Ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay có thai? Dấu hiệu phân biệt

Huyết trắng âm đạo, hay còn gọi khí hư, đây là một hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ. Tuy nhiên, tình trạng ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai vẫn là thắc mắc của nhiều chị em. Vậy huyết trắng âm đạo trong hai trường hợp này có gì khác nhau? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khí hư âm đạo là gì?

Khí hư âm đạo là một chất lỏng trong suốt, màu trắng hoặc trắng sữa chảy ra từ âm đạo của người phụ nữ. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, diễn ra thường xuyên nhằm giúp làm sạch và bôi trơn âm đạo, cũng như chống lại các vi khuẩn có hại xâm nhập vào. 

Mỗi phụ nữ thường có lượng khí hư khác nhau, có những người tiết ra nhiều trong khi một số người lại chỉ tiết ra ít. Sự khác biệt này là hoàn toàn tự nhiên và bình thường. Tuy nhiên, khi dịch tiết trở nên thay đổi về lượng, mùi, màu sắc hoặc kết cấu so với khí hư âm đạo bình thường của bạn, điều này có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó. 

Thông thường, huyết trắng được tiết ra nhiều vào giữa những ngày rụng trứng, sắp có kinh, mang thai hoặc khi có kích thích tình dục. Do đó, câu hỏi “Ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai?” sẽ không thể chỉ được trả lời bằng việc lượng dịch là nhiều hay ít, mà còn phải đánh giá dựa trên những đặc điểm khác của khí hư. 

Huyết trắng âm đạo là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ
Huyết trắng âm đạo là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ

Phân biệt khí hư âm đạo khoẻ mạnh hay không khoẻ mạnh

Ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai? Trước khi trả lời cho câu hỏi đó, hãy cùng điểm qua những đặc điểm của khí hư âm đạo khỏe mạnh và so sánh với khí hư không khỏe mạnh.

Đầu tiên, khí hư âm đạo khỏe mạnh thường loãng, có màu trong hoặc trắng sữa, không mùi hoặc có mùi nhẹ và không gây ngứa. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt mà độ đặc và lượng huyết trắng được tiết ra có thể thay đổi đôi chút. Chẳng hạn, vào những ngày gần rụng trứng (giữa chu kỳ kinh nguyệt) thì khí hư thường lỏng và tiết ra nhiều hơn, trong khi những ngày hành kinh thì gần như không có khí hư.

Ngược lại, khí hư không khỏe mạnh sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Có mùi nặng.
  • Màu sắc thay đổi (chuyển sang màu vàng sẫm, xanh lá cây, xám hoặc nâu đỏ,…).
  • Khí hư đặc và vón cục.
  • Khí hư kèm theo ngứa xung quanh âm đạo.
  • Khí hư kèm theo đau khi đi tiểu.
Các dấu hiệu của khí hư không khỏe mạnh
Các dấu hiệu của khí hư không khỏe mạnh

Đặc điểm của khí hư khi có kinh và có thai

Ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay có thai? Trên thực tế, nếu chỉ phân biệt có kinh hay mang thai dựa vào lượng huyết trắng được tiết ra thì sẽ không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, vẫn có một số sự khác biệt nhất định để phân biệt khí hư trong hai trường hợp này.

Đặc điểm của khí hư khi mang thai

Ra huyết trắng nhiều có phải có thai không? Như một quy trình tự nhiên của cơ thể người phụ nữ, lượng hormone progesterone sẽ tăng dần và đạt đỉnh vào giai đoạn sau rụng trứng. Khi đó, nếu trứng thụ tinh thành công thì nồng độ progesterone sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao để kích thích phát triển niêm mạc tử cung, duy trì và bảo vệ thai kỳ. Sự gia tăng lượng progesterone này làm khí hư khi mang thai sẽ có những đặc điểm sau:

  • Lượng khí hư: Đây là dấu hiệu quan trọng nhất giúp phân biệt khi ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai. Trên thực tế, khi mang thai, lượng khí hư ở người phụ nữ sẽ tăng lên rõ rệt so với bình thường. Đây là một phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể để bảo vệ âm đạo và tử cung của người mẹ khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Màu sắc và kết cấu: Khí hư khi mang thai thường có màu trắng đục hoặc ngà. Đặc biệt, khí hư lúc này sẽ có kết cấu dày và đặc hơn bình thường, nhìn giống như sữa hoặc kem.
  • Các đặc điểm khác: Dù khí hư khi mang thai ra rất nhiều và đặc, nhưng vẫn không có mùi hoặc chỉ có mùi rất nhẹ. Nó cũng không kèm theo bất cứ sự khó chịu, ngứa ngáy hay đau rát nào đối với mẹ bầu.

Ngoài ra, để chắc chắn hơn về việc ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai, hãy chú ý cảm nhận những thay đổi khác trong cơ thể như mất kinh, buồn nôn, ngực căng và nhạy cảm hơn, quầng vú sẫm màu, nhạy cảm với mùi,… Đây là những dấu hiệu điển hình hơn của tình trạng có thai. Tuy nhiên, để có thể xác nhận chính xác, bạn nên sử dụng que thử thai tại nhà để sớm phát hiện và chuẩn bị cho hành trình làm mẹ của mình.

