Lịch tiêm phòng cho bà bầu là điều các mẹ cần biết để hạn chế tối đa các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và các di chứng thai nhi đáng tiếc. Sự phát triển vượt bậc của các vắc-xin về mặt số lượng và chất lượng đã giúp chúng ta ngăn ngừa được rất nhiều nguy cơ cho mẹ bầu và em bé, cả trước và trong quá trình mang thai. Doctor có sẵn kính mời quý độc giả tham khảo lịch tiêm phòng dành cho các mẹ bầu trong bài viết này.
Tóm tắt nội dung
Thời gian tiêm phòng cho bà bầu: cả trước và trong thời kỳ mang thai
Với bất kỳ ai đang mang thai hoặc có kế hoạch làm mẹ đều mong muốn một thai kỳ khỏe mạnh, tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của trẻ sau khi chào đời và đảm bảo sức khỏe của mẹ sau sinh. Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng phù hợp, lối sống lành mạnh, các chị em cần có cho mình một kế hoạch tiêm phòng thông qua tư vấn của bác sĩ.
Lịch tiêm phòng cho bà bầu được khuyến cáo bao gồm cả giai đoạn trước mang thai và trong lúc mang thai. Các vắc-xin trong hai giai đoạn này là khác nhau, và cũng có ý nghĩa ngăn ngừa hoặc hạn chế những biến cố rất khác nhau.
Chẳng hạn, mẹ bầu không may bị nhiễm virus Rubella trong lúc mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non hoặc em bé ra đời có dị tật. Trong khi đó, vắc-xin Rubella cần được tiêm muộn nhất là 3 tháng trước khi mang thai để tạo miễn dịch cho cơ thể mẹ trong thai kỳ.
Trong khi đó, vắc-xin uốn ván chỉ được tiêm từ giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ để phòng ngừa nguy cơ thai chết lưu hoặc uốn ván sơ sinh, một thể uốn ván nặng và tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, các chị em cần nắm được lịch tiêm phòng trước và trong khi mang thai để đảm bảo sức khỏe thai nhi và bản thân mình.
Docosan mời bạn tham khảo lịch tiêm phòng trước và trong khi mang thai. Ngoài ra, bạn vẫn có thể được tư vấn và hướng dẫn về lịch tiêm phòng cho bà bầu ở trạm y tế địa phương, ở bệnh viện đa khoa, bệnh viện sản khoa hay các cơ sở tiêm chủng có uy tín.
Lịch tiêm phòng trước khi mang thai
Những vắc-xin cần được tiêm phòng cho các chị em trong giai đoạn này bao gồm: Sởi – Quai bị – Rubella (vắc-xin 3 trong 1), Thủy đậu, Cúm, Viêm gan B.
Một số vắc-xin trong danh sách này cần được tiêm tối thiểu 2-3 tháng trước thời điểm thụ thai. Do đó, lý tưởng nhất là các chị em có một kế hoạch mang thai và được tư vấn sức khỏe, tiêm phòng trước khi thụ thai.
Sau đây là lịch tiêm phòng cho bà bầu giai đoạn trước khi mang thai:
1. Sởi – Quai bị – Rubella: Tiêm 1 mũi trước khi có thai ít nhất 1-3 tháng và không được tiêm khi biết mình đã mang thai.
2. Thủy đậu: Tiêm 2 mũi trước khi có thai ít nhất 1-3 tháng và không được tiêm khi biết mình đã mang thai.
3. Cúm: Tiêm 1 mũi vắc-xin cúm mỗi năm, có thể tiêm vào bất kỳ thời điểm nào, kể cả giai đoạn mang thai, nhưng tốt nhất nên tránh tiêm vào 3 tháng đầu của thai kỳ.
4. Viêm gan B: Tiêm 3 mũi theo lịch như sau:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
- Mũi 2: cách mũi 1 thời gian 1 tháng
- Mũi 3: cách mũi 2 thời gian 6 tháng
Nhìn chung, các vắc-xin này nên được tiêm tối thiểu trước khi mang thai 1 tháng và an toàn nhất là cách 3 tháng trước thời điểm thụ thai.
Lịch tiêm phòng trong khi mang thai
Vắc-xin uốn ván là loại vắc-xin chính được khuyến cáo trong giai đoạn mang thai. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, các triệu chứng gây ra bởi độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetanus). Uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 95%. Do đó, tiêm ngừa uốn ván đúng lịch trình trong giai đoạn mang thai là rất quan trọng.
