệnh tại đây.

  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare – Tân Bình, TPHCM: Là một trong những phòng khám lớn cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng với đa dạng chuyên khoa. Đối với các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lao hạch sẽ được chuyên khoa Nội Tổng hợp tiếp cận. Bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn có đang mắc phải căn bệnh này hay không, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
  • Phòng khám Lao và Phổi Bác sĩ Nguyễn Văn Tẩn – Quận 5, TPHCM: Trực tiếp thăm khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến lao và phổi là bác sĩ Nguyễn Văn Tẩn với hơn 25 năm kinh nghiệm. Hiện nay, bác sĩ còn tham gia công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với cương vị là Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi. Một trong những thế mạnh của phòng khám là khám và điều trị bệnh lao hạch.

Chẩn đoán bệnh lao hạch bằng cách nào?

Chẩn đoán lao hạch, cũng như các thể lao ngoài phổi khác, bác sĩ cần dựa vào triệu chứng nhiễm lao chung và triệu chứng tại chỗ kèm theo hỏi thăm về quá trình bệnh, dịch tễ, yếu tố nguy cơ mắc lao của người bệnh.

Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm hỗ trợ để có thể đưa ra chẩn đoán xác định, ví dụ như:

  • Sinh thiết hạch:
    • Xét nghiệm tế bào học thấy chất hoại tử bã đậu, tế bào bán liên, tế bào lympho, tế bào khổng lồ trong các bệnh phẩm lâm sàng hạch (chọc hút, dịch mủ).
    • Xét nghiệm mô bệnh học bệnh phẩm sinh thiết hạch có hình ảnh nang lao điển hình: ở giữa là vùng hoại tử bã đậu, bao quanh là các tế bào bán liên, tế bào khổng lồ và tế bào lympho, ngoài cùng là lớp tế bào xơ.
  • Nhuộm soi trực tiếp tìm thấy AFB. Xét nghiệm này giúp phát hiện các vi khuẩn có đặc tính kháng acid trong mẫu bệnh phẩm, chủ yếu để phát hiện và chẩn đoán vi khuẩn Lao.
  • Siêu âm hạch.
  • Ngoài ra có thể tìm vi khuẩn lao bằng phương pháp nuôi cấy bệnh phẩm mủ từ chọc hút hạch hoặc làm xét nghiệm Xpert.
  • Đồng thời, bác sĩ sẽ luôn tìm kiếm có lao phổi phối hợp hay không, sàng lọc bằng X-Quang ngực thẳng. Nếu có lao phổi, sẽ là cơ sở quan trọng cho chẩn đoán lao ngoài phổi.
lao hạch
Chẩn đoán bệnh lao hạch bằng cách nào?

Lưu ý: Cần chẩn đoán với hạch viêm phản ứng (BCG). BCG (vaccine bacille Calmette-Guérin) là vaccine tiêm phòng bệnh lao. Vaccine có chứa một dạng vi khuẩn gây bệnh lao đã làm cho yếu đi, nên không gây bệnh, mà ngược lại, sẽ kích thích hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể để bảo vệ

Ở nước ta hiện nay, sau khi được sinh ra, trẻ em sẽ được tiêm ngừa vaccine phòng lao (BCG) tại vùng cơ bắp ở tay trái. Phần lớn trẻ không có phản ứng phụ nào đáng lo ngại. Tuy nhiên, cũng có khoảng 0,6 – 1,33% trẻ sưng hạch dưới nách trái (cùng bên tay đã tiêm), thường xuất hiện trong năm đầu tiên sau khi tiêm.

Bản chất của hạch này không phải hạch lao mà là hạch phản ứng sau tiêm chủng nên không cần điều trị bằng các loại thuốc kháng lao. Bác sĩ sẽ chỉ xử trí tại chỗ vị trí hạch viêm, có thể kết hợp uống thuốc kháng sinh thông thường trong vài ngày sẽ cho kết quả tốt.

Tìm phòng khám lao hạch gần đây:

Lao hạch có nguy hiểm không?

Lao hạch nếu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng nguyên tắc sẽ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng.

Ngược lại, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và để lại nhiều biến chứng, sẹo dị dạng trên cơ thể cũng như tăng nguy cơ tái phát bệnh. Vì thế khi có các triệu chứng nghi ngờ kể trên, bạn nên đến các cơ sở y tế, các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám đầy đủ và điều trị kịp thời.

Lao hạch, khác với lao phổi, là bệnh không lây nhiễm. Trong bệnh lao hạch, vi trùng lao chỉ khu trú trong hạch, không bùng phát ra ngoài, vì thế không lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người. Khi bị lao hạch, người bệnh không cần lo lắng, mặc cảm hay tự ti với người thân hay những người xung quanh. Bạn hãy điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, sinh hoạt bình thường mà không cần tự cách ly với xã hội:

Điều trị lao hạch như thế nào?

