Ung thư nội mạc tử cung và những thông tin cần biết

Ung thư nội mạc tử cung là một căn bệnh không còn xa lạ và trở thành nỗi lo sợ của các chị em phụ nữ. Tiên lượng sống còn của bệnh phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh vào thời điểm phát hiện. Ung thư nội mạc tử cung nếu được phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ có kết quả khá khả quan. Vì vậy, chị em phụ nữ cần trang bị cho mình những kiến thức về căn bệnh này để có thể nhận biết và kịp thời chữa trị.

Docosan sẽ cung cấp bài viết sau đây ghi chú một vài thông tin cơ bản và cần thiết về ung thư nội mạc tử cung. 

Nội mạc tử cung là gì?

Tử cung hay còn gọi là dạ con, nơi em bé nằm trong suốt thời gian mang thai, là một tạng rỗng nằm ở vùng chậu như hình quả lê chúc ngược, phía trước là bàng quang, phía sau là trực tràng, phía trên là đáy tử cung và hai bên nối với 2 buồng trứng ở 2 bên thông qua ống dẫn trứng. Tử cung bao gồm phần thân và cổ, đoạn nối giữa thân và cổ là eo tử cung. Khi nói đến ung thư nội mạc tử cung tức là chủ yếu nói đến ở phần thân. Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư riêng biệt khác. 

Nội mạc tử cung hay còn gọi là niêm mạc tử cung, là lớp niêm mạc lót toàn bộ phía trong của tử cung. Lớp ngoài kế tiếp là phần cơ tử cung, và ở ngoài cùng tử cung được phủ bởi một lớp thanh mạc. Nội mạc tử cung thay đổi độ dày theo nồng độ các nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ.

noi-mac-tu-cung

Ung thư nội mạc tử cung là bệnh gì?

Khi các tế bào ở lớp niêm mạc tăng sản quá mức cơ thể không kiểm soát được, sẽ gây nên tình trạng tăng sinh nội mạc tử cung, và khi có hiện diện một hay nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ung thư nội mạc tử cung. Các tổ chức ung thư có tính chất tăng sinh và xâm lấn. Khối ung thư nếu phát hiện trễ có thể đã xâm lấn vào lớp cơ bên ngoài hay trễ hơn có thể xâm lấn qua lớp thanh mạc và vào ổ bụng và vào các cơ quan khác mà ta hay biết đến là di căn.

Nguyên nhân của ung thư nội mạc tử cung

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến việc bạn có khả năng bị mắc ung thư nội mạc tử cung là:

Rối loạn nội tiết tố

Như đã trình bày ở trên, nội mạc tử cung bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nồng độ 2 hormone Estrogen và Progesterone. Khi sự thay đổi cân bằng của các hormone này theo hướng nhiều estrogen hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung của phụ nữ. Vì vậy, các yếu tố làm gia tăng nồng độ estrogen mà không có sự đối kháng của Progesterone sẽ dễ dẫn đến căn bệnh này, một số yếu tố có thể kể đến như:

  • Béo phì 
  • Liệu pháp thay thế hormone  bằng estrogen đơn thuần mà không có progestin
  • Khối u buồng trứng
  • Chưa từng mang thai
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Sử dụng thuốc Tamoxifen

Di truyền

Hầu hết ung thư nội mạc tử cung là do đột biến lẻ tẻ. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân, đột biến di truyền gây ra ung thư nội mạc tử cung.  Khoảng một nửa các trường hợp liên quan đến di truyền xảy ra ở các gia đình bị ung thư đại trực tràng không có polyp (HNPCC, hội chứng Lynch)

