Quan hệ đau rát là thuật ngữ chỉ tình trạng cơn đau ở cơ quan sinh dục dai dẳng hoặc lặp lại nhiều lần, xảy ra ngay trước, trong hoặc sau khi giao hợp. Đau rát khi quan hệ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như bất thường về cấu trúc cơ thể hoặc những lo lắng tâm lý. Cùng Docosan hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Triệu chứng của cơn đau khi giao hợp
Nếu bạn gặp phải tình trạng đau khi giao hợp, bạn có thể cảm thấy:
- Chỉ đau khi quan hệ tình dục.
- Đau khi có bất kì vật gì thâm nhập vào trong âm đạo, kể cả khi đặt tampon.
- Đau nhiều hơn khi dương vật đi sâu vào trong âm đạo.
- Đau rát hoặc đau nhức.
- Đau nhói, kéo dài hàng giờ sau khi giao hợp.
Nếu bạn bị đau nhiều lần khi quan hệ tình dục, hãy trao đổi với bác sĩ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau khi giao hợp
Có nhiều nguyên nhân thể chất gây ra cảm giác đau khi giao hợp, tùy thuộc vào việc cơn đau xảy ra tại phía ngoài âm đạo hay sau khi dương vật đi sâu vào trong âm đạo. Các yếu tố tâm lý cũng có thể dẫn đến tình trạng đau rát này.
Đau khi dương vật bắt đầu thâm nhập vào âm đạo
Đau khi dương vật thâm nhập vào âm đạo có thể liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm:
- Không đủ chất bôi trơn: Nguyên nhân thường do giai đoạn dạo đầu chưa đủ. Hoặc phụ nữ bị sụt giảm nồng độ estrogen sau khi mãn kinh, sau sinh con hoặc trong thời kỳ cho con bú cũng là một nguyên nhân khiến cho âm đạo bị khô.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc ảnh hưởng đến ham muốn tình dục hoặc kích thích tình dục, có thể làm âm đạo khô và gây quan hệ đau rát. Các loại thuốc đó bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc kháng histamine và một số loại thuốc tránh thai.
- Chấn thương hoặc kích ứng: Bao gồm chấn thương hoặc kích ứng do tai nạn, phẫu thuật vùng chậu, hoặc do cắt tầng sinh môn được thực hiện trong quá trình sinh nở để tạo thuận lợi khi bé sinh ngả âm đạo.
- Viêm nhiễm hoặc bệnh lý về da: Nhiễm trùng vùng sinh dục hoặc đường tiết niệu, bệnh chàm, các vấn đề về da khác ở vùng sinh dục có thể gây đau rát khi giao hợp.
- Co thắt âm đạo (Vaginismus): Sự co thắt không chủ ý của các cơ ở thành âm đạo có thể gây đau đớn khi dương vật thâm nhập vào trong âm đạo.
- Bất thường bẩm sinh: Chẳng hạn như âm đạo phát triển không hoàn chỉnh (âm đạo thoái triển) hoặc hiện diện màng ngăn âm đạo (màng trinh không hoàn thiện), có thể gây đau rát khi giao hợp.
Đau khi dương vật thâm nhập sâu trong âm đạo
Tình trạng này có thể tồi tệ hơn đối với một số tư thế giao hợp nhất định, nguyên nhân bao gồm:
- Một số bệnh lý nền: Chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu, sa tử cung, tử cung ngả sau, u xơ tử cung, viêm bàng quang, hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng sàn chậu, u cơ tuyến, trĩ và u nang buồng trứng.
- Phẫu thuật hoặc điều trị y tế: Sẹo do phẫu thuật vùng chậu (bao gồm cả cắt bỏ tử cung) có thể gây đau khi giao hợp. Các phương pháp điều trị trong bệnh ung thư (chẳng hạn như xạ trị và hóa trị) có thể gây ra những thay đổi đối với cơ thể khiến quan hệ tình dục trở nên đau đớn.
Yếu tố tâm lý
Yếu tố tâm lý, cảm xúc có những ảnh hưởng nhất định với hoạt động tình dục, vì vậy các yếu tố này có thể đóng vai trò trong việc gây đau khi giao hợp. Các yếu tố tâm lý bao gồm:
- Các vấn đề tâm lý: Lo lắng, trầm cảm, tự ti về ngoại hình, sợ gần gũi hoặc các vấn đề trong mối quan hệ có thể góp phần vào việc phụ nữ giảm ham muốn tình dục, dẫn đến khó chịu hoặc đau rát khi quan hệ.
- Căng thẳng: Cơ sàn chậu của phụ nữ có xu hướng co thắt khi có căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, điều này góp phần gây đau rát khi quan hệ.
