Cách làm giảm đau bụng kinh ngay lập tức: 10 mẹo hiệu quả tại nhà

Làm cách nào để chữa đau bụng kinh nhanh chóng trong những ngày hành kinh luôn là nỗi trăn trở của chị em phụ nữ. Hãy đọc bài viết dưới đây của Docosan để tìm hiểu về những cách giảm đau bụng kinh giúp chị em phụ nữ tự tin hơn vào những ngày “đèn đỏ”.

Giới thiệu về đau bụng kinh:

Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh (Dysmenorrhea) là tình trạng đau hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới xảy ra trước hoặc trong những ngày hành kinh. Đau bụng kinh có thể xảy ra với nhiều mức độ khác nhau, có thể chỉ đau nhẹ ở một số người tuy nhiên mức độ đau có thể trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh chu kỳ hành kinh, các bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung cũng có thể gây ra tình trạng đau bụng kinh. Ở những trường hợp này, việc điều trị nguyên nhân là chìa khóa để giải quyết tình trạng đau bụng cho người bệnh.

Có hai loại đau bụng kinh thường gặp:

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Xảy ra khi con gái bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, cơn đau thường nhẹ và không ổn định trong những năm đầu hành kinh.
  • Đau bụng kinh thứ phát: Thường do các bệnh lý phụ khoa gây ra, thường xuất hiện muộn, đặc biệt trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tính chất cơn đau thường kéo dài và có tính chất phức tạp hơn so với đau bụng kinh nguyên phát.
Đau bụng kinh là tình trạng đau bụng dưới xảy ra trước hoặc trong thời kỳ hành kinh
Đau bụng kinh là tình trạng đau bụng dưới xảy ra trước hoặc trong thời kỳ hành kinh

Nguyên nhân gây đau bụng kinh

Nguyên nhân chính gây đau bụng kinh là do hiện tượng co thắt tử cung khi lớp nội mạc tử cung bong tróc trong chu kỳ kinh nguyệt. Đau bụng kinh có thể được giải thích bằng các cơ chế sau:

  • Tác động của prostaglandin: Prostaglandin làm tăng co bóp tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài, đồng thời horrmone này cũng kích thích quá trình viêm, làm gia tăng cảm giác đau và khó chịu cho phụ nữ khi hành kinh.
  • Thiếu oxy cơ tử cung: Tử cung co bóp làm mạch máu nuôi tử cung co thắt theo, dẫn đến tình trạng thiếu oxy cục bộ và hậu quả gây đau nhức cơ.
  • Tác động lên hệ thần kinh: Các bệnh lý phụ khoa tác động lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu đau từ tử cung đến não. Khi xảy ra tình trạng co thắt quá mức có thể thúc đẩy các tín hiệu này mạnh hơn, tăng cảm giác đau.

Mức độ đau bụng kinh (nhẹ, trung bình, nặng)

Đau bụng kinh được chia thành 3 mức độ chính: nhẹ, trung bình và nặng.

  • Đau bụng kinh nhẹ: Cường độ cơn đau nhẹ, không gây nhiều khó chịu, chị em vẫn có thể sinh hoạt, hoạt động bình thường. Thời gian đau thường kéo dài vài giờ và không liên tục.
    Đau bụng kinh trung bình: Cường độ cơn đau vừa phải, gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày, có thể cần uống thuốc để giảm đau, thời gian đau dài hơn, tần suất nhiều hơn so với độ nhẹ.
  • Đau bụng kinh nặng: Cơn đau diễn ra dữ dội, có thể lan đến những vùng khác của cơ thể như lưng hoặc đùi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của chị em. Đôi khi có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt. Cơn đau diễn ra kéo dài và cần giảm đau liều mạnh để giảm tình trạng đau.
Đau bụng kinh có thể diễn ra với nhiều mức độ khác nhau
Đau bụng kinh có thể diễn ra với nhiều mức độ khác nhau

Các triệu chứng đi kèm khi đau bụng kinh

Các triệu chứng đi kèm của đau bụng kinh bao gồm:

  • Đau lan sau lưng.
  • Đau xuống đùi.
  • Buồn nôn.
  • Tiêu chảy.
  • Đau đầu.
  • Chóng mặt.

