Viêm VA là một bệnh nhiễm trùng ở đường hô hấp thường gặp ở trẻ em. VA giúp trẻ tạo nên sức đề kháng và chống lại bệnh tật. Song, bên cạnh mặt bảo vệ, khi bị viêm, VA cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của trẻ và gây ra nhiều nỗi lo lắng cho các bậc cha mẹ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về căn bệnh viêm VA trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
VA là gì?
VA là một mô bạch huyết nằm ở nóc vòm. VA là 2 chữ viết tắt của từ tiếng Pháp Végétations adenoids, hay còn gọi là sùi vòm họng. Nhờ sự góp phần của VA vào chức năng miễn dịch mà cơ thể có thể chống lại được các tác nhân gây bệnh. Không khí hít vào qua mũi đem theo vi khuẩn bám lên bề mặt VA, sẽ được bắt lại. Nơi đây vi khuẩn được nhận diện và cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để chống lại chúng
VA phát triển mạnh nhất ở trẻ em 2-3 tuổi để thực hiện chức năng miễn dịch, sau đó lớn lên thì ngày càng teo đi. Đến năm 12 tuổi thì có thể không thấy VA nữa. Tuy nhiên, ở một số ít người khi lớn lên nhưng VA không teo đi và trở thành VA tồn dư.
Viêm VA là gì?
Khi vừa mới sinh, VA là vô khuẩn, nhưng ngay sau đó, trẻ hít thở không khí trong phòng sanh mang theo các vi khuẩn vào bám lên bề mặt VA. Tuy nhiên, chúng sẽ ở đó với tính cách là cộng sinh, không có hại cho em bé, vì trong 6 tháng đầu đời, bé được truyền một lượng lớn kháng thể từ mẹ sang.
Khi lớn lên, nguồn kháng thể ấy dần cạn kiệt, bé dễ bị mắc viêm nhiễm đường hô hấp nhiều lần, và trong những lần đó, VA bị tấn công và gây viêm VA, gây ra các triệu chứng khó chịu và cấp tính cho trẻ. Sau những đợt như vậy kéo dài, dần dần VA quá phát và trở thành viêm VA mạn tính.
Viêm VA thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Ở người lớn ít gặp, nếu có thì là viêm VA tồn dư
Nguyên nhân của viêm VA
- Một đợt viêm nhiễm mũi họng cấp có thể dẫn đến viêm VA, và thông thường đó là do các vi khuẩn cộng sinh trở nên mạnh hơn và gây bệnh sau khi vùng họng mũi bị suy yếu bởi nhiễm trùng siêu vi trước đó.
- Các vi trùng bên ngoài xâm nhập vào VA gây viêm
- Trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày gây kích thích dẫn đến viêm VA
Triệu chứng của viêm VA
VA có thể bị viêm nhẹ khi thực hiện chức năng miễn dịch của mình, điều đó là cần thiết cho cơ thể của bé để tạo kháng thể, và bé có thể tự vượt qua được. Tuy nhiên có những trường hợp viêm nặng gây ra các triệu chứng khó chịu và cấp tính.
Viêm VA cấp tính
- Sốt cao 39-40 độ, lừ đừ, chán ăn bỏ bú, nôn ói
- Trẻ chảy mũi đục nhày, lượng nhiều
- Nghẹt mũi một hoặc cả 2 bên khiến trẻ thở bằng miệng
- Ho khan do thở bằng miệng gây khô họng và dễ bị kích thích bởi dịch tiết trên nóc vòm chảy xuống
- Rối loạn tiêu hóa do dịch từ nóc vòm chảy xuống, có thể nôn ói, tiêu chảy, đau bụng,..
Viêm VA mạn tính
Viêm VA cấp nhiều đợt kéo dài, dần dà VA quá phát, trở thành một ổ chứa vi khuẩn và dẫn tới viêm VA mạn
- Trẻ chảy mũi màu xanh vàng mà trong dân gian hay gọi là “thò lò mũi xanh”
- Nghẹt mũi thường xuyên phải thở bằng miệng
- Do nghẹt mũi lâu ngày dẫn đến thiếu oxy, ngủ hay nghiến răng, ngủ ngáy, đái dầm, học hành kém
Đối với người lớn, vòm họng phát triển rộng hơn của trẻ em, nên ít gây ra các triệu chứng nghẹt mũi, nhưng luôn có cảm giác vướng và ngứa ở nóc vòm, phải đằng hắng, khạc nhổ, ho khan từng tiếng
Biến chứng của viêm VA
Khi VA viêm mà quá phát, tức là thể tích tăng sẽ dẫn đến các biến chứng về tắc nghẽn và nhiễm trùng các cơ quan lân cận.
Dị dạng sọ mặt
Khi bị nghẹt mũi lâu năm ( khoảng 6-7 năm), trẻ phải liên tục há miệng để thở, vì vậy gây ảnh hưởng lên hình dạng của sọ mặt vốn đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ ở tuổi nhỏ.
Bộ mặt VA là một hậu quả của quá trình viêm VA quá phát ở trẻ. Trẻ bị bộ mặt VA sẽ có trán dô, mũi tẹt, răng vẩu, cằm lẹm, miệng luôn há, trông đờ đẫn và ngơ ngác.