- Tiền sử bi lạm dụng tình dục: Không phải tất cả mọi người bị đau khi giao hợp đều có tiền sử bị lạm dụng tình dục, tuy nhiên người từng bị lạm dụng có nhiều nguy cơ mắc chứng này.
Chẩn đoán tình trạng đau khi giao hợp
Chẩn đoán tình trạng đau khi giao hợp thường bao gồm các bước sau :
- Bệnh sử: Bác sĩ có thể hỏi cơn đau của bạn bắt đầu khi nào, đau ở đâu, cảm giác như thế nào và liệu cơn đau có xảy ra với mọi bạnh tình và mọi tư thế quan hệ tình dục hay không. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tiền sử tình dục, tiền sử phẫu thuật và sinh con của bạn.
- Khám vùng chậu: Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu kích ứng da, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về cấu trúc giải phẫu của bệnh nhân. Bác sĩ cũng có thể cố gắng xác định vị trí đau bằng cách ấn nhẹ lên vùng sinh dục và cơ vùng chậu của bạn.
- Khám phụ khoa: Bác sĩ sẽ tiến hàng kiểm tra cấu trúc âm đạo bằng cách sử dụng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để tách các thành âm đạo.
- Nếu bác sĩ nghi ngờ một số nguyên nhân khác gây đau rát khi quan hệ , bác sĩ cũng có thể đề nghị siêu âm vùng chậu hoặc các xét nghiệm khác để xác định chính xác nguyên nhân.
Điều trị tình trạng đau khi quan hệ tình dục
Các phương pháp điều trị tình trạng này tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau.
Sử dụng thuốc
Đối với nhiều phụ nữ sau mãn kinh, quan hệ bị đau rát là do nồng độ estrogen trong cơ thể giảm rất thấp, dẫn đến tình trạng khô âm đạo, không đủ chất nhờn bôi trơn khi giao hợp. Thông thường, tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách bôi trực tiếp estrogen vào âm đạo.
Thuốc ospemifene (Osphena) được phê duyệt để điều trị tình trạng đau khi giao hợp từ trung bình đến nặng ở những phụ nữ có vấn đề về chất nhờn âm đạo. Ospemifene có tác động giống như estrogen trên niêm mạc âm đạo. Mặt hạn chế là thuốc có thể gây ra các cơn bốc hỏa và có nguy cơ gây đột quỵ, huyết khối và ung thư niêm mạc trong lòng tử cung (nội mạc tử cung).
Một loại thuốc khác để giảm đau rát khi quan hệ là prasterone (Intrarosa). Thuốc được bào chế dạng viên nang bạn đặt bên trong âm đạo hàng ngày.
Các phương pháp điều trị khác
Một số liệu pháp điều trị khác đối với tình trạng đau khi quan hệ là:
- Liệu pháp giảm mẫn cảm: Thực hành các bài tập thư giãn âm đạo có thể giảm đau khi giao hợp.
- Trị liệu tâm lý/ tình dục: Nếu đau rát khi quan hệ diễn ra trong một thời gian, bạn có thể có cảm xúc tiêu cực với những kích thích tình dục ngay cả sau khi điều trị. Nếu bạn và bạn tình của bạn đã tránh gần gũi vì tình trạng đau khi quan hệ, bạn có thể cần hỗ trợ để cải thiện giao tiếp và tăng sự gần gũi trong tình dục với đối tác. Bạn nên trao đổi với chuyên gia tâm lý để có thể giải quyết những vấn đề này.
Phương pháp hỗ trợ tại nhà
Bạn và đối tác có thể làm giảm cơn đau bằng một số thay đổi trong thói quen tình dục:
- Thay đổi tư thế: Hãy thử các tư thế khác nhau khi quan hệ tình dục để tìm được một tư thế thoải mái, không gây đau đớn.
- Giao tiếp: Nói về những gì bạn cảm thấy ổn và những gì không ổn với bạn tình của bạn.
- Đừng vội vàng: Màn dạo đầu dài hơn có thể giúp kích thích tăng tiết chất bôi trơn tự nhiên của bạn. Bạn có thể giảm đau bằng cách trì hoãn việc thâm nhập cho đến khi cảm thấy hưng phấn hoàn toàn.
- Sử dụng chất bôi trơn: Chất bôi trơn có thể giúp quan hệ tình dục thoải mái hơn.
Bác sĩ phụ sản khám & tư vấn về tình trạng đau khi quan hệ
- BS. Phí Thị Tuyết Nga là bác sĩ phụ trách phòng khám Chuyên khoa Phụ sản Hoa sen. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.
- BS. Trần Thiện Vĩnh Quân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Hiện đang công tác tại Phòng Khám Đa Khoa Sài Gòn Healthcare.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Painful intercourse (dyspareunia) – mayoclinic