Khàn tiếng: Nguyên nhân, điều trị và biện pháp phòng ngừa

Khàn tiếng là có thể xảy ra bất kể tuổi tác, giới tính của bạn, dù bạn là một thiếu niên khỏe mạnh, hay một giám đốc điều hành 50 tuổi tại nơi làm việc hoặc một ca sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu đều có thể đã từng bị khàn tiếng qua. Con người ai cũng đều có giọng nói (trừ các trường hợp khuyết tật) mà đã có giọng nói thì chắc chắn có thể gặp phải tình trạng khàn giọng.

Khàn tiếng là gì?

Khàn tiếng là hiện tượng giọng bị khàn, thô ráp, thều thào, nói nhỏ, làm âm phát ra không được mượt mà. Cổ họng của bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy, thường xảy ra do những bất thường từ 2 dây thanh âm nằm bên trong thanh quản.

Để tạo ra tiếng nói thì ta cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan sau:

  • Thanh quản tạo âm cơ bản
  • Họng và miệng làm việc như một hộp cộng hưởng và là bộ phận cấu âm
  • Thực quản tạo âm cơ bản rồi khuếch đại và điều chỉnh tạo ra tiếng nói

Quá trình phát âm gồm 4 giai đoạn

  • Kích hoạt: các cơ hô hấp tạo áp lực đủ mạnh để thanh môn đóng kính và tạo rung động nếp thanh
  • Tạo nguồn âm: 2 dây thanh dao động để tạo ra âm cơ bản
  • Cộng hưởng
  • Cấu âm, phát âm: màng hầu, răng, lưỡi, môi làm biến đổi âm tạo ra tiếng nói hoàn chỉnh

Vậy bệnh lý ở một trong các cơ quan tham gia vào quá trình phát âm đều có thể gây khàn tiếng.

Nguyên nhân gây khàn tiếng?

Khàn giọng có thể có một số nguyên nhân sau:

Viêm thanh quản

Thanh quản là đường dẫn khí duy nhất vào đường hô hấp dưới, khi thanh quản bị viêm có thể gây phù nề niêm mạc vùng thanh quản và dây thanh âm làm hẹp và bít đường thở gây suy hô hấp và khàn tiếng.

Viêm thanh quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng khàn tiếng và cũng là một trong những bệnh lý thường gặp của viêm đường hô hấp trên.

Nguyên nhân có thể do cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dị ứng.

Các triệu chứng của viêm thanh quản gồm:

  • Hội chứng tắc nghẽn hô hấp trên: khó thở thì hít vào, hoặc cả 2 thì hít và thở, có tiếng rít thanh quản khi thăm khám.
  • Hội chứng đáp ứng Viêm toàn thân nếu viêm đường hô hấp trên do nhiễm vi khuẩn: sốt > 38 độ C hoặc < 36 độ C, nhịp tim > 90 nhịp/phút, nhịp thở > 20 lần/phút, …
  • Nếu nguyên nhân do siêu vi, người bệnh có Hội chứng nhiễm siêu vi: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu, …
  • Nặng hơn nữa có thể dẫn đến Hội chứng suy hô hấp cấp: khó thở, NT > 30l/phút, co kéo cơ hô hấp phụ, …
  • Ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, ho, …

Đối với viêm thanh quản do virus, bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng hoặc mất tiếng do dây thanh âm bị viêm nhiễm, phù nề.

Viêm thanh quản thường lui dần sau 5-6 ngày, có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần, nếu dài hơn có thể gợi ý đến các bệnh khác như viêm dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản

Nói to hoặc la hét, hát trong thời gian dài, nói to tại những nơi ồn ào, nói quá lâu mà không nghỉ, hát to hoặc hát với giọng quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra đau họng khàn tiếng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản gây ra tình trạng axit dịch vị trào ngược lên cổ họng và thực quản liên tục trong thời gian dài, có thể phá hủy niêm mạc, dẫn đến hiện tượng nóng rát, kích thích và đau nhức vùng cổ họng. Thông thường khàn tiếng do GERD sẽ nặng nhất vào buổi sáng và đỡ dần trong ngày.