Trẻ bị ngưng thở khi ngủ
Do bị tắc nghẽn đường thở lâu ngày, khi ngủ bé sẽ có những cơn ngưng thở, và một ngày nào đó, bé sẽ ngưng thở và tử vong trong lúc ngủ
Viêm tai giữa
Vì cấu tạo của 2 lỗ vòi nhĩ nằm cạnh 2 bên của VA, nên khi VA to sẽ dẫn đến bít lỗ vòi. Lỗ vòi nhĩ là nơi đổ ra của ống vòi nhĩ từ tai giữa vào họng, vì vậy khi bị bít tắc, chất dịch trong tai giữa và ống vòi nhĩ không thể lưu thông, dẫn đến bị ứ đọng và gây ra nhiễm trùng, bên cạnh đó, bản thân VA là một ổ chứa vi khuẩn, vi khuẩn di chuyển vào lỗ vòi nhĩ từ đó sẽ dẫn đến bệnh cảnh viêm tai giữa, trẻ sẽ bị đau tai, ù tai và đặc biết là nghe kém.
Viêm mũi xoang, viêm thanh khí phế quản
VA viêm gây tiết dịch kéo dài mang theo các vi khuẩn, dịch tiết đó khi đổ vào các cấu trúc xung quanh sẽ gây viêm những nơi đó, dẫn đến những biến chứng nhiễm trùng của VA đó là viêm họng, viêm mũi xoag, viêm thanh khí phế quản.
Viêm VA được chẩn đoán như thế nào?
Khi đến bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và soi mũi họng để xem hình thái và kích thước của VA. Vì VA ở vị trí khá sâu nên khi há miệng không nhìn thấy được mà phải được xem qua các dụng cụ như gương soi hoặc ống nội soi mũi họng. Có thể nhìn thấy khối VA qua phim chụp Xquang sọ mặt nghiêng.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ khám cả họng miệng và thanh quản, soi tai cho trẻ để phát hiện các viêm nhiễm ở vùng lân cận.
Viêm VA thì điều trị như thế nào?
Khi VA bị viêm nhẹ, có thể chỉ cần theo dõi và tự trẻ sẽ lướt qua được do đó là phản ứng tạo miễn dịch cần phải có của cơ thể. Tuy nhiên, khi bé có sốt cao và gây ra nhiều triệu chứng cấp tính, cần phải điều trị. Cần điều trị bằng kháng sinh, giảm ho, giảm đau hạ sốt. Luôn vệ sinh răng miệng và rửa mũi cho trẻ. Nếu trẻ lớn thì tập bé hỉ mũi
Trong các trường hợp viêm VA không đáp ứng với điều trị thuốc, VA quá to hay gây ra các biến chứng thì cần phải phẫu thuật, đó là nạo VA.
Nạo VA là một phẫu thuật tương đối an toàn. Bé được gây mê và không cần rạch da bên ngoài, bác sĩ sẽ tiếp cận VA qua đường họng.
Lo lắng về việc điều trị viêm VA tại nhà thì nên đến phòng khám nào?
- Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare – Q.10
- Golden Healthcare International Clinic – Q. Tân Bình
- Phòng khám DHA Healthcare – Q.3
Làm sao để ngăn ngừa viêm VA và các biến chứng
- Môi trường ô nhiễm rất ảnh hưởng đến bệnh. Cần giữ cho nhà cửa thoáng đãng, tránh các nơi khói bụi, khói thuốc lá. Đi ra ngoài đường nơi ô nhiễm cần đeo khẩu trang.
- Khi thời tiết thay đổi hay trở lạnh, cần che chắn và giữ ấm cho trẻ, có thể đặt máy tạo ẩm trong nhà.
- Trẻ nên được ăn uống đầy đủ chất, bú sữa mẹ suốt 6 tháng đầu đời và cần ăn dặm sau tháng thứ 6 để bổ sung nhiều dinh dưỡng và vitamin
- Cần đưa trẻ đi khám khi trẻ sốt cao, nước mũi vàng xanh, nghẹt mũi kéo dài để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp, và cần phải tuân thủ điều trị.
- Cần điều trị dứt điểm các bệnh về viêm nhiễm mũi họng, vì có thể là nguồn cơn cho các biến chứng và viêm nhiễm khác về sau
Lời kết
Viêm VA là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em với biểu hiện thường gặp là chảy mũi và nghẹt mũi. Viêm VA thường được điều trị bằng kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và nạo VA trong một số trường hợp. Viêm VA kéo dài và quá phát có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn. Vì thế việc đưa trẻ đi khám khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm VA là một việc cần thiết.
Bên cạnh đó cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ và bảo vệ trẻ trước những môi trường ô nhiễm và thời tiết thay đổi để tránh được các bệnh về đường hô hấp nói chung và viêm VA nói riêng.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng viêm va tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.
- Viêm VA, Tai mũi họng,quyển 2, chủ biên: Nhan Trừng Sơn
- Viêm VA, Tai mũi họng nhập môn, Võ Tấn, Nhan Trừng Sơn
- Viêm VA, Tai mũi họng, Nguyễn Đình Bảng