Vòng tránh thai nội tiết: Hiệu quả và chi phí

Hiện nay, biện pháp đặt vòng tránh thai được sử dụng rộng rãi với nhiều loại vòng khác nhau. Vòng tránh thai nội tiết (Mirena) là một lựa chọn hiện đại với hiệu quả tránh thai cao đến 99% trong thời gian kéo dài khoảng 5 năm.

Vậy vòng tránh thai nội tiết là gì? Vòng tránh thai nội tiết có những hiệu quả nào? Vòng tránh thai nội tiết giá bao nhiêu? Hãy cùng Doctor có sẵn trả lời tất cả những câu hỏi này nhé!

Vòng tránh thai nội tiết là gì?

Vòng tránh thai nội tiết (Mirena) là một loại dụng cụ tử cung có khung nhựa nhỏ hình chữ T. Sau khi được đặt vào trong tử cung, nó sẽ phóng thích một lượng nhỏ hormone progestin (levonorgestrel) vào cơ thể, đây cũng là loại nội tiết tố có trong các thuốc tránh thai.

Cần lưu ý rằng, không giống với vòng tránh thai chứa đồng có tác dụng ngay lập tức, vòng tránh thai nội tiết bắt đầu có tác dụng sau 7 ngày kể từ ngày đặt. Do đó, vòng tránh thai nội tiết không thể được sử dụng như một biện pháp tránh thai khẩn cấp, và nên sử dụng bao cao su hoặc biện pháp tránh thai dự phòng khác trong 7 ngày đầu tiên sau khi đặt vòng.

Ngoài tác dụng tránh thai, Mirena còn được sử dụng như một phương pháp điều trị duy trì đối với những trường hợp rong kinh rong huyết, cường kinh, bảo vệ nội mạc tử cung…

vòng tránh thai nội tiết
Hình ảnh cấu tạo của vòng tránh thai nội tiết Mirena

Cụ thể hơn về cấu tạo của vòng tránh thai nội tiết: Mirena có dạng hình chữ T, được cấu tạo bởi nhựa dẻo thấm chất cản quang giúp nhận biết sự hiện diện của vòng trên siêu âm và X-quang. Vòng có chiều dài 32mm, tận cùng của khung T có gắn một sợi dây dùng để kiểm tra sự ổn định vị trí của vòng. Bọc phía ngoài nhánh dọc chữ T là một ống hình trụ dài, đóng vai trò như một nguồn dự trữ hormone levonorgestrel (LNG). Nhờ một lớp màng đặc biệt phủ bên ngoài, LNG được phóng thích có điều chỉnh với tốc độ phóng thích ban đầu là 20µg LNG/ngày vào buồng tử cung và sẽ giảm xuống khoảng 11µg/ngày sau 5 năm.

Chỉ định và chống chỉ định đặt vòng tránh thai nội tiết

Chỉ định đặt vòng tránh thai nội tiết:

  • Phụ nữ muốn tránh thai lâu dài mà vẫn có thể mang thai lại bình thường sau khi tháo vòng.
  • Phụ nữ bị rong kinh, cường kinh, thống kinh liên quan rối loạn nội tiết, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
  • Vòng tránh thai nội tiết còn được chỉ định như một liệu pháp hormone thay thế trong những trường hợp phụ nữ mãn kinh không thể dung nạp progestin đường uống.

Chống chỉ định đặt vòng tránh thai nội tiết:

  • Ung thư vú.
  • Có thai.
  • Viêm nhiễm vùng chậu cấp tính.
  • Nhiễm khuẩn sau hút thai, sau sẩy thai.
  • Nhiễm khuẩn hậu sản.
  • Rong huyết chưa chẩn đoán được nguyên nhân.

Hiệu quả của vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có 2 tác dụng chính là tránh thai và điều trị rong kinh, cường kinh.

Trong việc tránh thai

Hiệu quả tránh thai cao: Theo thống kê từ các nghiên cứu, tỉ lệ có thai trong năm đầu sử dụng là 0 – 0,2%, tỉ lệ có thai tích luỹ trong 5 năm sử dụng là 0,5 – 1,1%, cho thấy hiệu quả tránh thai của Mirena đạt đến 99%. Mirena được đánh giá là có hiệu quả tránh thai tương đương với triệt sản, nhưng lại có khả năng hồi phục chức năng sinh sản một cách nhanh chóng sau khi tháo vòng.

vòng tránh thai nội tiết
Vòng tránh thai nội tiết có hiệu quả tránh thai cao

Cơ chế tránh thai:

  • Levonorgestrel làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung, ngăn chặn tinh trùng xâm nhập vào buồng tử cung để gặp trứng.
  • Levonorgestrel ngăn chặn hoạt động chu kỳ của nội mạc tử cung do nồng độ của nó cao so với estrogen, tạo điều kiện không thuận lợi cho trứng thụ tinh không thể làm tổ ở niêm mạc tử cung.
  • Levonorgestrel cũng ngăn không cho rụng trứng, có nghĩa là không có trứng để tinh trùng thụ tinh.

Trong điều trị rong kinh, cường kinh

Rong kinh là một trong những bệnh phụ khoa khiến phụ nữ vô cùng lo lắng, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Nếu không điều trị, rong kinh kéo dài có thể gây các biến chứng như thiếu máu thiếu sắt, thống kinh, nhiễm trùng cấp tính và nặng nề nhất là vô sinh. Vì vậy, khi phát hiện có rối loạn kinh nguyệt, các chị em phụ nữ nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.

Ngoài tác dụng tránh thai, Mirena còn được xem như một phương pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp rong kinh liên quan đến nội tiết và những trường hợp rong kinh do u xơ tử cung hay lạc nội mạc tử cung.

vòng tránh thai nội tiết
Một công dụng khác của vòng tránh thai nội tiết là điều trị một số dạng rối loạn kinh nguyệt

Cơ chế điều trị rong kinh, cường kinh: Levonorgestrel được phóng thích có tác dụng tại chỗ, làm giảm sự tăng sản của lớp nội mạc tử cung trong vòng 3-6 tháng đầu sử dụng, điều này có tác dụng làm giảm lượng máu và số ngày hành kinh một cách đáng kể (lượng máu kinh giảm được 90%). Sau 3-4 tháng đặt vòng, phụ nữ sẽ có chu kỳ kinh không đều (lượng máu kinh giảm hơn 70%), có thể có hiện tượng ra huyết rỉ rả. Một sô phụ nữ sẽ có hiện tượng vô kinh trong 1 năm đầu đặt vòng.

Đặt vòng tránh thai nội tiết giá bao nhiêu?

Bởi những ưu điểm nổi bật đã nêu trên, so với các loại vòng tránh thai khác thì giá của vòng tránh thai nội tiết khá đắt. Chi phí đặt vòng Mirena, bao gồm cả chi phí mua vòng và thực hiện thủ thuật, vào khoảng 3 triệu VNĐ. Mức phí này có thể thay đổi tùy từng cơ sở. Nếu khả năng tài chính cho phép thì Mirena là một sự lựa chọn tốt.

Tóm lại, vòng tránh thai nội tiết là một loại dụng cụ tử cung hiện đại với hiệu quả tránh thai cao cũng như nhiều ưu điểm khác. Tương xứng với chất lượng, vòng tránh thai nội tiết có giá thành cao hơn các loại khác. Để lựa chọn loại vòng tránh thai phù hợp, các chị em phụ nữ nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn đầy đủ.

Xem thêm:

Contact Me on Zalo