Tai, mũi, họng là những bộ phận chịu nhiều tác động từ môi trường. Khí hậu thất thường là nguyên do gây các bệnh tai mũi họng, gây nhiều sự khó chịu trong cuộc sống. Một số bệnh diễn tiến dai dẳng khiến chất lượng cuộc sống người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng Docosan tìm hiểu về các loại bệnh liên quan đến những cơ quan này nhé!
Tóm tắt nội dung
Các bệnh tai mũi họng thường gặp
Viêm mũi cấp
Nguyên nhân thường gặp chủ yếu là do virus, vì thế bệnh có thể tự giới hạn và khỏi hẳn. đây là một loại bệnh liên quan đến tai mũi họng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Khởi đầu với ớn lạnh, rét run, nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ, tuy ở trẻ con có thể sốt cao.
- Vài giờ sau mũi chảy nhiều nước mũi, nước mũi trong kèm nghẹt mũi, mất mùi.
- Sau đó vài ngày, nước mũi đặc lại, các triệu chứng như khứu giác, nghẹt mũi được cải thiện dần sau đó hết hẳn trong vòng 1 tuần.
Tuy nhiên, khi bệnh kéo dài trên 10 ngày, hay trở nặng đi từ ngày thứ 5, kèm với nước mũi chuyển sang màu vàng xanh thì có thể bạn đã nhiễm các vi khuẩn khác, nên đến bác sĩ để chữa trị.
Vì đây là một bệnh gây ra chủ yếu bởi siêu vi, vì thế chỉ cần điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, thuốc co mạch, rửa mũi và xông mũi bằng hơi nước, nghỉ ngơi hợp lý là bệnh tự thuyên giảm và khỏi. Cần phải điều trị kháng sinh nếu là một bệnh cảnh viêm mũi cấp do vi khuẩn.
Viêm mũi xoang
Các bệnh lý tại xoang có liên quan mật thiết đến các bệnh lý tại mũi, liên quan đến tai mũi họng, vì lỗ đổ của các xoang nằm bên trong hốc mũi, vì vậy khi mũi bị viêm nhiễm hay có các yếu tố làm bít tắt các lỗ thông xoang thì dịch tiết trong xoang không thoát ra được, từ đó tạo nên môi trường thuận lợi cho các vi trùng phát triển. Khi các hiện tượng viêm nhiễm này kéo dài trên 12 tuần, thì trở thành viêm xoang mạn
Các triệu chứng điển hình của một viêm xoang cấp tính:
- Đau nhức vùng mặt tại vị trí các xoang
- Nghẹt mũi
- Chảy mũi
- Giảm khứu giác
- Sốt nhẹ, lừ đừ mệt mỏi
- Trước đó khoảng 1 tuần có xảy ra viêm nhiễm đường hô hấp trên là một yếu tố thuận lợi
Đối với viêm xoang cấp tính, bệnh có thể tự khỏi hoặc do điều trị. Thông thường, cần điều trị với kháng sinh, thuốc kháng histamine, thuốc co mạch, corticosteroid xịt tại mũi, thuốc làm loãng đàm và nghỉ ngơi hợp lý, rửa mũi bằng nước mũi sinh lý.
Đối với trường hợp viêm xoang mạn, các triệu chứng như đau nhức mặt và sốt có thể không có. Người bệnh hay than phiền về chảy mũi và nghẹt mũi, đôi khi có giảm khứu giác.
Ở viêm xoang mạn, việc điều trị dùng thuốc bao gồm kháng sinh kéo dài, thuốc Corticosteroid xịt mũi, rửa mũi hằng ngày. Tuy nhiên, việc điều trị có thể không mang lại hiệu quả tối ưu và cần phải dùng đến phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng giúp cải thiện nhiều các triệu chứng.
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một trong những căn bệnh thường gặp nhất tại các phòng khám tai mũi họng, và chiếm hơn phân nửa các trường hợp viêm mũi mạn tính. Viêm mũi dị ứng là kết quả của việc tiếp xúc với các chất mà cơ thể bạn dị ứng từ đó sinh ra các triệu chứng như:
- Hắt hơi, ngứa mũi
- Nghẹt mũi
- Chảy mũi nước trong
- Chảy nước mắt
Vì có căn nguyên là sự dị ứng của cơ thể nên viêm mũi dị ứng cũng có thể bắt gặp trên một người có cơ địa dị ứng như chàm da, hen suyễn và có ba mẹ hay anh chị cũng bị dị ứng. Viêm mũi dị ứng được chia thành viêm mũi dị ứng dai dẳng và gián đoạn.
