Bà bầu phải tiêm những mũi gì trong thai kỳ để giảm thiểu rủi ro của các bệnh nguy hiểm ở mẹ và bé? Vì sức khỏe của bạn – và của đứa con sắp chào đời, bài viết dưới đây của Docosan sẽ đưa đến các loại vaccine an toàn và cần thiết cho mẹ và bé.
Tóm tắt nội dung
Bà bầu phải tiêm những mũi gì?
Bà bầu phải tiêm phòng uốn ván
Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, tất cả phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm phòng uốn ván.
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani phát triển ở vết thương hở trong điều kiện yếm khí. Vi khuẩn này có mặt ở khắp nơi và chủ yếu trong bụi, đất, cống rãnh, công cụ từ sắt thép, dụng cụ phẫu thuật chưa được khử trùng.
Bệnh uốn ván chủ yếu do vết thương hở, trầy da, xước da. Độc tố làm tổn thương các dây thần kinh, khiến các cơ cứng và tê liệt. Bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời, sẽ dẫn đến liệt các cơ hô hấp và tử vong.
Uốn ván là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 90%. Nguy hiểm hơn hết, bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh gây tử vong trên 95%.
Hiện nay, một số bà bầu do chủ quan, thiếu thông hoặc thông tin tiêu cực không chính xác về vaccin, nên chưa tiêm phòng uốn ván trước và trong thai kỳ. Do đó, cơ thể mẹ hoàn toàn không có khả năng miễn dịch với bệnh uốn ván, khiến triệu chứng nhiễm trùng nặng hơn. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ bị uốn ván cao hơn.
Hơn nữa, nguy cơ lây nhiễm bệnh uốn ván còn cao khi bà bầu sinh con tại các cơ sở y tế tiêu chuẩn thấp. Đặc biệt, khi sinh bà bầu con tại nhà, sử dụng các dụng cụ chưa được tiệt trùng đúng cách để cắt rốn sẽ làm tăng nguy cơ bị uốn ván.
Đối với bà bầu lần đầu và chưa được tiêm phòng uốn ván trước đó cần tiêm 2 mũi:
- Mũi tiêm đầu tiên bắt đầu càng sớm càng tốt, thường bắt đầu từ tháng thứ 5 của thai kỳ.
- Mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng và trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
Đối với bà bầu từ con thứ 2 chỉ cần tiêm 1 mũi, nếu đã tiêm đủ 2 mũi khi sinh con đầu lòng.
Bà bầu phải tiêm phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc do vi khuẩn Corynebacterim diphtheriae. Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, do vi khuẩn Bordetella pertussis. Đây đều là những bệnh nguy hiểm nếu diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong.
Tất cả bà bầu nên chủng ngừa Tdap trong mỗi lần mang thai, càng sớm càng tốt từ tuần 27–36 của thai kỳ. Mũi tiêm ba trong một này bảo vệ mẹ và thai nhi khỏi bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Các nghiên cứu cho thấy bà bầu tiêm vắc xin này có khả năng phòng bệnh cho bản thân và thai nhi cao hơn 6,39 lần so với bà bầu không tiêm.
Khi bà bầu tiêm vắc xin Tdap trong thai kỳ, khả năng miễn dịch có thể truyền cho thai nhi để giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh ho gà trước 2 tháng tuổi (liều đầu tiên mà trẻ sẽ được tiêm phòng ho gà là sau 2 tháng tuổi).
Bà bầu phải tiêm phòng cúm
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của phụ nữ thường suy yếu, do đó cơ thể họ có nguy cơ cao bị vi khuẩn, vi rút tấn công. Một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến nhất là cảm cúm. Đặc biệt đối với bà bầu 3 tháng đầu, cảm cúm rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi, gây dị tật bẩm sinh, sẩy thai. sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai cần được tiêm phòng cúm để bảo vệ cơ thể mẹ và bé. Ngay sau khi trẻ chào đời, các kháng thể chống cảm cúm của mẹ vẫn được truyền qua trẻ trong 6 tháng đầu.
