Thai 8 tuần tuổi: Thời điểm quan trọng khám tiền sản

Thai 8 tuần là thời điểm phổ biến để mẹ bầu khám tiền sản lần đầu tiên. Lúc này mẹ bầu đã có thể thấy tim thai qua siêu âm và nhận thấy những thay đổi của cơ thể rõ rệt hơn. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu xem thời điểm mang thai 8 tuần sẽ có thể mang lại cho mẹ bầu những trải nghiệm như thế nào.

Dấu hiệu của thai 8 tuần tuổi

Trong giai đoạn thai được 8 tuần tuổi, thai nhi lớn bằng một quả mâm xôi với chiều dài khoảng 1,6cm.

Sự thay đổi hormone trong cơ thể của mẹ sẽ khiến khứu giác và dạ dày nhạy cảm hơn khi thai nhi 8 tuần tuổi. Mẹ có thể gặp phải một số triệu chứng, bao gồm:

  • Căng tức ngực. Ngực của mẹ cảm thấy to hơn, nặng hơn và có thể đau. Đó là bởi vì các tiểu thùy sản xuất sữa trong tuyến vú đang bắt đầu phát triển để chuẩn bị cho giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ sau sinh.
  • Mệt mỏi. Khi nội tiết tố thay đổi, cơ thể sản xuất nhiều tế bào máu hơn để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho mẹ và bé, đồng thời huyết áp và đường huyết có thể thấp hơn so với trước khi mang thai, đồng thời cơ thể mẹ cũng đang sử dụng năng lượng cho sự phát triển bào thai nhỏ bé này, tất cả các quá trình trên sẽ làm mẹ bầu cảm thấy thiếu năng lượng và mệt mỏi. Cách khắc phục hiệu quả nhất là mẹ nên dành thời gian ngủ nghỉ nhiều hơn. Một chế độ ăn uống và vận động hợp lý cũng giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi của mẹ bầu. 
  • Ốm nghén. Buồn nôn có thể thực sự nghiêm trọng ở tuần thứ 8 này do các hormone thai kỳ bắt đầu tăng dần. Mẹ nên uống đủ nước và chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn các thực phẩm dễ tiêu hoá. Việc tìm kiếm các thực phẩm thực sự phù hợp với dạ dày trong giai đoạn này là chìa khóa quan trọng. Một số mẹ bầu sử dụng gừng, vitamin B6 và phương pháp bấm huyệt để giúp giảm ốm nghén.
  • Khứu giác nhạy hơn. Đi cùng với chứng ốm nghén là khứu giác của mẹ bầu trở nên cực nhạy cảm. Bắt gặp mùi khó chịu (những mùi này có thể hoàn toàn bình thường với bạn trước khi mang thai) có thể gây ra cảm giác buồn nôn, vì vậy tốt nhất mẹ bầu nên cố gắng tránh những mùi khiến bạn khó chịu.
  • Chuột rút khi mang thai. Khi thai nhi 8 tuần tuổi, hiện tượng chuột rút ở mẹ bầu khá thường gặp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút trong thời gian mang thai, ví dụ như tình trạng thiếu nước hoặc canxi. Nếu chuột rút trở nên nghiêm trọng hoặc bạn cảm thấy lo lắng, hãy trao đổi với bác sĩ.
  • Táo bón. Táo bón khi mang thai xảy ra với khoảng 50% phụ nữ. Mẹ bầu hãy uống nhiều nước, ăn trái cây và rau giàu chất xơ, tránh thực phẩm gây táo bón như ngũ cốc và gạo trắng, kết hợp đi bộ nhiều. Nếu tình trạng táo bón vẫn không cải thiện, hãy nói chuyện với bác sĩ về các biện pháp khắc phục khác.
  • Đi tiểu thường xuyên : Mẹ bầu có thể thấy bản thân cần phải đi tiểu thường xuyên hơn. Nguyên nhân có thể do thể tích máu của mẹ tăng lên trong giai đoạn mang thai, khiến thận lọc tạo thành nước tiểu nhiều hơn, ngoài ra, có thể do tử cung lớn dần lên chèn ép vào bàng quang, khiến bàng quang không thể trữ nhiều nước tiểu như bình thường.
  • Những giấc mơ kỳ lạ. Nếu bạn có những giấc mơ sống động và kỳ lạ. Chúng hoàn toàn bình thường trong suốt thai kỳ. Không rõ nguyên nhân gây ra những giấc mơ này, tuy nhiên một phần có thể là do mẹ bầu có những suy nghĩ và lo lắng mới. 
  • Chảy máu âm đạo. Mẹ bầu có thể lo lắng khi phát hiện ra có ít máu dính ở quần lót vì hiện tượng này đôi khi là dấu hiệu của sảy thai giai đoạn sớm. Nhưng có một số nguyên nhân khác gây ra hiện tượng ra máu trong tam cá nguyệt đầu tiên này, bao gồm cả việc quan hệ tình dục (vì cổ tử cung của bạn có thể nhạy cảm hơn trong những ngày này). Hãy trao đổi bác sĩ để loại trừ bất kỳ nguyên nhân bình thường hay nguy hiểm.
thai 8 tuần
Khứu giác mẹ bầu nhạy cảm hơn khi mang thai, đặc biệt giai đoạn thai 8 tuần tuổi

Nếu bạn mang thai đôi được 8 tuần, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn hơn vì bạn có nồng độ hormone thai kỳ cao hơn so với mẹ bầu chỉ có một em bé.

Ngoài ra, nếu không có bất kỳ triệu chứng nào kể trên trong giai đoạn mang thai ở tuần thứ 8 thì mẹ bầu đừng quá lo lằng vì điều này là hoàn toàn bình thường.

Mang bầu 8 tuần có thể khiến mẹ kiệt sức và buồn nôn liên tục, bụng đau nhức và cảm xúc liên tục thay đổi. Mọi thứ sẽ bắt đầu tốt hơn trong khoảng một tháng tiếp theo, khi tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu.

Xem thêm:

Mang thai 8 tuần khiến bụng mẹ bầu thay đổi thế nào?

Khi thai được 8 tuần tuổi, bụng mẹ bầu có thể thay đổi một ít hoặc không. Lúc này, tử cung mẹ bầu đang phát triển nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể quan sát những thay đổi từ bên ngoài. 

Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai, bác sĩ sản phụ có thể sẽ bắt đầu đo kích thước vòng bụng của mẹ, còn tại thời điểm thai 8 tuần thì kích thước bụng của mẹ thực sự không quan trọng. Tuy nhiên mẹ bầu có thể tăng cân nhẹ. Nếu bạn đang đối mặt với chứng ốm nghén, việc xây dựng chế độ ăn uống phù hợp trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ giúp giảm buồn nôn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về việc tăng cân hoặc kích thước vòng bụng của mình.

thai 8 tuần
Mang thai 8 tuần khiến bụng mẹ bầu thay đổi thế nào?

Siêu âm thai nhi lúc 8 tuần tuổi

Bạn nên sắp xếp buổi khám thai lần đầu tiên vào tuần thai thứ 8 bởi vì lúc này bạn có thể nghe thấy nhịp tim của bé qua tín hiệu Doppler trong khi siêu âm thai.

Tại buổi hẹn khám thai đầu tiên, bạn có thể sẽ được lấy máu để bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ muốn biết nhóm máu của bạn là Rhesus (Rh) dương tính hay âm tính (bởi vì nếu bạn thuộc nhóm máu Rh âm tính và thai nhi dương tính, mẹ bầu sẽ cần dùng thuốc để ngăn ngừa các biến chứng gây tử vong cho thai nhi). Các chỉ số trong nước tiểu cũng như các chỉ số tế bào máu (tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu) sẽ được kiểm tra để đảm bảo rằng kết quả các xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Ngoài ra mẹ bầu cũng sẽ được sàng lọc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, các bệnh lây qua đường tình dục, HIV và một số khảng thể miễn dịch nhất định (như trong bệnh cảnh Rubella).

