Đau bụng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Tùy theo vị trí đau bụng mà gợi ý những nguyên nhân khác nhau. Đau bụng dưới bên trái nữ giới là một trong những vị trí thường gặp. Hãy đọc bài viết dưới đây cùng Doctor có sẵn để tìm hiểu thêm về đau bụng dưới bên trái ở phụ nữ.
Tóm tắt nội dung
Bụng dưới bên trái nữ giới liên quan đến những bộ phận nào?
Đối với phụ nữ, ở vùng bụng dưới bên trái có những cấu trúc:
- Đại tràng (đại tràng xuống, đại tràng sigma)
- Niệu quản trái (là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang)
- Phần phụ của nữ (buồng trứng, ống dẫn trứng)
- Các mạch máu lớn
Vì vậy, khi đau bụng dưới bên trái nữ giới, có thể là triệu chứng báo hiệu những bộ phận trên đang bị tổn thương. Bên cạnh đó, đau bụng dưới bên trái nữ cũng có thể là tổn thương những cơ quan khác không phải thuộc vùng đó, gọi là đau quy chiếu, do các bộ phận có chung sợi thần kinh chi phối.
Phụ nữ có thể mắc bệnh gì khi đau bụng dưới bên trái nữ?
Dựa vào phần đã nói ở trên, khi đau bụng dưới bên trái nữ giới thì có thể nghĩ đến những nguyên nhân như:
Tổn thương ở đại tràng
- Viêm đại tràng
Niêm mạc đại tràng bị tổn thương, thể hiện qua 2 bệnh cảnh là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Viêm đại tràng là bệnh mạn tính với những đợt thuyên giảm và tái diễn xen kẽ nhau. Biểu hiện triệu chứng tùy theo đoạn ruột bị tổn thương, trong đó, đoạn ruột đại tràng sigma ( bên dưới trái) là chiếm tỉ lệ nhiều nhất
Người bệnh có thể đau bụng quặn thắt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, tiêu ra nhầy máu,..khiến ăn mất ngon, mệt mỏi, sụt cân, xanh xao, gầy mòn,..
- Tắc ruột gây đau bụng dưới bên trái nữ giới
Lòng ruột bị tắc nghẽn do u, khối phân, hay do tắc nghẽn từ bên ngoài như dính ruột, xoắn ruột (đặc biệt ở những người đã từng có tiền căn phẫu thuật ruột). Sự tắc nghẽn có thể gây ra đau bụng, chướng hơi một nửa bụng bên trái nếu có xoắn đại tràng bên trái ( đại tràng sigma)
Người bệnh có bí trung đại tiện, đặc biệt khi các tắc nghẽn ở phía bên dưới trái của bụng. Nếu sự tắc nghẽn kéo dài, có thể gây chướng bụng toàn bộ, đau lan tỏa khắp bụng, nôn ói, nhiễm trùng toàn thân.
- Viêm túi thừa
Túi thừa là các cấu trúc hình túi phát triển từ thành của đại tràng. 95% bệnh nhân có túi thừa ở đại tràng chậu hông. Viêm túi thừa là hậu quả của sự xói mòn thành túi thừa do sự tăng áp lực trong lòng đại tràng hoặc do tác động của các mảnh phân cứng.
Nếu người bệnh có túi thừa ở bên trái đại tràng, các biểu hiện sẽ là đau bụng dưới trái, đây là triệu chứng thường gặp. Đau thường không nhiều, đã từng có nhiều lần đau tương tự trước đây. Chính vì thế có thể khiến người bệnh chậm trễ đến khám.
Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, tiểu lắt nhắt, tiểu phân, tiểu hơi, … Căn bệnh này thật sự rất khó phân biệt với viêm ruột thừa, khi ruột thừa nằm bên trái (trường hợp rất hiếm)
- Khối u ở đại tràng
Một khối u ở đại tràng có thể là lành tính hoặc ác tính, nhưng sự phát triển của khối u gây tắc nghẽn lòng ruột. Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất khi có khối u ở đại tràng. Đau mơ hồ, âm ỉ, khó xác định vị trí. Cơn đau có thể ở vùng bụng dưới bên trái nữ giới nếu khối u xuất phát tại đó. Bên cạnh đó, nếu u phát triển ở đại tràng trái, phân sẽ cứng và nhỏ dẹt hơn bình thường (phân dê). U có thể xuất huyết hoại tử gây đi cầu ra máu.
