Tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 3 rất quan trọng, nhằm đảm bảo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của thai nhi và sự ra đời của trẻ trở nên trọn vẹn nhất. Các mẹ bầu mang thai lần 3 ít nhiều đã có kinh nghiệm trong việc tiêm phòng cho thai kỳ từ những lần trước.
Nhưng lịch tiêm phòng cho mẹ bầu lần 3 không giống hai lần trước. Doctor có sẵn kính mời quý độc giả tham khảo những lưu ý quan trọng khi tiêm phòng cho thai kỳ lần 3.
Tóm tắt nội dung
Có cần tiêm phòng khi đã mang thai lần 3?
Tương tự các lần mang thai trước, tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 3 vẫn rất cần thiết để tối ưu hóa quá trình phát triển của thai nhi và sức khỏe của bé khi chào đời.
Hệ miễn dịch của mẹ suy yếu mỗi khi mang thai, trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Một số mầm bệnh có thể gây suy yếu trầm trọng sức khỏe của mẹ bầu, chẳng hạn như cúm có thể gây viêm phổi nặng cho mẹ. Sức khỏe mẹ suy yếu gián tiếp ảnh hưởng tới thai nhi.
Mặt khác, một số mầm bệnh còn tấn công trực tiếp đến thai nhi, gây ra các dị tật bẩm sinh khi chào đời. Để hạn chế tối đa những nguy cơ dị tật, suy thai, sảy thai, sinh non, chúng ta có một phương pháp rất đơn giản là tiêm vắc-xin thích hợp cho mẹ bầu theo từng giai đoạn.
Tiêm phòng cho mẹ bầu lần 3 cũng bao gồm giai đoạn trước khi mang thai và trong khi mang thai. Những vắc xin được khuyến cáo bao gồm: uốn ván, cúm, sởi, ho gà, quai bị, rubella,…
Vậy điểm khác biệt so với 2 lần mang thai trước là gì?
Điểm khác biệt so với 2 lần mang thai trước
Thật chất, câu hỏi nên đặt ra ở mẹ bầu lần 3 là “cơ thể mẹ còn sức đề kháng chống lại mầm bệnh này không?” thay vì “có cần tiêm phòng mầm bệnh này cho mẹ bầu lần 3 không?”.
“Sức đề kháng chống lại mầm bệnh” của mẹ trong câu hỏi trên được đánh giá dựa vào số mũi đã tiêm ở những lần mang thai trước đó, thời gian tiêm cách hiện tại, hiệu lực của từng loại vắc-xin và tiền sử nhiễm bệnh trong quá khứ.
Trong đó, hiệu lực của loại vắc-xin dường như có vai trò lớn nhất. Một số vắc-xin có thể tạo miễn dịch lâu dài (như Sởi – Quai bị – Rubella, Thủy đậu…), trong khi số khác cần tiêm nhắc (như Cúm tiêm mỗi năm 1 lần, hay Uốn ván cần đến 5 mũi để đạt hiệu quả 95%).
Như vậy, nếu những lần mang thai trước mẹ bầu đã được tiêm phòng các vắc-xin tạo miễn dịch lâu dài, thì lần mang thai này không cần tiêm nhắc lại. Ngoài ra, nếu mẹ bầu không nhớ đã tiêm các loại này chưa thì có thể làm xét nghiệm máu định lượng kháng thể IgG.
Nồng độ IgG đủ cao cho phép bỏ qua mũi nhắc lại. Ngược lại, nồng độ kháng thể không đủ để cơ thể chống chọi một đợt tấn công mới thì mẹ bầu cần tiêm bổ sung.
Tóm lại, tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 3 chủ yếu tập trung vào vắc-xin uốn ván và cúm. Trong khi vắc-xin cúm cần tiêm mỗi năm 1 lần, vắc-xin uốn ván cần tiêm đủ số mũi mới tạo đủ kháng thể cho phép bỏ qua mũi tiêm nhắc.
Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 3
Như đã đề cập, vắc-xin uốn ván và vắc-xin cúm là trọng tâm của lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 3. Trong khi tiêm phòng uốn ván chỉ được tiêm ở 3 tháng giữa thai kỳ, vắc-xin cúm có thể được tiêm ở bất kỳ thời điểm nào – kể cả trước và trong khi mang thai.
Tùy theo đánh giá của bác sĩ về sức đề kháng của mẹ đối với những mầm bệnh khác, mẹ bầu lần 3 có thể tiêm thêm các mũi: Sởi – Quai bị – Rubella, Viêm gan B.
Một số đối tượng nguy cơ cao còn có thể được tư vấn tiêm thêm một số vắc-xin như: Não mô cầu, Phế cầu, Viêm gan A.
Uốn ván
Không phải luôn luôn cần tiêm phòng uốn ván ở phụ nữ mang thai lần 3. Quyết định tiêm hay không phụ thuộc số lượng mũi uốn ván trước đây và thời điểm tiêm.
