Bệnh STD là gì? Dấu hiệu, triệu chứng 10 bệnh thường gặp

Trong những năm gần đây, các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STD) vẫn luôn là một gánh nặng trong y tế vì khả năng lây lan hiện hữu trong cộng đồng. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Tổng quan về STDs là gì?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có xu hướng gia tăng ở hầu khắp các khu vực trên thế giới, điều này xuất phát từ việc xây dựng các mối quan hệ tình cảm ngày nay trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ khi thực hiện các hành vi quan hệ tình dục vẫn chưa được đảm bảo an toàn tuyệt đối, làm lây lan các mầm bệnh khi quan hệ. 

Qua đó, việc nhận biết và tìm hiểu về các bệnh lý STD là rất quan trọng để nâng cao nhận thức về sức khỏe cho bản thân, từ đó giảm tỷ lệ mắc bệnh và nâng cao sức khỏe cho cả cộng đồng nói chung. Bảo vệ bản thân trước các bệnh lý lây truyền không chỉ có ích cho bản thân mà còn bảo vệ sức khỏe cho “đối tác” của mình. 

STD là gì?

Bệnh lây lan qua đường tình dục là bệnh gây ra bởi các tác yếu tố, tác nhân có khả năng lây lan khi thực hiện các hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Các tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm,… Các tác nhân gây bệnh có thể xuất hiện ở trong máu, dịch tiết như tinh dịch, dịch âm đạo và các loại dịch tiết khác của cơ thể.

Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc khi chuyển dạ. Việc sử dụng chung các dụng cụ có nhiễm máu của người mang mầm bệnh như kim tiêm hoặc khi truyền máu có thể làm lây lan nguồn bệnh (trường hợp này rất hiếm vì hiện nay trước khi cho và nhận máu đều thực hiện các xét nghiệm tầm soát một số bệnh lý STD).

Dấu hiệu khi mắc STD?

Các dấu hiệu nhận biết mắc các bệnh STD rất khác nhau, tùy thuộc vào bệnh lý đang mắc. Một số đặc điểm có thể giúp bạn nhận biết sớm các dấu hiệu mắc STD là bất thường tại cơ quan sinh dục như tình trạng ngứa, đau, rát vùng cơ quan sinh dục ngoài, tiết dịch bất thường, mụn rộp, mụn mủ,… Ở nữ thường sẽ có tình trạng tiết dịch âm đạo, mùi hôi (huyết trắng), đau rát khi giao hợp. Ở nam sẽ xuất hiện đau rát vùng quy đầu dương vật, lỗ sáo tiết dịch, mủ bất thường.

Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, cảm giác nóng lạnh, mệt mỏi, uể oải, nổi ban da, nổi mụn nước, xuất hiện các vết loét bất thường, nổi hạch toàn thân,… Tùy vào đáp ứng của cơ thể với từng bệnh STD riêng biệt mà triệu chứng thể hiện ra bên ngoài sẽ khác nhau.

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh rất đa dạng, bao gồm các loại vi khuẩn: Chlamydia, lậu, giang mai,… đến virus như virus viêm gan B, C, Herpes virus sinh dục (HSV), HIV, HPV,… và cả các loại ký sinh trùng như Trichomonas, rận mu,… Vì tác nhân gây bệnh rất đa dạng nên việc xác định nguyên nhân gây bệnh rất cần thiết để có hướng chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Các yếu tố rủi ro dễ mắc bệnh

Bệnh lây truyền qua đường tình dục khi đối tượng không thực hiện các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, bên cạnh đó việc quan hệ tình dục bừa bãi, có nhiều bạn tình cũng là yếu tố nguy cơ cao khiến bệnh truyền từ người này sang người khác trong cộng đồng. Thiếu sót trong việc tầm soát sức khỏe sinh dục trước khi có hành vi quan hệ tình dục có thể truyền mầm bệnh cho đối tác của mình.

