Sa tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sa tử cung là một bệnh lý phụ khoa khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, thường gặp ở những người phụ nữ sau sinh, làm việc nặng, sinh nhiều, sinh đẻ không an toàn, chủ yếu thường thấy ở lứa tuổi trung niên 40-50 tuổi. Người trẻ cũng có thể gặp nhưng với tỉ lệ thấp hơn. Vậy sa tử cung là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về định nghĩa, những dấu hiệu thường gặp và cách điều trị qua bài viết sau đây với Docosan nhé!

Tử cung là gì?

Tử cung, hay còn gọi là dạ con, là một cơ quan sinh dục của người phụ nữ. Tử cung nằm giữa bàng quang và trực tràng có hình quả lê dốc ngược phần trên lồi to gọi là đáy tử cung, phần dưới nhỏ dài gọi là cổ tử cung. Cổ tử cung thò vào âm đạo còn đáy tử cung được kết nối với một hoặc cả hai ống dẫn trứng. Thai nhi trong quá trình mang thai nằm trong tử cung, được nuôi dưỡng và phát triển hoàn toàn trong suốt thai kì.

Sa tử cung là gì?


Bình thường, tử cung nằm trong vùng chậu của người phụ nữ, được cố định bởi các thớ cơ và dây chằng, đây được coi là những giá đỡ tự nhiên, những công cụ hỗ trợ giúp giữ cho tử cung ở đúng vị trí của mình. Nếu những lớp cơ và dây chằng này bị co dãn quá mức và bị suy yếu đi, thì tử cung sẽ di chuyển xuống âm đạo và ra ngoài, thậm chí đôi khi tử cung có thể xảy ra hiện tượng lộn tử cung (lòng tử cung lộn ngược ra bên ngoài). Sự đi xuống âm đạo và ra ngoài của tử cung được gọi là sa tử cung.

Theo hệ thống của Baden-Walker chủ yếu ứng dụng trong thăm khám trực tiếp thì sa tử cung được chia thành 4 mức độ:

  • Sa tử cung độ 1: Tử cung sa xuống nửa đường, chưa tới màng trinh, nằm trong khoảng nửa trên của âm đạo.
  • Sa tử cung độ 2: Tử cung sa tới màng trinh, gần tới lỗ mở ngoài của âm đạo.
  • Sa tử cung độ 3: Tử cung sa phân nửa qua khỏi màng trinh.
  • Sa tử cung độ 4: Tử cung sa tối đa ra ngoài.

Nguyên nhân gây sa tử cung là gì?

Các nguyên nhân gây sa tử cung chủ yếu là do sự suy yếu của lớp cơ và dây chằng hỗ trợ, áp lực lớn tác động vào ổ bụng và nồng độ tiết tố nữ:

  • Sa tử cung sau sinh bình thường hoặc do sinh đẻ nhiều lần, sinh khó, sinh con to.
  • Tuổi tác cao khiến cho dây chằng và cơ tử cung suy yếu.
  • Béo phì, thừa cân cũng là nguyên nhân gây sa tử cung.
  • Mang vác, lao động nặng trong thời gian dài sau sinh.
  • Nồng độ tiết tố nữ estrogen thấp thời kỳ mãn kinh.
  • Táo bón, bất thường hệ đường ruột gây tăng áp lực ổ bụng.
  • Ho dai dẳng kinh niên cũng là một nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng dẫn đến sa tử cung.
  • Thai phụ được can thiệp các thủ thuật hỗ trợ khi sinh như sinh mổ, mổ nội soi, sử dụng thuốc tăng co như oxytocin… hoặc được can thiệp phẫu thuật như cắt tử cung…
  • Dị tật bẩm sinh của tử cung.
sa-tu-cung
sa tử cung

Các triệu chứng, dấu hiệu sa tử cung thường gặp

  • Cảm giác trằn nặng vùng bụng, đặc biệt là khi hoạt động nặng, khi đứng lâu.
  • Khó khăn khi tiểu tiện, tiếu gắt, tiểu rỉ.
  • Khó khăn khi đại tiện, táo bón.
  • Đau lưng.
  • Cảm giác có khối gì đó lộ ra ngoài âm đạo, phát hiện có mẫu mô, dịch tiết bất thường ở âm đạo. Những triệu chứng này dễ nhận biết khi quan hệ.
  • Thông thường, các triệu chứng của sa tử cung sẽ xuất hiện nhiều hơn vào buổi chiều tối.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?


