Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây ra, có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể lây trực tiếp từ người sang người khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn mà không có phương tiện bảo vệ. Để hiểu rõ hơn bệnh lậu là gì, mời bạn đọc cùng Docosan tham khảo nội dung được chia sẻ dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Bệnh lậu là gì?
- 2 Thời gian ủ bệnh và các giai đoạn tiến triển bệnh lậu
- 3 Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây bệnh lậu?
- 4 Đường lây truyền của bệnh lậu là gì?
- 5 Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh
- 6 Dấu hiệu bệnh lậu thường gặp
- 7 Bệnh lậu có nguy hiểm không? Biến chứng thường gặp
- 8 Các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chính xác bệnh lậu
- 9 Các phương pháp điều trị bệnh lậu
- 10 Biện pháp phòng ngừa bệnh lậu
- 11 Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 12 Một số câu hỏi liên quan
Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, còn được gọi là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Bệnh này do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục chủ yếu lây lan khi tiếp xúc với cơ quan sinh dục hoặc dịch cơ thể. Bệnh này xảy ra cả nam và nữ với những biểu hiện không rõ ràng ở giai đoạn đầu.
Thời gian ủ bệnh và các giai đoạn tiến triển bệnh lậu
Thời gian ủ bệnh
Bệnh lậu thường có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 7 ngày sau khi tiếp xúc với bạn tình bị nhiễm bệnh. Trong một số trường hợp, triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn.
Các giai đoạn tiến triển bệnh lậu
Bệnh lậu phát triển qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn xâm nhập: Vi khuẩn gây bệnh lậu xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc sinh dục, hậu môn hoặc miệng khi quan hệ tình dục không an toàn, gây viêm nhiễm tại nơi xâm nhập.
- Giai đoạn phát triển: Vi khuẩn kích thích phản ứng viêm tại vùng nhiễm trùng, dẫn đến sự gia tăng của các tế bào bạch cầu và các chất trung gian viêm. Sau đó, vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và có thể lan ra các khu vực lân cận, gây viêm rộng hơn, đặc biệt ở các mô mềm và niêm mạc.
- Giai đoạn biểu hiện triệu chứng: Bắt đầu xuất hiện triệu chứng như đau khi đi tiểu, tiết dịch bất thường từ dương vật hoặc âm đạo và đau bụng dưới.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây bệnh lậu?
Nguyên nhân gây bệnh lậu
Nguyên nhân gây ra bệnh lậu là vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae. Loại vi khuẩn này có sức sống mãnh liệt. Tuy nhiên, chúng chỉ sống được vài phút ở môi trường bên ngoài. Tùy vào điều kiện môi trường mà khả năng tồn tại của vi khuẩn này sẽ khác nhau. Vi khuẩn lậu thường được truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo.
Các yếu tố rủi ro gây bệnh lậu
Phụ nữ dưới 25 tuổi (chưa tiêm ngừa HPV) hoạt động tình dục và nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác có làm tăng nguy cơ mắc bệnh lậu như:
- Nhiều bạn tình, không kiểm soát hay thông tin rõ tình trạng mắc các bệnh truyền nhiễm đường tình dục.
- Đã từng mắc bệnh lậu hoặc một bệnh lây qua đường tình dục khác.
Đường lây truyền của bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu lây truyền chủ yếu qua các con đường sau:
- Đường tình dục: Đây là con đường lây nhiễm chính của bệnh lậu. Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc miệng khi quan hệ tình dục không bảo vệ.
- Tiếp xúc với dịch cơ thể bị nhiễm bệnh: Vi khuẩn cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với dịch mủ hoặc dịch tiết từ niệu đạo, âm đạo hoặc hậu môn của người nhiễm bệnh.
- Lây truyền từ mẹ sang con: Bệnh lậu cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Bệnh lậu không lây qua các con đường khác như:
- Tiếp xúc qua tay: Không lây qua việc bắt tay, ôm hôn hoặc các tiếp xúc thông thường khác.