  • Bên cạnh đó cũng có trường hợp, axit trong dạ dày trào ngược lên đến tận vùng họng và thanh quản gây kích ứng các dây thanh âm. Đây được gọi là trào ngược thanh quản. Trào ngược thanh quản có thể xảy ra vào ban ngày lẫn ban đêm. Trào ngược thanh quản có thể không gây ợ chua, ợ chua nhưng khiến người bệnh khó chịu ở cuống họng và phải liên tục ho để khiến cổ họng dễ chịu hơn, chính điều đó có thể dẫn đến khàn tiếng.
  • Một số nguyên nhân khác có thể gặp:
  • Hút thuốc lá
  • Uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine
  • Dị ứng
  • U thanh quản
  • Hít phải các khí độc
  • Ho nặng và kéo dài
  • Ung thư vùng đầu mặt cổ: ung thư tuyến giáp, ung thư vùng hầu họng hoặc ung thư phổi.
khan tieng
Khàn tiếng có thể do trào ngược thực quản dạ dày

Bị khàn giọng có cần đi khám bác sĩ?

Khàn tiếng thường không xuất hiện đơn độc mà là triệu chứng của một bệnh lý nào đó, chính vì vậy việc đi khám bác sĩ chuyên khoa tại mũi họng là cần thiết nếu triệu chứng khàn giọng trở nặng hoặc xuất hiện kèm theo các triệu chứng sau:

  • Bị khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt là nếu bạn không có bị cảm lạnh hoặc cúm trước đó
  • Ho ra máu
  • Nuốt khó
  • Cảm thấy đau khi nói hoặc nuốt thức ăn
  • Khó thở
  • Bị tắt tiếng trong hơn vài ngày qua

Cách điều trị tắt tiếng khàn giọng

Bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giúp thuyên giảm bớt tình trạng khàn giọng tắt tiếng của mình, nếu triệu chứng vẫn không cải thiện thì đừng chủ quan mà hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn nhé.

  • Hạn chế đồ uống có cồn hay caffein: vì có thể làm khô họng và làm khàn tiếng nặng hơn.
  • Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, stress do học tập hoặc làm việc quá sức.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thực phẩm giàu vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng, đảm bảo hệ miễn dịch luôn hoạt động khỏe mạnh và hỗ trợ ức chế nhiễm trùng, bổ sung chất lỏng, vitamin và chất xơ: ăn thêm nhiều rau xanh và hoa quả tươi vào trong bữa ăn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày: chải răng ít nhất 2 lần/ngày và nên súc miệng sau khi ăn trong vòng 30’. Thói quen này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn chặn không để mầm bệnh lây lan xuống cổ họng.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không dùng tay để bốc đồ ăn.
  • Hạn chế la hét quá nhiều và nói với âm lượng vừa phải.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích như thức ăn cay nóng, mù tạt, cà ri, sa tế, mặn, phấn hoa, …
  • Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động vì hút thuốc gây khô và kích thích họng.
  • Súc miệng và cổ họng với nước muối ấm: Khi bị đau rát họng ít nhất mỗi giờ bạn hãy súc miệng một lần với 1 thìa muối (khoảng 5 gam muối) pha với nước lọc hoặc dùng nước muối sinh lý mỗi ngày 1 – 2 lần
  • Uống đồ uống nóng, không uống nước đá, nước lạnh.
  • Uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể, làm sạch đường hô hấp
  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh đau họng, cảm lạnh, hoặc các bệnh viêm đường hô hấp trên khác.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường và khi đến những nơi đông người để ngăn ngừa nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
  • Giữ ấm cơ thể, vào mùa lạnh, nên tắm bằng nước ấm ở nơi không có gió lùa. Tắm nhanh và lau khô người rồi mới mặc quần áo. Mặc đủ ấm tránh bị cảm lạnh.

Khàn tiếng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và có thể từ bệnh lý nghiêm trọng như trào ngược dạ dày thực quản. Chính vì vậy, nếu khàn tiếng lâu ngày, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.