Phụ nữ bị rong kinh làm sao hết? Cách điều trị hiệu quả

Rong kinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý cũng như chất lượng sống của các chị em. Vậy bị rong kinh làm sao hết? Rong kinh có nguy hiểm không? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu cụ thể hơn về các dấu hiệu, nguyên nhân, ảnh hưởng và những điều cần làm khi bị rong kinh nhé!

Dấu hiệu nào cho thấy bạn bị rong kinh?

Rong kinh có các biểu hiện sau:

  • Ra huyết kéo dài trên 7 ngày.
  • Ra huyết thấm hết 1 băng vệ sinh hoặc nhiều hơn trong vòng 1 giờ trong vài giờ liên tiếp.
  • Cần thay băng vệ sinh trong đêm.
  • Ra huyết có cục máu đông lớn hơn ¼ kích thước băng vệ sinh.

Nếu có các dấu hiệu trên, bạn nên đến bác sĩ để được khám chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Bị rong kinh làm sao hết
Ra huyết kéo dài là điểm đặc trưng của rong kinh

Nguyên nhân gây rong kinh là gì?

Nguyên nhân gây rong kinh có thể được chia thành 3 nhóm chính, bao gồm: (1) Rong kinh do các vấn đề ở tử cung, (2) Rong kinh do rối loạn nội tiết tố và (3) Rong kinh do các bệnh lý hoặc rối loạn khác.

Rong kinh do các vấn đề ở tử cung

  • Tăng sản hoặc khối u lành tính ở tử cung, chẳng hạn như u xơ tử cung hoặc polyp lòng tử cung.
  • Ung thư tử cung hoặc cổ tử cung.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Một số biện pháp tránh thai nhất định, ví dụ như vòng tránh thai (một dụng cụ nhỏ được đặt vào bên trong tử cung làm thay đổi môi trường nội mạc tử cung)
  • Các vấn đề liên quan đến việc mang thai như sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung.
bị rong kinh làm sao hết
Hình ảnh các rối loạn ở tử cung, theo thứ tự từ trái qua phải: u xơ tử cung, polyp tử cung và lạc nội mạc tử cung.

Rong kinh do rối loạn nội tiết tố

Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự cân bằng giữa hormone estrogen và progesterone giúp điều hòa và làm dày lớp nội mạc tử cung. Khi lớp này bong tróc sẽ gây ra hiện tượng ra máu kinh hằng tháng ở phụ nữ. Nếu có rối loạn nội tiết tố xảy ra, nội mạc tử cung sẽ phát triển quá mức, bong tróc và dẫn đến hiện tượng rong kinh.

Rối loạn nội tiết tố có thể gặp trong các trường hợp:

  • Thường gặp ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh. Ở lứa tuổi này, nội tiết tố biến đổi nhiều, lượng estrogen tăng lên đột ngột hoặc giảm mạnh khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và lượng máu kinh ra nhiều. Trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi bắt đầu có kinh, các bạn gái thường có vòng kinh không đều. Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài 21 – 40 ngày, lên xuống 10 ngày giữa các chu kỳ. Tuy nhiên, sau đó nội tiết tố có thể được cân bằng trở lại và chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn hơn.
  • Rối loạn nội tiết tố còn có thể liên quan đến một số bất thường như: hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), béo phì, đề kháng insulin và bệnh lý tuyến giáp.

Rong kinh do các bệnh lý hoặc rối loạn khác

  • Rối loạn liên quan chảy máu: bệnh von Willebrand (VWD) hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu.
  • Rối loạn không liên quan chảy máu: các bệnh lý gan, thận hoặc tuyến giáp; bệnh lý nhiễm trùng vùng chậu; và ung thư.

Ngoài ra, rong kinh còn có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc. Các loại thuốc chống đông máu như aspirin có thể khiến máu khó cầm dẫn đến tình trạng rong kinh.

Xem thêm: Tiêm thuốc tránh thai bị rong kinh

Rong kinh có ảnh hưởng như thế nào?

Rong kinh là một bất thường có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm lý cũng như chất lượng sống của phụ nữ.

  • Rong kinh có thể là dấu hiệu cho các bệnh lý và rối loạn sức khỏe (như đã trình bày ở phần nguyên nhân). Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng sau này.
  • Rong kinh kéo dài sẽ khiến người phụ nữ bị mất máu nhiều, dẫn đến bệnh thiếu máu thiếu sắt. Rong kinh nặng còn có thể gây khó thở và tăng các nguy cơ tim mạch.
  • Tình trạng ra máu kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Vi khuẩn có thể lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung và lên vòi trứng gây viêm phần phụ hay thậm chí là gây vô sinh sau này.
  • Rong kinh còn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, khiến phụ nữ gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và tạo nên cảm giác khó chịu, lo lắng hoặc thậm chí sợ hãi mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.

Bị rong kinh phải làm sao?

Phụ nữ bị rong kinh làm sao hết? Đây là câu hỏi thường gặp khi các chị em phụ nữ mắc phải tình trạng này. Có nhiều biện pháp chữa rong kinh, tuy nhiên nên nhớ rằng rong kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng sức khỏe từ nhẹ đến nặng, do đó tốt nhất người phụ nữ nên gặp bác sĩ để được khám chẩn đoán và điều trị hợp lý.

Bên cạnh đó, khi bị rong kinh, phụ nữ nên thực hiện theo những hướng dẫn sau:

  • Nghỉ ngơi hợp lý và nằm nghỉ nếu bị ra máu quá nhiều.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
  • Bổ sung thực phẩm giàu sắt, magie, kẽm, và các loại vitamin như B1, B6, E, C. Một số thực phẩm giàu sắt có thể kể đến như: trứng; thịt cá các loại; các loại rau có lá màu xanh (như cần tây, rau muống, rau dền, rau ngót, cải xanh…) và các loại đậu đỗ. Bên cạnh đó, bổ sung vitamin C kèm theo sẽ giúp hấp thu sắt được tốt hơn.
  • Nên kiêng các chất kích thích như cà phê, rượu và một số gia vị cay trong kỳ kinh nguyệt.
  • Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp Đông y như ăn cây ngải cứu, huyết dụ hoặc nhọ nồi…

Tóm lại, rong kinh là một tình trạng bất thường và phổ biến ở phụ nữ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống hằng ngày. Rong kinh còn có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề bệnh lý phụ khoa hoặc sức khỏe từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu bạn có các dấu hiệu kể trên hoặc lo ngại rằng mình đang có chu kỳ kinh ra máu quá nhiều, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bên cạnh đó, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.

Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Contact Me on Zalo