Phụ nữ lớn tuổi

Các bệnh ung thư tăng dần theo tuổi. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trung niên từ 45 tuổi đã từng bị đái tháo đường, đã từng xạ trị vùng chậu, tăng sinh nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung thường xảy ra sau tăng sinh nội mạc tử cung. Tăng sinh nội mạc tử cung là một tổn thương tiền ung thư. Nguy cơ tiến triển thành ung thư thay đổi tùy theo đặc tính giải phẫu bệnh học của tăng sinh nội mạc tử cung. Nếu tăng sinh dạng đơn giản điển hình thì nguy cơ ung thư chỉ là 1%, còn khi tăng sinh dạng phức tạp không điển hình thì nguy cơ ung thư tới 29%

ung-thu-noi-mac-tu-cung

Triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung

Ra máu âm đạo bất thường

Là triệu chứng hay gặp nhất, chiếm 90%. Bất thường ở đây có thể là chảy máu giữa 2 kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu khi đã mãn kinh. Đặc biệt trong trường hợp chảy máu âm đạo khi đã mãn kinh cần hết sức cẩn thận. 

Chảy dịch âm đạo bất thường

Tiết dịch âm đạo bất thường, lượng nhiều, thay đổi màu sắc hay hôi. Thường là do nhiễm khuẩn hay nấm nhưng đó cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo ung thư nội mạc tử cung.

Đau vùng chậu và bụng dưới

Đau vùng chậu và bụng dưới thường xuất hiện muộn khi khối u đã lan tràn hoặc xâm lấn vào các bộ phận khác trong hố chậu. Một số trường hợp người bệnh có thể sờ thấy một khối chắc ở vùng chậu.

Mệt mỏi, sụt cân, chán ăn

Đây là triệu chứng chung của các bệnh lý ung thư ở giai đoạn muộn, khi cơ thể đã bị suy mòn.

Làm sao để chẩn đoán được ung thư nội mạc tử cung?

Khi có các triệu chứng bất thường trên, hãy đến các bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám và chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt. Một số các xét nghiệm thường được sử dụng là:

Siêu âm qua đường âm đạo

Siêu âm nhằm khảo sát độ dày của nội mạc tử cung và các hình ảnh bất thường của nội mạc tử cung. Đây là bước tiếp cận ban đầu đối với các trường hợp ghi ngờ ung thư, từ đó có thể định hướng được các bước khảo sát cần thực hiện tiếp theo.

Có thể thực hiện với siêu âm qua ngã bụng, tuy nhiên cho hình ảnh khó khảo sát hơn và cần phải uống nhiều nước để làm căng bàng quang trước khi siêu âm.

ung-thu-noi-mac-tu-cung

Siêu âm bơm nước buồng tử cung

Buồng tử cung được bơm căng bằng nước muối sinh lý, đồng thời thực hiện siêu âm qua đường âm đạo. Cách thức này có ưu thế lớn trong việc khảo sát các bất thường trong lòng tử cung trước khi quyết định khảo sát xâm lấn là nội soi buồng tử cung

Nội soi buồng tử cung

Soi buồng tử cung cho phép nhìn thấy được tổn thương, xác định mức độ lan rộng bề mặt và định hướng cho sinh thiết đúng vị trí tổn thương để chẩn đoán mô bệnh học.

Sinh thiết nội mạc tử cung

Sinh thiết nội mạc tử cung là yêu cầu bắt buộc trong chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung nhằm đánh giá tổn thương là lành tính hay ác tính và độ mô học, típ mô bệnh học. Sinh thiết có thể bằng ống pipelle hoặc nong và nạo buồng tử cung. Mẫu mô sau khi lấy ra khỏi tử cung sẽ được bảo quản và đem đến kính hiển vi để soi. Hình ảnh thường gặp nhất là ung thư biểu mô tuyến nội mạc tử cung. 

Chất chỉ điểm sinh học

Lấy máu để tìm các chất chỉ điểm như CA-125, TAG-72, CA 15-3, LSA… có thể tăng trong ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, các chất chỉ điểm này thường chỉ tăng trong giai đoạn muộn của bệnh. Việc xem nồng độ các chất giúp cho việc theo dõi điều trị và tái phát hơn là chẩn đoán.

Hình ảnh học

Thực hiện chụp CTScan hay MRI vùng bùng chậu cho phép đánh giá u tại chỗ và các các mức độ xâm lấn u cũng như những tổn thương nghi ngờ di căn.