Thông thường, sa tử cung mức độ từ nhẹ đến vừa thường không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu hiện tượng sa tử cung gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hằng ngày của bạn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có các biện pháp điều trị thích hợp.

Điều trị sa tử cung


Sa tử cung sau sinh là một vấn đề rất đáng được quan tâm ở thai phụ nói riêng, đồng thời sa tử cung là một bệnh lý nếu không được điều trị hợp lý cũng sẽ gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm. Các phương pháp điều trị sa tử cung bao gồm : tự điều trị tại nhà, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ

Tự điều trị tại nhà

Bài thể dục Kegel là một bài tập khá đơn giản mà hiệu quả để bạn rèn luyện sức mạnh của lớp cơ sàn chậu của mình.

Trước tiên bạn hãy xác định vị trí những lớp cơ này của mình, hãy thử đi tiểu rồi ngưng tiểu giữa chừng, bạn đang thắt chặt những lớp cơ sàn chậu qua động tác này. Sau đó, bạn hãy thắt chặt tương tự nhưng lần này giữ khoảng 5-10 giây, lặp lại 4-5 lần. Bạn nên làm động tác này khoảng 10-20 lần mỗi ngày. Đồng thời tích cực ăn nhiều rau xanh, tập thể dục tránh thừa cân béo phì, dùng thuốc ho nếu ho nhiều giúp giảm áp lực vào ổ bụng, tránh thuốc lá…

Dùng thuốc

Sa tử cung có thể được điều trị bằng tiết tố nữ estrogen dạng kem, dạng vòng đặt âm đạo, giúp khôi phục phần nào lớp cơ tử cung.

Phẫu thuật

Tùy vào số con, độ tuổi sinh sản mà bác sĩ có thể lựa chọn cắt tử cung toàn phần để điều trị triệt để.

Dụng cụ hỗ trợ

Mũ chụp tử cung tỏ ra là một biện pháp khá hữu hiệu cho những ai không muốn phẫu thuật.

sa-tu-cung

Phòng ngừa sa tử cung như thế nào?

Sa tử cung tuy là một căn bệnh thường gặp, nhưng cũng có thể dễ dàng ngăn ngừa, nếu có biện pháp đúng cách. Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc sa tử cung, đây cũng là những điều bạn có thể thực hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình:

  • Chế độ nghỉ ngơi sau sinh hợp lý:
  • Tuyệt đối không được xuống giường vận động mạnh hoặc lao động quá sức ngay khi sau sinh, phải đảm bảo việc giữ gìn sức khoẻ sau khi sinh.
  • Sau khi sinh, khi đã phục hồi sức khoẻ, người mẹ nên vận động nhẹ nhàng và tránh táo bón sau sinh. Nếu gặp khó khăn khi đại tiện, nên bổ sung thêm chất xơ, uống nhiều nước, ăn các món ăn có tính chất nhuận tràng.
  • Giữ ấm, đề phòng cảm cúm, ho sốt.
  • Thực hiện các bài tập phù hợp
  • Bài tập Kegel như đã miêu tả ở trên.

Điều trị các vấn đề về tử cung ở đâu?

  • Bệnh viện quốc tế City – City International Hospital – Q. Bình Tân
  • Golden Healthcare International Clinic – Q. Tân Bình
  • Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare – Q.10

Kết luận


Sa tử cung tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng lại rất thường gặp ở phụ nữ sau sinh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt đời sống hàng ngày. Vì vậy, chúng ta cần có hiểu biết, cái nhìn đúng và đầy đủ về bệnh lý này, hãy đến với bác sĩ để được tư vấn và đưa ra những hướng điều trị phù hợp nhất cho bạn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.