Hầu như ai trong chúng ta cũng từng đôi lần bị nghẹt mũi, và không thể phủ nhận, nghẹt mũi gây khó chịu và ít nhiều làm giảm chất lượng cuộc sống. Nghẹt mũi có thể là một biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể hoặc là một triệu chứng của các bệnh lý tại mũi. Hãy cùng Doctor có sẵn xem một vài nguyên nhân phổ biến và các biện pháp để khắc phục trong bài viết dưới đây
Tóm tắt nội dung
Nghẹt mũi là gì?
Nghẹt mũi xảy ra khi hốc mũi bị tắc nghẽn bởi một hay nhiều yếu tố nào đó. Tùy theo các bệnh lý khác nhau mà nghẹt mũi có thể diễn tiến đột ngột hay từ từ, 1 bên hay 2 bên, có thể đi kèm với các triệu chứng khác như chảy mũi, đau nhức mặt, giảm khứu giác,..
Nguyên nhân gây ra nghẹt mũi
Một số nguyên nhân thường gặp của nghẹt mũi:
- Viêm mũi
- Viêm xoang
- Các bất thường về cấu trúc mũi:
- Vẹo vách ngăn
- Hẹp cửa mũi sau
- Polyp mũi
- Các khối u vùng mũi
- Sự thay đổi nội tiết tố, ví dụ như dùng thuốc nội tiết tố, đang mang thai,..
- Viêm VA
- Lạm dụng các thuốc co mạch dùng kéo dài
- Hít không khí khô lạnh kéo dài
- Chất lượng không khí xung quanh kém, khói bụi, nước hoa, khói thuốc lá,..
Khi nào thì nên gặp bác sĩ?
Trong một số trường hợp, nghẹt mũi có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, hãy nên đến gặp bác sĩ khi bạn có các triệu chứng sau:
- Nghẹt mũi 1 bên tăng dần, có thể kèm theo chảy dịch, chảy máu mũi
- Nghẹt mũi kèm sốt cao
- Nghẹt mũi kèm chảy mũi với màu sắc dịch thay đổi từ trong sang màu vàng, xanh
- Nghẹt mũi kèm với các triệu chứng giảm khứu giác, đau nhức vùng mặt, nghe kém,…
- Nghẹt mũi sau chấn thương vùng đầu mặt
Nên gặp bác sĩ nào khi mắc các vấn đề về nghẹt mũi?
- Phòng khám Tai Mũi Họng Thành Đông – Q. Tân Bình
- Bệnh viện quốc tế City – City International Hospital – Q. Bình Tân
- Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare – Q.10
Điều trị nghẹt mũi như thế nào?
Tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi bệnh, hỏi về diễn tiến cũng như tiền căn bệnh lý và sử dụng thuốc trước giờ, đặc biệt là aspirin. Nội soi hốc mũi và các xét nghiệm về hình ảnh học như Xquang, CTScan vùng mặt có thể giúp xác định được một số nguyên nhân gây ra nghẹt mũi
Thông thường, nghẹt mũi được điều trị bằng cách dùng thuốc, một số thuốc được dùng để điều trị là:
- Thuốc xịt mũi Corticosteroid: Trong một số trường hợp có thể dùng đường uống tuy nhiên tác dụng phụ nhiều và chỉ nên dùng trong một thời gian ngắn.
- Thuốc kháng histamine: Dùng cho các trường hợp nghĩ do dị ứng, tuy nhiên, kháng histamine thường được dùng cho chảy mũi hơn là nghẹt mũi.
- Kháng sinh: Dùng trong các trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng.
- Thuốc co mạch: Làm cải thiện nghẹt mũi, tuy nhiên chỉ nên sử dụng ngắn ngày.
Đối với các trường hợp thất bại với điều trị dùng thuốc, hay nghẹt mũi do các nguyên nhân về bất thường cấu trúc mũi, do các khối tăng sinh trong mũi,.. thì bác sĩ sẽ cân nhắc và tiến hành phẫu thuật để loại bỏ các yếu tố gây tắc nghẽn. Một số phẫu thuật thường thực hiện là:
- Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn
- Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang
- Phẫu thuật cắt bỏ các khối trong mũi họng
- Nạo VA
Các cách làm giảm nghẹt mũi tại nhà
Nghẹt mũi ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, đặc biệt là giấc ngủ và chất lượng của bữa ăn. Vì vậy, biết cách làm giảm nghẹt mũi tại nhà là một việc hữu ích.
Sử dụng máy tạo ẩm trong nhà
Điều này giúp làm ẩm niêm mạc mũi, tăng khả năng phục hồi niêm mạc đang bị hư tổn, và chúng sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hơn.
Tránh các chất khiến cơ thể dị ứng
Khi bạn có hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi trong nhiều, chảy nước mắt và nghẹt mũi thì có thể là một biểu hiện của viêm mũi dị ứng. Nên quan sát và ghi nhận các lần diễn ra tương tự sau khi tiếp xúc với các thứ nghi là chất dị ứng, ví dụ như lông thú cưng, phấn hoa, thức ăn,..
Trong trường hợp này, uống thuốc chống dị ứng có thể đem lại hiểu quả tốt, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Một số thuốc có thể gây buồn ngủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt
Tránh môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá, nước hoa, các dung dịch hay khói gây kích thích.
