9 triệu chứng viêm tai giữa có thể bạn chưa biết

Triệu chứng viêm tai giữa là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bệnh nhân, vì bệnh này khiến nhiều người chủ quan, nhưng biến chứng mà nó gây ra có thể không chữa trị được. Vậy nguyên nhân viêm tai giữa là gì? Triệu chứng viêm tai giữa như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về viêm tai giữa

triệu chứng viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nó phổ biến hơn ở trẻ 6 – 36 tháng tuổi sơ với người lớn, có thể gây điếc hoặc nhiễm trùng nặng cho trẻ. Tuy người lớn ít gặp viêm tai giữa hơn nhưng vẫn có vài trường hợp bệnh nhân bị hôn mê sâu vì biến chứng tắc mạch máu não của viêm tai giữa. Chính vì sự nghiêm trọng của bệnh, mọi người cần nhận biết được các triệu chứng viêm tai giữa để phát hiện đi khám bác sĩ kịp thời, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm về sau.

Thống kê có khoảng 80% trẻ em lên 3 có ít nhất 1 lần bị viêm tai giữa. Tuy là viêm tai giữa xảy ra chủ yếu ở trẻ em, người lớn cũng không phải là ngoại lệ,

Cấu trúc giải phẫu các bộ phận của tai

triệu chứng viêm tai giữa

Tai giữa là cấu trúc có vai trò truyền xung động âm thanh từ màng nhĩ đến cấu trúc tai thông qua chuỗi xương con, qua đó chúng ta có thể nghe được âm thanh. Để biết được cơ chế của sự lan truyền xung động này, bạn cần tìm hiểu về cấu trúc giải phẫu các bộ phận của tai:

Tai gồm có 3 phần chính là tai ngoài, tai giữa, tai trong, cụ thể như sau:

  • Tai ngoài bao gồm loa tai, ống tai ngoài.
  • Tai giữa giới hạn bởi màng nhĩ, gồm hòm nhĩ, chuỗi xương con và vòi nhĩ.
  • Tai trong là phần trong cùng, gồm tiền đình, hệ thống ống bán khuyên và ốc tai, trong đó ốc tai có nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu xung động âm thanh thành tín hiệu thần kinh và hệ tiền đình – các ống bán có nhiệm vụ giúp cơ thể giữ thăng bằng.

3 loại viêm tai giữa phổ biến:

Viêm tai giữa được chia thành 3 loại dựa trên mức độ và thời gian nhiễm trùng của bệnh nhân:

  • Viêm tai giữa cấp: Thường là do sự rối loạn chức năng của vòi nhĩ, bệnh thường xảy ra khi bệnh nhân vừa trải qua 1 đợt nhiễm trùng hô hấp trên do tác nhân virus.
  • Viêm tai giữa mạn: tình trạng viêm tai giữa kéo dài trên 12 tuần, người bệnh có thể phát hiện tai bị chảy mủ qua lỗ thủng ở màng nhĩ.
  • Viêm tai giữa ứ dịch: hiện tượng viêm kích thích niêm mạc tiết dịch, tuy nhiên dịch viêm không được dẫn lưu ra bên ngoài mà ứ đọng lại trong hòm nhĩ gây tình trạng viêm nhiễm. Dịch bị ứ đọng có thể là thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.

Người dễ bị viêm tai giữa

triệu chứng viêm tai giữa

Các chuyên gia nhận định rằng mặc dù phổ biến nhất ở đối tượng trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi, bệnh viêm tai giữa còn có thể gặp ở những đối tượng sau:

  • Trẻ đang sử dụng núm vú giả, hoặc bú bình.
  • Trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, nhà trẻ
  • Người sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm nặng
  • Thay đổi độ cao (leo núi)
  • Thay đổi khí hậu, đi qua vùng có khí hậu lạnh
  • Người vừa mắc cảm cúm, cảm lạnh, viêm xoang hoặc nhiễm trùng tai
  • Dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng

Nguyên nhân viêm tai giữa

Nguyên nhân viêm tai giữa chủ yếu có liên quan đến nhiễm trùng, do tác nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus. Nhiễm trùng tai giữa cũng có thể bắt đầu sau 1 đợt cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng làm tắc nghẽn ngách mũi sau (bệnh viêm VA) hoặc tắc nghẽn vùng họng, vòi nhĩ.

Vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustach): một ống có đường kính hẹp, thông thương giữa vòm họng và tai giữa, có nhiệm vụ điều hòa áp suất không khí của tai, ngoài ra còn giúp dẫn lưu dịch tiết, chất thải từ tai giữa xuống vòm họng. Nếu viêm vòi nhĩ sẽ gây tình trạng tắc nghẽn, tích tụ dịch tiết ở tai giữa và gây viêm tai giữa. Ở trẻ em, sự phát triển chưa hoàn chỉnh của vòi nhĩ cũng khiến nó hẹp hơn, nằm ngang hơn so với người lớn nên dễ bị viêm tai giữa hơn.

VA: Là một cấu trúc mô lympho nằm ngay trên vòm họng, có nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vì VA nằm gần 2 lỗ vòi nhĩ thông xuống họng, khi nó bị viêm có thể sưng to và gây chèn ép vòi nhĩ, hậu quả là gián tiếp gây ra viêm tai giữa. Trẻ em cũng thường bị viêm VA hơn người lớn, nên cũng dễ bị viêm tai giữa hơn.

Triệu chứng viêm tai giữa

triệu chứng viêm tai giữa

Sự khởi phát các triệu chứng viêm tai giữa thường diễn ra cấp tính và không giống nhau ở mỗi bệnh nhân, trong đó trẻ em thường có những triệu chứng viêm tai giữa sau đây:

  • Chủ yếu là những triệu chứng đau tai, chủ yếu khi nằm;
  • Trằn trọc, khó ngủ;
  • Thường hay quấy khóc;
  • Nghe kém, phản xạ chậm hoặc không đáp ứng với kích thích âm thanh;
  • Thường bị mất thăng bằng;
  • Sốt cao (từ 38 độ C trở lên);
  • Tai chảy dịch mủ;
  • Nhức đầu;
  • Trẻ bú kém hoặc chán ăn.

Khác với trẻ em, người lớn chỉ đau tai là chủ yếu; đôi khi tai chảy dịch mủ; khiếm thính hoặc giảm sức nghe.

Chẩn đoán viêm tai giữa như thế nào

triệu chứng viêm tai giữa

Dựa vào các triệu chứng và thời gian của triệu chứng, bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh bị viêm tai giữa. Tuy nhiên để xác định chính xác chẩn đoán, vẫn cần sự hỗ trợ của thiết bị, máy móc xét nghiệm để nội soi và khám chức năng tai:

  • Thăm khám: bác sĩ nội soi tai, dùng đèn soi tai để đáng giá những tổn thương bên trong tai. Qua đó, bác sĩ có thể xem màng nhĩ để đánh giá tình trạng nhiễm trùng, bằng các dấu hiệu viêm, sung huyết, căng phồng màng nhĩ hoặc ứ dịch bên trong hòm nhĩ.
  • Khám các hệ cơ quan: Ngoài việc khám tai, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các cơ quan có liên quan đến bệnh lý viêm tai giữa như vùng mũi xoang, vòm họng hay phổi để tìm thêm các tình trạng nhiễm trùng hô hấp khác.

Kết luận:

Tóm lại, bài viết đã giới thiệu khái quát về các triệu chứng viêm tai giữa, cũng như các nguyên nhân gây ra của căn bệnh này. Người bệnh cần theo dõi và chú ý phát hiện ngay khi có những triệu chứng của viêm tai giữa, để đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán sớm viêm tai giữa và điều trị phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com