Cách phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt

Phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt bằng cách nào? Kinh nguyệt đối với chị em phụ nữ là vô cùng quen thuộc, khi mỗi tháng đều trải qua đều đặn 1 lần. Bỗng có một ngày, bạn phát hiện ra bạn bị chảy máu ở âm đạo, nhưng với tính chất cũng như thời gian không giống như những kì kinh trước đây. Có thể bạn sẽ lo lắng và không biết máu như vậy là như thế nào, liệu nó có phải máu báo thai?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chảy máu âm đạo bất thường, tuy nhiên, nếu trước giờ bạn có một chu kì kinh nguyệt đều đặn và đã có các hoạt động tình dục gần đây, thì rất có thể lần này bạn đã có thai, và ra máu báo thai. Hãy đọc bài viết dưới đây của Doctor có sẵn để tìm hiểu sự khác nhau giữa máu kinh nguyệt và máu báo thai để phân biệt được chúng.

Phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt

Về khái niệm

Ở một chu kì kinh nguyệt bình thường, khi rụng trứng, lớp niêm mạc tử cung dưới sự điều khiển của các hormone sinh dục sẽ trở nên dày lên để chuẩn bị cho việc làm tổ, và từ đó tùy theo việc trứng đã rụng có được thụ tinh (gặp tinh trùng)  không mà dẫn đến 2 hướng: tiếp tục một chu kì kinh nguyệt mới hoặc là có thai

Khi trứng không được thu tinh (không gặp tinh trùng), lớp niêm mạc tử cung sẽ bị bong tróc đi, và dẫn đến chảy máu hay gọi là hành kinh, bắt đầu một chu kì kinh nguyệt mới. Ta gọi đây là máu kinh nguyệt

Khi trứng đã thụ tinh (trứng và tinh trùng kết hợp), tạo thành phôi thai và làm tổ, vùi trong lớp niêm mạc của tử cung đã được chuẩn bị trước đó. Trong quá trình này, thai làm tổ làm vỡ các mạch máu tại tử cung để tạo con đường thông thương giữa mẹ và con, từ đó thai có thể nhận dưỡng chất từ mẹ.  Và chính việc này gây ra chảy máu, mà ta gọi là máu báo thai.

phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt
Cách phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt

Vì vậy máu báo thai và máu kinh nguyệt không thể tồn tại cùng một lúc.

Về thời  gian xuất hiện

Đối với một chu kì kinh nguyệt bình thường, sẽ dao động từ 24-35 ngày, tính từ ngày đầu tiên hành kinh đến ngày đầu tiên hành kinh của chu kì kế tiếp,  trung bình là 28 ngày.

Đối với máu báo thai, thường xuất hiện sau thụ thai từ 6-10 ngày. Mà thời gian thụ thai thường xảy ra sau khi quan hệ tình dục từ vài phút cho đến 5 ngày. Như vậy, máu báo thai có thể xuất hiện sau khi quan hệ tình dục 11-15 ngày, và thường máu báo thai sẽ xuất hiện trước ngày có kinh dự đoán của bạn khoảng vài ngày đến 1 tuần.

Xem thêm:

Về các đặc điểm của máu

  • Thể tích của máu báo thai khác máu kinh nguyệt

Đối với máu kinh nguyệt, máu thường ra trong 3-7 ngày,  trong những ngày đầu máu có thể ra nhiều ướt hết băng vệ sinh và cần thay thường xuyên. Lượng máu mất cho mỗi chu kì khoảng 30-80ml máu.

Đối với máu báo thai, số lượng ra rất ít, chỉ là các đốm hoặc các vệt, có nhiều phụ nữ còn không thấy được dấu hiệu máu báo thai.  

  • Màu sắc máu báo thai khác với máu kinh nguyệt

Máu kinh nguyệt có màu đỏ sẫm, kèm theo các cục máu đông, nhầy nhớt

Máu báo thai có màu hồng nhạt hoặc màu nâu sẫm (màu gỉ sắt), không tạo thành các cục máu đông và không nhầy nhớt

phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt
Màu sắc máu báo thai khác với máu kinh nguyệt
  • Phân biệt máu báo thai và máu kinh nguyệt thông qua thời gian xuất hiện
    • Máu kinh nguyệt thường ra trong 3-7 ngày, lúc đầu nhiều, lúc sau ít dần
    • Máu báo thai chỉ ra trong vài giờ đến 1-2 ngày sau đó

Về các triệu chứng kèm theo

Khi hành kinh, tử cung co bóp để làm bong lớp niêm mạc tử cung ra, vì thế thường có đau bụng kinh, thường xuất hiện những ngày đầu hoặc trước khi hành kinh.

phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt
Phân biệt máu báo thai và rong kinh

Khi có thai, tử cung không co bóp, vì vậy thường không có đau bụng kèm theo. Bên cạnh đó, do có thai, nên có sự thay đổi trong cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như nghén, căng tức vú,.. mà khi có kinh không có.

Nghén bắt đầu lúc tuần thứ 2-6 của thai kì, và dần lui vào tuần thứ 14. Các triệu chứng của nghén bao gồm:

  • Nôn và buồn nôn
  • Nhạy cảm với mùi vị
  • Thay đổi khẩu vị
  • Chán ăn
  • Uể oải mệt mỏi

Về kết quả thử thai

Que thử thai được hoạt động dựa trên cơ chế phát hiện ra nồng độ HCG – một hormone được phóng thích ra sau khi phôi làm tổ, và từ thai nhi đưa vào trong máu mẹ, và chất này sẽ hiện diện trong nước tiểu của mẹ.

Khi ra máu kinh nguyệt, tất nhiên là bạn không có thai, và que thử thai sẽ báo kết quả không có thai (âm tính 1 vạch)

Khi  có máu báo thai, bạn sử dụng que thử thai đúng cách và đúng thời điểm, sẽ cho ra kết quả có thai (dương tính 2 vạch). Trong trường hợp bạn thử que ra âm tính, nhưng vẫn nghi ngờ có thai, hãy thử lại sau một tuần sau khi trễ kinh hoặc ra máu báo thai, lúc này nồng độ HCG được tiết đủ nhiều và sẽ cho ra kết quả dương tính (là có thai).

phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt
Sau khi chảy máu báo thai, que thử thai báo có thai (2 vạch)

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Khi bạn ra máu âm đạo giống với các đặc điểm vừa nêu trên của máu báo thai, kèm theo kết quả que thử thai dương tính, hãy nên đến bác sĩ sản khoa để được kiểm tra cũng như tư vấn cho thai kì trước mắt.

Nếu bạn ra máu âm đạo bất thường, có thể về thời gian, số lượng, tính chất,.. khiến bạn lo lắng, bạn nên đi khám bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân.

Khi ra máu âm đạo kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như đau bụng dữ dội, sốt,.. thì nên đến bác sĩ ngay, vì đó có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm như thai ngoài tử cung, sẩy thai, viêm nhiễm vùng chậu,..

phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Chảy máu âm đạo bất thường, khám ở đâu?

Lời kết

Máu báo thai và máu kinh nguyệt rất khác nhau, cả về tính chất, số lượng, thời gian. Máu báo thai là một trong những dấu hiệu sớm nhất của việc mang thai. Bạn nên đến bác sĩ sản phụ khoa để được chẩn đoán chính xác cũng như đưa ra hướng chăm sóc thích hợp nếu bạn nghĩ rằng mình đang có máu báo thai. Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn đọc những thông tin cần thiết về cách phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu phân biệt máu báo thai và máu kinh nguyệt tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Xem thêm:


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo