Ngủ ngáy: Nguyên nhân, chẩn đoán và hướng điều trị

Ngủ ngáy xảy ra khi không khí di chuyển khó khăn qua vùng mũi và họng bị hẹp (do nhiều nguyên nhân) trong lúc ngủ tạo ra âm thanh. Hầu hết chúng ta thỉnh thoảng sẽ ngủ ngáy, nhưng đối với một số người, ngủ ngáy có thể là một vấn đề mãn tính. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu cho người xung quanh mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, bởi bệnh có thể gây ngừng thở khi ngủ dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách điều trị bệnh hiệu quả, mời bạn đọc cùng Docosan tham khảo nội dung dưới đây.

Triệu chứng ngủ ngáy

Ngáy thường liên quan đến một tình trạng rối loạn giấc ngủ được gọi là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA – Obstructive Sleep Apnea). Không phải tất cả những người ngủ ngáy đều bị OSA, nhưng nếu ngủ ngáy kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây, thì đó có thể là dấu hiệu bạn cần gặp bác sĩ, đánh giá thêm về khả năng bị OSA:

  • Đã từng thức dậy giữa đêm do ngừng thở
  • Quá buồn ngủ vào ban ngày
  • Khó tập trung
  • Nhức đầu buổi sáng
  • Đau họng khi thức dậy
  • Ngủ không ngon giấc
  • Thở hổn hển hoặc nghẹt thở vào ban đêm
  • Huyết áp cao
  • Đau ngực vào ban đêm
  • Tiếng ngáy quá lớn làm gián đoạn giấc ngủ của bạn đời
  • Ở trẻ em, dấu hiệu gợi ý tình trạng OSA là khả năng chú ý kém, các vấn đề về hành vi hoặc thành tích học tập ở trường kém

OSA thường được đặc trưng bởi tiếng ngáy to sau đó là khoảng thời gian im lặng khi ngừng thở hoặc gần như ngừng thở. Cuối cùng, sự giảm hoặc tạm dừng nhịp thở này có thể khiến bạn thức dậy với một tiếng khịt mũi lớn hoặc thở hổn hển. Giấc ngủ của bjan có thể bị gián đoạn nhiều lần vì sự ngưng thở này.

ngủ ngáy
Ngủ ngáy làm gián đoạn giấc ngủ của người bên cạnh

Khi nào bệnh nhân ngủ ngáy cần đi khám bệnh?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở trên. Những triệu chứng này có thể cho thấy tình trạng ngủ ngáy của bạn có liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).

Bác sĩ nhi khoa cũng điều trị chứng ngưng thở khi ngủ của trẻ. Các vấn đề về mũi và họng – chẳng hạn như viêm amidan và béo phì thường có thể thu hẹp đường thở của trẻ, có thể dẫn đến tình trạng OSA tiến triển.

ngủ ngáy
Gặp bác sĩ nếu tình trạng ngủ ngáy chứ lặp lại

Nguyên nhân gây ngủ ngáy

Ngáy có thể do một số yếu tố, chẳng hạn như cấu trúc giải phẫu miệng và xoang, do ảnh hưởng của việc uống rượu, dị ứng, cảm lạnh và do tác động từ cân nặng của bạn.

Khi bạn ngủ và chuyển sang giấc ngủ sâu, các cơ ở vòm họng, lưỡi và cổ họng của bạn sẽ thư giãn. Các mô trong cổ họng của bạn có thể giãn ra đủ để chúng chặn một phần đường thở của bạn và rung lên, gây ra tiếng ngáy.

Đường thở của bạn càng bị thu hẹp, luồng không khí bị chặn càng trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này làm tăng độ rung của mô, khiến tiếng ngáy của bạn lớn hơn.

