Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm nhiễm ở cổ tử cung – nơi giao thoa giữa tử cung và âm đạo. Bệnh có thể diễn biến âm thầm hoặc biểu hiện triệu chứng như chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, đau khi giao hợp hoặc tiết dịch âm đạo bất thường. Trong bài viết dưới đây, Docosan sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, một số dấu hiệu viêm cổ tử cung cũng như các phương pháp điều trị bệnh hiện nay.
Tóm tắt nội dung
- 1 Viêm cổ tử cung là gì?
- 2 Viêm cổ tử cung có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh
- 3 Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm cổ tử cung
- 4 Dấu hiệu nhận biết viêm cổ tử cung
- 5 Cách điều trị viêm cổ tử cung
- 6 Cách phòng ngừa viêm cổ tử cung
- 7 Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 8 Một số câu hỏi liên quan
- 8.1 Hết viêm cổ tử cung bao lâu thì được quan hệ?
- 8.2 Viêm cổ tử cung có tự khỏi được không?
- 8.3 Viêm cổ tử cung có chữa khỏi được không?
- 8.4 Viêm cổ tử cung có tái lại không?
- 8.5 Tôi có thể bị viêm cổ tử cung mà không bị STI không?
- 8.6 Viêm cổ tử cung có lây không?
- 8.7 Viêm cổ tử cung có ảnh hưởng tới mang thai không?
- 8.8 Viêm cổ tử cung có ảnh hưởng tới kinh nguyệt không?
Viêm cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là một kênh nhỏ nối đáy tử cung với phần trên cùng của âm đạo. Hình dạng cổ tử cung giống như miệng cá, đường kính trung bình từ 2 – 4 cm. Kích thước cổ tử cung có thể thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của phụ nữ. Ví dụ như khi sinh nở, cổ tử cung có thể mở rộng từ 2 – 10 cm.
Cổ tử cung đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sinh lý và sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Một số chức năng chính của cổ tử cung như:
- Cho phép hoặc ngăn chặn tinh trùng xâm nhập vào lòng tử cung nhờ hàng rào tự nhiên là lớp chất nhầy từ niêm mạc.
- Bảo vệ tử cung và cơ quan sinh dục bên trong khỏi tác nhân gây hại từ bên ngoài (vi khuẩn, virus, tạp khuẩn).
- Tạo điều kiện cho thai nhi di chuyển từ tử cung đến âm đạo và chào đời bằng cách giãn rộng kích thước trong quá trình sinh nở.
Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy ở cổ tử cung do nhiều nguyên nhân gây ra. Phần lớn các trường hợp viêm cổ tử cung là do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (bệnh Chlamydia hoặc bệnh lậu). Người bệnh viêm cổ tử cung có thể bị chảy máu sau chu kỳ kinh nguyệt, đau khi giao hợp hoặc khi thăm khám vùng chậu, tiết dịch âm đạo bất thường. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn biến âm thầm mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào rõ rệt.
Viêm cổ tử cung có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh
Viêm cổ tử cung có nguy hiểm không là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Theo các bác sĩ sản phụ khoa, viêm cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Viêm cổ tử cung có nguy hiểm không?
Viêm cổ tử cung nếu không được chữa trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào tử cung và ống dẫn trứng. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến viêm vùng chậu (Pelvic Inflammatory Disease – PID). PID có thể gây ra vô sinh hoặc viêm phúc mạc – một bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh viêm cổ tử cung có thể lây truyền virus gây bệnh cho bạn tình nếu quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn.
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm cổ tử cung
Cổ tử cung hoạt động như một hàng rào tự nhiên ngăn chặn vi khuẩn, virus xâm nhập vào tử cung. Do đó, khi bị viêm cổ tử cung, người bệnh có nguy cơ cao bị viêm tử cung do vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào.
Viêm cổ tử cung do bệnh lậu hoặc chlamydia gây ra có thể lan đến niêm mạc tử cung và ống dẫn trứng, dẫn đến viêm vùng chậu (PID). Đây là bệnh nhiễm trùng có thể gây ra vô sinh cho nữ giới nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, viêm cổ tử cung còn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV từ bạn tình bị nhiễm bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn. Dưới đây là một số nguyên nhân và nhóm đối tượng dễ mắc viêm cổ tử cung:
Nguyên nhân gây viêm cổ tử cung
Một số nguyên nhân chính gây viêm cổ tử cung gồm:
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục: Viêm cổ tử cung có thể xuất phát từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) phổ biến như bệnh lậu, Chlamydia, bệnh Trichomonas hoặc Herpes sinh dục.
- Phản ứng dị ứng: Dị ứng với thuốc diệt tinh trùng hoặc nhựa của bao cao su có thể dẫn đến viêm cổ tử cung. Ngoài ra, người dị ứng với dung dịch vệ sinh phụ nữ, sản phẩm thụt rửa âm đạo, sản phẩm khử mùi vùng kín,… cũng có nguy cơ mắc bệnh.
