12 dấu hiệu sắp có kinh nguyệt và cách phân biệt mang thai hay có kinh

Kinh nguyệt là sự bong tróc niêm mạc tử cung diễn ra theo chu kỳ và thường đi kèm với nhiều dấu hiệu trên cơ thể người phụ nữ. Bài viết dưới đây sẽ trình bày tổng quát các dấu hiệu sắp có kinh cũng như mách chị em một số điều nên làm trong những ngày quan trọng này.

Tổng quát về kinh nguyệt

Kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là lượng máu chảy từ tử cung ra khỏi âm đạo trong vài ngày mỗi tháng. Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản do sự điều khiển của các hormone sinh dục. Một chu kỳ bình thường sẽ kéo dài từ 21 đến 35 ngày, trung bình là 28 ngày và sẽ có những dấu hiệu sắp có kinh.

Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra như thế nào?

Dưới sự ảnh hưởng của các hormone sinh dục (estrogen, progesterone,..), niêm mạc của tử cung thay đổi theo từng giai đoạn trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Trong giai đoạn sau khi rụng trứng, niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị “nơi ở” cho phôi thai, nếu trứng rụng đó được thụ tinh.

Trong trường hợp trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung đã được chuẩn bị trước đó sẽ bị bong ra, gây ra hiện tượng chảy máu qua đường âm đạo, hay còn gọi là hành kinh. Hành kinh có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày, tùy theo cơ địa mỗi người mà số ngày hành kinh sẽ khác nhau.

12 dấu hiệu dấu hiệu sắp có kinh nguyệt

Chu kỳ thay đổi của các hormone sinh dục là yếu tố chính kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Khi đến kỳ kinh, nồng độ các hormone này sẽ giảm đột ngột, kéo theo đó là sự thay đổi ở các cơ quan khác cùng chịu sự ảnh hưởng của những hormone này. Dưới đây chính là 12 dấu hiệu sắp có kinh thường gặp nhất:

Nổi mụn

Nổi mụn là một trong những dấu hiệu sắp có kinh nguyệt dễ thấy nhất của phụ nữ. Nguyên nhân là do sự sụt giảm nồng độ estrogen trong cơ thể – một loại hormone được biết đến với khả năng làm giảm mụn trứng cá và các tình trạng viêm xoay quanh nó. Bên cạnh đó, sự tăng hoạt động của các androgen trong thời kỳ này cũng được cho là nguyên nhân làm tăng tiết bã nhờn trên da, tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn sinh mụn.

Nổi mụn là dấu hiệu sắp có kinh
Nổi mụn là dấu hiệu sắp có kinh

Đau, nặng ngực

Cảm giác đau và căng tức ngực cũng là một dấu hiệu sắp có kinh phổ biến ở chị em phụ nữ. Triệu chứng này thường xảy ra kéo dài 1 – 2 tuần, bắt đầu sau khi rụng trứng cho đến vài ngày sau hành kinh. Người ta cho rằng sự tăng tiết progesterone và prolactin sau khi rụng trứng là nguyên nhân của tình trạng này. Mức progesterone và prolactin tăng cao gây ra sự tích nước trong cơ thể, đồng thời làm cho các ống dẫn sữa của bạn căng và to ra. Điều này làm ngực trở nên căng và đau hơn khi gần đến tháng.

Cơ thể mệt mỏi

Khi sắp đến tháng, sự biến động nồng độ estrogen cũng có thể khiến người phụ nữ có cảm giác mệt mỏi và mất năng lượng. Thông thường, nồng độ estrogen sau khi trứng rụng sẽ giảm dần, kéo theo đó là sự giảm nồng độ serotonin – một hormone duy trì sự hưng phấn cho cơ thể. Do đó, mệt mỏi là một trong những dấu hiệu sắp có kinh vô cùng phổ biến.

Thêm vào đó, trong những ngày này, giấc ngủ của người phụ nữ cũng có thể bị ảnh hưởng do rối loạn hormone, kết quả là làm gia tăng cảm giác mệt mỏi vào sáng hôm sau. Đây là một vòng lặp luẩn quẩn vô cùng khó chịu đối với nhiều chị em trong giai đoạn hành kinh.