Nếu mẹ bầu có tiền căn bệnh cụ thể trước khi mang thai, bác sĩ có thể làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh và có can thiệp khi cần thiết.

thai 8 tuần
Siêu âm thai nhi lúc 8 tuần tuổi

Thai nhi 8 tuần tuổi trông như thế nào?

Thai nhi lúc này trông giống như một hạt đậu nhỏ. Tất cả các chi như tay, chân, ngón tay và ngón chân của em bé đều trở nên rõ ràng hơn, em bé cũng ít cuộn tròn hơn. Lúc này, mũi và môi trên có thể nhận dạng được, mí mắt và đôi tai nhỏ đang trong giai đoạn hình thành.

thai 8 tuần
Hình ảnh thai nhi 8 tuần tuổi

Bí kíp cho mẹ bầu khi mang thai 8 tuần

Hãy ăn ngay khi đói

Trong vài tuần tới, mẹ bầu có thể xoay chuyển giữa cảm giác không muốn ăn và cảm giác như có thể ăn hết mọi thứ. Tận dụng những lúc bạn cảm thấy đói để ăn những thức ăn bổ dưỡng, lành mạnh mà bạn có thể khó nuốt khi cơn buồn nôn quay trở lại.

Đề phòng những cơn đau đầu

Vì lượng máu của mẹ tăng lên, mẹ có thể bắt đầu bị đau đầu. Hãy thử nghỉ ngơi và uống nhiều nước hơn. Nếu bạn không thể kiểm soát cơn đau đầu của mình mà không cần dùng thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc dùng acetaminophen (an toàn hơn trong thai kỳ so với aspirin hoặc ibuprofen).

Sử dụng kem chống nắng có SPF

Việc ra ngoài, đi bộ 30 phút mỗi ngày là bài tập thể dục tuyệt vời và giúp kiểm soát các triệu chứng mang thai khác. Tuy nhiên trong giai đoạn mang thai, do những thay đổi về nội tiết tố, bạn dễ bị sạm da hoặc nám da hơn, hãy thoa kem chống nắng SPF 30+ hàng ngày và che chắn kĩ càng để bảo vệ làn da, ngăn ngừa các mảng da bị tổn thương.

thai 8 tuần
Sử dụng kem chống nắng có SPF

Không được nhịn đi WC

Việc phải đi tiểu nhiều trong khi mang thai là rất bình thường. Trong giai đoạn mang thai, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu cao hơn, vì vậy hãy đảm bảo bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn đi vệ sinh, nên đi ngay lập tức, điều này giúp làm rỗng bàng quang, tránh ứ đọng nước tiểu và bạn có thể vệ sinh cẩn thận vùng sinh dục để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bác sĩ phụ sản khám & tư vấn thai kỳ

Ba tháng đầu là một trong những mốc phát triển quan trọng của thai nhi, do đó bạn nên thăm khám các bác sĩ phụ sản uy tín để được hướng dẫn cụ thể về việc chăm sóc thai kỳ.

  • BS. Phí Thị Tuyết Nga là bác sĩ phụ trách phòng khám Chuyên khoa Phụ sản Hoa sen. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.
  • BS. Trần Thiện Vĩnh Quân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Hiện đang công tác tại Phòng Khám Đa Khoa Sài Gòn Healthcare.

Mang thai 8 tuần là một trong những giai đoạn thai kỳ quan trọng mà mẹ cần lưu ý, chẳng hạn như lên lịch khám trước khi sinh 12 tuần, hãy tìm hiểu thêm về xét nghiệm tiền sản không xâm lấn. Liên hệ với các bác sĩ phụ khoa uy tín để được tư vấn phù hợp với mỗi mẹ bầu.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.