- Sử dụng chung đồ dùng: Không lây qua việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, bồn tắm hay bồn cầu.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, nên sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu có nhiều bạn tình hoặc có nguy cơ cao.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh
- Có nhiều bạn tình: Người có nhiều bạn tình có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn vì tiếp xúc với nhiều nguồn lây nhiễm.
- Quan hệ tình dục không bảo vệ: Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc biện pháp bảo vệ khác làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh lậu. Bao cao su giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với dịch cơ thể nhiễm bệnh.
- Có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD): Những người đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như Chlamydia hoặc HIV có nguy cơ nhiễm bệnh lậu cao hơn do chúng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch suy yếu như người sống với HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ nhiễm bệnh lậu cao hơn.
- Bạn tình bị nhiễm bệnh: Nếu bạn tình của bạn bị nhiễm bệnh lậu hoặc có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nguy cơ nhiễm bệnh của bạn cũng cao hơn nếu không sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su.
- Tham gia vào các hoạt động tình dục có rủi ro cao: Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc miệng với người không rõ tình trạng sức khỏe sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh lậu cao hơn.
- Dưới 25 tuổi: Người trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn, một phần vì họ có xu hướng có nhiều bạn tình hơn và thường ít sử dụng biện pháp bảo vệ và tiêm ngừa HPV.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh lậu, người trẻ tuổi nên được giáo dục về sức khỏe tình dục, thực hành quan hệ tình dục an toàn và thực hiện xét nghiệm định kỳ nếu có nguy cơ cao.
Dấu hiệu bệnh lậu thường gặp
Triệu chứng của bệnh lậu thường xuất hiện trong vòng từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng lậu có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân bị nhiễm lậu không biểu hiện triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác.
Dấu hiệu bệnh lậu ở nữ giới
- Tăng tiết dịch âm đạo.
- Đi tiểu đau hoặc buốt.
- Tiểu gấp thường xuyên.
- Chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh hoặc sau khi giao hợp qua đường âm đạo.
- Đau bụng hoặc vùng chậu.
- Đau sau khi quan hệ tình dục.
- Đau họng.
- Sốt.
Lưu ý: Nhiều phụ nữ mắc bệnh lậu có thể không có triệu chứng rõ ràng hoặc triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề khác, dẫn đến bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bệnh lậu ở nam giới
- Cảm giác đau hoặc buốt khi đi tiểu.
- Đi tiểu gấp hoặc tiểu lắt nhắt.
- Chảy mủ (như mủ từ đầu dương vật), mủ có thể màu trắng, vàng, nâu hoặc xanh.
- Đau hoặc sưng ở một bên tinh hoàn.
- Sưng hoặc đỏ lỗ niệu đạo ngoài.
- Đau họng dai dẳng.
Triệu chứng ở nam giới thường rõ ràng hơn so với phụ nữ nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Dấu hiệu bệnh lậu ở trẻ sơ sinh
- Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc với triệu chứng như mắt đỏ, sưng, và chảy mủ từ mắt.
- Có thể thấy dấu hiệu kích thích hoặc sưng ở vùng sinh dục.
Bệnh lậu lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về mắt và sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Bệnh lậu có nguy hiểm không? Biến chứng thường gặp
Vì bệnh lậu là một trong những bệnh lý lây qua đường tình dục nên sẽ gây ra những mối nguy hiểm. Căn bệnh này nếu không được điều trị đúng phương pháp, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
Ở nam giới
- Viêm mào tinh hoàn: Vi khuẩn có thể lây lan từ niệu đạo lên mào tinh hoàn, gây ra viêm và đau, có thể ảnh hưởng đến sinh sản nếu không điều trị kịp thời.
- Viêm tuyến tiền liệt: Bệnh lậu có thể gây viêm tuyến tiền liệt, dẫn đến đau và khó chịu khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.