Cần nghĩ đến căn bệnh này triệu chứng đau bụng dưới xảy ra ở người lớn tuổi và trong gia đình có người mắc bệnh này.
Tổn thương ở niệu quản
- Sỏi niệu quản gây nên những cơn đau bụng dưới bên trái nữ
Niệu quản là một cấu trúc hình ống nhỏ nối liền thận và bàng quang, có nhiệm vụ dẫn nước tiểu. Vì cấu trúc hẹp và dài nên sỏi niệu quản thường gây bế tắc nhất, gây ra nhiều đau đớn và tổn thương đường tiết niệu.
Khi sỏi làm nghẽn lòng niệu quản, các cơ ở thành niệu quản tăng co bóp để tống xuất viên sỏi ra, gây nên đau dữ dội. Nếu vị trí tắc nghẽn là niệu quản bên trái, cơn đau được mô tả là đau dọc từ phần thắt lưng hay bụng dưới trái xuống hố chậu. bộ phận sinh dục và mặt trong của đùi.
Các triệu chứng kèm theo có thể là nôn, buồn nôn, tiểu gắt, tiểu ra máu. Khi viên sỏi để lâu không được thải ra ngoài, nước tiểu không xuống dưới được và sẽ ứ ở thận, gây thận ứ nước và làm hư hại cấu trúc của thận, người bệnh sẽ có sốt và nhiễm trùng.
- U ở niệu quản
Cũng tương tự như sỏi niệu quản, nhưng triệu chứng điển hình ở đây là tiểu ra máu, xuất hiện một cách tự nhiên và khỏi một cách tự nhiên, cho dù có hay không có điều trị. Bên cạnh đó có thể đau bụng hay thắt lưng ở một bên.
Tổn thương phần phụ
- Viêm phần phụ
Các viêm nhiễm thường xâm nhập từ bên ngoài qua âm đạo hay cổ tử cung đi ngược lên, gây viêm buồng trứng, ứ dịch vòi dẫn trứng, các dây chằng,.. Bệnh gây đau bụng dưới, có thể hai bên hoặc trái hoặc phải ( tùy theo tổn thương), huyết trắng thay đổi bất thường, tiểu gắt và rối loạn tiêu hóa. Có thể thấy một khối u cạnh tử cung đau ( 1 hoặc 2 bên)
Những người có nguy cơ mắc bệnh là những người đã hoặc đang mắc các bệnh phụ khoa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không an toàn.
- Thai ngoài tử cung
Bình thường, thai được làm tổ ở trong lòng tử cung, nơi có đủ không gian để thai có thể phát triển và lớn lên. Tuy nhiên, có một số trường hợp thai không làm tổ trong tử cung mà làm tổ ở những bộ phận khác như vòi trứng, buồng trứng, thậm chí là ổ bụng, chung với ruột. Trong những trường hợp này, vì khi thai lớn dần lên sẽ gây vỡ các cấu trúc đó, gây xuất huyết ồ ạt, tạo nên một bệnh cảnh hết sức nặng nề cần cấp cứu ngay: thai ngoài tử cung vỡ.
Thai ngoài tử cung chưa vỡ gây chảy máu âm đạo, máu đen, lượng ít, không đông kèm theo đau bụng dưới âm ỉ một bên (nơi thai làm tổ). Khi thai ngoài tử cung vỡ, đau bụng dữ dội như dao đâm khiến người bệnh không chịu nổi.
- Lạc nội mạc tử cung
Niêm mạc tử cung bình thường đáng lẽ phải ở trong tử cung, nay chúng lại lạc qua các bộ phận khác như buồng trứng, ruột,.. vì vậy khi trong hay trước khi hành kinh, trong khi quan hệ tình dục, những bộ phận mà có nội mạc tử cung bám vào sẽ gây đau, có thể chảy máu. Một lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng trái có thể gây đau bụng dưới bên trái nữ giới.