Khi mang thai khí hư ra nhiều và đặc hơn
Khi mang thai khí hư ra nhiều và đặc hơn

Đặc điểm của khí hư khi có kinh nguyệt

Dưới đây sẽ là một số điểm khác biệt của khí hư khi có kinh nguyệt để trả lời cho câu hỏi “Ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai?”:

  • Lượng khí hư: Nồng độ progesterone mặc dù tăng cao sau khi rụng trứng, nhưng nếu trứng không được thụ tinh thì lượng hormone này sẽ giảm xuống để chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo. Chính vì thể, lượng khí hư trước kỳ kinh nguyệt có thể tăng nhẹ nhưng sẽ không đáng kể như trong thai kỳ. Và khi kỳ kinh bắt đầu thì lượng khí hư thường sẽ giảm hoặc biến mất.
  • Màu sắc và kết cấu: Khí hư khi có kinh nguyệt có thể hơi ngả vàng với kết cấu dày hơn hoặc dính hơn so với bình thường. Tuy nhiên, nó thường không đặc hoặc đục như khi mang thai.
  • Các đặc điểm khác: Khí hư trước kỳ kinh nguyệt có thể có mùi nhẹ do sự thay đổi pH âm đạo, nhưng vẫn không quá hôi hoặc gây khó chịu cho người phụ nữ.
Lượng khí hư sẽ phụ thuộc vào nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt
Lượng khí hư sẽ phụ thuộc vào nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt

Nhận biết khi ra huyết trắng bất thường

Bên cạnh việc phân biệt huyết trắng ra nhiều là sắp có kinh hay mang thai, việc nhận biết các dấu hiệu huyết trắng bất thường cũng vô cùng quan trọng đối với chị em phụ nữ. Mỗi bất thường của khí hư đều có thể là dấu hiệu của một bệnh lý phụ khoa nào đó. Do đó, việc nhận biết sớm sẽ giúp chị em điều trị kịp thời và có những thay đổi trong lối sống tình dục cho phù hợp với tình trạng bệnh.

Viêm nhiễm cơ quan phụ khoa bao gồm các bệnh phổ biến như viêm âm hộ – âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm cổ tử cung, viêm phần phụ, u xơ tử cung… Tùy vào tác nhân gây viêm, biểu hiện của khí hư cũng có sự khác nhau. Sau đây là một số gợi ý triệu chứng của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa mà bạn cần biết:

  • Viêm nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (STI): Khí hư trong các trường hợp nhiễm trùng này thường có màu đục đến ngả vàng hoặc xanh lá, có thể có bọt và có mùi tanh (đối với nhiễm Trichomonas). Đôi khi người phụ nữ có thể cảm thấy kích ứng âm đạo, đau vùng chậu, đau khi đi tiểu hoặc sau khi quan hệ,… Những bệnh lý STI đều cần được điều trị sớm với kháng sinh để tránh nhiễm trùng lan rộng gây ra viêm vùng chậu.
  • Viêm do nấm Candida: Candida là một loại nấm men có sẵn trong âm đạo nhưng thường không gây bệnh, tuy nhiên khi phát triển ngoài tầm kiểm soát thì loại nấm này sẽ gây viêm nhiễm dai dẳng ở người phụ nữ. Huyết trắng trong trường hợp này thường ra nhiều, màu trắng đục, đặc và dính thành từng mảng giống như phô mai, có mùi hôi và gây ngứa âm đạo dai dẳng.
  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Đây là một bệnh nhiễm trùng xảy ra khi mất sự cân bằng tự nhiên giữa các vi khuẩn trong âm đạo của người phụ nữ. Dịch tiết từ viêm âm đạo do vi khuẩn có xu hướng loãng, có mùi tanh, màu xám. Tuy nhiên, các báo cáo chỉ ra một nửa số người bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn không biểu hiện triệu chứng gì.

Ngoài ra, các trường hợp khí hư bất thường khác như: khí hư ra nhiều kèm lẫn máu (khí hư màu hồng hoặc đỏ), đau bụng dưới, mệt mỏi, sút cân,… hãy đi khám với bác sĩ chuyên khoa và tầm soát các bệnh lý về cổ tử cung, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh ung thư cổ tử cung.

