Mang thai 41 tuần tại sao không có dấu hiệu chuyển dạ? Cần lưu ý gì?

Ngoài những vấn đề về sức khỏe thông thường trong thai kỳ, nhiều mẹ bầu còn thường xuyên lo lắng khi mang thai đến tuần thứ 41 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Vậy nguyên nhân và các lưu ý trong trường hợp mang thai 41 tuần tại sao không có dấu hiệu chuyển dạ là gì? Hãy cùng giải đáp qua bài viết dưới đây nhé!

Thai quá ngày sinh là gì?

Thông thường, ngày dự sinh của người phụ nữ đơn giản được ước tính khi thai kỳ kéo dài đủ 40 tuần. Tuy nhiên trên thực tế, việc sinh con trước hoặc sau ngày dự sinh là điều bình thường. Thai quá ngày sinh là thuật ngữ để chỉ việc quá ngày dự sinh hai tuần mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ.

Thông thường ngày dự sinh của người phụ nữ được ước tính khi thai kỳ kéo dài đủ 40 tuần
Thông thường ngày dự sinh của người phụ nữ được ước tính khi thai kỳ kéo dài đủ 40 tuần

Thai 41 tuần không có dấu hiệu chuyển dạ có sao không?

Mẹ bầu đừng quá lo lắng vì thai nhi hoàn toàn có khả năng phát triển bình thường mặc dù đã quá ngày dự sinh, ngay cả khi đã ở tuần thai thứ 41. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể sẽ mệt mỏi và khó chịu nhiều hơn trong giai đoạn này. Trong trường hợp thai 41 tuần không có dấu hiệu chuyển dạ, các bác sĩ có thể sẽ đề nghị xét nghiệm thường xuyên hơn để kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé, bao gồm siêu âm để kiểm tra chỉ số nước ối và siêu âm để kiểm tra hồ sơ sinh học của em bé. Những xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ đưa ra lựa chọn an toàn nhất về ngày sinh con. Nếu các xét nghiệm cho thấy sức khỏe của mẹ và bé đều ở mức ổn định, bác sĩ có thể chọn chờ xem quá trình chuyển dạ có diễn ra tự nhiên hay không. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị dùng phương pháp gây chuyển dạ hoặc sinh mổ, ví dụ khi siêu âm cho thấy nhau thai không còn cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho em bé như trước.

Mẹ bầu đừng quá lo lắng vì thai nhi hoàn toàn có khả năng phát triển bình thường mặc dù đã quá ngày dự sinh
Mẹ bầu đừng quá lo lắng vì thai nhi hoàn toàn có khả năng phát triển bình thường mặc dù đã quá ngày dự sinh

Sau 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ cần lưu ý gì?

Nếu sau 41 tuần nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ, việc đầu tiên mẹ bầu cần làm là giữ tinh thần thoải mái. Vì trên thực tế không có phương pháp nào giúp dự đoán chính xác ngày em bé chào đời và ngày dự sinh chỉ mang tính chất ước tính. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần lưu ý theo dõi các dấu hiệu sức khỏe để kịp thời liên hệ với bác sĩ nếu cảm thấy quá mệt mỏi, khó chịu hoặc đau đớn. Đồng thời, các bác sĩ có thể sẽ đề xuất thực hiện các xét nghiệm khác như siêu âm, xét nghiệm máu,… trong khoảng thời gian cuối thai kỳ để kiểm soát sức khỏe mẹ và bé.

Bác sĩ sẽ đề xuất thực hiện các xét nghiệm trong khoảng thời gian cuối thai kỳ
Bác sĩ sẽ đề xuất thực hiện các xét nghiệm trong khoảng thời gian cuối thai kỳ

Biện pháp kích thích chuyển dạ khi quá ngày sinh

Bác sĩ sản khoa có thể cân nhắc về các phương án gây chuyển dạ ở tuần thai thứ 41 nếu sức khỏe của người mẹ và thai nhi đang dần mất ổn định. Việc gây chuyển dạ sẽ giúp mẹ bầu và gia đình chủ động hơn trong khâu chuẩn bị:

Lóc ối

Lóc ối hay còn gọi là tách màng ối, là một trong những phương pháp can thiệp chuyển dạ được áp dụng phổ biến hiện nay. Nhiều mẹ bầu cần kích thích chuyển dạ khi quá ngày sinh đã được bác sĩ khuyến cáo thực hiện biện pháp tách màng ối. Túi ối là một túi bao bọc em bé khi còn ở trong bụng mẹ. Vì thế khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ đeo găng tay để tách túi ối ra khỏi cổ tử cung. Việc tách ối sẽ kích thích cơ thể người mẹ sản xuất nội tiết tố, từ đó giúp tử cung co bóp tốt hơn. Để đảm bảo an toàn, thủ thuật tách màng ối chỉ được thực hiện khi có đề xuất của bác sĩ và sự đồng ý của gia đình. Một số trường hợp không nên áp dụng thủ thuật tách màng ối có thể kể đến như: vỡ màng ối, nhau thai thấp, cổ tử cung kín, đầu của thai nhi không đúng vị trí, mẹ bị nhiễm trùng âm đạo,…

Khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ đeo găng tay để tách túi ối ra khỏi cổ tử cung
Khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ đeo găng tay để tách túi ối ra khỏi cổ tử cung

Đặt bóng cổ tử cung

Khi thực hiện thủ thuật đặt bóng cổ tử cung, bác sĩ sẽ sử dụng một ống cao su dài với một đầu được bơm căng bằng dung dịch nước muối thành quả bóng nhỏ, đặt vào cổ tử cung để tạo thành áp lực, có tác dụng làm mềm và mở cổ tử cung. Bóng này được lưu ở cổ tử cung khoảng vài giờ cho đến khi rơi ra ngoài, báo hiệu cổ tử cung đã mở khoảng 3cm. Một số mẹ bầu có cảm giác căng tức, đau hoặc tê buốt vùng chậu khi đặt bóng, nhưng cơn đau thường giảm đi đáng kể sau khi đặt. Các cơn gò tử cung có thể xuất hiện ngay sau khi quả bóng được bơm căng hoặc sau 12 đến 24 giờ, tùy theo cơ địa của từng sản phụ. Vì vậy, các bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ liên tục kiểm tra để theo dõi mức độ tiến triển của cổ tử cung.

Quả bóng nhỏ được đặt vào cổ tử cung để tạo áp lực giúp làm mềm và mở cổ tử cung
Quả bóng nhỏ được đặt vào cổ tử cung để tạo áp lực giúp làm mềm và mở cổ tử cung

Sử dụng thuốc

Có hai loại thuốc có thể sử dụng để gây chuyển dạ ở tuần thai thứ 41, đó là thuốc chứa prostaglandin và oxytocin. Prostaglandin là thuốc thúc đẩy quá trình chuyển dạ bằng cách giúp cổ tử cung trở nên mềm, rút ngắn lại và mở ra dễ dàng. Thuốc được thiết kế với nhiều cách sử dụng khác nhau như uống, ngậm, đặt trực tràng,… để đảm bảo phù hợp với nhiều đối tượng. Sau khi khởi phát chuyển dạ bằng thuốc prostaglandin, mẹ bầu cần được theo dõi cơn gò tử cung liên tục nên thường được khuyến khích nhập viện. Thuốc chứa oxytocin là một loại nội tiết tố tổng hợp, có tác dụng tương tự như oxytocin nội sinh trong cơ thể. Thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch với tốc độ phù hợp để kích thích tạo ra các cơn co thắt tử cung. Ngay sau khi bắt đầu truyền oxytocin, nhịp tim thai nhi sẽ được theo dõi liên tục cho đến khi mẹ bầu chuyển dạ.

Có hai loại thuốc có thể sử dụng để gây chuyển dạ ở tuần thai thứ 41 là thuốc chứa prostaglandin và oxytocin
Có hai loại thuốc có thể sử dụng để gây chuyển dạ ở tuần thai thứ 41 là thuốc chứa prostaglandin và oxytocin

Liên hệ bệnh viện Đồng Nai để khám thai sản ngay.

