Ung thư buồng trứng là một loại ung thư rất phổ biến ở phụ nữ. Hệ thống sinh sản của người phụ nữ bao gồm hai buồng trứng, mỗi buồng trứng nằm ở một bên tử cung. Buồng trứng có vai trò sản xuất trứng (hay còn gọi là noãn hoàng) cũng như các hormone estrogen và progesterone.
Ung thư buồng trứng thường không được phát hiện cho đến khi ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như xương chậu và ổ bụng. Ở giai đoạn muộn này, ung thư buồng trứng khó điều trị hơn. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, khi ung thư chỉ giới hạn trong buồng trứng, khả năng được điều trị thành công sẽ cao hơn.
Tóm tắt nội dung
1. Dấu hiệu ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thông thường, nếu có biểu hiện, các triệu chứng của ung thư buồng trứng cũng thường ít và khó nhận biết, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính phổ biến hơn.
Các dấu hiệu ung thư buồng trứng có thể bao gồm:
- Bụng chướng hơi.
- Ăn kém, nhanh chóng có cảm giác no khi ăn.
- Sụt hoặc tăng cân không liên quan đến việc tập luyện hoặc chế độ ăn.
- Khó chịu ở vùng xương chậu, đôi khi đau mơ hồ.
- Thay đổi thói quen đi tiêu, chẳng hạn như táo bón.
- Thường xuyên đi tiểu.
- Chảy máu âm đạo bất thường.
- Đau khi quan hệ tình dục.
2. Khi nào nên đến gặp bác sĩ
Những trường hợp người phụ nữ có nguy cơ ung thư buồng trứng tăng cao và nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa : Nếu gia đình bạn có người bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, hoặc bạn có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn nghi ngờ, hay nằm trong nhóm nguy cơ ung thư buồng trứng, hãy trao đổi với bác sĩ phụ khoa. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm một số đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng.
3. Nguyên nhân ung thư buồng trứng
Ung thư xảy ra khi một tế bào phát triển bất thường. Các tế bào phát triển và nhân lên nhanh chóng, tạo ra một khối các tế bào bất thường (khối u). Các tế bào bất thường tiếp tục sống trong khi các tế bào khỏe mạnh chết theo chu kỳ. Tế bào ung thư có thể xâm nhập vào các mô lân cận, hoặc từng cụm tế bào ung thư có thể rời khỏi khối u ban đầu để đi đến những nơi khác trong cơ thể, đây gọi là hiện tượng di căn.
Nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, bao gồm:
- Lớn tuổi. Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ sau mãn kinh, khoảng từ 50 đến 60 tuổi.
- Di truyền đột biến gen. Một tỷ lệ nhỏ ung thư buồng trứng là do đột biến gen, các gen này bao gồm: gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2). Các đột biến gen khác (bao gồm cả những đột biến liên quan đến hội chứng Lynch) làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
- Gia đình có người bị ung thư buồng trứng. Những người có một hoặc nhiều người thân mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Thực hiện liệu pháp thay thế hormone estrogen, đặc biệt khi sử dụng lâu dài và với liều lượng lớn.
- Phụ nữ có dùng thuốc kích thích rụng trứng. Những phụ nữ có sử dụng thuốc kích thích rụng trứng trong quá trình hỗ trợ sinh sản, có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn những người bình thường.
4. Các loại ung thư buồng trứng
Loại ung thư buồng trứng được xác định dựa vào loại tế bào nơi ung thư xảy ra. Các loại ung thư buồng trứng bao gồm:
- Các khối u biểu mô xuất phát từ các tế bào biểu mô của buồng trứng. Khoảng 90% ung thư buồng trứng là các khối u biểu mô.
- Các khối u mô đệm xuất phát trong mô liên kết của buồng trứng. Khối u mô đệm tổng hợp nhiều hormone sinh dục. Các khối u này có thể được chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn so các khối u buồng trứng khác. Khoảng 7% các khối u buồng trứng là mô đệm.
- Các khối u tế bào mầm xuất phát từ các tế bào sản xuất trứng. Đây là một loại ung thư buồng trứng hiếm gặp và có xu hướng xảy ra ở trẻ em và phụ nữ trẻ.
5. Phòng ngừa ung thư buồng trứng
Không có biện pháp chắc chắn để ngăn ngừa hoàn toàn ung thư buồng trứng. Tuy nhiên các phương pháp dưới đây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Cân nhắc việc uống thuốc tránh thai. Sử dụng thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, sử dụng thuốc tránh thai cũng có những rủi ro tiềm ẩn, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bạn quyết định sử dụng thuốc.
- Trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ. Nếu bạn có người thân mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng, hãy trao đổi với bác sĩ. Nếu bác sĩ phát hiện bạn có đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, bạn có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để ngăn ngừa ung thư.
Bổ sung vitamin E bằng viên uống ENAT vào chế độ ăn có thể là một phần trong lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư buồng trứng. Vitamin E có khả năng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Tuy nhiên, để phòng ngừa ung thư buồng trứng hiệu quả, cần kết hợp nhiều yếu tố khác như chế độ ăn cân bằng, tập luyện thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ và duy trì cân nặng hợp lý.
6. Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Các thăm khám, xét nghiệm và phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bao gồm:
- Khám vùng chậu. Bác sĩ sẽ kiểm tra cơ quan sinh dục ngoài, âm đạo, cổ tử cung và các cơ quan khác vùng chậu.
- Chẩn đoán hình ảnh. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp CT vùng bụng, vùng chậu) có thể giúp xác định kích thước, hình dạng và cấu trúc của buồng trứng.
- Xét nghiệm máu. Những xét nghiệm này giúp việc đánh giá tổng trạng của bạn, bao gồm : công thứ máu, đánh giá chức năng gan, thận, các chỉ dấu ung thư.
- Phẫu thuật. Đôi khi bác sĩ không thể chắc chắn về chẩn đoán cho đến khi bạn tiến hành phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và làm giải phẫu bệnh xác đinh bản chất của tế bào lành tính hay ác tính.
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng, bước tiếp theo bác sĩ sẽ xác định giai đoạn ung thư và tiên lượng cho bệnh nhân.
7. Điều trị ung thư buồng trứng
Điều trị ung thư buồng trứng thường bao gồm sự kết hợp của phẫu thuật và hóa trị, xạ trị.
Phẫu thuật
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật mở hay nội soi để loại bỏ ung thư buồng trứng cũng như việc bóc tách buồng trứng hay toàn bộ các cơ quan vùng chậu như buồng trứng, tử cung và vòi trứng … phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và tổng trạng của bệnh nhân.
Nguyên tắc phẫu thuật là bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư. Trong trường hợp bệnh nhân muốn có con sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các cơ quan chưa bị tế bào ung thư xâm lấm.
Hóa trị liệu
Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Đôi khi thuốc được tiêm trực tiếp vào bụng (hóa trị trong phúc mạc).
Hóa trị thường được sử dụng sau khi phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể còn sót lại. Một số trường hợp ung thư tiến triển, hóa trị được chỉ định trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, tạo thuận lợi cho việc bóc tách u trong quá trình phẫu thuật.
Liệu pháp nhắm đích (Targeted Therapy)
Liệu pháp nhắm đích là sử dụng các loại thuốc để điều trị ung thư buồng trứng tái phát sau điều trị ban đầu hoặc ung thư kháng lại các phương pháp điều trị khác, nhắm vào các lỗ hổng cụ thể có trong tế bào ung thư. Bác sĩ có thể kiểm tra các tế bào ung thư để xác định liệu pháp nhắm đích nào có nhiều khả năng ảnh hưởng đến bệnh ung thư của bạn nhất.
Xạ trị
Xạ trị là dùng tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Cũng như hóa chất trong hóa trị liệu, tia xạ có thể ảnh hưởng đến cả tế bào ung thư và các tế bào bình thường ở vùng được chiếu xạ.
Biện pháp hỗ trợ
Bác sĩ có thể chỉ định những biện pháp hỗ trợ để giúp bệnh nhân giảm đau và giảm nhẹ các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như giảm đau với opioid, mở niệu quản ra da hoặc chọc tháo dịch báng…
Phòng khám chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng
- Trung Tâm Chẩn Đoán Và Xét Nghiệm Y Khoa Điag – Medical Diag Center đã có hơn hơn 20 năm trong ngành dịch vụ y tế.
- Phòng khám Vigor Health có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thăm khám sức khỏe và chữa bệnh.
- Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM. – Tân Bình, TP.HCM.
- Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ ngay lập tức khi có những nghi ngờ về việc mắc ung thư buồng trứng. Phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị có nhiều khả năng thành công.
Mời bạn tham khảo Gói khám tầm soát ung thư nữ giới.
Ngoài ra, mời bạn tham khảo Gói khám tầm soát ung thư nam giới.
Docosan là một trong số ít đơn vị cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm MARKER nhận biết/đánh giá nguy cơ ung thư (Nam&Nữ).
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.