Đau bụng kinh thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Thông thường cơn đau bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu, tình trạng đau đạt đỉnh sau 24 giờ từ khi bắt đầu chu kỳ và giảm dần sau đó. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể kéo dài lâu hơn nhưng thông thường tình trạng đau sẽ thuyên giảm sau vài 2 đến 3 ngày.

10 cách làm giảm đau bụng kinh ngay lập tức tại nhà

Chườm ấm vùng bụng dưới

Sử dụng nhiệt độ ấm có thể làm giảm đau bụng kinh thông qua tác dụng của độ ấm, giúp thư giãn cơ bắp, cải thiện lưu thông máu và giảm căng cơ. Bạn có thể chườm ấm bằng túi đệm nhiệt, đặt túi này lên da trong khoảng 15-20 phút, lưu ý không để miếng đệm quá nóng có thể làm bỏng da.

Sử dụng túi chườm ấm vùng bụng đau là một trong những cách làm giảm đau bụng kinh nhanh chóng
Sử dụng túi chườm ấm vùng bụng đau là một trong những cách làm giảm đau bụng kinh nhanh chóng

Tắm nước ấm

Tắm nước nóng hoặc thư giãn trong bồn tắm nước ấm có thể giúp thư giãn cơ bắp, cải thiện lưu thông mạch máu toàn cơ thể, giảm tình trạng căng thẳng sau một ngày học tập và làm việc mệt mỏi.

Uống nhiều nước ấm

Vào ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu, bạn có thể uống thêm nước ấm, giúp giảm chướng bụng trong thời gian hành kinh. Lưu ý cũng không được uống quá nhiều nước, không uống nước quá lạnh hoặc quá nóng. Uống nước ấm cũng giúp mạch máu lưu thông tốt hơn.

Uống nước ấm giúp giảm cơn đau do kỳ kinh gây ra
Uống nước ấm giúp giảm cơn đau do kỳ kinh gây ra

Massage vùng bụng dưới

Massage vùng bụng dưới có thể làm tình trạng đau bụng kinh cải thiện hơn. Massage có thể giảm co thắt tử cung bằng cách thư giãn vùng cơ tử cung. Khi massage nên tập trung chủ yếu tập ở vùng bụng

Tập thể dục nhẹ nhàng

Tập thể dục nhẹ nhàng từ 15 đến 20 phút tập thể dục giúp giải phóng Endorphine giúp phụ nữ cảm thấy dễ chịu, giảm đi cơn đau bụng kinh một cách hiệu quả. 

Yoga/thiền

Phụ nữ thường xuyên tập yoga/thiền có thể giảm căng thẳng, tăng sự tập trung, từ đó hạn chế tình trạng đau bụng kinh. Yoga cũng giúp cơ thể được thư giãn nhẹ nhàng, thanh thoát hơn, tập yoga tốt cho sức khoẻ nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tập yoga là một trong những biện pháp phòng ngừa cơn đau bụng kinh hiệu quả
Tập yoga là một trong những biện pháp phòng ngừa cơn đau bụng kinh hiệu quả

Chế độ ăn uống lành mạnh 

Một số loại thực phẩm có thể giảm đau tự nhiên, hoạt tính kháng viêm, giúp lưu thông máu tốt hơn có thể kể đến như rau xanh, hạt hạnh nhân, hạt óc chó, các loại cá béo giàu omega-3 như cá hồi,… Đặc biệt, phụ nữ với chế độ ăn nhiều dầu mỡ gây thừa cân, béo phì, thường gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt hơn. 

Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc

Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc có thể giúp giảm đau bụng kinh và cải thiện tình trạng chung của cơ thể trong kỳ kinh nguyệt. Khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, bạn có thể hồi phục và giảm căng thẳng vào ngày hôm sau, điều này có thể giúp giảm cơn đau trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Nghỉ ngơi đủ giấc không chỉ giúp giảm đau bụng kinh mà còn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Sử dụng thảo mộc (gừng, trà hoa cúc, bạc hà)

Một số loại trà thảo mộc có đặc tính chống viêm giúp giảm viêm, chướng bụng và giữ ấm cơ thể hiệu quả. Theo đông y, việc giữ ấm cơ thể cho tử cung rất quan trọng cũng như cải thiện các tình trạng phụ khoa hay gặp. 