Khí hư vón cục có thể là biểu hiện nhiễm nấm Candida
Khí hư vón cục có thể là biểu hiện nhiễm nấm Candida

Lưu ý khi ra huyết trắng ở phụ nữ

Bên cạnh việc tìm hiểu việc ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai, cũng như những dấu hiệu nhận biết tình trạng huyết trắng bất thường, thì phần dưới đây chúng tôi sẽ trình bày những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe “cô bé” để có được trạng thái khí hư khỏe mạnh:

  • Vệ sinh cá nhân: Khi huyết trắng ra nhiều, bạn nên vệ sinh vùng kín cẩn thận hàng ngày bằng nước ấm, xen kẽ với sử dụng dung dịch vệ sinh nhẹ nhàng, không chứa hóa chất mạnh, giúp duy trì độ pH cân bằng và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, cần lưu ý luôn rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng kín, đặc biệt là khi thay băng vệ sinh hoặc tampon để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
  • Chế độ dinh dưỡng: Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bao gồm nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu chất xơ.
  • Sữa chua: Sữa chua rất giàu lợi khuẩn (probiotic). Không chỉ có lợi cho hệ tiêu hóa, các lợi khuẩn này cũng cần thiết để bảo vệ âm đạo của bạn khỏi các vi khuẩn có hại. Do đó, ăn nhiều sữa chua sẽ giúp cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên, làm giảm nguy cơ viêm nhiễm và ngăn ngừa khí hư bất thường.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Người phụ nữ nên tập thể dục thường xuyên để giúp cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe sinh sản. Có thể tập luyện các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc pilates,…
  • Vệ sinh quần lót: Một lưu ý rất quan trọng khác là hãy giữ quần lót của bạn sạch sẽ bằng cách giặt sạch hằng ngày bằng nước ấm, sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn. Nên chọn quần lót làm từ chất liệu thoáng mát, hút ẩm tốt như cotton để giữ vùng kín được khô ráo.
Nên giặt sạch đồ lót bằng nước ấm và phơi nắng mỗi ngày
Nên giặt sạch đồ lót bằng nước ấm và phơi nắng mỗi ngày

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu bất thường

Sự xuất hiện của ra huyết trắng nhiều có phải có thai không sẽ khiến chị em lo lắng về sức khỏe sinh sản của bản thân. Do đó, hãy đi khám bác sĩ phụ khoa ngay khi vùng kín xuất hiện kèm theo các triệu chứng sau để có được chẩn đoán và chọn lựa phương pháp điều trị sớm.

  • Dịch tiết âm đạo ra nhiều, có màu lạ như xám, vàng đục, xanh, nâu, đen, kèm gây ngứa, rát, có mùi hôi trong âm đạo.
  • Cơ thể dần mệt mỏi, đau ở bụng dưới, xương chậu, đau lưng âm ỉ, đau rát khi quan hệ…
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, không đều, chu kỳ kinh quá dài hoặc quá ngắn, rong kinh, tắc kinh, cường kinh, thiểu kinh,…

Xét nghiệm chẩn đoán

Dưới đây là một số phương pháp xét nghiệm thường được sử dụng khi nghi ngờ các bất thường trong phụ khoa:

  • Xét nghiệm STI: Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng qua đường tình dục, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để kiểm tra các bệnh như lậu, Chlamydia, Trichomonas hay HIV.
  • Xét nghiệm dịch âm đạo: Đây là một xét nghiệm phổ biến được thực hiện bằng cách lấy mẫu dịch âm đạo, sau đó phân tích và xác định loại vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. 
  • Siêu âm vùng chậu: Trong một số trường hợp, siêu âm có thể được chỉ định để kiểm tra các bất thường ở tử cung, buồng trứng hoặc các cơ quan sinh sản khác.
  • Xét nghiệm Pap: Đây là xét nghiệm giúp kiểm tra các dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Loại ung thư này thường diễn ra thầm lặng và không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm Pap sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường để điều trị kịp thời.

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Khi thấy các dấu hiệu bất thường về huyết trắng âm đạo, hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy lo lắng vì không biết huyết trắng ra nhiều là sắp có kinh hay mang thai, bạn có thể tới ngay các phòng khám chuyên khoa Sản phụ khoa để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám. Dưới đây là một số bệnh viện uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh mà Docosan muốn giới thiệu tới bạn:

Xem thêm:

Huyết trắng ở phụ nữ là một dấu hiệu phản ánh tình trạng sức khỏe sinh sản, chính vì thế khi có bất cứ sự thay đổi nào của huyết trắng cũng khiến chị em nhạy cảm và cần chú ý. Bài viết trên đây đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi ra huyết trắng nhiều là sắp có kinh hay mang thai, cũng như những lưu ý khác xung quanh chủ đề này. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích và được các chị em chia sẻ rộng rãi cho mọi người cùng biết!

Nguồn tham khảo:

1. Vaginal Discharge

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/4719-vaginal-discharge
  • Ngày tham khảo: 22/08/2024

2. What does early pregnancy discharge look like?

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/what-does-early-pregnancy-discharge-look-like
  • Ngày tham khảo: 22/08/2024

3. What Causes White Discharge Before Your Period?

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/white-discharge-before-period
  • Ngày tham khảo: 22/08/2024

4. Vaginal Discharge: Is It Normal?

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/women/vaginal-discharge-whats-abnormal
  • Ngày tham khảo: 22/08/2024
Contact Me on Zalo