Cụ thể, lý giải các tình trạng có thể ảnh hưởng đến đường thở và gây ra ngáy:

  • Đặc điểm giải phẫu miệng: Vòm họng dày và thấp làm cho đường thở bị thu hẹp. Những người thừa cân thì có thêm các mô ở phía sau cổ họng khiến đường thở của họ bị thu hẹp. Tương tự như vậy, nếu lưỡi gà dài hơn bình thường, luồng không khí có thể bị cản trở và độ rung tăng lên, tiếng ngáy to hơn.
  • Uống rượu: Ngáy cũng có thể do uống quá nhiều rượu trước khi đi ngủ. Rượu làm giãn cơ cổ họng và giảm phản xạ tự nhiên của cơ thể chống lại tắc nghẽn đường thở.
  • Các vấn đề về mũi: Ngạt mũi mãn tính hoặc vẹo vách ngăn giữa hai lỗ mũi (vách ngăn mũi lệch) có thể góp phần khiến bạn ngủ ngáy.
  • Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến giãn cơ cổ họng.
  • Tư thế nằm: Ngáy xảy ra thường xuyên nhất và to nhất khi ngủ nằm ngửa vì tác động của trọng lực lên cổ họng thu hẹp đường thở.
ngủ ngáy
Thiếu ngủ có khả năng gây ra hiện tượng ngủ ngáy

Yếu tố nguy cơ khác gây ngủ ngáy

  • Đàn ông có tỷ lệ cao bị ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ hơn phụ nữ.
  • Thừa cân: Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng ngủ ngáy hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • Đường thở hẹp: Một số người có thể có vòm miệng mềm dài, hoặc amidan lớn hoặc u tuyến, có thể thu hẹp đường thở và gây ra ngáy.
  • Có tiền sử gia đình mắc chứng ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Di truyền là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với OSA.
ngủ ngáy
Người thừa cân thường có xu hướng ngủ ngáy nhiều hơn người bình thường

Biến chứng ngủ ngáy

Ngủ ngáy không chỉ là một điều phiền toái. Ngoài việc làm gián đoạn giấc ngủ của bạn tình trên giường, nếu ngủ ngáy liên quan đến OSA, bạn có thể có nguy cơ mắc các biến chứng khác, bao gồm:

  • Ngủ gật ban ngày
  • Tâm trạng thất thường, dễ tức giận và thất vọng
  • Khó tập trung
  • Nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ cao hơn bình thường
  • Tăng nguy cơ tai nạn xe cơ giới do thiếu ngủ
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi, chẳng hạn như hung hăng hoặc các vấn đề học tập ở trẻ em

Chẩn đoán ngủ ngáy

Khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp, bạn cần miêu tả rõ triệu chứng của mình, nên hỏi bạn tình về đặc điểm tiếng ngáy của bản thân, về thời điểm, đo to, độ khàn, … Bác sĩ có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng và khả năng bị chứng ngưng thở khi ngủ của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ dịnh bạn làm xét nghiệm hoặc thử nghiệm để có thêm cơ sở đánh giá.

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra cấu trúc đường thở của bạn để tìm các vấn đề có thể liên quan đến tình trạng ngủ ngáy, chẳng hạn như vách ngăn mũi bị lệch, …

Nghiên cứu giấc ngủ

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng ngủ ngáy của bạn và các triệu chứng khác, bác sĩ có thể tiến hành một nghiên cứu về giấc ngủ.

Tùy thuộc vào các vấn đề y tế khác của bạn và các triệu chứng giấc ngủ khác, bạn cần phải ở lại qua đêm tại trung tâm nghiên cứu giấc ngủ để tiến hành phân tích chuyên sâu về nhịp thở của bạn trong khi ngủ bằng thiết bị đa ký giấc ngủ.

Khi đo đa ký giấc ngủ, bạn được kết nối với nhiều cảm biến và được theo dõi suốt đêm. Trong quá trình nghiên cứu giấc ngủ, các thông tin sau được ghi lại:

  • Sóng não
  • Mức oxy trong máu
  • Nhịp tim
  • Nhịp thở
  • Giai đoạn ngủ bạn trải qua
  • Chuyển động mắt và chân
ngủ ngáy
Nghiên cứu giấc ngủ để có sự đánh giá chính xác hơn

Điều trị ngủ ngáy

Để điều trị chứng ngủ ngáy của bạn, trước tiên bác sĩ có thể sẽ đề nghị thay đổi lối sống. Bác sĩ có thể khuyên bạn giảm cân, tránh uống rượu bia gần giờ đi ngủ, trị nghẹt mũi, tránh thiếu ngủ, nằm nghiêng khi ngủ. Nếu sự thay đổi lỗi sống theo lời khuyên trên không mấy hiệu quả, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp trị liệu như sau:

Đeo dụng cụ vào miệng

Đó là những miếng ngậm nha khoa có cấu trúc vừa vặn giúp nâng cao vị trí của hàm, lưỡi và khẩu cái mềm để giữ cho đường thở của bạn luôn thông thoáng.