Các thay đổi thường gặp khi bầu 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ

Ở tuần thai thứ 41 khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu thường có những thay đổi thường gặp về thể chất và tâm lý như sau:

  • Cảm giác lo lắng: Mẹ bầu thường trở nên nhạy cảm hơn khi đến gần ngày dự sinh do những thay đổi thông thường về nội tiết tố và sự bất an khi dấu hiệu chuyển dạ đến trễ. Tuy nhiên, mẹ bầu nên bình tĩnh trao đổi với bác sĩ sản khoa để được tư vấn hướng giải quyết phù hợp nhất.
  • Cảm giác chuyển động: Mẹ bầu cần tiếp tục theo dõi chuyển động của thai nhi và báo ngay cho bác sĩ nếu cảm thấy dấu hiệu chuyển động đang giảm đi. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành đo nhịp tim của em bé để đưa ra quyết định về thời điểm sinh.
  • Chất lỏng tiết ra từ bộ phận sinh dục: Mẹ bầu cần liên hệ với bác sĩ nếu nhận thấy có một lượng lớn chất lỏng tiết ra từ bộ phận sinh dục vì đó có thể là dấu hiệu đã vỡ ối.
  • Tử cung giãn nở: Trong giai đoạn từ tuần thai thứ 41 trở đi, kích thước tử cung có thể thay đổi đáng kể để báo hiệu thai nhi sắp chào đời. Độ giãn nở tử cung được đo từ 0 đến 10cm, khi cổ tử cung giãn nở đến 6cm, có khả năng sản phụ đã chuyển dạ tích cực.
  • Chảy máu âm đạo: Khi thời điểm chuyển dạ đến gần, nhiều mẹ bầu có thể thấy dịch tiết âm đạo có máu và các nút nhầy bong ra.
  • Cảm giác buồn nôn: Khi bắt đầu chuyển dạ, quá trình tiêu hóa bị chậm hoặc dừng lại làm cho thai phụ cảm thấy buồn nôn. Đây là một dấu hiệu chuyển dạ bình thường nhưng nếu tình trạng này kéo dài kèm theo nôn mửa thường xuyên, mẹ bầu cần liên hệ với bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một rối loạn huyết áp nguy hiểm ở phụ nữ có thai.
Mẹ bầu thường trở nên nhạy cảm hơn khi đến gần ngày dự sinh
Mẹ bầu thường trở nên nhạy cảm hơn khi đến gần ngày dự sinh

Các lưu ý khác cho mẹ bầu tuần thứ 41

Nguyên tắc đầu tiên để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé khi thai được 41 tuần là đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp. Lúc này, mẹ bầu nên bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của não bộ thai nhi, ngoài các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Ngoài ra, mẹ bầu không nên nhịn ăn để giảm cân trong suốt thai kỳ và cần tập thói quen uống nhiều nước. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần lưu ý những việc nên và không nên làm dưới đây để đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi nhất:

  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Vận động điều độ, nhẹ nhàng.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh vì cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể sẽ bị giảm sút khi mang thai.
Từ tuần thai thứ 41, mẹ bầu nên bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của não
Từ tuần thai thứ 41, mẹ bầu nên bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của não

Xem thêm:

Mang thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ là hiện tượng bình thường ở nhiều phụ nữ mang thai. Quan trọng nhất là mẹ bầu cần nắm được cách theo dõi tình trạng sức khỏe và kịp thời nhận biết các dấu hiệu bất thường ở mẹ và bé. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ với người thân và bạn bè để bảo vệ sức khỏe sinh sản của tất cả mọi người. Nguồn tham khảo: 1. Pregnancy week by week

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/overdue-pregnancy/art-20048287
  • Ngày tham khảo: 24/08/2024

2. Overdue baby and induction of labour

  • Link tham khảo: https://raisingchildren.net.au/pregnancy/week-by-week/third-trimester/baby-is-overdue
  • Ngày tham khảo: 24/08/2024

3. 41 Weeks Pregnant

  • Link tham khảo: https://www.thebump.com/pregnancy-week-by-week/41-weeks-pregnant
  • Ngày tham khảo: 24/08/2024

4. What to Do When You’re 40 Weeks Pregnant With No Sign of Labor

  • Link tham khảo: https://www.parents.com/pregnancy/giving-birth/preparing-for-labor/when-youre-overdue/
  • Ngày tham khảo: 24/08/2024

5. Pregnancy Week by Week – 41 weeks pregnant

  • Link tham khảo: https://www.babycenter.com/pregnancy/week-by-week/41-weeks-pregnant
  • Ngày tham khảo: 24/08/2024

6. 41 Weeks Pregnant: What to Expect

  • Link tham khảo: https://parenting.firstcry.com/articles/41-weeks-pregnant-what-to-expect/
  • Ngày tham khảo: 24/08/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button