Đau bụng

Dấu hiệu sắp có kinh trước 1 ngày đến 2 ngày mà chị em phụ nữ thường cảm thấy đó chính là đau bụng kinh. Cơn đau bụng này xuất phát từ sự co bóp tử cung để đẩy và loại bỏ niêm mạc tử cung ra ban ngoài. Cơn đau sẽ xuất hiện từng đợt hoặc âm ỉ ở vùng bụng dưới, bắt đầu từ khoảng 2 ngày trước kỳ kinh. Sau đó, cơn đau dần tăng lên, đến khoảng 2 ngày sau khi hành kinh thì sẽ biến mất.

Đau bụng kỳ kinh thường xuất hiện trước 1 - 2 ngày
Đau bụng kỳ kinh thường xuất hiện trước 1 – 2 ngày

Táo bón hoặc tiêu chảy

Một dấu hiệu sắp có kinh khác mà nhiều người có thể không để ý, đó chính là tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy xảy ra trước kỳ kinh nguyệt. Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý giải chính xác cho những tình trạng này, tuy nhiên người ta vẫn cho rằng nguyên nhân chung là do sự biến động của hormone trong cơ thể đã ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Chướng bụng, đầy hơi

Chướng bụng và đầy hơi là một tình trạng tiêu hóa khác xảy ra do sự biến động hormone trước kỳ kinh nguyệt làm tích nước và khí trong bụng. Đây là những phản ứng tự nhiên của cơ thể trong những ngày này và bạn có thể sử dụng một số biện pháp để giúp đường tiêu hóa ổn định hơn như: luyện tập thể dục, giảm lượng muối, ăn nhiều trái cây và rau quả,…

Thay đổi tâm trạng, cảm xúc

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng khó chịu, cáu giận hay thậm chí là khóc không rõ lý do trong những ngày chuẩn bị bước đến kỳ kinh. Đây có lẽ là một trong những dấu hiệu sắp có kinh khiến biết bao chị em cũng như các đấng mày râu phải khổ sở.

Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của estrogen lên serotonin khiến làm sụt giảm lượng serotonin – một hormone hạnh phúc. Chính vì thế, rất nhiều phụ nữ phải trải qua những cảm xúc buồn vui thất thường trong nội tâm khi đến kỳ kinh nguyệt mà không rõ lý do tại sao.

Chán nản, lo lắng

Sự biến động của hormone không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà còn có thể làm gia tăng cảm giác chán nản và lo lắng, thậm chí là rối loạn lo âu hay trầm cảm. Những cảm giác này thường đi kèm với các triệu chứng khác như mệt mỏi và mất ngủ, khiến những ngày đèn đỏ trở thành nỗi ám ảnh của người phụ nữ.

Đau lưng, đùi

Đau lưng và đùi cũng là những dấu hiệu sắp có kinh thường thấy. Trong thời kỳ này, prostaglandin được tiết ra để chuẩn bị cho sự co bóp tử cung cũng sẽ gây nên những cơn đau co thắt nhất định tại các cơ và dây chằng xung quanh vùng chậu, gây nên cảm giác nhức mỏi ở lưng và đùi của bạn.

Mất ngủ

Thông thường, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao khoảng nửa độ sau khi bạn rụng trứng và sẽ duy trì mức nhiệt độ cao này cho đến sau khi bắt đầu hành kinh. Mặc dù điều này nghe có vẻ không đáng kể, nhưng nhiều tài liệu đã cho rằng việc nhiệt độ tăng cao khiến giấc ngủ chập chờn và khó ngon giấc. Bên cạnh đó, các dấu hiệu sắp có kinh khác như đau bụng, đau lưng,… cũng góp phần khiến người phụ nữ mất ngủ và vô cùng mệt mỏi vào sáng hôm sau.

Mệt mỏi và mất ngủ trước kỳ kinh
Mệt mỏi và mất ngủ trước kỳ kinh

Thay đổi dịch tiết âm đạo

Một dấu hiệu khác cho biết ngày đèn đỏ đang tới gần chính là lượng khí hư tiết ra từ âm đạo trở nên ít dần. Khí hư là một dạng dịch tiết có tính chất lỏng và sánh, được tiết ra liên tục nhằm giúp giữ ẩm, duy trì cân bằng môi trường âm đạo và tham gia vào quá trình thụ tinh. Tính chất của khí hư sẽ thay đổi trong suốt chu trình rụng trứng.