- Đau bụng dưới bên trái nữ giới vì khối u buồng trứng xoắn
U buồng trứng thường khó phát hiện sớm vì các triệu chứng mờ nhạt. Người bệnh có thể chỉ thấy trằn bụng dưới 1 hoặc 2 bên hay ngay giữa, có rối loạn kinh nguyệt. Khối u khi phát triển có thể đè vào đường tiểu gây tiểu gắt, tiểu buốt. Thậm chí người bệnh có thể sờ thấy một khối u căng ở vùng bụng dưới bên trái hoặc bên phải hoặc ngay khớp mu.
Khi u có cuống dài hoặc phát triển quá nặng sẽ gây ra các biến chứng như u nang buồng trứng xoắn, u vỡ hay u xuất huyết, biểu hiện với các đau bụng đột ngột dữ dội tại nơi ban đầu ( có thể bụng dưới trái, phải hay ngay trên khớp mu) sau đó lan tỏa khắp bụng kèm theo nôn ói. Đây là một cấp cứu phụ khoa, cần phải can thiệp ngay.
- Thoát vị bẹn
Thoát vị là tình trạng các tạng trong ổ bụng lòi ra ngoài thông qua các điểm yếu trên thành bụng hoặc các lỗ ống tự nhiên. Triệu chứng của thoát vị bẹn là cảm giác căng tức vùng bẹn hay vùng bụng dưới 1 hay 2 bên (tùy theo bên nào bị tổn thương). Sau đó người bệnh có thể thấy được một khối xuất hiện ở vùng bẹn mỗi khi đứng hay ho liên tục, rặn,..nhưng khi nằm thì khối đó lại biến mất hay khi người bệnh ấn tay đẩy nó vào.
Nếu không may, khối đó bị dính lại và không trở về vị trí cũ được nữa, cho dù có lấy tay đẩy vào, đoạn ruột bị kẹt đó sẽ nhanh chóng bị hoại tử và nhiễm trùng, gây ra tắc ruột. Đây là một cấp cứu cần can thiệp ngay.
- Đau bụng dưới bên trái nữ giới do tổn thương các mạch máu
Ở vùng bụng dưới 2 bên có các mạch máu lớn đi ra đi từ động tĩnh mạch chủ của cơ thể. Khi có phình bóc tách hay viêm tắc các mạch máu đó có thể gây ra cơn đau bụng đột ngột.
Đau bụng dưới bên trái nữ đi khám ở đâu?
- Bệnh viện quốc tế City – Quận Bình Tân
- Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn – Quận Bình Chánh
- Bệnh viện đa khoa Tân Hưng – Quận 7
Khi nào cần đi khám bác sĩ ngay?
Khi bạn có triệu chứng đau bụng dưới bên trái nữ giới kèm theo các dấu hiệu sau, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời:
- Sốt cao, lừ đừ
- Đau bụng dữ dội phải có những tư thế nằm đặc biệt để giảm đau, sờ thấy bụng cứng
- Tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu máu
- Tiêu chảy, táo bón nhiều, thay đổi tính chất phân
- Nôn ói kèm đau bụng dữ dội
- Ra huyết âm đạo hay có huyết trắng bất thường
- Khi trễ kinh, nghi ngờ có thai, que thử thai báo có thai.
- Khi sờ thấy một khối chắc ở vùng bụng dưới trái hay vùng bẹn
- Khi bạn lo lắng cho tình trạng sức khỏe và muốn được kiểm tra
Lời kết
Đau bụng dưới bên trái nữ giới có rất nhiều nguyên nhân, có thể là do các bệnh lý của đường tiêu hóa, tiết niệu hay sinh sản, từ nhẹ cho đến nguy kịch đến tính mạng. Chúng tôi hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về nguyên nhân gây đau bụng dưới bên trái ở nữ giới hữu ích. Hãy đi khám để được thăm khám và điều trị phù hợp khi bạn đang lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu biểu hiện đau bụng dưới bên trái nữ giới tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.