Ngoài khả năng lây qua tình dục, bệnh STD còn thể lây truyền qua đường máu hoặc đến từ việc sử dụng chung các dụng cụ có khả năng nhiễm dịch tiết mang mầm bệnh như các loại đồ dùng: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim tiêm,… Do đó, mỗi cá nhân nên có riêng cho mình một bộ dụng cụ cá nhân như trên để tránh nguy cơ bị lây bệnh. 

Các triệu chứng thường gặp của bệnh lý STD là tiết dịch bất thường, tiểu khó tiểu gắt, đau khi giao hợp, nổi mụn nước mụn mủ,...
Các triệu chứng thường gặp của bệnh lý STD là tiết dịch bất thường, tiểu khó tiểu gắt, đau khi giao hợp, nổi mụn nước mụn mủ,…

Các loại STD thường gặp và triệu chứng

Bệnh Chlamydia 

Chlamydia là một trong những bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia. Người bệnh có thể nhiễm phải Chlamydia khi quan hệ tình dục đường miệng hay đường hậu môn. Nhiễm Chlamydia thường không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, người mang mầm bệnh không phát hiện bản thân mắc bệnh và vô tình lây lan cho nhiều bạn tình khác. Do đó việc kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể làm giảm sự lây lan mầm bệnh trong cộng đồng. 

Triệu chứng nhiễm Chlamydia ở phụ nữ thường gặp:

  • Chảy dịch âm đạo bất thường, dịch có màu trắng đục hoặc vàng, có mùi hôi.
  • Nước tiểu đục, có mủ trong nước tiểu, đi tiểu nhiều lần, tiểu gắt, tiểu buốt.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
  • Cảm giác đau khi quan hệ tình dục bằng đường âm đạo.
  • Cảm giác nóng, rát vùng âm hộ.
  • Đau âm ỉ vùng bụng dưới.

Ở nam giới, nhiễm Chlamydia có thể gây một số triệu chứng như:

  • Dương vật tiết dịch bất thường, dịch nhầy hoặc trong, có thể có mùi khác thường.
  • Đau, rát khi đi tiểu, tiểu khó, gắt buốt.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh Chlamydia có thể gây một số biến chứng nguy hiểm. Ở nam giới và nữ giới cũng có sự khác biệt tương đối về các biến chứng, cụ thể:

  • Ở nữ giới, biến chứng thường gặp là các bệnh lý viêm vùng chậu, hậu quả có thể dẫn đến vô sinh và viêm nhiễm mạn tính. Biến chứng này đặc biệt nguy hiểm hơn nếu người bệnh đang mang thai, Chlamydia có thể gây biến chứng nhiễm trùng cho thai nhi như viêm phổi, viêm kết mạc,…
  • Ở nam giới, Chlamydia nếu không được điều trị có thể gây viêm mào tinh, sưng đau vùng bìu, hậu quả có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, giảm khả năng thụ thai.
  • Ngoài ra, bệnh còn có thể gây viêm khớp phản ứng, tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý STD khác như HIV.
Chlamydia là một trong những bệnh lý STD thường gặp, do vi khuẩn Chlamydia gây ra
Chlamydia là một trong những bệnh lý STD thường gặp, do vi khuẩn Chlamydia gây ra

HPV

Virus gây u nhú ở người (HPV – Human papillomavirus) thường gây bệnh trên da hoặc niêm mạc. Có hơn 100 loại (type) virus papillomavirus khác nhau gây bệnh ở người. Một số loại HPV có thể gây tình trạng mụn cóc, một số thậm chí còn có thể gây ung thư biểu mô vị trí mà virus xâm nhập như cổ tử cung, âm hộ, hậu môn, dương vật,…

Các triệu chứng của HPV có thể xuất hiện với nhiều dạng khác nhau. Người bệnh có thể xuất hiện các tổn thương như hình ảnh nốt súp lơ nhỏ, thường có dạng mụn cóc sinh dục. Ở nam và nữ đều có thể có triệu chứng này, tổn thương cũng chỉ tập trung chủ yếu ở cơ quan sinh dục hoặc một số ít trường hợp xuất hiện sang thương dạng mụn cóc ở bộ phận khác như lòng bàn chân, tứ chi, hiện người bệnh kèm cảm giác ngứa, dễ bị kích ứng. 