Điều trị ung thư nội mạc tử cung

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc phần lớn vào loại ung thư và giai đoạn của bệnh khi được phát hiện. Bên cạnh đó, các yếu tố khác có thể góp phần vào việc lựa chọn kế hoạch điều trị tốt nhất,  bao gồm tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, dự định có con hay không và những cân nhắc cá nhân khác.

Phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ

Là phương pháp điều trị chính trong ung thư nội mạc tử cung. Phẫu thuật thông thường sẽ cắt đi toàn bộ tử cung, 2 bên vòi trứng và buồng trứng kết hợp với nạo hạch vùng. Đường tiếp cận có thể là từ một vết môt trên bụng hay qua đường âm đạo. Ngày nay phẫu thuật nội soi là một phương pháp đang trở nên phổ biến hơn. 

Việc cắt toàn bộ tử cung và 2 phần phụ sẽ khiến bạn không thể mang thai được, và cũng sẽ không còn kinh nguyệt, trừ khi phẫu thuật chừa lại buồng trứng. 

Xạ trị 

Xạ trị là phương pháp điều trị hữu hiệu thứ hai trong điều trị ung thư nội mạc tử cung. Những phụ nữ không đủ sức khỏe để phẫu thuật có thể lấy xạ trị làm phương pháp điều trị chính.

Xạ trị là phương pháp dùng các tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Thường được dùng để điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật. Tuy nhiên có một số trường hợp có thể xạ trị trước phẫu thuật để làm thu nhỏ kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật sau đó. 

Xạ trị trong ung thư nội mạc tử cung có thể tiến hành dưới các hình thức:

  • Xạ trị từ bên ngoài: dùng các chùm tia từ bên ngoài chiếu vào
  • Xạ trị từ bên trong: hay còn gọi là xạ trị áp sát, đưa chất lỏng vào bên trong âm đạo

Hóa trị 

Hóa trị là đưa hóa chất diệt tế bào vào cơ thể qua đường tiêm truyền hay đường uống. Vì là chất gây độc tế bào nên nó tiêu diệt cả tế bào ung thư lẫn tế bào lành. Hóa trị dẫn đến nhiều tác dụng phụ nên việc chỉ định hóa trị thường theo cách ngắt quãng để người bệnh có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi trước đợt điều trị kế tiếp

Trong ung thư nội mạc tử cung, hóa trị như là một phần hỗ trợ điều trị, và thường dùng trong các trường hợp ung thư đã lan ra ngoài đến các bộ phận khác của cơ thể và khó thực hiện phẫu thuật.

Liệu pháp hormone

Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị ung thư nội mạc tử cung tiến triển (giai đoạn III hoặc IV) hoặc đã tái phát sau khi điều trị. Liệu pháp hormone thường được sử dụng cùng với hóa trị. Các loại hormone thường dùng để điều trị là Progestins, chất ức chế Aromatase, chất chủ vận LHRH,.. 

Các trường hợp ung thư giai đoạn rất sớm ở người nữ trẻ mong muốn có con, có thể bảo tồn tử cung và tiến hành điều trị bằng liệu pháp hormone. Điều trị bằng progestin có thể khiến ung thư thu nhỏ hoặc thậm chí biến mất trong một thời gian, giúp người phụ nữ có cơ hội mang thai, tuy nhiên cần phải theo dõi sát sao vì ung thư có thể tiến triển.

Tiên lượng sống còn của ung thư nội mạc tử cung

Tỷ lệ sống trung bình 5 năm là

  • Giai đoạn I hoặc II: 70 đến 95%
  • Giai đoạn III hoặc IV: 10 đến 60%

Nhìn chung, 63% bệnh nhân có thời gian sống không bị ung thư ≥ 5 năm sau khi điều trị.

Theo dõi sau khi điều trị ung thư nội mạc tử cung

Đối với người đã hoàn thành điều trị ung thư nội mạc tử cung được khuyến cáo theo dõi định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, 6 tháng /lần trong 2 năm tiếp theo và sau đó mỗi năm một lần.