Điều trị viêm mũi dị ứng gồm có thuốc Corticosteroid xịt tại chỗ, thuốc kháng histamine, kháng leukotriene, nhóm thuốc cromolyn. Một cách điều trị lâu dài khác là giải mẫn cảm, nhưng việc điều trị tối thiểu 3 năm gây khó khăn cho người bệnh. Việc quan trọng nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng đó là tránh xa các chất được cho là chất gây dị ứng cho cơ thể, có thể là thay đổi nơi ở, nơi làm việc, tuy nhiên, việc này thường khó mà thực hiện được.
Viêm amidan
Amidan là tổ chức miễn dịch của cơ thể. Giúp bắt giữ các nguồn lạ vào cơ thể, tạo ra kháng thể từ đó chúng ta có miễn dịch cho những lần tiếp xúc phải sau này. Viêm amidan có thể do siêu vi hoặc vi khuẩn, và mỗi chủng vi trùng có thể gây ra những hình thái amidan viêm và các triệu chứng khác nhau, có thể dẫn đến các chứng bệnh viêm nhiễm tai mũi họng.
Trong đó, viêm amidan do vi khuẩn liên cầu tan huyết beta nhóm A là được chú ý hơn cả, một phần vì tần suất gặp nhiều, bên cạnh đó nó còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau này như viêm cầu thận hậu liên cầu, thấp tim,.. , Bệnh hay gặp ở trẻ em lứa tuổi từ 5 đến 6 với các biểu hiện như:
- Sốt, run rẩy
- Nổi hạch cổ
- Đau, khô họng, cảm giác đầy họng
- Nuốt khó, nuốt đau
- Nhức tai
- Há họng ra có thể thấy 2 amidan sưng to, đỏ, có thể có các chấm mủ
Bệnh được chẩn đoán dựa trên quan sát và hỏi bệnh, quệt hầu họng lấy mẫu tìm vi trùng. Viêm amidan nhẹ có thể không cần điều trị gì, vì đó là việc làm cần thiết của cơ thể để tạo ra miễn dịch. Khi có sốt và gây khó chịu nhiều thì cần điều trị với kháng sinh, giảm đau, giảm ho kết hợp với vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Một số trường hợp gây cản trở nhiều trong sinh hoạt hay tái phát nhiều lần, gây ra những biến chứng nguy hiểm thì có chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
Viêm VA
VA là hai chữ viết tắt của cụm từ tiếng Pháp Végétations adenoids, tức có nghĩa là sùi vòm họng. Tương tự như amidan, VAcũng là một tổ chức miễn dịch của cơ thể. Viêm VA thường xảy ra ở các trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Viêm VA có thể do virus hoặc vi khuẩn. Các biểu hiện của viêm VA cấp:
- Em bé bị sốt cao
- Chảy mũi đục như mủ, lượng nhiều
- Nghẹt mũi, khi nằm khì nặng hơn
- Có thể gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ do các dịch nhầy từ vòm họng mũi chảy xuống đường tiêu hóa
Khi không điều trị hay điều trị không hiệu quả, viêm VA kéo dài có thể khiến trẻ bị nghẹt mũi nặng hơn, phải dùng miệng để thở, mũi chảy dịch mà trong dân gian hay nói là “thò lò mũi xanh”
Viêm VA quá phát lâu ngày có thể làm tắc nghẽn đường thở của trẻ, làm biến dạng sọ mặt tạo thành “bộ mặt VA” điển hình, học hành kém, gây hội chứng ngưng thở khi ngủ và có thể nghe kém do biến chứng viêm tai giữa
Điều trị viêm VA cấp bao gồm kháng sinh nếu nghi ngờ viêm do vi khuẩn, giảm đau, hạ sốt cho trẻ. Nên giữ cho mũi trẻ được thông thoáng bằng cách tập em hỉ mũi hay hút mũi cho bé. Vệ sinh mũi và răng miệng sạch sẽ. Khi viêm VA gây ra các biến chứng viêm nhiễm các cơ quan lân cận và làm tắc nghẽn dường thở của trẻ quá mức, gây nhiễm trùng các cấu trúc lân cận, dị dạng sọ mặt, ngưng thở khi ngủ thì nên được phẫu thuật nạo VA.