- Viêm niệu đạo mạn tính: Nếu không được điều trị, bệnh lậu có thể gây viêm niệu đạo mãn tính, ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện.
Ở nữ giới
- Viêm vùng chậu (PID): Bệnh lậu có thể lây lan từ cổ tử cung đến tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng, gây viêm vùng chậu. PID gây đau bụng dưới, sốt và thậm chí làm nghẽn ống dẫn trứng, gây vô sinh.
- Viêm cổ tử cung: Bệnh lậu có thể gây viêm cổ tử cung, dẫn đến chảy máu bất thường và đau khi quan hệ tình dục.
- Viêm âm đạo: Khí hư bất thường và đau khi đi tiểu có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể.
Ở cả hai giới
- Nhiễm khuẩn huyết: Trường hợp này khá hiếm gặp. Vi khuẩn lậu có thể vào máu và gây ra nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng như sốt, phát ban và đau khớp. Đây là tình trạng nghiêm trọng và cần điều trị ngay lập tức.
- Viêm khớp: Bệnh lậu có thể gây viêm khớp nếu vi khuẩn lây lan đến khớp, dẫn đến đau và sưng.
Ở trẻ sơ sinh
- Viêm kết mạc: Nếu mẹ bị nhiễm bệnh lậu, trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc khiến mắt đỏ, sưng và chảy mủ.
- Kích thích hoặc sưng vùng sinh dục: Trẻ sơ sinh có thể bị kích thích hoặc sưng ở vùng sinh dục nếu bị nhiễm bệnh trong quá trình sinh nở.
Nguy cơ liên quan
- Tăng nguy cơ nhiễm HIV: Những người mắc bệnh lậu có nguy cơ bị nhiễm HIV cao hơn và tiến triển sang giai đoạn AIDS nhanh chóng do bệnh nhân bị lậu thường có sang thương vùng sinh dục, đây là cửa ngõ cho HIV xâm nhập vào cơ thể.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Bệnh lậu có thể làm suy yếu niêm mạc cơ quan sinh dục, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chính xác bệnh lậu
Chỉ có bác sĩ mới có thể cho bạn biết chắc chắn bạn có đang bị bệnh lậu hay không. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và lịch sử tình dục của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ thu thập mẫu bệnh phẩm từ cơ quan sinh dục, họng hoặc hậu môn tùy thuộc vào vị trí nghi ngờ nhiễm trùng để tiến hành kiểm tra.
Các phương pháp xét nghiệm thường dùng:
- Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT): Đây là phương pháp xét nghiệm hiện đại và phổ biến nhất để chẩn đoán bệnh lậu. Xét nghiệm NAAT có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có thể phát hiện bệnh lậu ngay cả khi số lượng vi khuẩn thấp.
- Nhuộm Gram: Vi khuẩn sẽ được nhuộm màu và soi dưới kính hiển vi. Phương pháp này cho kết quả nhanh, thường có thể biết trong vòng vài giờ. Độ nhạy của phương pháp này thấp hơn so với NAAT, đặc biệt ở nữ giới và các trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng.
- Nuôi cấy vi khuẩn: Đây là phương pháp truyền thống, mẫu bệnh phẩm sẽ được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt để xác định sự hiện diện của vi khuẩn lậu. Phương pháp khá tốn thời gian (48-72 giờ), cần mẫu bệnh phẩm tươi và điều kiện vận chuyển đặc biệt.
Ngoài những phương pháp phổ biến trên, còn có một số phương pháp khác như xét nghiệm kháng nguyên, xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm PCR. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp nhất cho bạn.
Các phương pháp điều trị bệnh lậu
Với nền y học ngày càng hiện đại, bệnh lậu hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, những tổn thương mà vi khuẩn lậu gây ra trong cơ thể rất khó hồi phục hoàn toàn. Chính vì vậy, người bệnh cần chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị từ sớm.