Đối với những phụ nữ bị ung thư giai đoạn trễ ( III hay IV), việc chụp CT ngực, bụng và khung chậu nên được thực hiện 6 tháng một lần trong 3 năm đầu tiên, sau đó 6 đến 12 tháng một lần trong ít nhất 2 năm tiếp theo.

Khi có các triệu chứng bất thường, cần đi khám bác sĩ ngay:

  • Ra máu bất thường âm đạo, trực tràng, bàng quang
  • Ho, khó thở
  • Sưng phù chân 
  • Cảm thấy đau vùng bụng dưới, xương chậu, lưng

Làm sao để ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh ung thư nội mạc tử cung?

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung. Nhưng có những điều bạn có thể làm có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh này

Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý

Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ thừa cân béo phì có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao gấp 3 lần so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Bạn có thể dựa vào chỉ số BMI để đưa ra một quá trình tập luyện và ăn uống hợp lý. 

Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng các liệu pháp thay thế hormone 

Khi bước vào thời kì mãn kinh với các triệu chứng khó chịu, nếu bạn nghĩ đến việc dùng estrogen như một liệu pháp thay thế hormone thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng nó và ảnh hưởng của nó lên nội mạc tử cung. Progestin (thuốc giống progesterone) có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ dùng liệu pháp estrogen

Giải quyết các vấn đề hiện tại của bạn về nội mạc tử cung

Hầu hết các ung thư nội mạc tử cung phát triển từ từ trong nhiều năm, và có thể xuất phát điểm ban đầu của nó là từ các tổn thương lành tính, điển hình như là tăng sinh nội mạc tử cung. Vì vậy hãy điều trị tốt các tổn thương ban đầu là cách tốt để có thể ngăn chặn được tiến triển thành ung thư.

Tầm soát các bệnh lý bằng xét nghiệm tế bào phụ khoa

Có các loại kỹ thuật: Papanicolaou (Pap) thông thường, kỹ thuật Thin Prep và phương pháp tế bào học chất lỏng thế hệ 2 (LiquiPrep). 

Xét nghiệm Pap là dùng cây que phết lấy tế bào bong ra từ lớp niêm mạc tử cung, tiến hành nhuộm rồi soi dưới kính hiển vi để tìm các tế bào bất thường Các kỹ thuật Thin Prep và Liqui Prep có ưu điểm là hình ảnh mô học đẹp hơn, dễ đọc hơn qua đó làm tăng độ nhạy, độ đặc hiệu của việc phát hiện các tế bào biểu mô bất thường

Ở những phụ nữ >40 tuổi nếu xét nghiệm tế bào phụ khoa có các đám tuyến nội mạc cần được hút buồng tử cung để làm sinh thiết mô bệnh học

Đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường

Chảy máu âm đạo là một triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung, bên cạnh đó nó cũng là triệu chứng phổ biến nhất của tiền ung thư nội mạc tử cung. Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường cũng là một cách để phát hiện sớm và ngăn chặn diến tiến thành ung thư thật sự.

Ở những phụ nữ ra máu sau mãn kinh cần siêu âm để đánh giá độ dầy nội mạc, soi buồng tử cung và lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học, nhất là những người béo phì hoặc có tiền sử điều trị Tamoxifen.

Phòng khám phụ khoa uy tín tại TPHCM

  • Phòng khám Marie Stopes – Q. Tân Bình
  • Phòng khám đa khoa quốc tế Leancare – Q.8
  • Phòng khám đa khoa quốc tế Viet Healthcare – Q.10

Lời kết

Ung thư nội mạc tử cung là căn bệnh ác tính thường gặp ở chị em phụ nữ. Hậu quả của việc phát hiện chậm trễ có thể dẫn đến việc mất khả năng mang thai và sự tràn lan các tế bào ung thư vào khắp cơ thể. Vì vậy, việc nhận biết được các dấu hiệu và các kiến thức cơ bản về căn bệnh này là cần thiết. Hãy đi khám các bác sĩ phụ khoa ngay khi bạn nhận thấy các bất thường của âm đạo và tử cung.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu bệnh ung thư nội mạc tử cung tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.