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Khoảng 2/3 trẻ em 3 tuổi đã từng có ít nhất một đợt viêm tai giữa cấp. Viêm tai giữa cấp là tình trạng viêm niêm mạc của hòm nhĩ và vòi nhĩ, có thể do siêu vi hay vi khuẩn, và có thể bắt nguồn từ một viêm VA quá phát chèn bít lỗ vòi nhĩ ở họng mũi. Viêm tai giữa cấp có thể gây ra các khó chịu cho người bệnh như:
- Đau tai, trẻ nhỏ thì hay sờ vào tai, đau khi kéo vành tai hay kéo tóc quanh tai, đau tăng khi nằm
- Có thể chảy dịch tai qua lỗ thủng ở màng nhĩ
- Sốt, li bì, chán ăn, buồn nôn, nôn
- Nghe kém có thể 1 hay cả 2 tai.
- Ù tai
- Chóng mặt, có thể quan sát tướng đi đứng của bé
Khi viêm tai giữa cấp kéo dài có thể dẫn đến viêm tai giữa thanh dịch, hay thủng màng nhĩ gây viêm tai giữa mủ mạn, thâm chí gây ra các biến chứng trong sọ não rất nguy hiểm.
Điều trị viêm tai giữa cấp gồm có kháng sinh, giảm đau, hạ sốt. Nếu viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần có thể làm thủ thuật trích rạch màng nhĩ đặt ống thông nhĩ. Nên nạo VA nếu VA quá phát gây viêm tai giữa.
Viêm thanh quản
Đối với trẻ em, viêm thanh quản có thể nặng nề, diễn tiến nhanh dẫn đến tử vong vì thanh môn của trẻ em rất nhỏ và rất dễ bị hẹp. Viêm thanh quản hạ thanh môn là thường gặp, chủ yếu là do virus với các biểu hiện như:
- Bệnh thường xuất hiện ban đêm, khó thở từ từ sau một đợt viêm mũi họng cấp
- Ho nhiều, giọng ho khan ông ổng
- Sốt nhẹ
Quan trọng trong điều trị viêm thanh quản ở trẻ em là điều trị corticosteroid giảm phù nề đường thở, điều trị kháng sinh nếu nghi có nhiễm trùng, dùng thuốc giảm đau, hạ sốt.
Đối với người lớn, việc nói nhiều, nói thường xuyên hay phát âm sai với giọng thật, tiếp xúc với các khói bụi lâu ngày có thể dẫn đến viêm thanh quản, khiến giọng nói bị khàn, đau họng. Nên ngưng hay hạn chế nói trong một thời gian, bệnh có thể phục hồi.
Làm sao để phòng tránh được các bệnh tai mũi họng?
Các bệnh tai mũi họng chủ yếu bắt nguồn từ môi trường và các sinh hoạt xung quanh ta, vì thế việc thiết lập một lối sống lành mạnh cũng như nâng cao chất lượng môi trường xung quanh có một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cũng như điều trị các bệnh lý về tai mũi họng
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là trong những mùa lạnh và khi thời tiết thay. Bên cạnh đó, không bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp
- Hạn chế tiếp xúc với các chất khỏi bụi, thuốc lá, các chất có thể gây dị ứng cho bản thân
- Không đi bơi ở những vùng nước bẩn
- Tập luyện thể thao để tăng sức đề kháng và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn
- Không tự ý chẩn đoán và mua các thuốc để tự điều trị. Đối với trẻ em, các lần viêm là điều cần thiết để tạo nên hệ miễn dịch khỏe mạnh, tự ý mua thuốc đặc biệt là kháng sinh có thể gây kháng thuốc nếu sử dụng không đúng liều lượng và sẽ ảnh hưởng lên hệ miễn dịch sau này của trẻ. Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị trong tai mũi họng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nếu tự ý dùng sẽ rất nguy hại
- Nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khi các triệu chứng gây khó chịu nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày như bệnh kéo dài không khỏi, ngày càng nặng hơn, sốt cao,.. để được thăm khám và kê toa phù hợp
Bị các bệnh tai mũi họng nên đi khám ở đâu?
- Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng – BS Nhan Trừng Sơn – Q.1
- Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng – Thính Học Thanh Vũ – Q.8
- Phòng khám DHA Healthcare – Q.3
Lời kết
Các bệnh tai mũi họng thường hay gặp ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên nhiều người thường hay chủ quan và không điều trị, dẫn đến thành bệnh mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, không những thế còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Việc nhận biết được các bệnh lý tai mũi họng thường gặp khiến bạn có cái nhìn nhận đúng hơn và đi khám bác sĩ trong các trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống và môi trường xung quanh cũng góp phần ngăn chặn và điều trị các bệnh lý tai mũi họng.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.