Biến chứng của bệnh lý gây ra bởi HPV nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể được phân thành 2 nhóm chính là tổn thương khoang miệng, đường hô hấp trên (tổn thương ở lưỡi, viêm amidan, vòm mềm, nắp thanh quản, mũi,…) và biến chứng ung thư trong đó ung thư cổ tử cung ở nữ giới là thường gặp nhất. 

Hình ảnh mụn cóc thường gặp ở người nhiễm HPV
Hình ảnh mụn cóc thường gặp ở người nhiễm HPV

Giang mai

Bệnh giang mai bắt nguồn từ tình trạng nhiễm vi khuẩn Treponema Pallidum. Đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra và có thể lây lan qua tiếp xúc tình dục. Bệnh được chia thành các giai đoạn: nguyên phát, thứ phát, tiềm ẩn, muộn. Ở mỗi giai đoạn triệu chứng của bệnh sẽ có sự khác nhau. Dấu hiệu nhận biết ban đầu đối với giang mai đó là vết loét ở cơ quan sinh dục, trực tràng…

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Bệnh bắt đầu bằng một vết loét thường không đau và thường xuất hiện ở cơ quan sinh dục, trực tràng hoặc miệng. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với các vết loét này. Ngoài ra, giang mai cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ và khi sinh, đôi khi qua việc cho con bú.

Khi vết loét đang lành dần thì người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như phát ban đỏ toàn thân, xuất hiện thêm vết loét ở vị trí khác, rụng tóc, đau trong cơ, sốt, đau họng,… Các triệu chứng này thường thấy rõ nhất trong 2 giai đoạn đầu.

Ở giai đoạn tiềm ẩn các triệu chứng của bệnh hầu hết không còn rầm rộ và đặc hiệu như giai đoạn đầu. Trong giai đoạn này, nếu người bệnh không điều trị kịp thời có thể làm tổn thương toàn thân và làm gia tăng nguy cơ mắc HIV. 

Người bệnh giang mai có triệu chứng nổi ban đỏ toàn thân
Người bệnh giang mai có triệu chứng nổi ban đỏ toàn thân

Bệnh HIV/AIDs

HIV – Human Immunodeficiency là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của toàn bộ cơ thể. Bệnh có 3 con đường lây truyền chính: đường máu (truyền máu, thực hiện thủ thuật, phẫu thuật,…), quan hệ tình dục và cuối cùng là từ đường mẹ sang con. HIV có thể diễn tiến thành hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDs) khiến cơ thể dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội (thường ít gặp ở người có hệ miễn dịch tốt). Virus khi vào trong cơ thể đã phát hủy các tế bào, làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Một số triệu chứng gợi ý nhiễm HIV/AIDs: 

  • Mệt mỏi, sốt kéo dài nhiều ngày chưa tìm được nguyên nhân, ớn lạnh.
  • Nhức mỏi cơ, đổ mồ hôi nhiều về đêm.
  • Phát ban, xuất hiện các sang thương da bất thường khác.
  • Xuất hiện các vết loét ở miệng hoặc cơ quan sinh dục.

HIV nếu không được phát hiện kịp thời, sử dụng các biện pháp điều trị làm giảm tải lượng virus, hạn chế sự tấn công các tế bào miễn dịch của cơ thể. Khi tình trạng HIV không được kiểm soát tốt, người bệnh có thể bị nhiễm trùng bởi các tác nhân cơ hội khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Cấu trúc phân tử ARN của virus HIV
Cấu trúc phân tử ARN của virus HIV

Bệnh lậu

Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae. Chúng có khả năng lây lan dễ dàng, đặc biệt là trong khi thực hiện quan hệ tình dục, nếu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Người bệnh lậu có thể gặp một số triệu chứng sau: 

  • Ở nam giới: Đi tiểu khó, tiểu gắt buốt, chảy dịch mủ từ lỗ sáo dương vật, bị đau tinh hoàn một bên.
  • Ở nữ giới: Tăng tiết dịch âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục.