Thông thường, vào những ngày gần rụng trứng, lượng hormone estrogen tăng lên và kích thích tiết ra nhiều khí hư ở dạng rất lỏng, nhằm giúp thuận tiện cho quá trình thụ tinh. Sau khi trứng rụng, nồng độ estrogen giảm dần, kéo theo là lượng khí hư cũng sẽ đặc dần và gần như biến mất khi bắt đầu hành kinh.

Đôi khi phải mất vài ngày sau kỳ kinh thì dịch tiết mới xuất hiện trở lại và chuẩn bị bắt đầu cho một quá trình rụng trứng mới. Quan sát dịch tiết âm đạo có thể giúp bạn nhận ra những dấu hiệu sắp có kinh của mình, đồng thời giúp nhận biết sớm những bất thường phụ khoa.

Giảm ham muốn tình dục

Giảm ham muốn tình dục cũng là một dấu hiệu sắp có kinh nguyệt quan sát được ở nhiều phụ nữ. Điều này có thể do sự suy giảm nồng độ các hormone sinh dục khi gần đến tháng hoặc do cảm giác mệt mỏi, đau bụng và căng thẳng mà thời kỳ này gây ra.

Tuy nhiên, nhìn chung mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau về ham muốn nói riêng và các triệu chứng trên nói chung. Điều quan trọng chính là hiểu về sức khỏe của mình và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để kịp thời xử lý.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Những dấu hiệu sắp có kinh kể trên thường được gọi chung là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). PMS được định nghĩa là tập hợp các triệu chứng thể chất và tâm lý xuất hiện trước kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ như: thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, đau bụng, đầy hơi,…

Người ta ước tính rằng cứ 4 phụ nữ có kinh thì có tới 3 người đã trải qua một số dạng hội chứng tiền kinh nguyệt khác nhau. Trong số đó, PMS được cho là dễ xảy ra hơn ở những phụ nữ có mức độ stress cao phụ nữ mắc trầm cảm hoặc có tiền sử trầm cảm. Bên cạnh đó, các triệu chứng PMS thường có xu hướng tăng, nặng hơn khi bạn bước vào độ tuổi cuối 30 – 40, đặc biệt là những phụ nữ đang đến gần thời kỳ mãn kinh.

Như đã đề cập, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến PMS là do sự thay đổi nồng độ hormone của cơ thể phụ nữ trong chu kỳ rụng trứng, đáng kể nhất là do sự sụt giảm đột ngột của estrogen và progesterone trước kỳ kinh nguyệt. PMS sẽ chấm dứt sau thời kỳ mãn kinh khi bạn không còn kinh nguyệt nữa.

Đến nay, không có xét nghiệm đơn lẻ nào để chẩn đoán PMS. Chủ yếu bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về thời gian bắt đầu và kết thúc các triệu chứng cũng như cách bạn cảm nhận mức độ ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số xét nghiệm như khám vùng chậu, siêu âm hoặc xét nghiệm máu để có thể loại trừ các dấu hiệu liên quan tới bệnh lý phụ khoa có thể mắc phải.

Cách kiểm soát, hạn chế các dấu hiệu khó chịu khi có kinh nguyệt

Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu trước và trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tập thể dục đều đặn: Vận động nhẹ nhàng giúp giảm đau bụng và căng thẳng.
  • Giữ tâm trạng ổn định: Thực hành yoga, thiền, hoặc các bài tập thở sâu.
  • Uống đủ nước: Tránh tình trạng chướng bụng và giữ cho cơ thể đủ nước.
  • Ngủ đủ giấc: Cố gắng nghỉ ngơi và duy trì ngủ 8 tiếng mỗi ngày để giữ cơ thể khỏi mệt mỏi và uể oải.

Ngoài ra, nếu các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày của bạn thì có thể tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Phụ nữ đến kỳ nên ăn nhiều rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt
Phụ nữ đến kỳ nên ăn nhiều rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt

Làm sao phân biệt được dấu hiệu sắp có kinh và có thai?

