Tắc tia sữa: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tắc tia sữa không phải là một tình trạng hiếm gặp, tuy nhiên không loại trừ khả năng đang có một khối u tiến triển thành bệnh lý nghiêm trọng hơn trong cơ thể người mẹ, chẳng hạn như viêm vú. Hãy cùng Docosan tìm hiểu những điều bạn cần để ý khi tắc tia sữa và khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ.

1. Triệu chứng tắc tia sữa

Tắc tia sữa xảy ra khi ống dẫn sữa trong vú người mẹ bị tắc hoặc thoát sữa kém. Bạn có thể gặp phải trường hợp này nếu vú không hết sữa hoàn toàn sau khi cho con bú, con bạn bỏ bú hoặc nếu bạn bị căng thẳng (điều mà rất nhiều người mới làm mẹ gặp phải).

Các triệu chứng có thể đến từ từ và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú. Bạn có thể gặp:

  • Khối u ở một vùng vú.
  • Căng sữa xung quanh cục u.
  • Đau hoặc sưng gần cục u.
  • Cảm giác khó chịu giảm sau khi cho bé bú.
  • Phồng rộp đầu núm vú.
  • Khối u dịch chuyển theo thời gian.
tac tia sua
Nhiều mẹ gặp phải tình trạng tắc sữa nhưng không rõ vì sao

Nếu mẹ không làm gì, tắc tia sữa có thể tiến triển thành một bệnh nhiễm trùng được gọi là viêm vú. Nếu bạn bị đau vú và các triệu chứng khác kèm theo sốt, bạn có thể bị nhiễm trùng. Các triệu chứng của viêm vú có thể xuất hiện đột ngột, bao gồm:

  • Sốt từ 38,3° C trở lên.
  • Các triệu chứng giống như cúm (ớn lạnh và đau nhức cơ thể).
  • Ấm, sưng và đau toàn bộ vú.
  • U vú hoặc mô vú dày lên.
  • Cảm giác bỏng rát hoặc khó chịu trong khi cho con bú.
  • Mẩn đỏ trên da bị ảnh hưởng.

Viêm vú ảnh hưởng đến 1 trong số 10 phụ nữ đang cho con bú. Nếu bạn đã từng mắc bệnh trước đây, bạn có nhiều khả năng bị lại. Viêm vú không được điều trị có thể dẫn đến tụ mủ (áp xe) cần phải phẫu thuật dẫn lưu.

2. Nguyên nhân gây tắc tia sữa

Nguyên nhân gốc rễ khiến các ống dẫn sữa bị bịt kín thường do một yếu tố nào đó ngăn cản vú tiết sữa hoàn toàn. Các yếu tố có thể là bất cứ điều gì, chẳng hạn như áp lực lên vú từ áo ngực thể thao quá chật hoặc cho con bú quá thường xuyên.

Tia sữa bị tắc và viêm vú còn có thể do cách mà mẹ cho trẻ bú. Ví dụ, nếu trẻ thích một bên vú hơn có thể dẫn đến tắc tia sữa ở bên vú còn lại. Các vấn đề về núm vú và hút sữa cũng có thể làm tắc tia sữa.

Ngoài ra còn có một số yếu tố nhất định có thể khiến mẹ có nguy cơ dễ bị tắc tia sữa và viêm vú:

  • Tiền sử viêm vú khi cho con bú.
  • Nứt da trên núm vú.
  • Chế độ ăn uống không đủ.
  • Hút thuốc.
  • Căng thẳng và mệt mỏi.

Đôi khi người phụ nữ cũng có thể mắc phải những tình trạng tắc ống dẫn sữa và viêm vú ngay cả khi không nuôi con nhỏ do:

  • Hút thuốc, nhiễm vi khuẩn, da bị vỡ trên núm vú và rò tuyến vú gây ra bệnh viêm vú (tình trạng hiếm gặp);
  • Chứng ectasia ống tuyến vú chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 55 tuổi gây tiết dịch, đau, mềm và viêm tuyến vú.
  • Viêm tuyến vú cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới trong một số trường hợp rất hiếm gặp với các triệu chứng tương tự như bệnh ung thư vú (có một khối cứng (áp xe) ở vú và bị sưng tấy).

3. Điều trị tắc tia sữa

Một trong những phương pháp chữa tắc tia sữa hiệu quả nhất là xoa bóp, đặc biệt là khi bạn đang cho con bú hoặc bơm sữa. Để mát-xa, hãy bắt đầu từ bên ngoài bầu vú và dùng ngón tay tạo áp lực khi bạn di chuyển về phía núm vú. Có thể mát-xa khi bạn đang tắm.

chua tac tia sua
Chữa tắc tia sữa bằng phương pháp massage

Các mẹo khác để thông tắc tia sữa:

  • Tiếp tục cho con bú để vú được tiết dịch thường xuyên.
  • Cho bé bú bên vú bị tắc tia sữa.
  • Có thể ngâm vú trong một bát nước ấm và sau đó xoa bóp chỗ tắc nghẽn.
  • Thử thay đổi các tư thế để cho con bú.

Nếu bạn bị viêm vú, rất có thể bạn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

4. Khi nào nên đến gặp bác sĩ

Nếu trên vú có màu đỏ hoặc bầm tím kéo dài một tuần hoặc lâu hơn một chút sau khi bạn đã thông tắc tia sữa hoặc điều trị viêm vú, bạn lo lắng hoặc cảm thấy tình trạng tắc nghẽn hay nhiễm trùng không lành, hãy hẹn gặp bác sĩ. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần một đợt kháng sinh khác hoặc các biện pháp chẳng hạn như dẫn lưu áp xe.

Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang tuyến vú, siêu âm hoặc sinh thiết để loại trừ ung thư vú dạng viêm. Dạng ung thư hiếm gặp này đôi khi có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm vú.

5. Ngăn ngừa tắc tia sữa

Bạn cần đảm bảo rằng mình đang cho con bú hoặc hút sữa thường xuyên (các chuyên gia khuyến cáo từ 8 đến 12 lần một ngày, đặc biệt là trong những ngày đầu cho con bú).

Bạn cũng có thể thử:

  • Xoa bóp vú trong khi cho con bú / hút sữa.
  • Không mặc quần áo hoặc áo ngực bó sát để tạo khoảng trống cho bầu ngực.
  • Nới lỏng dây đai địu em bé.
  • Thay đổi các tư thế cho con bú.
  • Chườm ấm trước khi cho con bú vào những vùng vú có xu hướng bị tắc.
  • Chườm mát cho vú sau khi cho con bú.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về chất bổ sung lecithin (trong một số trường hợp, chúng giúp tắc tia sữa không tái phát).
  • Đảm bảo giữ cho bầu vú sạch sẽ và khô ráo, thử sử dụng kem lanolin để bảo vệ núm vú bị nứt.

Bác sĩ phụ sản khám & tư vấn về thông tắc tia sữa

Nếu tình trạng tắc nghẽn vẫn tồn tại sau khi bạn đã áp dụng các phương pháp tại nhà trong hơn 2 ngày, hoặc bạn thấy mình gặp phải vấn đề này thường xuyên, hãy cân nhắc đặt lịch hẹn với bác sĩ phụ sản.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.