Ngoài ra bệnh còn có thể gây triệu chứng ở một số cơ quan khác như trực tràng (ngứa hậu môn, chảy dịch bất thường), mắt (đau mắt, nhạy cảm ánh sáng).

Nếu lậu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Vô sinh ở cả nam và nữ giới.
  • Nhiễm trùng như viêm mào tinh.
  • Nhiễm trùng khớp xương.
  • Tăng nguy cơ mắc HIV.
Ở nữ, bệnh lậu có thể biểu hiện bằng các triệu chứng tiểu khó tiểu gắt, đau khi quan hệ,...
Ở nữ, bệnh lậu có thể biểu hiện bằng các triệu chứng tiểu khó tiểu gắt, đau khi quan hệ,…

Viêm gan B và C

Viêm gan B là một nhiễm trùng virus nghiêm trọng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc, trong đó có quá trình quan hệ tình dục. Bệnh có thể diễn tiến thành viêm gan B mãn tính. Mặt khác, hiện nay vaccine chủ động phòng ngừa HBV đã có sẵn trên thị trường. Các triệu chứng viêm gan B thường không xuất hiện rõ ràng, thay đổi từ mức độ nhẹ tới nặng. Một số triệu chứng có thể gặp: sốt, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, vàng da, chán ăn, sụt cân,…

Viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Xơ gan: Viêm gan B nếu không được điều trị đúng cách có thể diễn tiến thành xơ gan.
  • Ung thư gan: Những người mắc viêm gan B mãn tính có nguy cơ cao hơn bị ung thư gan.
  • Suy gan: Suy gan cấp nếu được điều chỉnh kịp thời có thể trở về ngưỡng bình thường. 

Viêm gan C là bệnh lý truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan C (HCV). Viêm gan C hiện nay chưa có vaccine, bệnh có thể ảnh hưởng nặng nề đến chức năng gan. Nhiều trường hợp mắc viêm gan C không có dấu hiệu, triệu chứng gợi ý bệnh. Ở một số quốc gia, việc tầm soát HCV là bắt buộc đối với người trưởng thành.

Triệu chứng của viêm gan C chủ yếu đến từ rối loạn chức năng gan:

  • Dễ chảy máu, chảy máu khó cầm, da dễ bị bầm, tụ máu.
  • Cảm giác chán ăn, cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
  • Vàng da, nước tiểu sẫm màu, ngứa da toàn thân.

Nhiễm viêm gan C kéo dài liên tục nhiều nhiều năm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Xơ gan: Xơ gan có thể xảy ra sau nhiều năm mắc viêm gan C, ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Ung thư gan: Viêm gan C là một trong những yếu tố nguy cơ hình thành và phát triển ung thư gan.
  • Suy gan: Tổn thương làm suy gan cấp, men gan tăng cao là biến chứng thường gặp trong viêm gan C. 
Viêm gan B là một trong những bệnh lý nguy hiểm vì mức độ tổn thương gan cao, thời gian điều trị lâu dài
Viêm gan B là một trong những bệnh lý nguy hiểm vì mức độ tổn thương gan cao, thời gian điều trị lâu dài
Viêm gan C không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu, thường phát hiện khi có tổn thương chức năng gan
Viêm gan C không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu, thường phát hiện khi có tổn thương chức năng gan

Herpes sinh dục

Virus Herpes simplex hay được gọi Herpes sinh dục là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Herpes sinh dục thường lây lan qua việc tiếp xúc da kề da trong khi hoạt động tình dục. Người bị nhiễm virus có thể có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng. Triệu chứng có thể xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus, một số triệu chứng có thể gặp:

  • Sốt kèm cảm giác nhức mỏi, nổi hạch bẹn.
  • Đau hoặc ngứa vùng xung quanh cơ quan sinh dục ngoài.
  • Xuất hiện các nốt nhỏ hoặc mụn nước xung quanh cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc quanh khóe môi.
  • Đau vết thương mụn nước vỡ, có thể tạo thành ổ loét tiết dịch, một số trường hợp có thể chảy máu.
  • Đau khi đi tiểu, đau khi giao hợp.
  • Tiết dịch từ niệu đạo, ống dẫn nước tiểu.