Làm ấm mũi
Khi mũi được làm ấm sẽ khiến nở rộng đường thở ở mũi, từ đó nghẹt mũi được cải thiện
- Chườm ấm mũi: nhúng khăn mặt vào nước ấm. Vắt nước, sau đó gấp lại và đặt lên trên mũi và trán. Hơi ấm có thể giúp đem lại cảm giác dễ chịu và giảm viêm cho lỗ mũi
- Xông mũi bằng hơi nước ấm
Uống đủ nước
Việc bổ sung đủ nước sẽ làm loãng đàm nhầy, từ đó dễ thải ra ngoài và giảm áp lực trong xoang. Giảm áp lực sẽ khiến giảm viêm và giảm kích thích.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Rửa mũi sẽ lấy đi các dịch nhầy trong mũi, khiến mũi thông thoáng hơn và dọn đường thuận lợi cho các thuốc xịt mũi điều trị sử dụng có hiệu quả hơn. Nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước vô khuẩn. Không nên sử dụng nước sinh hoạt để rửa mũi như nước máy, nước giếng,..
Cách rửa mũi ở người lớn:
- Nghiêng người về phía trước của bồn rửa mặt, không ngửa đầu ra phía sau
- Dùng bơm xilianh (đã lấy kim tiêm ra) hay bình có dạng vòi xịt nước vào một bên mũi, không được hít vào mà phải thở bằng miệng, khi đó nước sẽ vào mũi và qua lỗ mũi bên kia bằng cửa mũi sau và được thải ra ngoài xuống bồn rửa. Sau đó làm sạch lại mũi bằng cách xì mũi nhẹ nhàng
- Thực hiện tương tự với mũi bên còn lại. Luôn giữ dụng cụ rửa mũi sạch sẽ và khô thoáng
Không nên rửa quá nhiều lần trong 1 ngày. Nên rửa mũi mỗi ngày một lần. Rửa mũi thường xuyên sẽ làm khô lớp chất nhầy có tác dụng giữ ẩm, sát khuẩn tự nhiên của niêm mạc mũi.
Đặc biệt ở trẻ em, việc rửa mũi không đúng cách có thể gây nguy hiểm tính mạng. Không nên tự ý sử dụng xi lanh để rửa mũi cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì bơm xi lanh có áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ nhỏ. Đối với các trẻ nhỏ, chỉ nên nhỏ vài giọt nước muối sinh lý và lấy dịch mũi bằng bấc sâu kèn hay bình bóp lấy nước mũi. Tuy nhiên, cha mẹ nên hỏi bác sĩ trước về các cách rửa mũi cho trẻ nhỏ
Sử dụng dầu gió, ống hít phù hợp
Tinh dầu trong dầu gió và ống hít giúp có tác dụng thông mũi, sát trùng đường hô hấp. Cũng nhờ chứa các tinh dầu mà dầu gió có tác dụng chống viêm nhiễm, giảm đau và làm cho có cảm giác sảng khoái…
Kể cả ống hít có thể giúp thông mũi, chống phần nào nghẹt mũi, nhưng nếu dùng nhiều thì có thể làm tổn thương màng nhày ở mũi, gây khô rát khoang mũi. Do vậy, bạn không nên lạm dụng chúng. Bên cạnh đó, dùng loại ống hít thông mũi này lâu dài sẽ gây nên tình trạng “nghiện” và làm giảm khả năng nhận biết về mùi.
Tuyệt đối không sử dụng dầu gió cho trẻ dưới 2 tuổi, theo các Y văn báo cáo trên thế giới cho thấy sử dụng dầu gió có tình dầu bạc hà hay chương não có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ sơ sinh
Sử dụng thuốc co mạch
Việc dùng thuốc co mạch cho thấy hiệu quả tốt trong việc làm giảm nghẹt mũi, tuy nhiên không được dùng quá 3 ngày, vì khi dùng lâu, niêm mạc sẽ “trơ” với thuốc và dẫn đến nghẹt mũi nhiều hơn trước, và gây nên chứng bệnh viêm mũi do thuốc.
Thuốc co mạch có thể ảnh hưởng lên nhịp tim và huyết áp, vì vậy cân nhắc sử dụng cho các đối tượng bị bệnh tim mạch. Tốt hơn hết, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
Các loại thuốc co mạch hiện nay chia thành 2 nhóm, nhóm viên uống và nhóm dung dịch nhỏ tại mũi. Nhóm thứ 2 ít gây các tác dụng lên tim mạch hơn. Một số thuốc phổ biến trên thị trường hiện nay như Naphazoline, Xylometazoline,.. Không nên sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Lời kết
Nghẹt mũi là một triệu chứng khó chịu mà ai trong chúng ta cũng đều có thể gặp phải. Nghẹt mũi do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể sinh lý hay bệnh lý. Nếu biết cách có thể làm giảm nghẹt mũi một cách hiệu quả, tuy nhiên, một vài nguyên nhân thì phải cần được điều trị ở cơ sở y tế thì mới đỡ nghẹt mũi được.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Kiến thức cơ bản tai mũi họng, Harold Ludman & Patrick J. Bradley, biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Dung, MD
- Dùng đúng dầu gió, ống hít – Sức Khỏe và Đời Sống
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý sai cách trẻ phải đi cấp cứu – Sức Khỏe và Đời Sống