Bệnh viêm amidan cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 

Viêm amidan cấp là một bệnh tai mũi họng đang phổ biến hiện nay và được các phụ huynh có con nhỏ quan tâm. Tình trạng viêm amidan sẽ gây các triệu chứng khó chịu đau rát ở họng và có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống thường ngày. Vậy nguyên nhân và cách điều trị bệnh này như thế nào, hãy cùng Docosan tìm hiểu nhé!

Viêm amidan cấp là bệnh gì?

Amidan được xem là hàng rào miễn dịch bảo vệ hệ hô hấp với chức năng vừa giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus, nấm và vừa sản xuất kháng thể vào tuần hoàn máu. Chính vì là lớp chắn đầu tiên của sự nhiễm trùng nên cơ quan này thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh vi khuẩn và virus. Khi có quá nhiều sự tấn công từ tác nhân nhiễm trùng kết hợp với amidan bị suy yếu thì sẽ dễ gặp phải tình trạng viêm.

Hai tuyến amidan là mô lympho phía sau cổ họng, cấu tạo đặc trưng có nhiều khe, hốc nhỏ nên đôi khi trở thành nơi lưu trú của các tác nhân vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, ở Việt Nam có đặc điểm khí hậu nóng ẩm càng góp phần thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển. Đồng thời, hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi bị suy giảm lại là yếu tố nguy cơ tạo cơ hội để virus và vi khuẩn tấn công gây bệnh viêm amidan. Vì vậy đây là nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và khi bị bệnh cần lưu ý điều trị dứt điểm để không làm tăng các biến chứng nguy hiểm. 

Nguyên nhân bị viêm amidan cấp 

Một nguyên nhân chính gây bệnh viêm amidan là do hệ miễn dịch suy giảm kết hợp các yếu tố tấn công như vi khuẩn (thường gặp nhất là họ khuẩn Streptococcus…), virus (cúm, herpes simplex, Epstein-Barr…) tấn công. Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn và gây bệnh thì thường có kèm theo sự sinh mủ nên bệnh còn được gọi là viêm amidan cấp mủ

Một số yếu tố tăng khả năng mắc bệnh như việc sử dụng rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều cũng khiến tình trạng viêm amidan ở người trẻ tăng cao. Một phần các trường hợp có sự thay đổi đột ngột của thời tiết, ô nhiễm môi trường, xung quanh có khói bụi độc hại; người có tiền sử mắc các bệnh viêm VA, viêm xoang, viêm nha chu… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.

viêm amidan cấp
Nguyên nhân của bệnh viêm amidan cấp thường sẽ đa dạng

Các nguyên nhân đã được chứng minh gây ra bệnh viêm amidan cấp là:

  • Đã và đang mắc các bệnh đường hô hấp hay các bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi, HSV, …
  • Vệ sinh khoang miệng không sạch sẽ, bệnh nha chu, … 
  • Có dị tật ở cổ họng hay amidan nhiều hốc khe
  • Môi trường ô nhiễm có nhiều khói bụi, vệ sinh không kỹ, hóa chất độc hại …
  • Sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc sản phẩm đông lạnh 
  • Thời tiết thay đổi đột ngột kèm sự tồn tại của nhiều mầm bệnh trong không khí.

Triệu chứng viêm amidan cấp tính

Biểu hiện của viêm amidan cấp nói chung là tình trạng viêm tấy và sưng đỏ tại amidan. và mức độ nguy hiểm hơn, người bệnh cảm thấy khó thở và nuốt nghẹt. Các triệu chứng thường gặp của một đợt viêm amidan cấp bao gồm:

  • Đau cổ họng, lưỡi gà và khẩu cái mềm sưng đỏ và phồng to
  • Amidan sưng đỏ, tấy đậm 
  • Xuất hiện lớp dịch phủ hay giả mạc màu trắng hoặc vàng
  • Xuất hiện các vết phồng rộp hoặc vết loét đau rát trên họng và amidan
  • Đau đầu, chóng mặt, nhức tai
  • Ăn mất ngon, khó nuốt
  • Sưng hạch ở cổ hoặc hàm
  • Sốt cao và ớn lạnh
  • Cảm giác hôi tanh ở miệng và hơi thở
  • Giọng nói khó nghe, khàn tiếng hoặc nghẹt thở
  • Cổ cứng và sưng dưới hàm. 

