Đau bụng dưới khi mang thai có nguy hiểm không?

Đau bụng dưới khi mang thai tuy không phải là tình trạng thường xuyên xảy ra nhưng nguyên do lại vô cùng nguy hiểm mà hiếm mẹ bầu nào chú trọng đến. Trong quá trình mang thai, nhiều thay đổi về sinh lý cũng như một số bệnh lý có thể xảy ra đối với người phụ nữ, sẽ biểu hiện ra ngoài bởi các triệu chứng, một trong những triệu chứng thường gặp nhất chính là đau bụng.

Bài viết này của Doctor có sẵn sẽ đem đến cho bạn đọc những kiến thức và cách xử trí khi gặp tình trạng đau bụng dưới khi mang thai.

Đau bụng dưới khi mang thai là như thế nào?

Trước khi đi vào các nguyên nhân gây đau bụng dưới khi mang thai, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ nét về vùng bụng dưới là gì ? Và có những cơ quan, bộ phận nào nằm tương quan ở vùng bụng dưới của chúng ta ?

Có nhiều cách để phân chia vùng bụng, trong bài dưới đây, chúng ta sẽ tạm lấy rốn là điểm giữa bụng, khi kẻ một đường đi ngang qua rốn sẽ chia bụng thành 2 phần trên và dưới, lần lượt gọi là bụng trên và bụng dưới. Vùng bụng dưới sẽ tương quan phía bên trong có các tạng lớn sau: ruột non, ruột già, ruột thừa, 1 phần của túi mật, 1 phần của thận, niệu quản, bàng quang, tử cung, buồng trứng và phần phụ … Trong đó tử cung là nơi “cư trú” và trưởng thành của thai nhi.

đau bụng dưới khi mang thai
Đau bụng dưới khi mang thai là như thế nào?

Đau bụng dưới khi mang thai có thể chỉ cảm giác đau âm ỉ, râm ran vùng bụng dưới cho đến những trường hợp đau quặn thắt, dữ dội. Đôi khi, khi mẹ bầu ốm nghén, buồn nôn và nôn cũng kèm theo cảm giác đau bụng.

Như đã nhắc đến ở trên, vùng bụng dưới có chứa tử cung, là nơi thai nhi làm tổ và phát triển, vậy nên đau bụng vùng bụng dưới khi mang thai sẽ gợi ý nhiều đến các nguyên nhân liên quan đến thai kỳ, tuy vậy, vẫn còn một số nguyên nhân khác cũng có thể gây đau bụng dưới khi mang thai.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới khi mang thai

Có 2 nhóm nguyên nhân lớn gây đau bụng dưới trong quá trình mang thai: nhóm nguyên nhân có liên quan và không liên quan đến thai kỳ.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới khi mang thai không liên quan đến thai kỳ

Đau bụng dưới khi mang thai do táo bón, đầy hơi

Trong quá trình mang thai, rất nhiều người nghĩ rằng mình phải ăn gấp đôi số lượng bình thường vì đang phải “ăn cho 2 người”, tuy nhiên, quan điểm này không đúng. Việc ăn quá nhiều, sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hoá, kèm theo việc thay đổi về hormon trong cơ thể, sự tì đè của thai nhi lên đường tiêu hoá, khiến cho công việc tiêu hoá thức ăn gặp đôi chút trở ngại, khiến mẹ bầu cảm giác đầy hơi, tức bụng khó chịu.

Bên cạnh đó, chế độ ăn thiếu cân đối, nhiều đạm, đường, vì nghĩ rằng nó quan trọng hơn, ít chất xơ, khiến tình trạng táo bón cũng khá thường gặp trong thai kỳ.

đau bụng dưới khi mang thai
Đau bụng dưới khi mang thai do táo bón, đầy hơi

Viêm ruột thừa gây nên cơn đau bụng dưới khi mang thai

Đây là một bệnh lý cấp tính, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Biểu hiện thường gồm đau bụng dưới (thường lệch sang bên phải), sốt, buồn nôn, nôn ói… Khi có ít nhất 2 trong số các dấu hiệu vừa kể, bạn cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời. Có thai không phải là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tai biến sau cắt mổ ruột thừa. Ngược lại, vỡ ruột thừa là yếu tố tiên lượng có ý nghĩa cho nguy cơ tử vong của mẹ và thai nhi.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Có đến 10% số phụ nữ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng tiểu) trong quá trình mang thai. Các biểu hiện đặc trưng là đau rát, đau buốt khi tiểu, tiểu khó, tiểu máu, và thường có kèm theo đau bụng dưới khi mang thai nếu bị viêm bàng quang. Một số nghiên cứu đã ghi nhận tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị tốt sẽ làm tăng nguy cơ sanh non. Tuy nhiên, tin vui cho các mẹ bầu là việc điều trị bệnh thường đơn giản, chỉ với kháng sinh thích hợp và tái khám kiểm tra định kỳ.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới trong khi mang thai liên quan đến thai kỳ