Biến chứng của bệnh lý Herpes sinh dục có thể bao gồm:

  • Mắc các bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác: Vết loét sinh dục do mụn nước vỡ có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm hoặc nhiễm các STD khác, đặc biệt là HIV/AIDS.
  • Nhiễm trùng sơ sinh: Mẹ mang thai nhiễm Herpes virus sinh dục có thể lây cho em bé trong khi sinh. Ngay cả khi được điều trị, những em bé này vẫn có nguy cơ cao ảnh hưởng phát triển hoặc thể chất và có nguy cơ tử vong.
  • Nhiễm trùng mắt: Nhiễm HSV ở mắt có thể gây đau, loét, ảnh hưởng đến thị lực như mờ mắt, mù mắt.
Minh họa hình ảnh sang thương Herpes sinh dục ở phần đầu dương vật nam giới mắc bệnh
Minh họa hình ảnh sang thương Herpes sinh dục ở phần đầu dương vật nam giới mắc bệnh

Bệnh Trichomoniasis

Trichomonas vaginalis là tác nhân một nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Ở phụ nữ, Trichomonas có thể gây tiết dịch âm đạo có mùi hôi, gây ngứa cơ quan sinh dục và cảm giác tiểu gắt, tiểu buốt ở nữ. Mặt khác, nam giới nhiễm Trichomonas thường không xuất hiện triệu chứng nào.

Phụ nữ mang thai mắc Trichomonas có thể làm gia tăng nguy cơ sinh non, con sinh ra có cân nặng thấp. Nhiễm Trichomonas có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý STD khác và bệnh lý này cũng liên quan đến nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung. Nam giới nếu nhiễm Trichomonas cũng có nguy cơ mắc ung thư dương vật tuy nhiên tỷ lệ rất thấp. 

Chấy/rận mu

Rận mu là những côn trùng nhỏ sống trên lông mu của người bệnh (vùng lông quanh cơ quan sinh dục). Rận mu còn có thể phát hiện ở nách, râu, ria mép, lông ngực, lông mày. Chúng lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc cơ thể. Bệnh thường gây một số triệu chứng ngoài da và thường không để lại di chứng đáng kể. Một số triệu chứng mà bạn có thể tham khảo để nhận biết rận mu như sau:

  • Ngứa nhiều ở những vùng có lông, đặc biệt là lông mu.
  • Da bị kích ứng có thể có vết máu hoặc có sẩn đỏ do vết cắn của rận.
  • Tìm thấy các đốm đen của phân rận trong đồ lót của bạn.
  • Xuất hiện các đốm trắng nhỏ trên lông mu người bệnh.
  • Có các vết bầm tím xanh nhạt trên đùi, mông và bụng dưới.
  • Sốt nhẹ và cảm thấy kiệt sức.
Chấy rận mu thường gây ngứa nhiều cho người bệnh, chúng thường có ở vùng lông tóc nhiều
Chấy rận mu thường gây ngứa nhiều cho người bệnh, chúng thường có ở vùng lông tóc nhiều

Sùi mào gà

Sùi mào gà là bệnh lý nhiễm trùng tình dục gây ra bởi virus Human Papillomavirus (HPV) chủng 6 và 11 là nguyên nhân chính. HPV có khả năng lây bệnh trong khi tiếp xúc với da, niêm mạc trong quá trình quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ đường miệng, âm đạo và hậu môn. Một số dấu hiệu nhận biết sùi mào gà:

  • Tổn thương có dạng mụn cóc nhỏ mềm, màu hồng nhạt có hình dạng giống mào gà hoặc củ súp lơ.
  • Cảm giác ngứa xung quanh tổng thương.
  • Trong một số trường hợp ghi nhận chảy máu và đau nhiều khi quan hệ tình dục.

