Nên lựa chọn sinh thường hay sinh mổ?

Nhiều sản phụ khi gần đến ngày sinh hay hỏi bác sĩ “Em nên sinh thường hay sinh mổ? Em nghe nói sinh thường đau lắm, hay là BS mổ cho em luôn đi?” Vậy giữa sinh thường và sinh mổ cái nào có lợi hơn? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu rõ trong bài viết dưới đây.

Sinh thường có ích lợi và bất lợi gì?

Trong suốt thai kỳ, mỗi lần khám thai, bác sĩ đều đánh giá sức khỏe mẹ và thai nhi để tiên lượng các vấn đề sẽ xảy ra trong khi mang thai và thời gian dự sinh. Đặc biệt là khi đến gần cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố để giúp mẹ quyết định sinh thường hay sinh mổ.

Cụ thể là bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mẹ và thai, kích thước khung xương chậu, ngôi thai cũng như cân nặng thai nhi để ra quyết định và theo dõi dự sinh.

Những bất lợi khi sinh thường

  • Chưa chắc mẹ bầu được sinh thường 100%: Để sinh thường được cần rất nhiều yếu tố, các yếu tố mà bác sĩ đánh giá vào cuối thai kỳ chỉ cho tiên lượng một phần. Phần còn lại xảy ra trong quá trình chuyển dạ như sự xóa mở cổ tử cung, sự bình chỉnh ngôi thai, tim thai, cơn gò,… Do vậy, trước khi kết thúc chuyển dạ, không ai có thể chắc chắn được sản phụ sinh thường hay sinh mổ. Khi đang được theo dõi sinh thường, bà bầu có thể được chuyển sang sinh mổ nếu có những yếu tố bất lợi mới xảy ra.
  • Nguy cơ phải giúp sinh: Vào cuối giai đoạn chuyển dạ (cổ tử cung mở, đầu bé xuống thấp), để có thể sinh thường được cần có cơn gò tử cung và lực rặn của sản phụ. Trong trường hợp, sản phụ không đủ sức rặn hoặc vì bệnh lý của mẹ phải hạn chế cơn rặn, hay trong các trường hợp phải lấy thai ra nhanh hơn, bác sĩ buộc phải giúp sinh.
  • Tỉ lệ giúp sinh khoảng 4,5%: Giúp sinh cũng để lại một số tai biến nhất định trên mẹ và thai nhi. Vậy tại sao bác sĩ vẫn làm thủ thuật giúp sinh? Bác sĩ đã cân nhắc lựa chọn giúp sinh vì đó là tốt nhất cho sản phụ và thai nhi ở thời điểm đó. Hơn nữa, khi thực hiện thủ thuật đúng chỉ định và kỹ thuật, nguy cơ bị các biến chứng sẽ giảm đáng kể, hoặc may mắn hơn là không bị biến chứng gì.
  • Cơn đau chuyển dạ: Với một số sản phụ, cơn đau chuyển dạ là không thể chịu đựng được. Ngày nay, đã có kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng giúp cho sản phụ không còn cảm thấy cơn đau chuyển dạ mà vẫn có thể rặn sinh.
  • Nguy cơ tổn thương khác: Khi sinh ngã âm đạo nhiều lần hay sinh con to, nguy cơ tổn thương sàn chậu (gây ra các rối loại đi tiêu, tiểu, hay sa tử cung) của mẹ sẽ tăng.
Sinh thường hay sinh mổ
Cơn đau chuyển dạ luôn khiến mẹ bầu mệt mỏi

Những ích lợi khi sinh thường

  • Sự hồi phục sau sinh nhanh: sản phụ có thể ngồi đậy, đi lại, chăm sóc em bé sau vài giờ sinh. Hơn nữa, người mẹ sau sinh có thể ăn uống như bình thường, vì thế sự hồi phục càng nhanh hơn.
  • Tử cung co hồi tốt hơn: giúp giảm lượng máu mất đi sau sinh và hạn chế ứ sản dịch
  • Tăng cảm nhận thời khắc quan trọng: lúc sinh do không bị ảnh hưởng bởi các thuốc gây tê và gây mê. Đa số các mẹ sinh thường được thực hiện da kề da với bé.
  • Da kề da” mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé: ổn định thân nhiệt, tăng tỉ lệ bú mẹ, tăng liên kết mẹ-con, giảm hạ đường huyết ở bé.
  • Sản phụ sau sinh thường sẽ có sữa sớm hơn và nhiều hơn so với sản phụ sinh mổ. Quá trình sinh tự nhiên giúp cơ thể nhận biết thời điểm bé chào đời từ đó tự điều chỉnh quá trình tiết sữa sớm hơn và tốt hơn. Hơn nữa, người mẹ không phải ăn uống kiêng khem như khi sinh mổ nên cũng tốt hơn cho chất lượng sữa.
  • Trong quá trình chuyển dạ, cơ thể mẹ sẽ tiết ra một số chất giúp trẻ dễ thích nghi hơn khi ra môi trường bên ngoài. Cụ thể là bé được nhận các vi khuẩn có lợi cho đường ruột giúp tiêu hóa tốt hơn, giảm dị ứng thức ăn, giảm mắc các bệnh liên quan đến vi khuẩn đường ruột. Khi đi qua đường sinh, cơ thể bé sẽ tiếp xúc với các vi sinh vật có lợi ở âm đạo, từ đó kích thích hệ miễn dịch của trẻ.
  • Khi bé đi qua đường âm đạo, cơ thể sẽ bị ép nhất là vùng ngực, điều này giúp cho trẻ đẩy các dịch trong phổi ra ngoài nhiều hơn so với trẻ sinh mổ. Từ đó, nguy cơ bị các bệnh lý về ứ đọng dịch trong phổi thấp hơn ở trẻ sinh thường.
  • Trẻ sinh thường không phải tiếp xúc với các loại thuốc tê, thuốc mê, kháng sinh nên sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các thuốc đó
Sinh thường hay sinh mổ
“Da kề da” mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé

Sinh mổ có ích lợi và bất lợi gì?

Những ích lợi khi sinh mổ

Không kể đến những trường hợp bắt buộc phải mổ vì lý do y khoa, sau đây là những lợi điểm của việc sinh thường cho mẹ và bé.

  • Mẹ không phải chịu đựng cơn đau chuyển dạ, tuy vậy đau sau mổ cũng nặng nề không kém.
  • Có thể chọn ngày giờ mổ vì lý do tín ngưỡng.
  • Chủ động về thời gian và được chuẩn bị tâm lý tốt.

Những bất lợi khi sinh mổ

  • Việc sử dụng thuốc gây tê, gây mê trong khi sinh mổ có thể có tác dụng phụ lên mẹ và bé
  • Sanh mổ mất máu nhiều hơn sanh thường: Tăng nguy cơ băng huyết sau sanh. Lượng mấu mất đi do sinh mổ ảnh hưởng lên sự hồi phục về sau cả về thể chất của mẹ cũng như khả năng tiết sữa.
  • Tử cung có sẹo mổ sẽ ảnh hưởng lên lần mang thai sau. Sinh mổ tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, vỡ tử cung ở lần mang thai sau.
  • Sinh mổ nào làm tăng nguy cơ dính các cấu trúc trong ổ bụng như dính ruột, bàng quang, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, mạc nối lớn,…
  • Nguy cơ bị dính các cơ quan ổ bụng này khiến bạn phải mổ lại, nguy cơ tổn thương các cơ quan ở lần mổ này cao hơn so với lần mổ đầu. Đôi khi, dính ruột gây ra tắc ruột. Hơn nữa nếu hai vòi trứng dính nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng có con lần sau. Đây là điều để mẹ bầu cân nhắc sinh thường hay sinh mổ.
  • Bất cứ cuộc mổ nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết nội (chảy máu trong bụng sau mổ), nhiễm trùng vết mổ. Đây là 2 biến chứng cực kỳ nguy hiểm cho người sinh mổ.
  • Sinh mổ để lại sẹo: Vấn đề thẩm mỹ khi vùng bụng đặc biệt quan trọng trên những sản phụ có cơ địa sẹo lồi.
  • Trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi ở mẹ nên chậm phát triển hệ miễn dịch, chậm hình thành các vi khuẩn đường ruột có ích. Trẻ sinh mổ vì không được hấp thu cấc chất có lợi từ mẹ, nên trẻ dễ mắc bệnh đường tiêu hóa, dễ bị dị ứng, chậm hấp thu dinh dưỡng, … Trẻ sanh mổ sẽ chậm hấp thu dịch phổi hơn so với trẻ sanh thường, dễ mắc các bệnh hô hấp hơn, dễ bị hen suyễn hơn. Vì sức khỏe của con, nếu có thể, mẹ phải cân nhắc kỹ rằng mình nên sinh thường hay sinh mổ.
  • Khả năng tiết sữa ở sản phụ sinh mổ sẽ chậm và ít hơn so với sản phụ sinh thường. Trong khi đó, sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Sinh thường hay sinh mổ
Trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi ở mẹ nên chậm phát triển hệ miễn dịch

Sinh thường hay sinh mổ lợi hơn?

Ngày càng có nhiều sản phụ yêu cầu sanh mổ (dù không có chỉ định y khoa), có lẽ họ chưa nắm rõ cũng như chưa được tư vấn đầy đủ về các lợi ích và nguy cơ của sinh mổ với sinh thường.

Sinh thường hay sinh mổ
Bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến chia sẻ kinh nghiệm sinh mổ hay sinh thường

Một điều lưu ý là việc sinh thường hay sinh mổ không phụ thuộc vào quyết định của mẹ. Hiện nay Bộ y tế không cho phép mổ theo nguyện vọng của bệnh nhân, vì những lợi ích và bất lợi nêu trên cho bà mẹ và trẻ em.