Một số phương pháp điều trị bệnh lậu điển hình như:
Điều trị bằng kháng sinh
- Ceftriaxone: Kháng sinh Ceftriaxone là lựa chọn đầu tay trong điều trị bệnh lậu. Bệnh nhân sẽ được tiêm bắp Ceftriaxone với liều lượng dựa trên cân nặng của từng người.
- Gentamicin: Nếu không có Ceftriaxone bệnh nhân dị ứng với Ceftriaxone, bác sĩ sẽ thay thế bằng Gentamicin (tiêm bắp) cộng với Azithromycin (uống) hoặc Cefixime (uống).
- Doxycycline: Nếu bệnh nhân bị dị ứng với Azithromycin hoặc nếu có kháng sinh đồ chỉ ra vi khuẩn kháng thuốc, bác sĩ có thể kê đơn Doxycycline thay thế.
Quá trình điều trị bệnh lậu thông thường kéo dài trong khoảng 7 ngày nếu sử dụng đúng phác đồ kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần theo dõi triệu chứng và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa tái nhiễm. Nếu có biến chứng hoặc kháng kháng sinh, quá trình điều trị và theo dõi có thể kéo dài hơn.
Biện pháp phòng ngừa bệnh lậu
Để giảm nguy cơ mắc bệnh lậu ở những đối tượng chưa mắc bệnh và có tiền sử mắc bệnh, cần tuân thủ một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Bao cao su là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh lậu nói riêng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung. Nên sử dụng bao cao su từ khi bắt đầu đến khi kết thúc quá trình quan hệ và trong bất kỳ hình thức quan hệ nào.
- Không quan hệ với người đang nhiễm bệnh: Nếu có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc bạn tình có triệu chứng nghi ngờ, nên tránh quan hệ tình dục và đi khám bác sĩ ngay lập tức.
- Hạn chế số lượng bạn tình và trao đổi cởi mở về tình dục: Có ít bạn tình sẽ giảm nguy cơ tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh lậu. Hai bạn nên trao đổi cởi mở về tình trạng sức khỏe tình dục và đồng ý áp dụng các biện pháp bảo vệ.
- Khám sức khỏe tình dục định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là nếu có hành vi tình dục nguy cơ cao, giúp phát hiện sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phát hiện sớm giúp điều trị kịp thời và ngăn ngừa lây lan.
Không có biện pháp phòng ngừa nào là tuyệt đối khi bạn quan hệ tình dục. Tuy nhiên, việc phòng tránh sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh. Đối với đối tượng có tiền sử mắc bệnh lậu, để tránh mắc bệnh lậu trở lại, hãy kiêng quan hệ tình dục cho đến khi bạn và bạn tình của bạn điều trị xong và đã hết các triệu chứng. Bạn cũng nên tái khám khoảng 1 – 2 tuần sau khi các triệu chứng đã biến mất hoàn toàn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu bất thường
- Đau hoặc khó chịu khi đi tiểu: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lậu, có thể kèm theo cảm giác nóng rát.
- Tiết dịch bất thường: Dịch màu vàng, trắng hoặc xanh từ dương vật, âm đạo, hậu môn là dấu hiệu cần chú ý.
- Đau vùng bụng dưới: Đối với phụ nữ, đau bụng dưới có thể là dấu hiệu của viêm vùng chậu do bệnh lậu gây ra.
- Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt: Đây là triệu chứng cần được kiểm tra ngay lập tức.
- Đau hoặc sưng tinh hoàn: Đối với nam giới, điều này có thể chỉ ra nhiễm trùng nghiêm trọng cần được điều trị sớm.
- Đau họng kéo dài: Bệnh lậu có thể gây ra viêm họng nếu hệ tình dục bằng miệng.
- Ngứa, đau hoặc chảy dịch ở hậu môn: Triệu chứng này có thể xuất hiện nếu bệnh lậu lan truyền qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nêu trên, hãy mau chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Để đảm bảo sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm, bạn nên đặt lịch khám bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện uy tín. Việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe toàn diện.