Cử động của thai nhi gây đau bụng dưới khi mang thai

Thường khi bước sang 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu sẽ có thể cảm thấy những cú đạp của thai nhi trong bụng. Đây tất nhiên là dấu hiệu chứng tỏ thai nhi vẫn đang khoẻ mạnh và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khi bé quá năng động, thành bụng sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, cũng khiến mẹ bầu đôi chút khó chịu. Dẫu vậy, tình trạng này thường chỉ thoáng qua và không gây gì nguy hiểm đến sức khoẻ của người mẹ.

đau bụng dưới khi mang thai
Cử động của thai nhi gây đau bụng dưới khi mang thai

Cơ thể tích tụ mỡ khi mang thai

Đôi khi lý do khiến mẹ bầu cảm giác đau bụng dưới khi mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, là do sự tích tụ mỡ. Sự tăng cân, trong đó có thành phần mỡ trong cơ thể, xảy ra sớm có thể hiện người mẹ thấy căng tức và đau nhẹ vùng bụng, cảm giác gần giống với cơn đau bụng kinh. Hiện tượng này không gây nguy hiểm và dần dần cơ thể sẽ thích nghi.

Căng cơ và dây chằng do tử cung to dần

Những cơn đau bụng dưới khi mang thai do nguyên nhân này thường đột ngột xuất hiện khi bạn thay đổi tư thế, đau nhói, rồi sau đó có thể đau âm ỉ và kéo dài. Khi tử cung dần phát triển trong suốt thai kỳ, các dây chằng vùng chậu (dây chằng tròn)  bị kéo căng và gây cảm giác đau, khó chịu. Tuy vậy, cơn đau không gây hại đến sức khoẻ của người mẹ.

Cơn đau chuyển dạ gây đau bụng dưới khi mang thai

Các người phụ nữ mang thai ai cũng phải trải qua cơn đau chuyển dạ, vì đây là lúc em bé của bạn sắp chào đời. Đối với một thai nhi phát triển bình thường và cơ thể mẹ khỏe mạnh, thì đau bụng dưới khi mang thai từ tuần thứ 37 trở đi rất có thể là một dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp sinh non và cơn đau chuyển dạ xảy ra sớm hơn.

Đau bụng chuyển dạ là do tử cung tạo nên các cơ co hay còn gọi là cơn gò tử cung để chuẩn bị đẩy thai nhi ra ngoài cơ thể mẹ. Có thể nhận biết được đau bụng chuyển dạ qua các đặc điểm sau:

  • Cơn co tử cung xuất hiện một cách tự nhiên ngoài ý muốn của sản phụ. Cơn co xuất phát từ 1 trong 2 bên sừng tử cung, thường là bên phải, sau đó lan khắp tử cung.
  • Sản phụ cảm nhận được cơn co tử cung gây đau
  • Cơn co cách nhau đều đặn, tăng dần về cường độ và khoảng thời gian giữa 2 cơn co ngày càng ngắn lại.
  • Ra 1 ít nhớt hồng âm đạo.

Thai ngoài tử cung

Bình thường, thai được làm tổ ở trong lòng tử cung, nơi có đủ không gian để thai có thể phát triển và lớn lên. Tuy nhiên, có một số trường hợp thai không làm tổ trong tử cung mà làm tổ ở những bộ phận khác như vòi trứng, buồng trứng, thậm chí là ổ bụng, chung với ruột. Trong những trường hợp này, khi thai lớn dần lên sẽ làm vỡ các cấu trúc đó, gây xuất huyết ồ ạt, tạo nên một bệnh cảnh hết sức nặng nề cần cấp cứu ngay: thai ngoài tử cung vỡ.

Thai ngoài tử cung chưa vỡ gây chảy máu âm đạo, máu đen, lượng ít, không đông kèm theo đau bụng dưới âm ỉ một bên (nơi thai làm tổ). Khi thai ngoài tử cung vỡ, đau bụng dữ dội như dao đâm khiến người bệnh không chịu nổi.