Lịch tiêm phòng uốn ván cho bà bầu như sau:
- Mũi 1: Tiêm sớm cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (không phải chờ đến có thai mới tiêm) hoặc tiêm vào 3 tháng giữa của lần mang thai đầu tiên (nên tiêm từ tuần 22 trở đi, muộn nhất là tuần 26).
- Mũi 2: Sau mũi 1 ít nhất 1 tháng và trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
- Mũi 3: Sau mũi 2 ít nhất 6 tháng hoặc tiêm ở lần mang thai sau đó.
- Mũi 4: Sau mũi 3 ít nhất 1 năm hoặc tiêm ở lần mang thai sau đó.
- Mũi 5: Sau mũi 4 ít nhất 1 năm hoặc tiêm ở lần mang thai sau đó.
Nếu một phụ nữ đã được tiêm 5 mũi vắn-xin uốn ván, khả năng bảo vệ của các kháng thể lên đến 95%. Do đó, nếu thai phụ đã đủ 5 mũi uốn ván thì không cần tiêm bổ sung ở lần mang thai kế tiếp. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã cách ít nhất 10 năm thì cần được tiêm bổ sung mũi thứ 6.
Tiêm vắc-xin uốn ván rất quan trọng trong giai đoạn mang thai để ngăn ngừa các biến cố đáng tiếc do bệnh uốn ván
Ngoài ra, các mẹ vẫn có thể tiêm vắc-xin Cúm và Viêm gan B trong giai đoạn này. Tuy nhiên hai loại này vẫn nên tiêm trước mang thai là lý tưởng nhất. Vắc-xin Sởi – Quai bị – Rubella và Thủy đậu chỉ được tiêm trong giai đoạn trước mang thai, không được tiêm khi biết mình mang thai. Các mẹ nên tham vấn kỹ bác sĩ về lịch tiêm ngừa của mình.
Lịch tiêm phòng có thay đổi ở những lần mang thai khác nhau không?
Như bạn có thể nhận thấy, mẹ bầu mang thai những lần sau có thể được tư vấn lịch tiêm phòng khác với lần trước đó. Sự thay đổi này phụ thuộc tình trạng miễn dịch của cơ thể mẹ đối với mầm bệnh.
Chẳng hạn, nếu thời gian và số mũi trong lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 1 vẫn đảm bảo lượng kháng thể trong cơ thể mẹ thì có thể ở lần mang thai tiếp theo, mẹ bầu không cần tiêm thêm. Đây là trường hợp của những vắc-xin có hiệu lực kéo dài như thủy đậu, viêm gan B, sởi – quai bị – rubella.
Ở một số trường hợp khác, tiền sử mắc bệnh cũng giúp cơ thể tạo đủ kháng thể mà không cần tiêm vắc-xin, hay gặp đối với virus thủy đậu và viêm gan B.
Sự khác nhau đáng kể ở những lần mang thai là đối vắc-xin uốn ván. Lịch tiêm phòng cho bà bầu lần 3, lần 4 cũng dựa theo nguyên tắc trên. Hy vọng qua những thông tin, lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 4 hay lần 5 cũng không làm các mẹ bầu lo lắng.
Lịch tiêm ngừa virus gây ung thư cổ tử cung (HPV) và thai kỳ
Theo khuyến cáo, vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) nên được tiêm thường quy ở độ tuổi 12-13 cho các bé gái, hoặc tiêm liều bắt kịp cho phụ nữ dưới 26 tuổi (phụ nữ độ tuổi 26-45 vẫn tiêm được nhưng lợi ích không cao bằng).
Lộ trình tiêm của vắc-xin HPV gồm 3 mũi và thông thường kéo dài 6 tháng. Trong trường hợp đang trong quá trình tiêm vắc-xin HPV mà phát hiện có thai thì cần dừng tiêm mũi tiếp theo của vắc-xin này. Sau khi sinh xong, các mẹ có thể hoàn thành các mũi HPV còn lại. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành 3 mũi HPV không được quá 2 năm.
Như vậy, các chị em có kế hoạch mang thai và các mẹ bầu cần nắm bắt lịch tiêm phòng của mình để đảm bảo sức khỏe thai kỳ và bản thân mình. Tùy giai đoạn trước hoặc trong lúc mang thai mà loại vắc-xin cần được tiêm là khác nhau.
Xem thêm:
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về chủ đề lịch tiêm phòng cho bà bầu tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ bạn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.