Nếu bạn chọn sử dụng thiết bị răng miệng, bạn sẽ trao đổi với bác sĩ nha khoa của mình để tối ưu hóa sự phù hợp và vị trí của thiết bị. Bạn cũng sẽ làm việc với chuyên gia về giấc ngủ của mình để đảm bảo rằng thiết bị răng miệng đang hoạt động như dự kiến. Bạn cần khám nha khoa ít nhất sáu tháng một lần trong năm đầu tiên, và ít nhất là hàng năm sau đó, để kiểm tra độ phù hợp và đánh giá sức khỏe răng miệng của bạn.

Tiết nhiều nước bọt, khô miệng, đau hàm và khó chịu ở mặt là những tác dụng phụ có thể xảy ra khi đeo các thiết bị này.

ngủ ngáy
Sử dụng dụng cụ chuyên dụng để khắc phục tình trạng ngủ ngáy

Áp lực đường thở dương liên tục (Continuous positive airway pressureCPAP)

Phương pháp này bao gồm việc đeo mặt nạ dưỡng khí khi ngủ. Một máy bơm nhỏ cạnh giường sẽ tạo ra luồng không khí áp lực đi qua mặt nạ đến đường thở của bạn để giữ cho đường thở luôn mở trong khi ngủ.

CPAP loại bỏ chứng ngủ ngáy và thường được sử dụng để điều trị chứng ngủ ngáy liên quan đến tình trạng ngưng thở khi ngủ OSA. Mặc dù CPAP là phương pháp đáng tin cậy và hiệu quả nhất để điều trị OSA, một số người cảm thấy khó chịu hoặc gặp khó khăn khi thích nghi với tiếng ồn hoặc cảm giác khi đeo mặt nạ.

Phẫu thuật đường thở trên

Có một số thủ thuật nhằm mở đường thở trên và ngăn chặn tình trạng thu hẹp đáng kể đường dẫn khí trong khi ngủ.

Ví dụ, trong một thủ thuật tạo hình lưỡi gà, bạn được gây mê toàn thân và bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ thắt và cắt các mô thừa khỏi cổ họng của bạn nhằm nâng cơ cổ họng của bạn.

Một thủ thuật khác được gọi là nâng cao hàm, nghĩa là di chuyển hàm trên và hàm dưới về phía trước, giúp mở rộng đường thở.

Trong thủ thuật dùng sóng cao tần, bác sĩ cắt bỏ để thu nhỏ mô ở khẩu cái mềm, lưỡi hoặc mũi. Cùng nguyên lý thu nhỏ mô ở vòm miệng mềm mà không xâm lấn, kỹ thuật trị ngủ ngáy bằng laser Nightlase hiện đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

Hiệu quả của các phẫu thuật này khác nhau và phản ứng phụ khó dự đoán vì thế, bạn cần sự tư vấn chi tiết của bác sĩ về các phương pháp này.

Ngủ ngáy không hẳn vô hại, chỉ làm phiền người khác mà tình trạng ngủ ngáy là triệu chứng của một số bệnh lý cần được điều trị sớm. Người ngủ ngáy cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh gây phiền hà lâu dài cho người thân, bạn tình.

Bác sĩ và phòng khám điều trị ngủ ngáy

  • Phòng khám chuyên khoa da liễu Trần Thịnh – Trị ngủ ngáy bằng laser Nightlase
  • Thạc sĩ Bác sĩ hô hấp Hoàng Chân Phương – Bệnh viện Quốc tế City
  • Bác sĩ Huỳnh Thị Phương Loan – Phòng khám DHA Healthcare

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Snoring – Mayoclinic