Một liều vaccin cúm nên tiêm càng sớm càng tốt, vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, tốt nhất là trước mùa cúm (thường từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau).
Đã tiêm phòng vào năm ngoái? Bạn vẫn nên tiêm một mũi mới vào hàng năm. Do khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, vì vậy việc tiêm phòng cúm hàng năm để bảo vệ bà bầu và thai nhi là hết sức cần thiết.
Bà bầu phải tiêm phòng vaccine COVID-19
Bà bầu mắc COVID-19 có nguy cơ suy hô hấp dẫn đến tử vong mẹ, tiền sản giật, sinh non và thai chết lưu cao hơn so với bà bầu không mắc COVID-19. Một nghiên cứu gần đây trên hơn 400.000 phụ nữ bị COVID-19, cho thấy ở bà bầu có tỉ lệ cần chăm sóc đặc biệt như máy thở cao gấp ba lần và nguy cơ tử vong cao hơn 70% so với phụ nữ không mang thai. Hiện tại, theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tât Hoa Kỳ ( CDC Mỹ ), chỉ có khoảng 31% những người đang mang thai được tiêm vắc xin COVID-19.
Các chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hiệp hội Y học Bà mẹ-Thai nhi (SMFM) khuyến cáo những người mang thai và cho con bú nên tiêm vắc-xin COVID-19
Tiêm vaccin COVID-19 có thể ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong và các biến chứng thai kỳ liên quan đến COVID-19. Không có nguy cơ nào từ vaccine gây hại cho thai nhi, và trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bà bầu thậm chí có thể truyền kháng thể của họ cho đứa con mới sinh của họ. Kháng giúp trẻ sơ sinh có thể có một số miễn dịch tự nhiên do mẹ truyền cho chúng, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc mức độ nghiêm trọng của vi rút.
Theo quy định của Bộ Y Tế Việt Nam, phụ nữ có thai tiêm phòng COVID-19 từ sau tuần thứ 13 của thai kỳ. Các bà bầu có thể đến tiêm phòng ở tất cả các bệnh việc sản phụ khoa.
Bà bầu phải tiêm phòng cần lưu ý những gì?
Một số vắc xin nên tránh cho bà bầu như Viêm gan A, Sởi – Quai bị – Rubella (MMR), Thủy đậu (Varicella), Zona (Zoster), Phế cầu, Bại liệt (OPV uống). Những loại vắc xin này nên được tiêm trước khi mang thai.
Nếu bạn mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non, bạn nên đến bác sĩ tư vấn trước khi tiêm phòng. Ngoài ra, khi mang thai, cũng nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm và tư vấn.
Tác dụng phụ của việc tiêm vaccine có thể xảy ra chẳng hạn như sốt, đau cơ, đau đầu hoặc chỗ tiêm có thể bị đau hoặc sưng tấy. Bà bầu có thể sử dụng acetaminophen để điều trị sốt. Nếu bất kỳ triệu chứng nào đáng lo ngại, điều quan trọng là phải liên hệ với bác sĩ.
Các bà mẹ nên chọn cơ sở uy tín, có chứng nhận của Bộ Y tế để tiêm phòng để bảo vệ an toàn sức khỏe cho mẹ và bé.
Hy vọng với các thông tin về việc mẹ bầu mang thai phải tiêm phòng những mũi gì trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được các thắc mắc của bản thân. Và đừng quên tiêm phòng đúng thời điểm để đạt được hiệu quả tốt nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.whattoexpect.com/pregnancy/pregnancy-health/vaccines-before-during-pregnancy/
https://careplusvn.com/en/vaccines-for-pregnant-women
https://www.uchealth.org/today/urgent-warning-for-pregnant-women-get-your-covid-19-vaccines/