Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực và thách thức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của chúng ta. Hiểu rõ những vấn đề tâm lý phổ biến là bước đầu tiên để có thể đối mặt và chiến thắng chúng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về 8 vấn đề tâm lý thường gặp nhất hiện nay.
Tóm tắt nội dung
Vấn đề tâm lý là gì?
Các vấn đề tâm lý, thường được dùng với nhiều thuật ngữ khác có thể nghe nặng nề hơn như vấn đề tâm thần, rối loạn tâm thần, được đặc trưng bởi các rối loạn có ý nghĩa lâm sàng trong nhận thức, điều chỉnh cảm xúc hoặc hành vi của một cá nhân. Chúng thường liên quan tới sự khổ sở hoặc giảm khả năng trong một số hoạt động và có khả năng gây ra các hành động tự hại bản thân. Có nhiều loại vấn đề tâm lý khác nhau với nhiều thuật ngữ khác nhau.
Năm 2019, cứ 8 người thì có 1 người, tương đương 970 triệu người trên thế giới đang sống chung với những vấn đề tâm lý, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Năm 2020, số người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm tăng đáng kể do đại dịch COVID-19. Ước tính ban đầu cho thấy mức tăng lần lượt là 26% và 28% đối với rối loạn lo âu và trầm cảm nặng.
Các lựa chọn điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc cho các tình trạng trên đang tỏ ra có hiệu quả, tuy nhiên nhiều bệnh nhân vẫn chưa biết các tiếp cận với chúng và một số trong đó thậm chí còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền.
8 vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay
Rối loạn lo âu
Năm 2019, khoảng 301 triệu người đang sống chung với chứng rối loạn lo âu trong đó có 58 triệu trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là một vấn đề tâm lý đặc trưng bởi sự sợ hãi và lo lắng quá mức và rối loạn hành vi liên quan.
Có nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau, như:
- rối loạn lo âu tổng quát (đặc trưng bởi lo lắng quá mức),
- rối loạn hoảng loạn (đặc trưng bởi các cơn hoảng loạn),
- rối loạn lo âu xã hội (đặc trưng bởi sự sợ hãi và lo lắng quá mức trong các tình huống xã hội),
- rối loạn lo âu chia ly (đặc trưng bởi nỗi sợ hãi quá mức hoặc lo lắng về việc tách khỏi những cá nhân mà người đó có mối quan hệ tình cảm sâu sắc)
- …
Hiện đã có các phương pháp điều trị tâm lý cho rối loạn lo âu, và tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc cũng có thể được cân nhắc.
Trầm cảm
Năm 2019, 280 triệu người đang sống chung với trầm cảm, trong đó có 23 triệu trẻ em và thanh thiếu niên. Trầm cảm khác với những vấn đề tâm lý thông thường hoặc những thay đổi cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày. Trong giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân có tâm trạng chán nản (cảm thấy buồn, cáu kỉnh, trống rỗng), mất niềm vui hoặc hứng thú với các hoạt động trong hầu hết thời gian trong ngày, gần như hàng ngày, trong ít nhất hai tuần.
Một số triệu chứng khác có thể có bao gồm kém tập trung, cảm giác tội lỗi quá mức hoặc cảm thấy giá trị bản thân thấp, vô vọng về tương lai, suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng và cảm thấy đặc biệt mệt mỏi hoặc ít năng lượng. Người bị trầm cảm có nguy cơ tự tử cao.
Các phương pháp điều trị tâm lý hiện nay cho trầm cảm cũng đều đã có, và tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc cũng có thể được cân nhắc.
Rối loạn lưỡng cực
Năm 2019, 40 triệu người trên thế giới bị rối loạn lưỡng cực. Những người bị rối loạn lưỡng cực trải qua các giai đoạn trầm cảm xen kẽ với các giai đoạn có các triệu chứng hưng cảm.
Trong một giai đoạn trầm cảm, người bệnh trải qua tâm trạng chán nản (cảm thấy buồn, cáu kỉnh, trống rỗng) hoặc mất niềm vui hoặc hứng thú với các hoạt động, trong hầu hết thời gian trong ngày, xảy ra gần như mỗi ngày.
Các triệu chứng hưng cảm có thể bao gồm hưng phấn hoặc cáu gắt, tăng hoạt động hoặc năng lượng, và có thể kèm theo các triệu chứng như nói nhiều, tăng lòng tự trọng, giảm nhu cầu ngủ, mất tập trung và hành vi liều lĩnh bốc đồng. Những người bị rối loạn lưỡng cực cũng có nguy cơ tự tử cao.
Có nhiều phương án điều trị tâm lý cho những bệnh nhân này như giáo dục tâm lý, giảm căng thẳng và tăng cường chức năng xã hội. Vấn đề tâm lý này cũng có thể điều trị bằng thuốc.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
Tỷ lệ mắc PTSD và các vấn đề tâm lý khác thường cao ở những môi trường bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoặc xung đột. PTSD có thể khởi phát sau khi bệnh nhân tiếp xúc với một hoặc một chuỗi sự kiện cực kỳ đe dọa hoặc khủng khiếp.
Nó được đặc trưng bởi các triệu chứng sau: trải nghiệm lại (các) sự kiện đau thương đã qua trong hiện tại (ký ức xâm lấn, hồi tưởng hoặc ác mộng); tránh những suy nghĩ và ký ức về (các) sự kiện đã qua, hoặc tránh các hoạt động, tình huống, cá nhân gợi nhớ đến (các) sự kiện đã qua; và có cảm giác dai dẳng về mối đe dọa tăng cao trong hiện tại.
Những triệu chứng này tồn tại ít nhất vài tuần và gây suy giảm đáng kể các chức năng của cơ thể. Cũng tương tự như các vấn đề tâm lý khác, có nhiều phương án điều trị tâm lý cho vấn đề này.
Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người hoặc nói cách khác cứ 300 người sẽ có 1 người gặp phải vấn đề tâm lý này trên toàn thế giới. Những người bị tâm thần phân liệt có tuổi thọ trung bình thấp hơn từ 10-20 năm so với người bình thường.
Vấn đề tâm lý này đặc trưng bởi sự suy giảm nhận thức và thay đổi hành vi đáng kể ở người mắc phải. Các triệu chứng có thể bao gồm ảo tưởng dai dẳng, ảo giác, suy nghĩ vô tổ chức, hành vi vô tổ chức cao hoặc kích động cực độ. Những người bị tâm thần phân liệt có thể gặp khó khăn dai dẳng với chức năng nhận thức của họ.
May mắn rằng hiện có nhiều lựa chọn điều trị có hiệu quả với tâm thần phân liệt, bao gồm điều trị bằng thuốc, điều trị tâm lý, can thiệp của gia đình và phục hồi chức năng tâm lý xã hội.
Rối loạn ăn uống
Năm 2019, 14 triệu người bị rối loạn ăn uống bao gồm gần 3 triệu trẻ em và thanh thiếu niên. Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn tâm thần và cuồng ăn, liên quan đến việc ăn uống bất thường và ám ảnh về thức ăn, đồng thời lo lắng về cân nặng và hình thể.
Vấn đề tâm lý này gây tổn hại lớn đến sức khỏe, và làm suy giảm đáng kể chức năng sống. Chứng chán ăn tâm thần thường khởi phát sớm ở tuổi thiếu niên hoặc giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành, có nguy cơ gây tử vong sớm do các biến chứng y khoa hoặc tự tử.
Chứng cuồng ăn có nguy cơ làm người mắc phải sử dụng chất gây nghiện, tự tử và gặp các biến chứng về sức khỏe. Hiện nay, đã có những phương pháp điều trị rối loạn ăn uống bao gồm điều trị tâm lý và can thiệp của gia đình.
Rối loạn hành vi phá hoại và rối loạn chống đối xã hội
Ước tính vào năm 2019 có hơn 40 triệu người, bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên đang mắc phải vấn đề tâm lý này. Vấn đề này đặc trưng bởi các hành vi như liên tục thách thức hoặc không vâng lời, vi phạm các quyền cơ bản của người khác hoặc vi phạm các chuẩn mực, quy tắc hoặc pháp luật phù hợp với lứa tuổi, lặp đi lặp lại dai dẳng.
Sự khởi phát của các rối loạn này thưởng bắt đầu từ thời thơ ấu và hiện đã có các phương pháp điều trị tâm lý hiệu quả thường yêu cầu có sự tham gia của cha mẹ, người chăm sóc và giáo viên, giải quyết vấn đề nhận thức hoặc đào tạo kỹ năng xã hội.
Rối loạn phát triển thần kinh
Rối loạn phát triển thần kinh là rối loạn hành vi và nhận thức, khởi phát trong giai đoạn phát triển và liên quan đến những khó khăn trong việc tiếp thu, thực hiện các chức năng trí tuệ, vận động, ngôn ngữ hoặc xã hội cụ thể.
Rối loạn phát triển thần kinh bao gồm rối loạn phát triển trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và nhiều bệnh khác. ADHD đặc trưng bởi sự thiếu tập trung và/hoặc hiếu động thái quá dai dẳng, có tác động tiêu cực trực tiếp đến hoạt động học tập, nghề nghiệp hoặc xã hội.
Rối loạn phát triển trí tuệ đặc trưng bởi những hạn chế đáng kể về khả năng tư duy và thích nghi với môi trường sống, gây khó khăn trong các kỹ năng hàng ngày như: tư duy trừu tượng, kỹ năng xã hội và kỹ năng thực hành. Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một nhóm các tình trạng đa dạng, đặc trưng bởi những khó khăn trong giao tiếp xã hội, tương tác qua lại với người khác, cùng với các hành vi, sở thích hoặc hoạt động lặp đi lặp lại, hạn chế và không linh hoạt.
Hiện đã có các phương pháp điều trị tâm lý cho các rối loạn phát triển thần kinh, và tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng, điều trị bằng thuốc cũng có thể được cân nhắc.
Ai có nguy cơ tiến triển các vấn đề tâm lý?
Có nhiều yếu tố khác nhau từ cá nhân, gia đình cho tới cộng đồng và xã hội có thể ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của một người. Những người thường xuyên phải đối mặt với nghịch cảnh như nghèo đói, bạo lực, tàn tật, bất bình đẳng,… có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý hơn.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như tâm sinh lý và di truyền cũng được cho là có ảnh hưởng tới nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý.
Phải làm gì nếu tôi có các vấn đề tâm lý trên?
Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ vấn đề tâm lý nào được đề cập trong bài viết này, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Rối loạn tâm lý là những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bạn, nhưng chúng hoàn toàn có thể điều trị được.
Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện:
Liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm lý: Họ có thể đánh giá tình trạng của bạn, chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Chia sẻ với người thân hoặc bạn bè: Chia sẻ những gì bạn đang trải qua với những người bạn tin tưởng có thể giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn và nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Tham gia các nhóm hỗ trợ: Các nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn kết nối với những người khác đang trải qua những vấn đề tương tự và chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ lẫn nhau.
Tìm hiểu về các nguồn lực hỗ trợ: Có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ sẵn có cho những người mắc các vấn đề tâm lý, bao gồm các đường dây nóng, trang web và các tổ chức phi lợi nhuận.
Điều trị sớm và hiệu quả có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và sống một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa.
Tham khảo:
1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-disorders
2. https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/bipolar-disorder/overview/