- Sự phát triển quá mức của vi khuẩn: Âm đạo bình thường chứa một lượng vi khuẩn có lợi nhằm giữ môi trường âm đạo luôn có tính acid, từ đó ức chế sự phát triển của mầm bệnh từ môi trường. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn có hại trong âm đạo phát triển quá mức (viêm âm đạo do vi khuẩn), có thể dẫn đến viêm cổ tử cung.
- Một số nguyên nhân khác: Kích ứng hoặc tổn thương do băng vệ sinh, thuốc đặt âm đạo, dung cụ tránh thai. Mất cân bằng nội tiết tố (nồng độ estrogen thấp hoặc progesteron cao) gây ảnh hưởng đến khả năng duy trì mô cổ tử cung khỏe mạnh. Ngoài ra, ung thư hoặc điều trị ung thư bằng xạ trị, hóa trị có thể gây ra những thay đổi ở cổ tử cung tương tự như viêm cổ tử cung.
Một số yếu tố nguy cơ
Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm cổ tử cung cao hơn nếu thuộc vào một trong các đối tượng sau đây:
- Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với người có nguy cơ lây nhiễm bệnh tình dục.
- Quan hệ tình dục sớm (thường là trước 18 tuổi).
- Phụ nữ có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Dấu hiệu nhận biết viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung thường không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Người bệnh chỉ có thể phát hiện bị viêm cổ tử cung khi thăm khám vùng chậu hoặc khám phụ khoa vì một lý do khác. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, người bệnh ghi nhận dấu hiệu viêm cổ tử cung gồm:
- Tiết dịch âm đạo nhiều và bất thường. Dịch âm đạo bị đục, có màu xanh hoặc kèm mùi hôi tanh.
- Đi tiểu thường xuyên kèm theo cảm giác đau.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, không liên quan đến kinh nguyệt.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu có các biểu hiện như tiết dịch âm đạo bất thường và kéo dài, chảy máu âm đạo không do kinh nguyệt hoặc đau khi quan hệ tình dục. Đây đều là những triệu chứng cảnh báo viêm cổ tử cung. Do đó, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách điều trị viêm cổ tử cung
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà phác đồ điều trị viêm cổ tử cung sẽ khác nhau. Thông thường, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Người dưới 25 tuổi hoặc có quan hệ tình dục không an toàn sẽ được chỉ định kháng sinh ngay cả khi không phát hiện vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, phác đồ điều trị bằng kháng sinh cho kết quả thành công trong việc đẩy lùi viêm cổ tử cung.
Thời gian điều trị thường kéo dài từ 1 – 2 tuần nếu bệnh nhân tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục ít nhất 1 tuần sau khi điều trị và không còn triệu chứng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình.
Người bệnh viêm cổ tử cung có thể không cần điều trị nếu nguyên nhân gây bệnh không phải do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Trong một số trường hợp, bạn tình của người bệnh cũng phải tiến hành điều trị để phòng ngừa nguy cơ tái phát. Điều trị viêm cổ tử cung đặc biệt quan trọng với người dương tính HIV do HIV làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó gia tăng lượng virus tại cổ tử cung, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như thụt rửa âm đạo, dùng sữa chua,… không có tác dụng điều trị viêm cổ tử cung và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Do đó, người bệnh tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp này mà không có chỉ định hoặc hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
Cách phòng ngừa viêm cổ tử cung
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm cổ tử cung bằng cách thực hiện các biện pháp sau:
- Luôn sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục. Bao cao su được chứng minh rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm các bệnh STIs như lậu, Chlamydia… có thể dẫn đến viêm cổ tử cung.
- Hạn chế số người quan hệ tình dục, đề cao mối quan hệ chung thủy và lâu dài.
- Không quan hệ tình dục với bạn tình có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị loét bộ phận sinh dục hoặc có dịch tiết bất thường ở dương vật.
- Nếu bạn đang điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên hỏi ý kiến bác sĩ xem bạn tình của bạn có cần điều trị hay không để ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm và hạn chế lây nhiễm cho bạn tình.
- Không sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ nếu các sản phẩm này gây kích ứng âm đạo hoặc cổ tử cung của bạn.
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu bạn đã và đang mắc bệnh tiểu đường.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu phát hiện các triệu chứng dưới đây diễn ra với tần suất thường xuyên và kéo dài, người bệnh cần đến ngay bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám và điều trị:
Dấu hiệu bất thường
Một số dấu hiệu bất thường ở vùng sinh dục của nữ giới cảnh báo tình trạng viêm cổ tử cung điển hình như:
- Ra khí hư bất thường, dai dẳng ở âm đạo. Khí hư có thể màu vàng, trắng hoặc xám và có mùi khó chịu.
