Ra huyết trắng khi mang thai có thể là dấu hiệu bình thường hoặc bất thường. Docosan sẽ cùng bạn tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết này.
Tóm tắt nội dung
- 1 Huyết trắng bình thường là như thế nào?
- 2 Huyết trắng trong thai kỳ như thế nào là bình thường?
- 3 Khi nào ra huyết trắng khi mang thai là bất thường?
- 4 Các nguyên nhân thường gặp gây huyết trắng bất thường trong thai kỳ
- 5 Các biện pháp cải thiện và ngăn ngừa tình trạng ra huyết trắng bất thường ở phụ nữ mang thai
- 6 Lời kết
- 7 Tài liệu tham khảo
Huyết trắng bình thường là như thế nào?
Hiện tượng ra huyết trắng (hay còn gọi là khí hư) là một hiện tượng sinh lý bình thường ở người phụ nữ, trong suốt độ tuổi sinh sản, từ khi dậy thì đến khi mãn kinh. Huyết trắng sinh lý thường có màu trắng trong, hơi dai, giống như lòng trắng trứng, không mùi hoặc có mùi hơi tanh nhẹ, tuy nhiên không hôi. Huyết trắng có thể thay đổi tính chất vào những thời điểm khác nhau như rụng trứng, trước ngày hành kinh, khi quan hệ tình dục, khi mang thai,..
Huyết trắng trong thai kỳ như thế nào là bình thường?
Trong thai kỳ diễn ra sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu, trong đó, lượng estrogen tăng cao, có thể đạt đến mức cao nhất, dẫn đến lượng huyết trắng được hình thành cũng nhiều hơn. Khác với thông thường, ra huyết trắng khi mang thai sẽ hơi ngả sang màu vàng, lượng nhiều, nhưng vẫn giữ tính chất của huyết trắng sinh lý: không có mùi hôi hoặc không có màu sắc lạ.
Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ)
Ra huyết trắng khi mang thai 3 tháng đầu thường có mùi hơi hăng và khó chịu hơn bình thường, màu sắc trong hoặc ngả vàng nhạt, dù vậy thì sự khác biệt là rất ít so với huyết trắng trong các chu kỳ kinh nguyệt bình thường trước đó. Sự thay đổi về tính chất của huyết trắng không nên xem là một dấu hiệu để nhận biết mình có mang thai hay không, để chính xác, bạn nên dựa vào các dấu hiệu mang thai khác hoặc dùng que thử thai, hoặc đến phòng khám sản phụ khoa để được thăm khám.
Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ)
Trong khoảng thời gian này, huyết trắng có thể thay đổi cả về màu sắc lẫn lượng. Mẹ bầu có thể thấy xuất hiện huyết trắng màu trắng đục, lượng nhiều, tuy nhiên, khác với các bệnh lý, huyết trắng lúc này vẫn không có mùi hôi, không lẫn máu hoặc có các màu sắc bất thường khác.
Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ)
Ra huyết trắng khi mang thai tháng cuối, đặc biệt là khoảng thời gian gần ngày dự sinh, có thể xem là một dấu hiệu chuyển dạ sinh non hoặc tình trạng ối vỡ non. Mẹ bầu và người chăm sóc cần chú ý để có thể đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có những biện pháp can thiệp thích hợp, kịp thời.
Có thể nói, có huyết trắng khi mang thai có thể là một hiện tượng bình thường. Mẹ bầu có thể dễ nhận định dựa vào tính chất của huyết trắng: màu sắc trắng trong hoặc ngả vàng hoặc trắng đục, nhưng sẽ không có các màu sắc bất thường khác (như nâu, xanh, vàng nâu…); huyết trắng thường loãng, hơi dai; và đặc biệt là không có mùi hôi, không lẫn máu.
Khi nào ra huyết trắng khi mang thai là bất thường?
Những bất thường về huyết trắng mà mẹ bầu cần phải chú ý, bao gồm:
- Huyết trắng có lẫn lượng máu nhỏ, đặc biệt là trong những tuần gần ngày dự sanh.
- Huyết trắng màu vàng hoặc màu xanh, có thể kèm sưng tấy, đau rát vùng kín.
- Huyết trắng màu xanh vón cục khi mang thai.
- Huyết trắng có mùi hôi khó chịu, có thể kèm nóng rát khi đi tiểu.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần phải lưu ý các dấu hiệu toàn thân kèm theo như mệt mỏi, tiểu nóng rát, tiểu đau, sốt chưa rõ nguyên nhân, ngứa, sưng tấy đỏ vùng kín, đau bụng… đều gợi ý đến một vấn đề sức khoẻ của người mẹ hoặc của thai kỳ, cần đến ngay cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa sản phụ khoa gần nhất để được thăm khám và có các biện pháp can thiệp thích hợp.
