Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS – Polycystic ovary syndrome) là một tình trạng rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, chiếm tỉ lệ 4%-12% theo nhiều nghiên cứu. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về hội chứng này trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Dấu hiệu nhận biết hội chứng buồng trứng đa nang
Nguyên nhân của căn bệnh này thì chưa được xác định. Tuy nhiên người ta thấy rằng hội chứng buồng trứng đa nang có tính chất gia đình, mẹ và các chị em gái trong gia đình thường mắc phải ít nhất một lần. Ở những người phụ nữ mắc bệnh, căn bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh con gây vô sinh hiếm muộn, kèm với những rối loạn khác như: rối loạn kinh nguyệt, mụn nhiều, rậm lông, đái tháo đường, tăng huyết áp…
Nếu bạn có các vấn đề như da dầu, mất kinh, rối loạn kinh nguyệt, béo phì, bạn có thể nghĩ đây chỉ là những vấn đề bình thường nhiều người gặp phải trong cuộc sống. Nhưng những rối loạn trên có thể là triệu chứng của căn bệnh hội chứng buồng trứng đa nang:
- Rậm lông: Lông mọc nhiều và mọc ở những nơi phụ nữ không mong muốn như mặt, cằm, ria mép, ngực, quanh rốn, cánh tay, đùi, lưng.
- Rụng tóc: Tiến triển chậm, tóc thưa hơn do rụng nhưng vẫn còn chân tóc. Tình trạng này hiếm gặp nhưng sẽ nặng lên ở phụ nữ tuổi trung niên.
- Béo phì: Một nữa phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thường gặp khó khăn trong kiểm soát cân nặng, tăng cân quá mức còn thường đi kèm với gia tăng đường huyết do tình trạng đề kháng Insulin – hormone điều chỉnh đường huyết gây nên.
- Mụn/da dầu: Những thay đổi nội tiết tố do hội chứng này đem lại khiến da bệnh nhân tiết nhiều chất nhờn hơn, từ đó gây nên mụn ở mức độ từ nhẹ đến nặng.
- Mất ngủ/ đau đầu: Ngủ khó vô giấc, cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy, đau đầu, luôn cảm thấy mệt mõi suốt cả ngày.
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh không đều, vài tháng mới có kinh hoặc chảy máu nhiều trong ngày hành kinh. Phụ nữ mắc hội chứng này thường có ít hơn 8 chu kỳ kinh trong 1 năm.
- Hiếm muộn: Hội chứng buồng trứng đa nang là một nguyên nhân phổ biến làm cho phụ nữ khó có con. Do buồng trứng có nhiều nang nhưng không có sự rụng trứng xảy ra trong các chu kì kinh. Ngoài ra béo phì, tiểu đường cũng góp phần làm khó có con.
Nếu bạn có một hoặc nhiều triệu chứng trên nên đi khám phụ sản để chẩn đoán bệnh và giải quyết triệu chứng mà bạn đang mắc phải. Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh buồng trứng to gấp rưỡi đến gấp 3 lần bình thường, bên trong có nhiều nang nước. Tuy nhiên nhiều phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang nhưng siêu âm buồng trứng không có nang. Vì vậy chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang cần kết hợp nhiều yếu tố, nang ở buồng trứng có thể có hoặc không.
Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang
Căn bệnh này có thể xuất hiện trong một thời điểm rồi tự biến mất nhưng cũng có thể tồn tại dai dẳng trong nhiều năm ở độ tuổi sinh sản của người phụ nữ. Mục tiêu điều trị không phải chữa dứt hoàn toàn căn bệnh này mà là điều trị những vấn đề than phiền mà bệnh nhân mắc phải. Nếu bệnh nhân đến khám vì rối loạn kinh nguyệt thì điều hòa kinh nguyệt, nếu khám vì mụn trứng cá ta sẽ điều trị mụn, nếu bệnh nhân đến khám vì mong con hiếm muộn thì bác sĩ sẽ điều trị hỗ trợ sinh sản để bệnh nhân có con.
Tuy nhiên dù gặp vấn đề gì thì giảm cân và có một lối sống lành mạnh sẽ giúp cải thiện các triệu chứng đáng kể. Nhiều phụ nữ buồng trứng đa nang thừa cân và béo phì, ăn uống điều độ và tập thể dục, giảm 5%-10% cân nặng có thể khiến kinh nguyệt đều hơn, giảm đường huyết và chu kỳ có rụng trứng.
Vì căn bệnh này có liên quan đến sự gia tăng lượng đường trong máu nên chế độ ăn nên hạn chế đường và tinh bột, tăng lượng rau, thịt, chất xơ. Chế độ ăn này cũng khiến bạn điều chỉnh cân nặng.
Phụ nữ đang không muốn có con, kinh nguyệt không đều có thể dùng các thuốc ngừa thai dạng uống, cấy que hoặc đặt vòng tránh thai có nội tiết tố để kinh nguyệt đều hơn. Ngoài ra việc sử dụng nội tiết tố có tên progestin có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung ở những bệnh nhân buồng trứng đa nang. Tuy nhiên để tranh lạm dụng thuốc, bạn nên đến gặp bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Bác sĩ chẩn đoán và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang
Thạc sĩ Bác sĩ Trần Huy Dũng – tác giả bài viết này – chuyên tư vấn điều trị hội chứng buồng trứng đa nang tại Phòng khám chuyên sản phụ khoa – Hiếm muộn 5D
Xem thêm: Thuốc trị đa nang buồng trứng
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Webmd
- Williams Gynecology, Third Edition 3rd Edition 2016 [UnitedVRG]