Có khá nhiều triệu chứng có thể xảy ra khi mang thai và cả khi sắp có kinh như: thay đổi tâm trạng, táo bón, đau và căng tức ngực, mệt mỏi, chảy máu, đau bụng, đau đầu và thay đổi khẩu vị,… Vậy làm thế nào để phân biệt được?

Trên thực tế, có một số triệu chứng khá điển hình cho việc mang thai, bao gồm: buồn nôn, thay đổi núm vú (về màu sắc, kích thước) và đặc biệt là mất kinh. Ngoài ra, thử thai tại nhà cũng có thể giúp xác định xem một người có thai hay không. Trong tình huống đó, việc thử thai nên được thực hiện đúng cách và đúng thời điểm.

Nếu các triệu chứng mang thai rõ ràng nhưng khi thử lại âm tính thì bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi vì hàm lượng hormone thời kỳ đầu mang thai có thể còn thấp dẫn đến trường hợp âm tính giả. Tuy nhiên, để an tâm hơn, bạn có thể tìm đến khám chuyên khoa để được thực các hiện xét nghiệm và đánh giá chuyên sâu hơn.

Ngoài ra, bổ sung vitamin E bằng ENAT có thể hỗ trợ giảm triệu chứng khó chịu và duy trì sức khỏe toàn diện trong cả hai trường hợp.

Xem thêm:

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Dấu hiệu, triệu chứng bất thường

Những dấu hiệu sắp có kinh nguyệt chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định, từ vài ngoài đến vài tuần. Sau đó chúng sẽ biến mất hoàn toàn khi ngày đèn đỏ qua đi mà không cần bất cứ can thiệp nào.

Tuy nhiên, trong trường hợp các triệu chứng trở nên bất thường chẳng hạn như: đau dữ dội lâu ngày, kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường, máu kinh có màu sắc lạ,… bạn nên gặp bác sĩ để được kiểm tra. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau tùy vào từng trường hợp:

  • Khám vùng chậu: Kiểm tra trực quan và bằng tay để đánh giá tình trạng sức khỏe của các cơ quan sinh sản.
  • Siêu âm: Siêu âm tử cung, buồng trứng và các cơ quan vùng chậu khác để quan sát những dấu hiệu bất thường nếu có.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu, nồng độ hormone, chức năng tuyến giáp,…
  • Nội soi ổ bụng: Nội soi và quan sát trực tiếp các cơ quan vùng chậu để phát hiện các tổn thương bên trong.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Lấy một mẫu mô nhỏ từ niêm mạc tử cung để kiểm tra khi những xét nghiệm cận lâm sàng kể trên chỉ ra nhiều nguy cơ.
Khám chuyên khoa khi có dấu hiệu đau bụng dưới dai dẳng
Khám chuyên khoa khi có dấu hiệu đau bụng dưới dai dẳng

Một số bệnh viện, chuyên khoa uy tín

Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, bạn có thể tới ngay các phòng khám chuyên khoa Sản phụ khoa để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám. Dưới đây là một số bệnh viện uy tín mà Docosan có thể giới thiệu tới bạn:

Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến dấu hiệu sắp có kinh nguyệt và cách phân biệt mang thai hay có kinh. Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ ngay cho mọi người cùng biết nhé!

Xem thêm

Nguồn tham khảo:

1. What’s up with periods?

  • Link tham khảo: https://www.plannedparenthood.org/learn/teens/puberty/whats-periods
  • Ngày tham khảo: 13/06/2024

2. Signs Your Period Is Coming

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/women/pms/signs-your-period-is-coming
  • Ngày tham khảo: 13/06/2024

3. Perimenstrual Flare of Adult Acne

  • Link tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4142818/
  • Ngày tham khảo: 13/06/2024

4. 10 Signs Your Period Is About to Start

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/womens-health/period-signs
  • Ngày tham khảo: 13/06/2024

5. Premenstrual syndrome (PMS)

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premenstrual-syndrome/symptoms-causes/syc-20376780
  • Ngày tham khảo: 13/06/2024

6. Premenstrual syndrome (PMS)

  • Link tham khảo: https://www.womenshealth.gov/menstrual-cycle/premenstrual-syndrome
  • Ngày tham khảo: 13/06/2024
Contact Me on Zalo