Bệnh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ bảo đảm sức khoẻ hơn cho người bệnh. Trong một số trường hợp, nhiễm HPV cũng có thể làm gia tăng mắc các bệnh lý STD khác.

Sang thương dạng giống mào gà gây ra bởi HPV chủng 6 và 11
Sang thương dạng giống mào gà gây ra bởi HPV chủng 6 và 11

Tác hại của STDs

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe: Bệnh lý STDs có tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh, các ổ viêm nhiễm trùng, tổn thương cơ quan sinh dục có khả năng làm tăng các nguy cơ nhiễm khuẩn từ cộng đồng lẫn chăm sóc y tế. 
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Vô sinh, hiếm muộn, thai ngoài tử cung, sinh non, sẩy thai… là một trong các biến chứng nguy hiểm mà STDs mang lại cho người nhiễm.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý: Cảm xúc tự ti, xấu hổ, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
  • Gánh nặng cho xã hội: Những người mắc các bệnh lý STDs sẽ là gánh nặng lớn trong cộng đồng vì việc chẩn đoán còn gặp khó khăn do vấn đề tâm lý, từ đó tỷ lệ lây lan sẽ ngày một tăng và không thể kiểm soát.

Chẩn đoán và điều trị 

Phương pháp chẩn đoán mắc bệnh STDs

Các phương pháp xét nghiệm trong bệnh lý STDs chủ yếu để tìm ra tác nhân gây bệnh một cách chính xác nhất. Xét nghiệm máu thường được dùng để chẩn đoán HIV hoặc bệnh giang mai giai đoạn sau. Việc viêm nhiễm vùng cơ quan sinh dục ngoài, đặc biệt ở nữ, tồn tại nguy cơ cao nhiễm trùng tiểu do đó cần khảo sát thêm các thông số nước tiểu. Việc tầm soát sàng lọc đặc biệt là trước sinh sản cần được thực hiện rộng rãi. 

Phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc STDs

Bệnh STDs có thể được điều trị theo nhiều biện pháp khác nhau, cốt lõi cần dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh. Việc sử dụng kháng sinh phải có sự kê toa của bác sĩ. Kháng sinh có hiệu quả đối với nhiều bệnh do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng như lậu, giang mai, Chlamydia và Trichomonas. Thuốc kháng virus cũng cần sự chỉ định và hướng dẫn sử dụng bác sĩ điều trị vì có thể thời gian điều trị kéo dài. 

Một trong những vấn đề cần lưu ý đó là thông báo cho đối tác (bạn tình) về việc điều trị dự phòng nếu bản thân phát hiện mắc các bệnh lý STDs. Cả hai đều phải thực hiện xét nghiệm vì nhiều tác nhân gây bệnh có thể không triệu chứng gì. Việc thông báo cho đối tác này rất quan trọng vì chúng sẽ ảnh hưởng sức khỏe trực tiếp của nhiều người.

Người bệnh cần được làm xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh
Người bệnh cần được làm xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh

Cách phòng tránh STDs hiệu quả

Có nhiều cách để tránh hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  • Tránh quan hệ tình dục hoặc hoạt động tình dục trong thời gian phát hiện bệnh và điều trị bệnh.
  • Tránh quan hệ tình dục bừa bãi, chỉ nên có một bạn tình.
  • Với đối tác mới, nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát trước khi quan hệ tình dục. 
  • Tiêm vắc xin nhiều bệnh lý STD hiện nay đã có vaccine, do đó việc bổ sung các mũi vaccine sẽ giảm thiểu nguy cơ hạ nhiệt cho người bệnh.
  • Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục như bao cao su sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng lây nhiễm.
Sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu:

  • Nghi ngờ đối tác nhiễm bệnh lý truyền qua đường tình dục.
  • Nghi ngờ bản thân mắc bệnh lý STDs.
  • Tầm soát sức khỏe sinh sản.

