Chảy máu cam: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Chảy máu cam, hay còn gọi là chảy máu mũi, là một tình trạng rất phổ biến, nhìn có thể đáng sợ nhưng lại hiếm khi là một vấn đề trầm trọng. Mũi chứa nhiều mạch máu nằm sát bề mặt vách ngăn ở phía trước và sau mũi, chúng rất mỏng manh và dễ tổn thương, dẫn đến tình trạng chảy máu ở mũi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mọi người những kiến thức tổng quan về hiện tượng chảy máu cam.

Phân loại chảy máu cam

Chảy máu cam thường được chia làm hai nhóm :

  • Chảy máu mũi trước: Chiếm hầu hết các trường hợp chảy máu mũi. Ở vách ngăn mũi trước-dưới có một đám rối mạch máu nhỏ và rất dễ vỡ, đặc biệt khi ngoáy, day mũi hoặc va chạm làm trầy xước mạch máu. Ngoài ra, chảy máu mũi trước cũng thường gặp ở những vùng khí hậu hanh khô hay trong không gian sử dụng máy điều hòa một thời gian dài; niêm mạc khô, nứt nẻ, làm tổn thương mạch máu bên dưới và gây chảy máu. Máu chảy ra ngoài lỗ mũi trước, chảy xuống môi và ta có thể quan sát được.
  • Chảy máu mũi sau: Ít phổ biến nhưng nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát hơn. Chảy máu mũi sau bắt nguồn từ các mạch máu ở vách ngăn mũi phía sau. Máu chảy từ phía sau xuống dưới họng, khiến bệnh nhân có thể khạc ra máu, trong khi ở phía trước mũi có thể không thấy chảy máu.
hiện tượng chảy máu cam
Sơ đồ chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau

Chảy máu cam hay xảy ra ở đối tượng nào ?

Chảy máu mũi có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, và mức độ chảy máu từ nhẹ nhàng cho đến nguy hiểm hay đe dọa tính mạng. Chảy máu mũi thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi.

Chảy máu cam ở trẻ em

Hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em có xu hướng tái phát. Vị trí chảy máu thường gặp nhất là ở chỗ đám rối mạch máu ở vùng trước dưới của vách ngăn mũi, vì thế biểu hiện phổ biến là chảy máu mũi trước.

Trẻ thường chảy máu cam ra vào ban đêm, thoạt nhìn thì có vẻ nguy hiểm, nhưng phần lớn trường hợp đều ít khi nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Chảy máu cam ở trẻ em thường có liên quan đến hiện tượng viêm và nhiễm trùng niêm mạc, làm các mạch máu tại chỗ dễ vỡ, có thể xảy ra với các trẻ hay ngoáy mũi.

Chảy máu cam ở người lớn

Chảy máu mũi không chỉ xuất phát từ tổn thương mạch máu ở vùng trước dưới của vách ngăn mũi như ở trẻ em mà còn có thể xuất phát từ những tổn thương ở vùng mũi sau, gây chảy máu mũi sau.

Hiện tượng chảy máu cam ở người lớn có thể xuất phát từ những bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư vòm hầu, tăng huyết áp gây vỡ mạch máu…

Nguyên nhân gây chảy máu cam

Một số nguyên nhân thường gặp gây ra hiện tượng chảy máu cam là:

  • – Không khí khô và lạnh: khiến cho niêm mạc mũi bị khô, nứt nẻ và dễ tổn thương các mạch máu nhỏ tại vùng mũi trước. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chảy máu mũi.
  • – Tổn thương khu trú vùng mũi: như hắt xì mạnh, ngoái mũi, bị các dị vật đâm chọt vào
  • – Viêm nhiễm tai mũi họng và các xoang xung quanh khu vực này
  • – Dị vật kẹt ở trong mũi: chủ yếu xảy ra ở trẻ em, thường kèm theo dịch hôi
  • – Lạm dụng các thuốc làm thông mũi
  • – Chấn thương: gãy xương hoặc tai nạn, sau phẫu thuật vùng mũi hầu

Ngoài những nguyên nhân trên, một số bệnh lý cũng có thể gây chảy máu cam là

Các bệnh lý toàn thân

  • – Bệnh lý tim mạch : Huyết áp tăng cao làm tăng áp lực lên thành mạch máu nên làm vỡ các mạch máu. Hoặc đối với những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch cũng có thể chảy máu cam do thành mạch xơ cứng dễ tổn thương.
  • – Bệnh lý về máu : Suy tủy, rối loạn chức năng đông cầm máu..
  • – Bệnh lý mạn tính : Xơ gan, suy thận
  • – Do thuốc : Thuốc chống đông máu, dùng corticoids thời gian dài

Các bệnh lý tại chỗ

  • – Bất thường bẩm sinh : di dạng mạch máu vùng mũi, phình mạch
  • – Tổn thương do các hóa chất độc hại như acid, kim loại nặng
  • – Do khối u : polyp mũi, u mạch máu, u vùng hốc mũi, ung thư vòm họng, ung thư sàng hàm…

Yếu tố di truyền

Xử trí như thế nào khi bị chảy máu cam

Nếu bị chảy máu mũi, đa phần là chảy máu mũi trước, bạn nên:

  • Bước 1: Ngồi xuống và đổ người về phía trước, với đầu của bạn hơi nghiêng về phía trước, không cố gắng hỉ mũi mạnh hay khạc máu vì có thể khiến tình trạng chảy máu nặng hơn.
  • Bước 2: Dùng 2 ngón tay bóp 2 cánh mũi ngay trên lỗ mũi và giữ trong 10 đến 15 phút, bóp cả 2 bên cánh mũi dù bạn chỉ chảy máu 1 bên, sau đó thở bằng miệng. Đặt túi chườm lạnh trên đầu mũi có thể giúp giảm lưu lượng máu.
chảy máu cam
Tư thế cần thực hiện khi bị chảy máu cam

Sau khi chảy máu cam, trong 24 giờ cố gắng không:

  • – Xì mũi.
  • – Ngoáy mũi.
  • – Uống đồ uống nóng hoặc rượu.
  • – Thực hiện các bài tập nặng hoặc gắng sức nào.
  • – Cạy các vảy hay mài khô trong mũi

Khi nào cần gặp bác sĩ

Phần lớn các trường hợp sẽ ngưng chảy máu, tuy nhiên một số trường hợp thì máu vẫn tiếp tục chảy sau đó, các trường hợp bạn nên đến bệnh viện:

  • – Chảy máu mũi kéo dài trên 30 phút dù trước đó đã bóp mũi cầm máu như đã hướng dẫn ở trên.
  • – Chảy máu mũi ồ ạt quá nhiều.
  • – Khi bạn đang nuốt phải một lượng máu nhiều khiến bạn buồn nôn.
  • – Bạn đang thấy khó thở.
  • – Máu bắt đầu chảy sau một cú đánh vào đầu hay khi bị một chấn thương vùng mặt.
  • – Bạn đang cảm thấy yếu và choáng váng, chóng mặt.
  • – Xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, người bị tăng huyết áp.
  • – Khi bạn thường xuyên bị chảy máu mũi, ngay cả khi có thể tự cầm được, bạn cũng nên đến khám bác sĩ để xác định nguyên nhân chảy máu.
  • – Chảy máu sau khi dùng thuốc.

Điều trị chảy máu cam như thế nào ?

Các bác sĩ sẽ hỏi và thăm khám vùng mũi của bạn để đánh giá tình trạng chảy máu hiện tại và xác định một số nguyên nhân gây chảy máu.

Sau khi thăm khám và xác định được nơi chảy máu, bác sĩ sẽ ấn một tăm bông có tẩm thuốc vào chỗ chảy máu để cầm máu.

Nếu vẫn thất bại, bác sĩ sẽ tiếp tục nhét những dải sợi bông dài (bấc) để chèn mạch máu tổn tương, khi đó bạn sẽ phải thở bằng đường miệng, và cần ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi. Hiện nay đã có những sản phẩm tương tự khác tiện lợi hơn như Merocel, một dạng bọt xốp, khi nhét vào mũi rồi cho thấm nước vào sẽ tự nở ra và lấp kín hốc mũi của bạn.

Ngoài ra còn một số thủ thuật khác chuyên sâu hơn và cần đến sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa Tai- Mũi- Họng như:

  • Đặt bóng chèn vào mũi.
  • Phẫu thuật thắt động mạch gây ra chảy máu.
  • Chụp mạch máu thắt mạch.

Một số cách phòng ngừa chảy máu cam

Có một số cách để ngăn ngừa chảy máu cam:

  • Giữ không khí đủ ẩm và ấm, có thể sử dụng một máy tạo ẩm trong nhà.
  • Sử dụng thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt làm thông mũi ở mức độ vừa phải.
  • Dùng xịt hay nhỏ nước muối sinh lý để giữ ẩm cho đường mũi khi cần thiết.
  • Tránh ngoáy, chà xát mũi quá mạnh.
  • Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên. Trẻ thường hay ngoáy mũi làm tổn thương niêm mạc dẫn đến chảy máu.
  • Đừng bôi Vaseline, dầu khoáng hoặc sản phẩm dạng dầu khác (như dầu dừa) vào bên trong mũi. Đặc biệt ở trẻ, nếu trẻ hít phải một lượng nhỏ những chất này vào phổi, cũng có thể gây viêm phổi.
  • Hạn chế lạm dụng aspirin, vì thuốc này có thể làm loãng máu của bạn và góp phần gây chảy máu cam. Nên trao đổi với bác sĩ của bạn trước vì lợi ích của việc dùng aspirin có thể lớn hơn nguy cơ.
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ khi bạn phải lao động trong môi trường có hóa chất độc hại

Một số bác sĩ khám và chữa bệnh chảy máu cam

Kết luận

Chảy máu cam khá thường gặp, và thường không nguy hiểm. Tuy một số trường hợp có thể gặp khó khăn trong kiểm soát chảy máu, nhưng đa số các trường hợp đều có đáp ứng với các bước xử trí ban đầu tại nhà. Biết về các cách cầm máu ban đầu và một số biện pháp ngăn ngừa chảy máu mũi sẽ giúp bạn không bối rối khi gặp phải tình huống này. Ngoài ra, nếu hiện tượng chảy máu cam kéo dài, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ Tai, Mũi, Họng để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Chảy máu mũi, Kiến thức cơ bản Tai Mũi Họng, Harold Ludman & Patrick J. Bradley, biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Dung, MD

Nosebleed – NHS.uk

What Causes Nosebleeds and How to Treat Them – Healthline.com