- Chảy máu âm đạo bất thường, không do kinh nguyệt.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Kích ứng âm hộ hoặc âm đạo.
Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nếu phát hiện một trong các triệu chứng trên, đặc biệt là người đã có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, viêm cổ tử cung cũng có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, khám phụ khoa định kỳ là việc làm quan trọng và cần thiết đối với mỗi phụ nữ trưởng thành để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh sản.
Các xét nghiệm chẩn đoán
Viêm cổ tử cung có thể được chẩn đoán bằng cách khám tổng quát vùng chậu hoặc xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung). Các xét nghiệm trên cho phép bác sĩ phân tích cụ thể tế bào cổ tử cung, qua đó phát hiện sớm những bất thường tại cơ quan này. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu dịch tiết âm đạo để xét nghiệm vi khuẩn, virus gây bệnh trong trường hợp nghi ngờ nguyên nhân do lậu, Chlamydia, Trichomonas hoặc các vi khuẩn khác.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Một số bệnh viện và phòng khám chuyên sản phụ khoa uy tín mà bạn có thể thăm khám viêm cổ tử cung như:
- Bệnh viện Hùng Vương.
- Bệnh viện Từ Dũ.
- Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
- Phòng khám Chuyên khoa Phụ sản 315.
- Bệnh viện Phụ sản MêKông.
- Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn.
Một số câu hỏi liên quan
Hết viêm cổ tử cung bao lâu thì được quan hệ?
Nếu nguyên nhân gây viêm cổ tử cung là nhiễm trùng, người bệnh cần chờ ít nhất 7 ngày sau khi kết thúc phác đồ điều trị mới được quan hệ tình dục. Bởi lẽ, người bệnh vẫn có thể tái nhiễm viêm cổ tử cung ngay cả khi sử dụng bao cao su. Quan trọng nhất, người bệnh nên thông báo với bạn tình về tình trạng bệnh của mình trước khi quan hệ.
Viêm cổ tử cung có tự khỏi được không?
Viêm cổ tử cung không do nhiễm trùng có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây viêm cổ tử cung là do bệnh lây truyền qua đường tình dục, người bệnh cần phác đồ điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Viêm cổ tử cung có chữa khỏi được không?
Viêm cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị sớm. Đồng thời, nếu người bệnh tuân thủ đúng phác đồ điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa thì khả năng bệnh tái phát là rất thấp.
Viêm cổ tử cung có tái lại không?
Viêm cổ tử cung hiếm khi tái phát nếu được điều trị đúng phác đồ thuốc kháng sinh phù hợp, trừ khi người bệnh bị nhiễm mới từ bạn tình. Viêm cổ tử cung do Herpes sinh dục không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị tái phát, bệnh nhân có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát bằng thuốc kháng virus.
Tôi có thể bị viêm cổ tử cung mà không bị STI không?
Bạn hoàn toàn có thể bị viêm cổ tử cung mà không bị STIs. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm cổ tử cung, và không phải lúc nào cũng do STIs gây ra. Một số trường hợp viêm cổ tử cung có thể do chấn thương, dị ứng hoặc mất cân bằng hệ vi sinh trong âm đạo.
Viêm cổ tử cung có lây không?
Viêm cổ tử cung hoàn toàn có thể lây truyền cho người khác thông qua quan hệ tình dục. Do đó, người bệnh viêm cổ tử cung không được quan hệ tình dục trong ít nhất 7 ngày sau khi kết thúc phác đồ điều trị để tránh lây nhiễm cho bạn tình.
Viêm cổ tử cung có ảnh hưởng tới mang thai không?
Trong một số trường hợp, viêm cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Viêm cổ tử cung do Chlamydia hoặc lậu cầu khuẩn có thể lan đến niêm mạc tử cung và ống dẫn trứng, gây nên bệnh viêm vùng chậu (PID). Viêm vùng chậu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến vô sinh hoặc hiếm muộn.
Viêm cổ tử cung có ảnh hưởng tới kinh nguyệt không?
Viêm cổ tử cung ít khi ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân viêm cổ tử cung bị chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh.
Xem thêm:
- Nguyên nhân và triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung.
- Khám tổng quát bao nhiêu tiền? Có mắc không? Địa chỉ khám uy tín.
- Huyết trắng trong suốt có phải là dấu hiệu đáng lo ngại?.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về viêm cổ tử cung, nguyên nhân cũng như cách điều trị căn bệnh này. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh sản, bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chia sẻ bài viết với bạn bè hoặc người thân nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Cervicitis
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervicitis/symptoms-causes/syc-20370814
- Ngày tham khảo: 14/08/2024
2. Cervicitis
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/women/cervicitis
- Ngày tham khảo: 14/08/2024
3. Cervicitis
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15360-cervicitis#management-and-treatment
- Ngày tham khảo: 14/08/2024