Quy trình sinh mổ ở bệnh viện chị em có thể tham khảo

Ngày nay càng có nhiều sản phụ lựa chọn sinh mổ để “vượt cạn” chào đón bé con yêu của mình chào đời. Một trong những vấn đề được nhiều bà mẹ quan tâm trước khi sinh là quy trình sinh mổ ở bệnh viện sẽ như thế nào. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về quy trình sinh mổ ở bệnh viện mà chị em có thể tham khảo trong bài viết sau đây nhé!

Quy trình sinh mổ ở bệnh viện đang được nhiều chị em quan tâm

Lựa chọn dịch vụ sinh 

Khu sinh phòng thường  

Đối với khu vực sinh phòng thường, sẽ có nhiều loại phòng cho các sản phụ lựa chọn như phòng 3 giường, phòng 5 giường , hay phòng 8 giường. Loại khu sinh phòng thường sẽ được áp dụng bảo hiểm y tế, tuy nhiên không có nhà vệ sinh riêng và máy điều hòa nên các bà mẹ có điều kiện nên cân nhắc loại khu sinh phòng dịch vụ.

Khu sinh phòng dịch vụ

Phòng sinh loại dịch vụ được thiết kế với tiêu chuẩn hiện đại hơn, nội thất được trang bị phòng vệ sinh riêng khép kín, máy điều hòa và vệ sinh sạch sẽ thoáng mát. Đồng thời giá thành của mỗi phòng sẽ cao hơn. 

Thủ tục nhập viện 

Một trong những việc đầu tiên trong quy trình sinh mổ ở bệnh viện đó là đăng ký cho sản phụ nhập viện. Lúc này người chồng nên mang theo giấy tờ tùy thân của vợ bầu như chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế để làm thủ tục nhập viện. 

Sau khi hoàn tất các thủ tục, thì sản phụ sẽ được bác sĩ thăm khám độ xóa mở cổ tử cung, tình trạng ối vỡ và kiểm tra xem có vấn đề nguy hiểm nào cần mổ lấy thai cấp cứu không. Tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ và thai, tiến triển của cuộc chuyển dạ thì sản phụ sẽ được chuyển đến phòng chờ sinh hay vào thẳng phòng sinh luôn. 

Thủ tục nhập viện cho sản phụ sinh mổ ở bệnh viện

Lựa chọn sinh thường hay sinh mổ 

Hiện nay với sự mở rộng của các chỉ định mổ lấy thai trong sản khoa hiện đại, các trường hợp sinh mổ chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng số lần sinh. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ đánh giá nhiều yếu tố để đưa ra quyết định và tư vấn cho sản phụ, người nhà về chỉ định sinh mổ như

  • Cân nặng thai nhi lớn hay còn gọi là con to 
  • Chuyển dạ bất thường hay bị đình trệ 
  • Khung chậu sản phụ bị hẹp hoặc dị dạng 
  • Sức khỏe mẹ không đủ vượt qua cuộc sinh thường 
  • Tình trạng suy thai, thai dị tật bẩm sinh, nhau thai bất thường.  

Ngoài ra, các bà mẹ và người nhà có thể tự quyết định và yêu cầu sinh mổ khi làm thủ tục nhập viện. Có thể tham khảo cách so sánh lựa chọn sinh thường hay sinh mổ, tại đây

Sản phụ cần mang theo những gì?

Khi vào phòng chờ sinh hoặc phòng sinh, thì sản phụ chỉ cần đem những món đồ thiết yếu để chuẩn bị cho cuộc sinh sắp diễn ra, có thể bao gồm 

  • Bỉm tã quần để thay 
  • Điện thoại để liên lạc cho người thân khi cần thiết
  • Chai nước hay sữa để uống và thức ăn khi cần. 

Lúc này bà mẹ sẽ được điều dưỡng thay cho một bộ váy rộng và thay dép đi trong khu vực sinh ở bệnh viện. Sau đó thì bà mẹ tự vào phòng vệ sinh để thay bỉm tã quần. 

Sản phụ được đặt máy CTG để đo tim thai và bắt cơn gò tử cung

Quy trình trong phòng chờ sinh 

Khi vào phòng chờ sinh thì sản phụ sẽ được điều dưỡng đặt máy CTG để đo tim thai và bắt cơn gò tử cung, đồng thời các bác sĩ sẽ thăm khám để kiểm tra và theo dõi tình trạng mỗi giờ hoặc mỗi 3 giờ của sản phụ. 

Nếu sinh trong khu phòng thường hay khu bảo hiểm thì người nhà sẽ không được vào cùng sản phụ. Tuy nhiên bà mẹ vẫn có thể gọi người thân vào giúp đỡ một số vấn đề cần thiết như mua thêm bỉm tã, đưa nước uống. 

Trong giai đoạn này, thời điểm sinh mổ sẽ tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ và sự chuẩn bị của ê kíp phẫu thuật, vậy nên các bà mẹ chỉ cần làm theo các hướng dẫn của bác sĩ và y tá trong phòng chờ sinh. 

Quy trình trong phòng sinh mổ 

Khi đã đến thời điểm sinh thì sản phụ sẽ được các hộ lý chuyển vào phòng sinh để tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai. Trước khi chuyển đi thì bà mẹ sẽ được yêu cầu đọc tên của con mình để ghi lại vào giấy khai sinh. 

Trong phòng sinh mổ, đầu tiên sản phụ sẽ được gây tê tủy sống để đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật. Lúc này sản phụ nằm nghiêng một bên, hai đầu gối co về phía ngực để bác sĩ tiêm thuốc tê, khoảng vài phút sau sẽ thấy tê tê và dần mất cảm giác từ bụng xuống hai chân. 

Sau khi mọi bước tiền phẫu được chuẩn bị xong thì mổ lấy thai sẽ bắt đầu, nếu không xảy ra biến chứng gì thì cuộc mổ diễn ra khá nhanh. Kết thúc cuộc mổ, em bé được lấy ra ngoài và cất tiếng khóc chào đời, sau đó sẽ được vệ sinh mắt, mũi, họng và cắt dây rốn rồi hộ lý sẽ bế lại cho mẹ nhìn mặt. 

Gây tê tủy sống trong phòng sinh mổ

Quy trình trong phòng hậu phẫu 

Sau khi thực hiện xong các mũi may thành bụng và đánh giá ổn tình trạng sức khỏe, sản phụ được chuyển lên phòng hậu phẫu để theo dõi 6 đến 12 tiếng. Giai đoạn này sản phụ sẽ được tiêm thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh nếu cần; đồng thời cảm nhận được các tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống như lạnh run, buồn nôn, nôn, tiểu không tự chủ, …

Kết luận 

Trên đây là quy trình sinh mổ ở bệnh viện chị em có thể tham khảo để chuẩn bị tốt tinh thần và trang bị những điều cần thiết trước khi chào đón bé con của mình. Tuy nhiên để có được quy trình cụ thể và phù hợp nhất với từng mẹ bầu thì nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được thực hiện các xét nghiệm và có sự tư vấn chuyên sâu hơn.

Contact Me on Zalo