Các nguyên nhân thường gặp gây huyết trắng bất thường trong thai kỳ
Chuyển dạ sinh non
Đây là nguyên nhân cần đặc biệt lưu ý và nghĩ tới khi gặp một trường hợp ra dịch âm đạo có lẫn một lượng máu nhỏ trong tuần cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu ra huyết trắng lượng nhiều, màu sắc trong, không lẫn máu, có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy cơ thể người mẹ đang sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ. Nhận thấy tình trạng này, mẹ bầu cần được đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có biện pháp can thiệp phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Viêm âm đạo
Tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo có thể khiến huyết trắng có mùi hôi, khó chịu, kèm theo nóng rát vùng kín, đau khi đi tiểu. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn, mẹ bầu nên tuân thủ liệu trình điều trị để hạn chế biến chứng sảy thai hoặc chuyển dạ sớm không mong muốn.
Nhiễm nấm âm đạo
Nhiễm nấm vùng kín là khá phổ biến. Ra huyết trắng màu xanh vón cục khi mang thai là một trong những dấu hiệu điển hình của tình trạng nhiễm nấm. Ngoài ra, mẹ bầu có thể cảm thấy nóng rát, sưng tấy đỏ vùng kín, đau khi đi tiểu. Khi nhận thấy tình trạng này, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị triệt để.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Việc mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé, đồng thời là khả năng sinh sản sau này của người mẹ. Đây là một vấn đề sức khoẻ cần được chú trọng, phát hiện sớm và theo dõi điều trị sát sao.
Các biện pháp cải thiện và ngăn ngừa tình trạng ra huyết trắng bất thường ở phụ nữ mang thai
Chăm sóc y tế
- Khám sức khỏe định kỳ, khám thai đầy đủ theo lịch.
- Đi khám tại cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc khi bạn cảm thấy bất an, lo lắng về sức khỏe của mình, cũng như thai nhi.
Chăm sóc tại nhà
- Giữ vệ sinh vùng kín: Đây là một việc nên làm, dù bạn có đang mang thai hay không, đồng thời cũng sẽ giúp người phụ nữ sớm nhận ra các bất thường tại vùng kín để có thể đi thăm khám sớm.
- Thường xuyên thay đồ lót: Cảm giác thoải mái, khô thoáng và hạn chế việc tích tụ, sinh sôi của vi khuẩn là ích lợi mà việc thay đồ lót sạch sẽ thường xuyên đem đến. Trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên thay ít nhất 2 lần/ngày, nên hạn chế đồ lót có chất liệu nilon, bó chật. Nên sử dụng đồ lót cotton và băng vệ sinh hằng ngày.
- Tránh dùng tampon vì có thể gây kích ứng vùng kín.
- Tránh thụt rửa âm đạo: Vì sẽ ảnh hưởng đến độ cân bằng tự nhiên trong âm đạo, có thể làm tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng…
- Ưu tiên ăn các loại thực phẩm xanh, tươi, sạch, không có mùi nặng, ăn chín uống sôi.
- Uống nhiều nước, tập thể dục hợp lý, tránh stress, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tinh thần thoải mái.
- Hạn chế tắm bồn: Việc tắm bồn có thể gây ngứa, kích ứng âm đạo, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, dù cho sự thoải mái, thư giãn mà việc tắm bồn mang đến.
- Không tự ý mua thuốc uống hoặc thuốc đặt khi thấy ra huyết trắng âm đạo bất thường mà nên đến cơ sở y tế.
Lời kết
Một người phụ nữ mang thai trải qua một quá trình đầy thử thách, nhưng cũng chứa đựng ý nghĩa và tình yêu thương trong mỗi gia đình. Việc ra huyết trắng khi mang thai là nỗi lo lắng thường trực. Đây có thể là một hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó trong cơ thể người mẹ. Chúng tôi hi vọng bài viết này đã đem đến những thông tin bổ ích, giúp bạn có thêm tự tin để chăm sóc bản thân hoặc người phụ nữ trong gia đình bạn khi mang thai.
Tài liệu tham khảo
- Vaginal discharge: https://www.nidirect.gov.uk/conditions/vaginal-discharge
- Vaginal discharge in pregnancy: https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/vaginal-discharge/
- Discharge in pregnancy: https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-symptom-checker/discharge-pregnancy
- What ovulation signs can I look out for if I’m hoping to conceive: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/expert-answers/ovulation-signs/faq-20058000