Đối với trẻ em, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng điển hình như:

  • Chảy nước bọt và thè lưỡi thường xuyên
  • Bụng khó chịu, ăn không tiêu, chướng bụng
  • Nôn mửa, buồn nôn, nôn vọt sữa
  • Đau bụng, biếng ăn, sụt cân. 
viêm amidan cấp
Triệu chứng viêm amidan cấp ở trẻ em có thể nặng nề hơn người lớn

Nếu các triệu chứng kéo dài dưới 10 ngày thì được gọi là viêm amidan cấp tính nhưng nếu tình trạng viêm kèm các triệu chứng như trên kéo dài trên 3 tuần và/hoặc tái phát nhiều lần trong năm thì được chẩn đoán là viêm amidan mãn tính.

Điều trị bệnh viêm amidan cấp 

Điều trị nội khoa

Nếu bạn đi khám bác sĩ và được xác định nguyên nhân viêm amidan cấp do nhiễm vi khuẩn thì sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và một số thuốc giảm nhẹ triệu chứng cấp tính. Bạn cần tuân thủ uống đúng và đủ liều theo chỉ định, và hãy nhớ rằng ngay cả khi các triệu chứng đã hết hoàn toàn nhưng vẫn uống hết số thuốc kháng sinh. Việc tuân thủ điều trị giúp ngăn tình trạng nhiễm trùng trầm trọng và tái phát dai dẳng hoặc vi khuẩn di chuyển lây lan sang các bộ phận khác. Nguy hiểm khi bạn có nguy cơ bị sốt thấp khớp và viêm cầu thận cấp hậu nhiễm trùng, đều là biến chứng nghiêm trọng của viêm amidan cấp nếu không tuân thủ theo liều thuốc kháng sinh của bác sĩ.

Điều trị với các bài thuốc dân gian

Một số bài thuốc dân gian điều trị tại nhà giúp làm giảm triệu chứng và bệnh amidan nhanh hồi phục, bao gồm:

  • Súc họng với nước muối: Thực hiện khò họng ở đúng tư thế ngửa mặt lên, đầu ngửa về phía sau, khò nhẹ để nước muối tiếp xúc với cổ họng và amidan, thực hiện ít nhất 2 lần mỗi ngày
  • Súc miệng bằng nước ép hành: bạn cần chuẩn bị một củ hành và một ly nước ấm. Sau đó bóc vỏ, rửa sạch và ép lấy nước pha vào ly cốc nước ấm khuấy đều. Súc miệng cùng dung dịch này rồi rửa lại bằng nước sạch, thực hiện khoảng 2-3 lần mỗi ngày.
  • Gừng và mật ong: bạn gọt vỏ gừng rồi rửa sạch và giã dập hoặc cắt thành lát rồi cho vào chén, sau đó đổ mật ong vào để ngâm. Mỗi ngày, bạn ngậm gừng mật ong nhiều lần cho đến khi các triệu chứng viêm amidan cấp giảm nhẹ hẳn.

Điều trị ngoại khoa 

viêm amidan cấp
Điều trị ngoại khoa bệnh viêm amidan cấp là phẫu thuật cắt amidan vĩnh viễn

Sau khi áp dụng hết các giải pháp trên mà tình trạng viêm amidan cấp không cải thiện thì phẫu thuật cắt bỏ amidan là giải pháp tối ưu để điều trị dứt điểm tình trạng bệnh. Nhưng thường đa số các bệnh nhân viêm amidan cấp không cần đến can thiệp ngoại khoa, trừ khi xảy ra các biến chứng khó kiểm soát và được chỉ định cắt amidan như:

  • Tắc nghẽn đường thở khi ngủ
  • Khó thở tăng dần và không đáp ứng với thở miệng
  • Khó nuốt, ăn uống kém, thể trạng suy nhược
  • Áp xe amidan không cải thiện khi điều trị bằng kháng sinh tích cực. 

Viêm amidan cấp là bệnh lý thường gặp và có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu viêm amidan tái phát nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu bạn gặp phải tình trạng đó thì cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định cách điều trị hiệu quả tối ưu.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.

Contact Me on Zalo