Dấu hiệu

Một số dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh lý STDs:

  • Vết loét hoặc mụn nước, mụn cóc trên bộ phận sinh dục, miệng hoặc vùng trực tràng.
  • Tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu rát, nước tiểu đục có mùi lạ.
  • Chảy dịch bất thường từ dương vật, âm đạo.
  • Chảy máu âm đạo bất thường.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Nổi hạch bạch huyết đau và sưng, đặc biệt là ở vùng bẹn.
  • Đau bụng dưới.

Mời bạn tham khảo Bộ Xét Nghiệm Các Bệnh Xã Hội (STD) Phổ Biến tại nhà từ Docosan.

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Nếu bạn nghi ngờ bản thân xuất hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), điều quan trọng nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.
Để được thăm khám và điều trị hiệu quả, bạn có thể đến các bệnh viện lớn, uy tín của nhà nước như:

  • Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
  • Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
  • Bệnh viện Da liễu TP HCM.
  • Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Ngoài ra bạn có thể đến một số phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm có uy tín để nhận được tư vấn và thăm khám kỹ lưỡng để khẳng định chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết.

Khi phát hiện các bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và tư vấn
Khi phát hiện các bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và tư vấn

Một số câu hỏi liên quan

STDs có lây truyền từ mẹ sang con không?

Trong quá trình mang thai hoặc sinh nở, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây từ mẹ sang con, ví dụ như bệnh lậu, Chlamydia, HIV và giang mai. Nhiễm trùng lây từ mẹ sang trẻ sơ sinh trong quá trình sinh đẻ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Có thể tự điều trị STDs tại nhà không?

Người bệnh không nên tự điều trị bệnh tại nhà vì các bệnh lý STDs cần được hướng dẫn chăm sóc cẩn thận để tránh làm nặng thêm tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra việc sử dụng kháng sinh, kháng virus, kháng nấm cần được sự chỉ định của bác sĩ, cũng như lên lịch theo dõi định kỳ, tái khám khi cần thiết. Bệnh lý STDs có khả năng lây lan cao do đó nếu không điều trị đúng cách. 

Bệnh STDs có thể được điều trị hoàn toàn không?

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ba bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm bệnh Chlamydia, lậu và giang mai và bệnh lây truyền qua đường tình dục do ký sinh trùng Trichomonas có thể chữa khỏi bằng các phác đồ kháng sinh liều đơn hiện có.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục nào không thể chữa khỏi?

Hiện nay, có 4 bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) không thể chữa khỏi: Herpes simplex virus (HSV), viêm gan B (HBV), virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus gây u nhú ở người (HPV).

Trong các bệnh STD, có một số bệnh sẽ được chữa khỏi, tuy nhiên số còn lại người bệnh vẫn sẽ mang mầm bệnh đến cuối đời
Trong các bệnh STD, có một số bệnh sẽ được chữa khỏi, tuy nhiên số còn lại người bệnh vẫn sẽ mang mầm bệnh đến cuối đời

Xem thêm:

Bài viết đã cung cấp các thông tin về bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hay STDs là bệnh gì, 10 bệnh STD thường gặp và đặc biệt là các dấu hiệu giúp bạn nhận diện triệu chứng của STDs. Hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân những thông tin bổ ích từ bài viết nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Sexually transmitted diseases – Mayo Clinic

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sexually-transmitted-diseases-stds/
  • Ngày tham khảo: 15/08/2024

2. Hepatitis C – Symptoms and causes – Mayo Clinic

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-c/symptoms-causes/syc-20354278
  • Ngày tham khảo: 15/08/2024

3. Genital herpes – Symptoms and causes– Mayo Clinic

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/genital-herpes/symptoms-causes/syc-20356161
  • Ngày tham khảo: 15/08/2024
Contact Me on Zalo