đau bụng dưới khi mang thai
Thai ngoài tử cung

Sẩy thai

Đau bụng do sẩy thai thường có đặc điểm đau từng cơn, đau quặn có xu hướng tăng dần, cơn đau xuất hiện dồn dập và sau đó giảm dần, kèm theo ra huyết âm đạo, máu đỏ tươi hoặc máu cục, mẫu mô.

Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ là dọa sẩy thai, với các triệu chứng như ra ít máu âm đạo, sẫm đen, đau âm ỉ, trằn vùng bụng dưới. Nếu được xác nhận là dọa sẩy, các bác sĩ sẽ tìm những cách giúp bạn có thể giữ lại thai, và lúc này bạn cần phải được nghỉ ngơi để dưỡng thai.

Có khoảng 25% phụ nữ bị đau bụng dưới khi mang thai tuần đầu, và có khoảng 10% có xu hướng sẩy thai. Tuy nhiên, ở lần mang thai tiếp theo, bạn vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường.

Tình trạng nhau bong non gây nên những cơn đau bụng dưới khi mang thai

Nhau, hay còn gọi là bánh nhau (bánh rau), là một thành phần gắn liền với thai nhi, và sẽ cùng phát triển với tử cung trong suốt thai kỳ. Bánh nhau cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi để giúp bé tăng trưởng. Thường thì bánh nhau sẽ bong sau khi người mẹ sinh em bé, và sẽ được lấy ra khỏi cơ thể của người mẹ.

Nhau bong non là tình trạng bánh nhau bong tróc bất thường khỏi thành cơ tử cung sớm hơn bình thường, tức là khi em bé chưa được sinh ra, gây đau đớn và căng cứng tử cung và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn của thai nhi, có biểu hiện đau bụng dưới khi mang thai. Đây là một cấp cứu sản khoa, bạn cần đến ngay cơ sở y tế khi nhận thấy đau bụng dữ dội và đột ngột, đau liên tuch và sờ thấy bụng cứng ngắt, kèm ra máu âm đạo. Tuy vậy, tỉ lệ nhau bong non chỉ chiếm khoảng 0.5% tổng số thai kỳ trên thế giới.

(Các nguyên nhân trình bày trên đây được sắp xếp hoàn toàn ngẫu nhiên).

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất khi có đau bụng dưới khi mang thai, kèm theo các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng dữ dội, đột ngột, hoặc kéo dài dai dẳng.
  • Ra máu âm đạo, có thể là máu đỏ tươi, hoặc máu cục.
  • Sốt, ớn lạnh.
  • Cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
  • Đau buốt, khó chịu khi đi tiểu.
  • Tiểu máu.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Đau kèm với cơn gò tử cung
đau bụng dưới khi mang thai
Hãy khám bác sĩ khi đau bụng bất thường khi mang thai

Một số cách để giảm và phòng ngừa các cơn đau bụng dưới khi mang thai

Như đã trình bày, phần nhiều các nguyên nhân gây đau bụng dưới khi mang thai ở phụ nữ, cần có sự thăm khám và xử trí của bác sỹ chuyên khoa, đặc biệt là trong tình huống chúng ta đang đối diện với 2 sinh mạng, là mẹ và bé. Chúng tôi sẽ đưa đến thêm một số lời khuyên, giúp cải thiện hoặc phòng ngừa những cơn đau

  • Khám thai định kỳ đầy đủ.
  • Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng, đều đặn, thư giãn
  • Chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dưỡng chất.
  • Uống nhiều nước.
  • Tắm bằng nước ấm.
  • Giữ vùng kín và đường tiểu luôn sạch sẽ, vệ sinh
  • Điều trị triệt để các bệnh lý viêm nhiễm đường tiểu, sinh dục
  • Đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường
đau bụng dưới khi mang thai
Tập yoga khi mang thai vừa giúp thư giãn vừa giúp giảm đau bụng dưới

Liên hệ phòng khám ngay khi có dấu hiệu bất thường trong thai kì

  • Dr. Marie (Marie Stopes) Đà Nẵng – Thanh Khê, Đà Nẵng
  • Phòng khám DHA Healthcare – Q.3
  • Phòng khám sản phụ khoa và hiếm muộn Bác Sĩ CKI Trương Thị Thành – Linh Trung, Thủ Đức

Kết luận

Chăm sóc người phụ nữ trong quá trình mang thai là một công việc khó khăn, nhưng cũng đầy ý nghĩa và xây đắp, củng cố tình cảm gia đình. Chúng tôi hi vọng với bài viết này, đã đem đến cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích khi bạn và gia đình nhỏ phải đối diện với các cơn đau bụng xảy ra trong thai kỳ.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu nguyên nhân những cơn đau bụng dưới khi mang thai tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.