Sử dụng các thuốc giảm đau như Ibuprofen, Aspirin (nên tham khảo ý kiến bác sĩ)

Các loại thuốc chống viêm như Ibuprofen có thể mang lại hiệu quả giảm đau nhanh bằng cách giảm lượng Prostaglandin trong cơ thể. Để tránh xảy ra sai sót trong quá trình sử dụng thuốc bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cũng như tuân thủ dùng đúng liều lượng, hạn chế xảy ra các tình trạng tương tác hay tác dụng phụ của thuốc.

Các thuốc viên giảm đau có thể được sử dụng để làm dịu cơn đau
Các thuốc viên giảm đau có thể được sử dụng để làm dịu cơn đau

Đạt khoái cảm có thể giảm đau bụng kinh

Khi đạt khoái cảm, cơ thể sẽ sản sinh ra Endorphins, loại hormone này giúp giảm đau bụng, các lớp cơ trong cơ thể được thư giãn, cải thiện lưu thông máu. Lưu ý rằng cách thực hiện này chỉ thích hợp đối với những cơn đau vừa và nhẹ. 

Bấm huyệt giúp giảm đau bụng kinh

Bấm huyệt là một trong những biện pháp giảm đau thường thấy ở nước ta. Bấm huyệt hay châm cứu lấy nền tảng kiến thức Đông y, trong một số trường hợp đau căng cơ vùng bụng dưới, người bệnh có thể bấm huyệt, châm cứu để giảm đau. Tuy nhiên cần lựa chọn cơ sở y tế và bác sĩ uy tín để thực hiện thủ thuật.

Bấm huyệt giúp lưu thông mạch máu, giảm tình trạng đau bụng kinh
Bấm huyệt giúp lưu thông mạch máu, giảm tình trạng đau bụng kinh

Chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể giúp ích hạn chế giảm đau bụng kinh

Tập thể dục giúp giải phóng ra lượng hormone hạnh phúc Endorphins, đồng thời tập thể dục còn đem lại hiệu quả về sức khoẻ, cải thiện tình trạng đau bụng kinh mỗi khi tới chu kỳ.Trong thời gian hành kinh người bệnh có thể chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng, thực hiện một số động tác yoga đơn giản, không nên tham gia các trò chơi thể thao nặng về thể lực.

Về chế độ ăn, trong giai đoạn bị đau bụng kinh, bạn nên tập trung sử dụng các nhóm thực phẩm là chất xơ, các loại hạt giàu vitamin và chất omega-3, hạn chế sử dụng các thực phẩm có tính kích thích như rượu, bia, thực phẩm cay nóng.

Người bệnh có thể dùng nhiều hơn các loại thực phẩm sau đây:

  • Đu đủ.
  • Gạo lứt.
  • Quả óc chó, hạnh nhân và hạt bí.
  • Dầu ô liu và bông cải xanh.
  • Gà, cá và rau lá xanh chứa nhiều sắt.
  • Hạt lanh chứa omega-3 với các đặc tính chống oxy hóa, giúp giảm sưng và viêm.

Các biện pháp phòng ngừa đau bụng kinh hiệu quả

  • Ăn nhiều trái cây, rau củ, hạn chế đồ ngọt, uống đủ nước mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin E tự nhiên sẽ giúp cơ thể phòng chống tốt oxy hóa, phòng tránh lão hóa và điều hòa sinh lý.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Giảm stress.
  • Khám sản phụ khoa định kỳ.
  • Điều trị bệnh lý.
  • Phẫu thuật.
Chế độ ăn lành mạnh giúp chị em vượt qua kỳ kinh dễ dàng hơn
Chế độ ăn lành mạnh giúp chị em vượt qua kỳ kinh dễ dàng hơn

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi phát hiện các dấu hiệu sau người bệnh đi khám bác sĩ ngay:

  • Đau bụng kinh làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.
  • Các triệu chứng đau bụng kinh của bạn ngày càng nặng không đáp ứng tốt với thuốc giảm đau.
  • Xuất hiện các cơn đau bụng kinh nghiêm trọng sau 25 tuổi.