Nếu mẹ bầu đã tiêm đủ 5 mũi uốn ván và mũi cuối cách đây dưới 10 năm thì ở lần mang thai này không cần phải tiêm nhắc. Khả năng bảo vệ của kháng thể trong trường hợp này lên đến 95%.
Nhưng nếu mũi cuối cách đây trên 10 năm thì hiệu quả bảo vệ không được đảm bảo, cần tiêm nhắc 2 mũi. Trường hợp mẹ bầu lần 3 chưa từng được tiêm phòng uốn ván cũng cần tiêm phòng với lộ trình 2 mũi như vậy.
- Mũi 1 vào khoảng tuần 22 của thai kỳ
- Mũi 2 sau đó 4 tuần
- Lộ trình 2 mũi này cần kết thúc trước ngày dự sanh 4 tuần
Nếu thai phụ đã tiêm phòng uốn ván 2-3 mũi cách đây dưới 5 năm thì chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi ở lần mang thai này. Thời điểm tiêm ở trường hợp này là từ tuần 22 của thai kỳ, không nên tiêm sau 26 tuần.
Bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu có cần tiêm hay không vì mỗi người có tiền sử tiêm chủng khác nhau. Nhưng đa số phụ nữ mang thai lần 3 cần tiêm nhắc một mũi uốn ván ở thời điểm 22 tuần của thai.
Cúm
Cúm là một bệnh thường gặp và dễ khỏi với người bình thường nếu điều trị đúng cách. Tuy nhiên, cơ thể suy giảm miễn dịch ở mẹ bầu có thể là một yếu tố thuận lợi cho sự tiến triển của cúm. Nếu nặng, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mẹ và bé.
Ngoài ra, mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ còn làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho trẻ. Mẹ sốt cao do cúm, toàn trạng bị suy sụp còn có thể làm thai chết lưu, sảy thai.
Thật ra, vắc-xin cúm nằm trong danh sách khuyến cáo tiêm phòng ở ngừa lớn nói chung, không riêng đối tượng phụ nữ có thai. Vắc-xin cúm nên được chích mỗi năm 1 lần.
Ở phụ nữ có thai, tốt nhất là tiêm vắc-xin cúm trước khi thụ thai 1 tháng, an toàn hơn là 3 tháng. Tuy nhiên, mẹ bầu bỏ lỡ lượt tiêm này vẫn có thể tiêm ngừa cúm trong lúc mang thai, đặc biệt khi vào mùa cúm.
Sởi – Quai bị – Rubella
Ngày nay, phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa bệnh Sởi – Quai bị – Rubella chỉ với 1 mũi tiêm kết hợp duy nhất. Đối với chị em có dự định mang thai, thời điểm tiêm tốt nhất là trước khi thụ thai 3 tháng.
Vắc-xin này không được tiêm khi đang mang thai. Những mẹ bầu đã tiêm vắc-xin này ở các lần mang thai trước thì không cần tiêm nhắc.
Thủy đậu
Phụ nữ chưa từng có miễn dịch thủy đậu bao gồm các trường hợp chưa từng tiêm ngừa hoặc chưa mắc bệnh thủy đậu trong quá khứ. Những trường hợp này cần được tiêm vắc-xin thủy đậu thời điểm 3 tháng trước khi có thai.
Nếu đã được tiêm phòng thủy đậu từ nhỏ, phụ nữ vẫn cần được tiêm 1 mũi tăng cường vào thời điểm 3 tháng trước khi có thai. Nếu đã được tiêm phòng thủy đậu ở lần mang thai trước, mẹ bầu không cần tiêm nhắc.
Tương tự Sởi – Quai bị – Rubella, vắc-xin Thủy đậu không được tiêm khi đang mang thai. Đây là những vắc-xin sống, tiềm ẩn khả năng gây bệnh cho thai nhi.
5. Viêm gan B
Việt Nam là vùng dịch tễ của viêm gan B. Virus này lan truyền qua đường máu, dịch cơ thể, đường quan hệ tình dục và đường từ mẹ sang con. Viêm gan B mạn tính nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan B có thể được phòng ngừa hiệu quả với vắc-xin viêm gan B. Mẹ bầu có thể được xét nghiệm kháng thể để xem có cần tiêm hay không. Nếu lịch sử từng tiêm ngừa viêm gan B hoặc từng nhiễm virus này trong quá khứ đã rõ ràng, mẹ bầu không cần tiêm nữa.
Lượng kháng thể chống viêm gan B nếu vẫn đủ nồng độ bảo vệ thì không cần tiêm nhắc. Nếu chưa đủ, hoặc chưa từng tiêm hay nhiễm viêm gan B, lộ trình tiêm bao gồm 3 mũi trước khi mang thai (mũi 2 cách mũi đầu 1 tháng, mũi 3 cách mũi đầu 6 tháng).
Một số trường hợp vẫn có thể tiêm viêm gan B khi đang mang thai. Hãy tham vấn bác sĩ trong từng trường hợp cụ thể.
Xem thêm:
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về chủ đề thời điểm tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 3 tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ bạn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.