Lao hạch có thể điều trị được dứt điểm, không tái phát trở lại nếu bạn tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. 4 nguyên tắc trong điều trị lao hạch bao gồm:

  • Phối hợp các thuốc chống lao.
  • Phải dùng thuốc đúng liều.
  • Phải dùng thuốc đều đặn.
  • Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì.

Người bệnh mắc lao hạch sẽ được điều trị nội khoa là chính, tức là phối hợp các thuốc chống lao, chia 2 giai đoạn tấn công và duy trì. Tổng thời gian điều trị thường kéo dài, tính theo đơn vị tháng – năm, tùy theo thể trạng người bệnh, sự đề kháng của vi trùng lao với thuốc và các bệnh lý khác kèm theo.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, một trong những nguyên tắc điều trị bệnh lao, đó là đủ thời gian. Người bệnh nên tuân thủ theo đúng lời dặn của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý ngưng thuốc dù thấy tình trạng bệnh thuyên giảm, cơ thể khỏe mạnh trở lại vì lúc này bệnh chưa khỏi hoàn toàn, có thể tái phát trở lại. Lúc này, lao hạch sẽ khó điều trị hơn.

lao hạch
Dùng thuốc điều trị lao hạch

Lao hạch đa phần được điều trị bằng thuốc kèm theo các biện pháp nâng đỡ tổng trạng người bệnh, có kế hoạch nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Điều trị ngoại khoa/phẫu thuật/mổ sẽ được thực hiện trong các trường hợp hạch to vỡ, hạch to gây chèn ép mạch máu, thần kinh gây đau hoặc hạch to gây dính các cơ quan xung quanh. Khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, bạn cần theo dõi cũng như tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu bất thường. Sau khi phẫu thuật, bạn có thể tham khảo bác sĩ các phương pháp để ngừa sẹo, tránh gây mất thẩm mỹ và khó điều trị về sau:

Biện pháp phòng ngừa lao hạch

Lao hạch là bệnh không lây nhiễm từ người sang người nên để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo những biện pháp sau:

  • Khi được chẩn đoán bị lao hạch, cần tuân thủ theo chỉ định, lộ trình, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để điều trị bệnh dứt điểm, không được ngừng thuốc khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, tránh tình trạng bệnh tái phát hoặc khiến vi khuẩn lao xâm nhập và gây bệnh ở những bộ phận khác trong cơ thể.
  • Có chế độ, thực đơn ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, rau củ quả,… Bổ sung thêm vitamin qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Không ăn những thực phẩm có hại cho sức khỏe như đồ chiên rán, dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn nhanh, đóng hộp, nước ngọt có gas, đồ uống có cồn, cà phê, thuốc lá,…
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao,nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, có thể tập những bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, cầu lông, bơi lội, yoga,…
  • Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ, đủ giấc, không thức khuya.
  • Hạn chế tình trạng căng thẳng, suy nghĩ, lo âu quá dài.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng, đánh răng, súc miệng bằng nước muối hằng ngày. Cần phải thăm khám, điều trị ngay khi mắc các bệnh về răng miệng, tránh nguy cơ bị nhiễm hạch lao.
  • Tiêm ngừa vaccine phòng lao BCG cho trẻ em đầy đủ, đúng lịch.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

Câu hỏi thường gặp

Lao hạch có lây không?

Lao hạch là bệnh không lây nhiễm. Vi khuẩn này chỉ khu trú và phát triển trong hạch, không bùng phát ra bên ngoài nên không lây lan cho những người xung quanh thông qua tiếp xúc trực tiếp.

Bệnh lao hạch có nguy hiểm không?

Lao hạch không phải là bệnh nguy hiểm, chúng không lây lan trực tiếp từ người sang người. So với các thể lao khác, lao phổi điều trị đơn giản hơn.Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan bởi nếu chữa trị không đúng cách, không điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bệnh lao hạch có lây qua đường ăn uống không?

Bệnh lao hạch không lây từ người sang người cũng như qua đường ăn uống

Lao hạch có chữa được không?

Lao hạch hoàn toàn có thể chữa khỏi, quan trọng là bạn phát hiện bệnh sớm cũng như điều trị theo hướng dẫn, liệu trình của bác sĩ đưa ra. Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, điều độ tăng cường sức đề kháng để nhanh chóng khỏi bệnh.

Lao hạch có tái phát không?

Lao hạch là bệnh có thể điều trị được dứt điểm, tuy nhiên bệnh cũng có thể tái phát nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, đúng lộ trình của bác sĩ chuyên khoa.


Lao hạch là bệnh không lây và có tiên lượng tốt, điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán kịp thời và người bệnh tuân thủ tốt liệu pháp điều trị do bác sĩ đề ra. Do đó, nếu cảm thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh, người bệnh nên tìm gặp các bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời, tránh để lâu khiến bệnh khó điều trị dứt điểm cũng như có nguy cơ tái phát cao. Hy vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin cần thiết cho bạn những kiến thức về căn bệnh lao hạch.