Viêm tai giữa có mủ (ứ mủ) là bệnh lý tai mũi họng phổ biến, biểu hiện bởi tình trạng tai giữa bị viêm và chảy mủ tai. Nghiêm trọng hơn, khi dịch bị tích tụ bên trong tai giữa ngày càng nhiều thì có thể gây thủng màng nhĩ. Vậy xử trí viêm tai giữa có mủ như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ Tô Vũ Thủy Tiên, chuyên khoa Tai Mũi Họng, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về là viêm tai giữa có mủ
Viêm tai giữa có mủ là tình trạng ứ dịch mủ trong tai giữa, mà nguồn gốc là do tình trạng nhiễm trùng do cảm lạnh, viêm họng hoặc viêm đường hô hấp trên gây ra. Đa số các trường hợp, dịch tiết trong tai giữa sẽ tự thuyên giảm trong khoảng 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp, dịch tiết sẽ tồn tại lâu hơn trong tai giữa và tạm thời gây giảm thính lực tạm thời. Nếu nghiêm trọng hơn, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào dịch ứ đọng gây nhiễm trùng, hậu quả là viêm tai giữa có mủ.
Thống kê cho thấy, viêm tai giữa có mủ phổ biến hơn ở nhóm đối tượng trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi và xảy ra chủ yếu ở những bé trai. Bệnh lý này cũng khó phát hiện sớm vì những triệu chứng ở giai đoạn cấp tính thường mơ hồ, tuy nhiên khi phát hiện muộn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là thính giác.
Nguyên nhân, triệu chứng viêm tai giữa có mủ
Nguyên nhân viêm tai giữa có mủ
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm tai giữa có mủ là do vòi Eustache bị rối loạn hoạt động. Bình thường nó giúp cân bằng áp suất không khí bên trong và bên ngoài tai. Khi vòi Eustache bị rối loạn hoạt động, quá trình dẫn lưu dịch từ tai giữa xuống họng bị gián đoạn hoặc tắc nghẽn, khiến cho dịch tiết tích tụ ở tai giữa. Những nguyên nhân khiến cho vòi Eustache bị rối loạn hoạt động bao gồm:
- Vòi Eustache phát triển chưa hoàn thiện (chủ yếu ở trẻ nhỏ từ 3 – 36 tháng tuổi)
- Những người vừa bị viêm V.A
- Tình trạng dị ứng hoặc cảm cúm, cảm lạnh cũng có thể dẫn đến gây sưng và tắc nghẽn niêm mạc mũi, vòm họng và vòi Eustache, từ đó cản trở sự lưu thông bình thường của không khí và dịch tiết giữa bên trong và bên ngoài tai.
- Khiếm khuyết bẩm sinh vòi Eustache.
Mặc dù bệnh viêm tai giữa có mủ xảy ra chủ yếu ở trẻ em từ 3 – 36 tháng tuổi, một số đối tượng sau đây cũng có nguy cơ mắc bệnh tương tự trẻ em:
- Thói quen cho trẻ nằm ngửa khi bú bình sữa.
- Trẻ em hút thuốc lá thụ động.
- Trẻ không được bú mẹ hoàn toàn.
- Trẻ có tiền sử nhiễm trùng tai.
- Trẻ bị dị tật bẩm sinh vùng mũi họng hoặc dị dạng sọ não.
- Ngoài ra, những tình trạng dị ứng hoặc viêm nhiễm đường hô hấp cũng đều có thể thúc đẩy một đợt viêm tai giữa có mủ. Hoặc việc thay đổi áp suất không khí do thay đổi độ cao (ví dụ như đi máy bay hoặc leo núi) cũng có thể gây rối loạn chức năng vòi Eustache và ảnh hưởng đến sự lưu thông dịch tiết của tai.
Triệu chứng của viêm tai giữa có mủ:
Một điều quan trọng cần lưu ý là viêm tai giữa có mủ không phải là hậu quả của bệnh nhiễm trùng, mà nó là yếu tố thúc đẩy của bệnh. Các triệu chứng viêm tai giữa có mủ đa số thường ở mức độ nhẹ và phụ thuộc 1 phần vào độ tuổi của bé. Một số triệu chứng viêm tai giữa có mủ thường gặp như sau:
- Cảm giác bị ù tai
- Giảm thính lực tạm thời
- Dịch mủ chảy ra từ tai (đặc biệt khi đã bị thủng màng nhĩ)
- Đau bên trong tai (ở những trẻ còn quá nhỏ thì không thể nói rằng bị đau tai, mà trẻ sẽ thường giật mạnh tai và quấy khóc khó dỗ)
Ngoài ra, một số dấu hiệu nhiễm trùng cũng có thể biểu hiện trên người bị viêm tai giữa có mủ, đôi khi chúng là dấu hiệu của 1 tình trạng nhiễm trùng hô hấp khác đi kèm:
- Đau nhức tai (trẻ nhỏ thường quấy khóc hoặc kéo giật mạnh tai)
- Sốt cao trên 38 độ C.
- Dễ cáu gắt, quấy khóc.
- Trẻ mệt mỏi, suy nhược và trông thiếu sức sống
- Nghe khó, giảm phản xạ đối với những kích thích âm thanh từ bên ngoài.
- Trẻ trằn trọc, khó ngủ, chán ăn.
Viêm tai giữa có mủ là một bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em từ 3 đến 36 tháng tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao vì lúc này cấu trúc vòi Eustache chưa phát triển hoàn chỉnh. Do đó, việc nhận biết kịp thời những triệu chứng sẽ giúp cha mẹ sớm phát hiện bệnh và đưa trẻ đi bác sĩ kịp thời.
Những biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa ứ mủ
Để ngăn chặn kịp thời và phòng ngừa bệnh viêm tai giữa có mủ, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ một số vấn đề sau:
- Nên điều trị dứt điểm những bệnh lý tai mũi họng như: viêm VA, viêm mũi xoang,…
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với những trẻ hoặc người lớn đang bị nhiễm trùng đường hô hấp khác.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc nơi tiếp xúc nhiều người lạ như bến xe, bệnh viện… vì có nguy cơ lây bệnh viêm đường hô hấp từ người khác.
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, cũng như sau khi đi đại tiện nhằm hạn chế việc vô tình đưa vi khuẩn vào người qua đường tiêu hóa.
- Thường xuyên bổ sung đủ các khoáng chất, vitamin nhằm nâng cao thể trạng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Không nên cai sữa mẹ cho trẻ quá sớm (trước 12 tháng).
- Tiêm chủng vaccine đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp như cảm cúm,…
Kết luận
Nói chung, viêm tai giữa có mủ sẽ dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được tiến hành điều trị đúng đắn và kịp thời. Do đó, khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, cha mẹ cần mau chóng đưa con em đi khám bác sĩ để có thể điều trị sớm nhất có thể, phòng những biến chứng về sau.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: healthline.com