Các dấu hiệu, triệu chứng bất thường

  • Đau bụng kinh dữ dội, kéo dài, không giảm, dù đã uống thuốc giảm đau.
  • Đau bụng kinh đi kèm các triệu chứng bất thường khác như xuất huyết âm đạo, nôn ói, rối loạn kinh nguyệt.
  • Nghi ngờ đau bụng kinh do bệnh lý phụ khoa.

Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán

Để xác định nguyên nhân và chẩn đoán đau bụng kinh, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh học và xét nghiệm các chỉ số sinh hoá, miễn dịch.

Siêu âm bụng chậu là cận lâm sàng đầu tay khảo sát các bệnh lý phụ khoa ở nữ giới. Thường có thể phát hiện các bất thường như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,…

Các xét nghiệm máu cũng đóng vai trò quan trọng cung cấp các chỉ số, nồng độ hormone trong máu để xác định sự mất cân bằng hay rối loạn nội tiết tố.

Khi tầm soát nguyên nhân ban đầu chưa tìm ra được nguyên nhân, các xét nghiệm, thủ thuật chuyên sâu hơn có thể được thực hiện như nội soi ổ bụng, nội soi tử cung thám sát, chụp cộng hưởng từ MRI.

Một số bệnh viện chuyên phụ khoa uy tín

Bạn có thể đi khám về vấn đề đau bụng kinh tại các bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương. Ngoài ra, bạn có thể đặt lịch khám phụ khoa tại các phòng khám sản phụ khoa uy tín.

Trường hợp đau bụng kinh dữ dội, người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay
Trường hợp đau bụng kinh dữ dội, người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay

Một số câu hỏi liên quan

Ăn gì để giảm đau bụng kinh?

Một số thực phẩm có thể sử dụng để giảm đau bụng kinh:

  • Thực phẩm chống viêm: Cá hồi, bơ, hạt lanh…
  • Thực phẩm giàu canxi và magie: Sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt như hạnh nhân, hạt bí.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Rau xanh lá như cải bó xôi, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch.
  • Thực phẩm giàu vitamin Evitamin B6: Nghệ và gừng, chuối và khoai lang.
  • Thực phẩm giàu sắt: Thịt nạc, cá, đậu.
  • Thực phẩm giảm chướng bụng: Đu đủ, trà thảo mộc như trà bạc hà hoặc trà gừng

Thuốc giảm đau bụng kinh có tác hại không?

Sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh có thể xuất hiện một số phản ứng dị ứng với thuốc bao gồm: phát ban, nổi mề đay; ngứa, da đỏ, sưng, có mụn nước, kèm theo hoặc không kèm theo sốt; thở khò khè; cảm giác nặng ngực, khó thở, khàn giọng bất thường hoặc sưng miệng, mặt, môi, lưỡi, hoặc cổ họng.

Có thể xảy ra phản ứng da rất nghiêm trọng (hội chứng Stevens-Johnson/hoại tử biểu bì độc tố). Các dấu hiệu như da đỏ, sưng, có mụn nước hoặc bong tróc (kèm theo hoặc không kèm theo sốt), mắt đỏ hoặc bị kích thích, hoặc vết loét trong miệng, cổ họng, mũi, hoặc mắt. Lúc này người nhà hoặc bệnh nhân cần báo cho bác sĩ ngay

Các loại thuốc giảm đau bụng kinh sẽ có một số tác dụng phụ, không quá nguy hiểm nếu là kê toa
Các loại thuốc giảm đau bụng kinh sẽ có một số tác dụng phụ, không quá nguy hiểm nếu là kê toa

Xem thêm: 

Trên đây là 10 cách làm giảm đau bụng kinh hiệu quả tại nhà mà Docosan đã giới thiệu đến bạn. Hãy chia sẻ bài viết này tới những người thân yêu của bạn cùng đọc nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Menstrual cramps – Mayo Clinic

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/symptoms-causes/syc-20374938
  • Ngày tham khảo: 03/09/2024

2. Menstrual Pain Relief Side Effects – Drugs.com

  • Link tham khảo: https://www.drugs.com/sfx/menstrual-pain-relief-side-effects.html
  • Ngày tham khảo: 03/09/2024

3. 6 Home Remedies and OTC Options to Help with Period Cramps – Healthline

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/womens-health/menstrual-cramp-remedies
  • Ngày tham khảo: 03/09/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button