Gợi ý một số địa chỉ khám bệnh truyền nhiễm uy tín ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội:
- Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội): Bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực da liễu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Việt Nam.
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: Nổi tiếng với các dịch vụ điều trị bệnh truyền nhiễm và bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh: Cung cấp dịch vụ khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.
- Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh: Đây là nơi điều trị các bệnh lý về da và bệnh lây qua đường tình dục hàng đầu tại khu vực phía Nam.
Mời bạn tham khảo Bộ Xét Nghiệm Các Bệnh Xã Hội (STD) Phổ Biến từ Docosan.
Một số câu hỏi liên quan
Bệnh lậu có tự khỏi không?
Bệnh lậu không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra và để loại bỏ vi khuẩn này, cần phải sử dụng kháng sinh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh lậu là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng vì vi khuẩn gây bệnh đã kháng lại nhiều loại kháng sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lậu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm vùng chậu, vô sinh hoặc lây nhiễm cho trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở.
Vì vậy, nếu nghi ngờ mắc bệnh lậu, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bằng kháng sinh phù hợp. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Bệnh lậu có thể điều trị khỏi không?
Bệnh lậu có thể được điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách bằng kháng sinh nhưng phải tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Hiện nay, phương pháp điều trị chính cho bệnh lậu là sử dụng kháng sinh, thường là tiêm Ceftriaxone kết hợp với thuốc uống như Azithromycin hoặc Doxycycline. Phần lớn các trường hợp bệnh lậu có thể khỏi sau một đợt điều trị kháng sinh.
Tuy nhiên, có một số thách thức:
- Kháng kháng sinh: Vi khuẩn gây bệnh lậu đã đề kháng với nhiều loại kháng sinh, do đó việc điều trị có thể trở nên khó khăn hơn trong một số trường hợp.
- Tái nhiễm: Ngay cả sau khi đã điều trị khỏi, người bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm nếu tiếp tục có hành vi tình dục không an toàn.
Mất bao lâu mới phát hiện được bệnh lậu?
Các triệu chứng của bệnh lậu có thể xuất hiện khá nhanh sau khi nhiễm bệnh. Thời gian để phát hiện bệnh lậu trung bình là 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
Tuy nhiên, một số người có thể không xuất hiện triệu chứng ngay cả khi đã nhiễm bệnh. Do đó, nếu nghi ngờ mình có nguy cơ nhiễm bệnh lậu, cần thăm khám và xét nghiệm kịp thời để có thể điều trị hiệu quả.
Xem thêm:
- Nhận biết đặc trưng 5 dấu hiệu HIV ở nam giới giúp phát hiện sớm nhất
- Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục (STD)
- Nguyên tắc tình dục an toàn mà bạn cần lưu lại ngay!
- Tổng hợp các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất
Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm tra định kỳ. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, đừng quên lưu lại và chia sẻ để giúp mọi người cùng nâng cao nhận thức về bệnh lậu!
Nguồn tham khảo:
1. Gonorrhea
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gonorrhea/symptoms-causes/syc-20351774
- Ngày tham khảo: 01/09/2024
2. Gonorrhea
- Link tham khảo: https://www.cdc.gov/gonorrhea/about/index.html
- Ngày tham khảo: 01/09/2024
3. Gonorrhea
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4217-gonorrhea
- Ngày tham khảo: 01/09/2024
4. Neisseria Gonorrhea
- Link tham khảo: https://www.childrensmercy.org/health-care-providers/evidence-based-practice/cpgs-cpms-and-eras-pathways/conjunctivitis-care-process-model/treatment-recommendations/neisseria-gonorrhea/
- Ngày tham khảo: 01/09/2024
5. Gonorrhea
- Link tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558903/
- Ngày tham khảo: 01/09/2024